Muốn sống hạnh phúc, đừng làm 10 điều này!

Năm ngoái, Tạp chí Nghiên Cứu về Hạnh Phúc có đăng một báo cáo nghiên cứu của Michael Minkov và Michael Harris Bond trong đó hai ông tuyên bố rằng hạnh phúc có hàm chứa yếu tố của gen – tức là một số người mang sẵn trong mình những tố chất để sống hạnh phúc  an nhiên hơn người khác. Song điều này không có nghĩa là bạn không thể xoay chuyển tình thế những khi gặp ưu phiền. Dù gen của bạn có quyết định như thế nào đi chăng nữa thì cũng vẫn có một số cách đã được thực chứng giúp bạn sống hạnh phúc và lạc quan hơn.
Hãy thử đừng làm 10 điều sau đây, chắc chắn bạn sẽ thấy mình sống hạnh phúc hơn.
1. Dằn vặt về quá khứ
Chú trọng quá nhiều vào những điều đã xảy ra trong quá khứ sẽ không cho phép bạn sống hết mình với hiện tại và hướng về tương lai. Quá khứ không thể thay đổi cho nên tập trung vào những vấn đề không có lời giải đáp chắc chắn sẽ lôi kéo bạn vào trạng thái ưu phiền ủ dột. Tốt hơn bạn hãy sống cho hiện tại và hướng luồng năng lượng của bạn vào những gì mình có thể thực hiện được thay vì những gì mình không thể xoay chuyển hoặc không thể thay đổi được.
2. Tự mãn về bản thân
Mặc dù hướng sự tập trung vào những gì bạn đang làm ngay tại thời điểm này là điều quan trọng, nhưng bạn có thể đạt được hạnh phúc lâu bền bằng cách suy nghĩ về những gì bạn mong muốn trong tương lai và có những chuẩn bị để đạt được điều đó. Đừng tự mãn với những gì mình đang có. Cho dù đó là việc hệ trọng như  một công việc mới, một sự nghiệp mới hay những điều nho nhỏ như tạo lập một thói quen mới, hãy luôn cố gắng phát triển và mở rộng kỹ năng của mình, bạn sẽ tự tạo cho minh những cơ hội mới đầy thú vị.
3. Tốn nhiều thời gian trên mạng xã hội
Nghiên cứu gần đây của Khoa Y thuộc trường Đại Học Pittburgh kết luận rằng việc sử dụng mạng xã hội và chứng trầm cảm có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả chúng ta đều biết về mạng xã hội nhưng đôi khi lại quên thừa nhận rằng người ta chỉ đưa lên mạng những phiên bản tốt đẹp nhất về bản thân họ. Điều này gây ra sự ganh ghen đố kỵ do thấy người khác hơn mình và sự đố kỵ này dẫn đến nỗi chán chường thất vọng (về bản thân). Bạn hãy nhớ rằng mỗi người đi theo lối đi riêng và nhịp độ riêng của họ. Hãy dẹp bỏ bớt mạng xã hội đi và bắt đầu sống riêng cho mình chứ đừng sống qua sự trải nghiệm gián tiếp từ người khác.
4. Quên mất JOMO
Mạng xã hội tạo ra hiệu ứng FOMO  (fear of missing out) - cảm giác lo sợ mình bị quên lãng. Thay vào đó hãy nghĩ về JOMO (joy of missing out), tức là niềm hân hoan vì được quên lãng. Thực hành chánh niệm, một trạng thái tinh thần ý thức trọn vẹn được hiện tại và gắn kết với hiện tại. Sống có chánh niệm sẽ mở ra cho bạn sự trải nghiệm những điều mới mẻ mà đáng ra bạn sẽ bỏ sót. Quan trọng không kém, sống chánh niệm sẽ giúp bạn giảm thiểu những sao nhãng, suy nghĩ vẩn vơ không cần thiết.
5. Bỏ qua những niềm vui nho nhỏ
Một ngày đẹp trời. Một chú chó nhỏ xinh xắn đang chạy đến bên bạn. Một tách cà phê thơm, một bản nhạc hay. Một ngày 24 giờ và trong suốt quãng thời gian đó thế nào cũng có những niềm vui xuất hiện, niềm vui giản đơn và nho nhỏ như thế, dù có khi chỉ là 1 phút thôi. Bạn hãy biết trân trọng những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống.
