(Trích từ tác phẩm "Thực Tướng của Sự Vật" - Lama Zopa Rinpoche, tập hợp các bài Pháp thoại của Ngài tại Hoa Kỳ. Anh Nguyễn chuyển ngữ.)
Thực hành
tâm Bồ đề, hay còn gọi là tâm từ bi, để thành tựu hạnh phúc cho bản thân và đặc
biệt thành tựu hạnh phúc cho các chúng sinh hữu tình là cực kỳ quan trọng.
Để phát khởi
nhận thức về tâm bồ đề, tâm giác ngộ bao la, cánh cửa dẫn đến con đường giác ngộ
giải thoát của Đại Thừa, chúng ta cần trước tiên phát tâm xả ly luân hồi. Để
phát khởi tâm xả ly luân hồi, trước hết chúng ta cần phát tâm đoạn lìa đời sống
ta bà, buông bỏ tham luyến vào đời sống này. Những ham muốn thế tục dính mắc
vào đời sống này là trở ngại cơ bản cho các hành vi thuộc thân, khẩu, ý của ta
trở thành thiện Pháp. Chúng ta phải đoạn trừ những phiền não thế tục vốn không
chỉ bám víu vào hạnh phúc của ta mà là hạnh phúc của cả kiếp sống này.
Chúng ta
phải giải thoát mình khỏi những phiền não thế tục, vốn là gốc rễ của mọi bất hạnh
ta phải trải nghiệm trong đời sống hàng ngày. Chấp bám là chướng ngại chính
trong việc thực hành chánh Pháp và là cội nguồn của mọi mê lầm. Để vượt qua chướng
ngại này, chúng ta cần thiền định trên đạo lộ của các chúng sinh hàng hạ căn (Hạ
phẩm trượng phu).
Nếu không có
tâm từ bi, ta sẽ nuôi dưỡng ái trọng tự thân. Sân hận, một tâm tham luyến không
bao giờ biết đủ, tính đố kỵ và tất cả những vọng kiến khác đều từ đó mà khởi
lên. Tâm ái trọng tự thân cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm tuệ,
trừ khử vô minh. Khi nương vào ái trọng tự thân, chúng ta sẽ rơi vào vô minh.
Không có lòng
nhân ái, một trái tim từ bi, các vọng kiến sẽ gây nguy hại cho ta và các chúng
sinh khác. Từ lúc sinh ra cho đến giờ, khi không thực hành lòng bi mẫn, yêu
thương, khi tâm ta bị ái trong tự thân và các phiền não chướng thao túng, chúng
ta đã gây đau khổ cho biết bao chúng sinh khác. Khi bản chất của tâm không nhẫn
nhịn, không bi mẫn, chúng ta mang lại bất hạnh cho nhiều chúng sinh trong kiếp
này, cả người lẫn các động vật xung quanh mình.
Nếu chúng ta
đã hoàn toàn trừ khử được các niệm phiền não trong quá khứ thì chẳng có lý do
gì để chúng khởi lên trong kiếp này, không có lý do gì phải sinh ra cùng với
chúng. Chính bởi chúng ta không trừ khử chúng trong các kiếp sống đã qua nên
chúng ta sinh ra với cái tâm chỉ biết đến bản thân mình, chỉ ưu ái bản ngã của
mình và các suy niệm mê lầm khác. Từ vô thủy sinh tử luân hồi, chúng ta không dẹp
bỏ được sự ái trọng tự thân, vô minh, giận dữ, tham luyến cho nên chúng ta gây
ra đau khổ cho không chi riêng mình mà cho vô số các hữu tình khác từ những suy
nghĩ lầm lạc đó. Nếu chúng ta không làm gì để thay đổi các vọng kiến này thì những
hậu quả tương tự lại tiếp tục xảy ra trong cái kiếp sống tương lai. Từ kiếp này qua kiếp khác, liên tục, chúng ta
gây ra khổ đau cho mình và các hữu tình.
Với một trái
tim nhân ái, lòng bi mẫn dành cho tha nhân, các chúng sinh khác sẽ không bị ta
gây hại nữa, bắt đầu từ gia đình, những người thân cận gần gũi nhất, những người
chúng ta cùng chung sống, cùng ăn, cùng làm việc, giao hảo trong đời sống hàng
ngày. Nếu có lòng bi mẫn, bắt đầu từ gia đình và lan tỏa đến các chúng sinh
khác, chẳng ai bị ta gây hại nữa và ai cũng nhận được phúc lạc. Không nhận được
nguy hiểm do ta gây ra tức là họ đã nhận được an lạc từ chúng ta rồi đó. Sự an lạc này phụ thuộc rất nhiều vào chúng
ta.
