Bài 7: Con Rắn và Thật tướng của Ngã



Con rắn và thật tướng của Ngã

(Trích một số bài Pháp Thoại của Lama Zopa Rinpoche tại Hoa Kỳ. Anh Nguyễn chuyển ngữ)
 

Hình dung lúc chạng vạng tối bạn nhìn thấy một cuộn dây từng nhiều màu trên đường đi. Vì trời tối và vì cách cuộn dây thừng được cuốn lại, bạn nhìn không rõ nên thoạt đầu khi thấy ảnh hiện này bạn định danh cho nó là “con rắn”. Sau khi định danh cảnh hiện đó là “con rắn”, con rắn trình hiện trước bạn. Bạn không hay biết rằng, bạn quên rằng, cái con rắn xuất hiện trước bạn chỉ thuần là do tâm của bạn định danh cho nó. Bạn không nhận ra điều ấy vì con rắn không hiện tiền như một thứ được định danh.
Trước hết, bạn trông thấy một cảnh hiện lờ mờ được cuộn lại nằm trong bóng tối. Trước khi bạn áp cái nhãn “Con rắn”, chưa có sự xuất hiện của con rắn trước bạn. Chỉ sau khi bạn định danh “con rắn” và tin vào chính cái mình tự định ra thì con rắn mới xuất hiện. Con rắn không trình hiện như đã bị định danh, nó trình hiện như một con rắn thật, không bị định danh, một con rắn tồn tại độc lập. Nó trình hiện như có sự hiện hữu có tự tính.
Ví dụ này rất dễ hiểu. Không có con rắn thật ở đó. Không có con rắn tồn tại độc lập, có tự tính. Trong trường hợp này, ngay cả con rắn thật cũng không có. Bạn không thể tìm thấy con rắn nào trên bất cứ thành phần nào của sợi dây thừng. Bạn không tìm thấy con rắn ở đâu cả. Bạn định danh “con rắn” thì con rắn xuất hiện trước bạn, nhưng con rắn đó không trình hiện như là một định danh, nó xuất hiện như một thực thể độc lập. Con rắn đó trình hiện trước bạn - người cảm nhận nó,  như một con rắn cụ thể, thực có cho đến khi bạn chiếu đèn flash vào nó và nhận chân rằng đó chỉ là cuộn dây thừng. Cho đến khi đó, cái con rắn thực có và tồn tại độc lập, trình hiện trước các giác quan và tâm thức của bạn. Bạn có thể thấy rằng đây hoàn toàn là cảnh huyễn.
Bây giờ, ta đưa ra một ví dụ liên quan tới cái “Tôi”. Chúng ta định danh cái “Tôi” dựa vào hợp uẩn của mình. Sau khi đã định danh “Tôi” xong, chúng ta bắt đầu tin vào chính định danh ấy, và rồi cái “Tôi” trình hiện trước chúng ta. Tư duy lập danh cho cái “tôi” không phải là vô minh, vốn là gốc rễ của luân hồi sinh tử.  Tri kiến đó không sai.
Trước hết, rõ ràng là khi ta nói về “thân thể tôi” hoặc “Tâm thức tôi”, thì “tôi” là chủ sở hữu và thân thể hay tâm thức là vật được sở hữu. Chủ sở hữu và vật sở hữu không thể là một, chúng khác nhau.  Vì thế, tâm thức không phải là “Tôi” – tâm thức là vật sở hữu, “Tôi” là chủ sở hữu. Vì “Tôi” là đối tượng nhận và tập hợp ngũ uẩn là đối tượng được nhận, chúng không thể là một, chúng khác nhau.
Không có uẩn nào trong năm uẩn là “tôi” cả. Uẩn sắc tướng không phải là “tôi”, uẩn cảm thọ không phải là “tôi”, uẩn ấn tượng không phải là “tôi”, uẩn diễn biến tâm lý hay uẩn chủ thức cũng không phải là “tôi”, ngay cả tập hợp năm uẩn cũng không phải là “tôi”. Cái “tôi” ấy chẳng thể nào tìm thấy ở đâu cả trên các hợp uẩn này, từ đầu cho tới chân chúng ta.  Cái “tôi” không tồn tại nơi đâu hết, từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài. Cái “tôi” không hề tồn tại trong thân thể cũng như trong tâm thức của chúng ta. Ta không thể tìm ra nó được.
Nhưng vẫn có một cái “tôi” trong tu viện này. Tôi đang ở trong tu viện này không ngoài lý do gì hơn các ngũ uẩn của tôi, hợp thể thân và tâm của tôi, hiện đang ở trong tu viện này. Chỉ vì như thế mà tôi tin rằng: “ Tôi đang ở đây, trong tu viện này”. Đó là một khái niệm, một ý tưởng. Vì hợp thể ngũ uẩn của tôi ở  nơi này nên tôi tin rằng: “tôi đang ở đây, trong tu viện này”, song hợp thể ngũ uẩn đâu phải là “tôi”, vì chúng là cơ sở để định danh “tôi” và cái “tôi” này không thể nào tìm thấy trên chúng.  Không có một cái “tôi” nào trên năm uẩn này cả. Trước hết là phải rõ ràng như thế.
Thế thì “tôi” là cái gì? “Tôi” tồn tại như thế nào?  Điều này hết sức thâm diệu và vô cùng vi tế. Không có cái “tôi” trên ngũ uẩn nhưng lại có cái “tôi” trong tu viện này. Cái gọi là “tôi” chẳng có gì hơn chính là cái do tâm định danh mà có. Đó là một hiện thực. Đó chính là duyên sinh vi tế theo quan điểm của Trung Quán tông, quan điểm vốn rất khó trực nhận. Cái “tôi” tồn tại như thế nào là cực kỳ vi tế, vi tế đến mức có thể dễ dàng rơi vào đoạn kiến cho rằng cái “tôi” hoàn toàn không tồn tại và rơi vào chủ nghĩa hư vô. Điều này rất nguy hiểm. Quan điểm của Trung Quán tông về duyên sinh vô cùng vi tế. Không phải là cái “tôi” không tồn tại nhưng nó tồn tại như thể nó không tồn tại. Hết sức thâm diệu, hết sức vi tế.
Đó là thực có của cái “tôi”, nhưng cái tôi không trình hiện trước chúng ta theo cách ấy. Cái tôi trình hiện như một cái khác, một cái gì đó cụ thể, độc lập và hiện hữu có tự tính. Sau khi cái “tôi” được định danh, tại sao nó xuất hiện như thật có? Tại sao nó không trình hiện như một định danh? Tại sao nó không trình hiện trước chúng ta như thực có? Tại sao nó trình hiện đối nghịch – độc lập và tồn tại có tự tính?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...