6. Nằm lì trên ghế sofa
Đừng nằm lì trên ghế sofa hết giờ nọ sang giờ kia để xem TV, ăn uống, liên miên trên mạng xã hội “chém gió.”, câu Like, sống ảo. Sự luyện tập thể lực từ lâu đã gắn liền với hạnh phúc. Khi bạn tập thể thao, não bạn tiết ra chất endorphins và monoamines, những chất hóa học này giúp cơ thể chống chọi với đau nhức, stress và một số loại rối loạn tinh thần như lo lắng bồn chồn. Đó là lý do vì sao luyện tập thể thao không chỉ làm bạn khỏe mạnh hơn mà còn giúp bạn vui sống hơn.
7. Để cho những điều không vui ảnh hưởng đến mình.
Rất thường, từ trong tiềm thức người ta hay có khuynh hướng chọn sự bực bội. Những điều rất nhỏ nhặt cũng có thể làm chúng ta khó chịu và rồi chúng ta để cho những năng lượng tiêu cực đó len lỏi vào cả ngày dài gây mệt mỏi và cáu kỉnh. Thật ra, những chuyện không vui xảy ra với tất cả mọi người. Hãy biết chọn lựa điều gì thực sự quan trọng đối với bạn và điều gì không.  Chọn cách mình tiếp nhận và phản ứng với những điều không vui như thế nào là quyền của bạn. Hãy tự hỏi thay đổi cả thế giới này dễ dàng hay thay đổi chính mình sẽ dễ dàng hơn? Nếu bạn không dành thời gian để đay đi đay lại những suy nghĩ tiêu cực khó chịu thì bạn sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để đón nhận những niềm vui lớn nhỏ trong ngày.
8. Hằn học
Hằn học có liên quan đến giận dữ, sự tổn thương và những cảm giác rất tiêu cực đối với một ai đó.  Bạn có thể nhận biết mình bị ai đó coi thường mình nhưng bám luyến vào những cảm xúc mãnh liệt như thế không bao giờ mang lại niềm vui cho bạn cả. Thay vì thế, hãy cố gắng học cách tha thứ và bỏ qua. Phân tích xem tại sao bạn bị tổn thương. Đồng cảm với người đối xử tệ với mình và nếu cần hãy thể hiện cảm xúc của mình với họ. Nếu mọi thứ diễn biến tốt đẹp thì bạn và người đó sẽ xây dựng được niềm tin và mối quan hệ gắn bó hơn,. Nếu không thì chí ít bạn cũng nên cố gắng bỏ qua và tha thứ.
9. Bỏ lơ các mối quan hệ.
Trong thế giới công nghệ số ngày nay, dành thời gian cho những cuộc gặp mặt càng ngày càng trở nên khó khăn. Nhưng chính vì khó khăn như thế nên gặp mặt nhau trực tiếp mới thật là quan trọng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người có nhiều bạn bè không chỉ hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn mà họ còn hồi phục bệnh tật nhanh hơn, rủi ro mắc bệnh tật thấp hơn và họ có khuynh hướng suy nghĩ tích cực hơn vì họ biết rằng luôn luôn có nhiều người sẽ giúp đỡ hỗ trợ mình.
10.  Quên dành thời gian làm những việc bạn yêu thích
Đam mê của bạn là gì? Dù cho các hoạt động đó là chút khùng điên, nhỏ bé hay khó khăn đến mấy, bạn cũng nên ráng dành ra chút thời gian theo đuổi những việc khiến bạn vui. Thời gian luôn là thứ hệ trong trong thế giới đương đại này nhưng bạn sẽ cảm thấy như con kiến bò phải cành cụt nếu như bạn không dừng lại một chút để nghỉ ngơi và làm những gì mình thật sự đam mê yêu thích.
Thường thì hạnh phúc là sự chọn lựa. Hy vọng đó không phải là một sự chọn lựa quá gian nan.  Hãy dành thời gian suy ngẫm về những gì thực sự quan trọng đối với bạn và chắc chắn rằng mình phải theo nó tới cùng dù gì xảy ra đi nữa. 
Jennifer Cohen
28 Feb 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...