Ngoài ra, nhờ
tâm bi mẫn, chúng ta không gây hại cho tha nhân, chúng ta mang tới lợi ích cho
chúng sinh, bắt đầu từ những người gần gũi ta nhất và lan tỏa đến tất cả các
chúng sinh khác. Chúng ta làm lợi ích cho tha nhân, giải thoát họ khỏi khổ đau
và mang lại an lạc. Đó chính là tác dụng của tâm bi mẫn: Chúng ta làm lợi lạc
chúng sinh bằng hành động của mình.
Nếu có
tâm bi mẫn, tất cả các chúng sinh khác đều nhận được an lạc hạnh phúc. Nếu không
có tâm bi mẫn, nếu ta không thay đổi thái độ mà cho phép sự ưu ái bản ngã và những
tri kiến lầm lạc kiểm soát tâm thức thì những người khác sẽ phải gánh chịu cái
hại do ta gây ra, bắt đầu từ những người gần ta nhất cho đến tất cả các chúng
sinh khác. Vì thế chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về hạnh phúc của các
chúng sinh. Mỗi chúng ta chịu hoàn toàn trách nhiệm làm dịu khổ đau của họ và
mang đến cho họ nguồn hạnh phúc tạm thời và đặc biệt hạnh phúc dài lâu.
Cũng không
quan trọng gì khi cả gia đình còn lại của chúng ta có thực hành tâm bi mẫn hay
không. Cũng không quan trọng nếu họ không thương ta mà chỉ hại ta. Cũng
không quan trọng khi hàng triệu người trên đất nước này ghét ta, hại ta.
Ngay cả khi mọi chúng sinh thù hận và gây hại cho ta thì cũng chẳng có gì phải
quá đau đớn bởi vì ta chỉ có một mình. Nếu có chịu đau khổ, ngay cả khi phải đọa
sinh nơi địa ngục, ta cũng chỉ có một thân một mình, không có gì phải quá khổ sở.
Ngay cả nếu chúng ta thành tựu giải thoát, đạt được hạnh phúc rốt ráo cho chính
mình, thì cũng chẳng có gì phải quá vui sướng vì chúng ta chỉ là một người, một
cá thể.
Tuy nhiên, nếu
chúng ta, một thân một mình, không có lòng từ ái trong tâm, thì có một hiểm
họa là ta có thể gây hại cho vô số hữu tình. Đấy mới là điều hãi hùng hơn nhiều. Đã từng xảy ra trên thế giới này khi một cá
nhân sát hại rất nhiều triệu người. Vì không thực hành lòng lòng từ bi nhẫn nhịn,
một cá nhân có thể mang lại vô vàn đau khổ cho hàng triệu chúng sinh, chưa kể
các muông thú đang sinh sống trên mặt đất, ở biển khơi cũng bị đe dọa hoặc tiêu
diệt.
Nếu chính
chúng ta không thực hành lòng bi mẫn thì có nguy cơ chúng ta cũng sẽ gây hại
cho vô số các chúng sinh. Đối với chúng ta, một cá nhân, việc trước tiên phải
thực hành lòng nhân từ là vô cùng hệ trọng, hệ trọng với các chúng sinh khác, hệ
trọng đối với người đang sống chung cùng ta còn hệ trọng hơn nữa nếu ta có 5, 10 người khác nữa trong gia đình. Cho hàng
triệu người đang sống chung với chúng ta trong một quốc gia, việc thực hành
lòng nhân từ lại càng quan trọng và quan trọng hơn hết thảy là cả hằng hà sa số
những chúng sinh trong cả sáu nẻo luân hồi. Vì chúng sinh đau khổ là vô lượng
vô biên nên việc từng cá nhân thực hành lòng bi mẫn trở nên tối quan trọng.
Chúng ta hãy
thực hành lòng bi mẫn, hãy phát khởi tâm bồ đề đến tất cả các chúng sinh khác.
Trong hành động của mình, chúng ta hãy loại bỏ việc gây hại cho tha nhân và phải
mang đến lợi ích cho họ. Nếu không mang lại được lợi ích gì thì chí ít cũng đừng
gây hại cho họ. Cách thực hành tối thiểu nhất là không được gây nguy hại cho
người khác. Nếu chúng ta không thể dừng việc gây hại cho các chúng sinh khác
thì sẽ chẳng có thực hành tâm linh nào, chẳng có thực hành thiện Pháp nào cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét