Ba hạng chúng sinh
(Trích các bài Pháp thoại của Lama Zopa Rinpoche tại Hoa Kỳ. Chân Như chuyển Việt ngữ)
Lam rim có
những đạo lộ tu tập dành cho các hành giả với 3 loại căn cơ khác nhau. Động cơ
của những hành giả tu tập trên đạo lộ dành cho chúng sinh hạ căn là động cơ
buông bỏ hoàn toàn cuộc đời này, đoạn lìa toàn bộ những bám víu vào kiếp sống
hiện tại. Thái độ đó được phát khởi từ việc thiền định về tái sinh trong thân
người hoàn hảo (Có được thân người tràn đầy ý nghĩa và khó lòng gặp lại), về vô
thường và về cái chết (Cái chết chắc chắn sẽ xảy ra, nó có thể xảy ra bất kỳ
lúc nào và tại thời điểm đó, không có bất cứ điều gì – gia đình, những người
xung quanh, của cải sở hữu hay chính thân xác của ta, có thể đem đến lợi lạc
cho ta trừ chánh Pháp) và thiền định về khổ đau. Nếu chúng ta chết đi mà không
thanh tẩy được các nghiệp bất thiện thì từ việc tạo ra các nghiệp đó, chúng ta
sẽ tái sinh vào các cõi giới thấp hơn sau khi chết, như địa ngục, ngã quỷ hoặc
súc sinh. Nếu đọa sinh vào những nơi đó, chúng ta sẽ không có an lạc và không
có cơ hội thực hành chánh Pháp. Chúng ta sẽ phải kinh nghiệm qua những đau đớn
cường liệt nhất. Vì thế, chúng ta cũng quán tưởng về nghiệp quả.
Bằng cách
phát khởi những chứng ngộ từ thiền định, hành giả cắt đứt mọi tham luyến vào cuộc
đời. Mục đích của chúng sinh hạ căn là đạt được hạnh phúc trong các kiếp sống
tương lai như làm chư thiên, làm người và để đạt được mục tiêu đó họ thực hành
quy y và giữ gìn nghiệp quả. Điểm chính căn bản là giữ gìn nghiệp quả. Chúng ta
nhận ra những lầm lỗi của 10 hành vi xấu ác (nd: 10 nghiệp bất thiện: Giết hại,
trộm cắp, tà dâm, nói láo, nói lời chia rẽ, nói chuyện phù phiếm, nói nặng lời,
tham lam, ác ý và tà kiến), sự nguy hiểm của chúng và cội rễ khổ đau do chúng gây ra, nhận thấy được lợi lạc của cuộc sống đức
hạnh như không phạm vào mười nghiệp bất thiện, tức là thực hành 10 hành vi đức
hạnh (nd: mười thiện nghiệp). Nói cách khác, hành giả giữ gìn nghiệp quả của
mình và thực hành đời sống đức hạnh để thành tựu hạnh phúc trong các kiếp sống
về sau.
Đối với những
chúng sinh ở hạng trung căn (trung phẩm trượng phu), trên cơ bản của động cơ cắt
đứt tham luyến vào đời sống này, sau đó đoạn lìa các dính mắc vào toàn bộ sinh
tử luân hồi, vào những sung sướng hưởng lạc từ cõi Ta bà trầm luân. Họ không có
bất cứ một mảy may quan tâm đến luân hồi hay hạnh phúc trong sinh tử luân hồi,
họ phát tâm xả ly buông bỏ toàn bộ luân hồi bằng sự quán chiếu những đau khổ của
luân hồi: Những đau khổ nói chung của luân hồi và những đau khổ riêng của thượng
giới và cõi người.
Mục tiêu của
những hành giả này thành tựu giải thoát cho bản thân, thoát khỏi vòng luân hồi
sinh tử hay nói cách khác, thoát khỏi đau khổ và gốc rễ của đau khổ. Để thành tựu
giải thoát cho bản thân, hành giả thực hành những những huân tập về giới hạnh
và quán tưởng ở trình độ cao hơn, tức là thiền chỉ, hay trạng thái an trụ, và
trên cơ sở đó huân tập sâu hơn về thiền quán (minh sát tuệ). Thực hành của
chúng sinh căn cơ hạng trung cũng dựa trên thực hành mười nghiệp thiện (Thập
thiện nghiệp), giống như thực hành của chúng sinh hạ căn. Sự khác biệt là ở mục
tiêu cứu cánh.
Với hành giả
tu tập trên đạo lộ dành cho chúng sinh thượng căn (thượng phẩm trượng phu), với
tâm buông xả hoàn toàn sinh tử luân hồi, xem nó như trung tâm của một vòng lửa,
họ quán sát chúng sinh đang lăn trôi đau khổ trong luân hồi và phát tâm đại bi,
cảm thấy không thể chịu nổi khi nhìn các chúng sinh mẹ hiền đang trầm luân trong
cõi Ta bà. Thấy chúng sinh trong dòng sinh tử như thấy họ đang kẹt giữa vòng lửa,
không có hạnh phúc dù chỉ một giây. Họ khởi phát tình thương mãnh liệt khi thấy
các hữu tình đang khổ đau.
Tâm bi mẫn
quán chiếu các hữu tình đang đau khổ trong dòng luân hồi trở thành nguyên nhân
phát khởi các nguyện từ bi giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ và nguồn gốc của
đau khổ. Để thực hiện được điều đó, hành giả phải có khả năng nhận hiểu tất cả
các cấp độ khác biệt của tâm thức của các hữu tình. Lấy ví dụ về một bác sĩ chẳng
hạn, bác sĩ không thể chữa dứt bệnh cho bệnh nhân nếu không biết bệnh nhân mắc
phải những bệnh gì cũng như các điều trị nên được áp dụng ở các thời điểm khác
nhau, hay cùng một thời điểm để điều trị bệnh. Bác sĩ phải hiểu từng chẩn đoán
một thì mới có thể chữa dứt bệnh cho mỗi bệnh nhận. Nếu bác sĩ không có kiến thức
đó, họ không thể điều trị hoàn hảo cho bệnh nhân được. Tương tự, hành giả cần
phải hiểu tất cả các cấp độ khác nhau của tâm thức và đặc tính của từng chúng
sinh cũng như những phương pháp khác nhau để hướng dẫn họ, giải thoát cho họ khỏi khổ đau và mê mờ, dẫn
dắt họ tới hạnh phúc tối thượng của giác ngộ viên mãn. Vì chỉ có trí toàn giác
mới có thể liễu tri mọi sự, hành giả phải thành tựu trí tuệ toàn giác vì tất cả
chúng sinh hữu tình, giải phóng họ khỏi khổ đau và dẫn họ tới giác ngộ.
Tâm bi mẫn
trở thành nguyên nhân để phát khởi tâm bồ đề, nguyện ước sâu sắc thành tựu quả
vị giác ngộ cho tất cả chúng sinh. Đây chính là động lực của các hành giả hạng
thượng căn. Mục tiêu của họ là thành tựu giác ngộ, hay giải thoát rốt ráo cho các
hữu tình. Để đạt được mục tiêu ấy, hành
giả thực hành các hạnh Bồ Tát, sáu Ba la mật, và trên hết, những vị huân tập mật
thừa cũng thực hành con đường mật thừa. Bằng cách đó, họ kết hợp thực hành cả
trí tuệ với phương tiện thiện xảo.
Các hành giả
thượng căn thực hành sáu hạnh Ba la mật và mật thừa dựa trên thực hành tam vô lậu
học (giới, định, tuệ) của các hành giả trung căn và các thực hành của hành giả
hạ căn như bảo vệ nghiệp và sống đời sống đức hạnh của mười thiện nghiệp.
Ngoài 3 loại
chúng sinh kể trên, có những chúng sinh chỉ sống để hưởng thụ lạc thú của cõi đời
này. Họ là những người bình thường, không có căn cơ gì cả. Chúng sinh bình thường là những người không có nỗ lực
đạt được hạnh phúc xa hơn kiếp sống này mà chỉ phấn đấu cho hạnh phúc của kiếp
hiện tại mà thôi. Ý nghĩa thực sự của cuộc sống, ý nghĩa lớn nhất, với tâm bồ đề
và thực hành sáu hạnh Ba la mật là để thành tựu giác ngộ cho các chúng sinh. Thấp
hơn một bậc là thành tựu giải thoát cho bản thân và thấp hơn một bậc nữa là ít
nhất cũng thành tựu được hạnh phúc cho các kiếp sắp tới, một hạnh phúc trường tồn
sau kiếp sống này.
Nếu chúng ta
nghe giảng Pháp để thành tựu giác ngộ cho tất cả chúng sinh hữu tình, điều đó sẽ
trở thành mục tiêu thành tựu giác ngộ cho các chúng sinh. Nếu ta nghe Pháp chỉ
để thành tựu giải thoát cho chính mình, điều đó trở thành mục đích của chính việc
nghe Pháp thôi. Nếu chúng ta nghe Pháp để đạt được hạnh phúc trong các kiếp kế
tiếp, điều đó sẽ trở thành mục đích chỉ như vậy thôi. Nó sẽ không trở thành lý
tưởng giải thoát hay giác ngộ cho bản thân.
Lúc này, nếu
chúng ta nghe giảng Pháp chỉ với mục đích cho an lạc của kiếp này, để đạt được
quyền bính thế tục hay danh thơm tiếng tốt, thì ngay cả đối tượng ta lắng nghe
là Pháp cũng chẳng còn là Pháp nữa. Cho dù chủ đề là Pháp, nhưng hành động lắng
nghe giáo pháp sẽ không trở thành Pháp vì động cơ lắng nghe không phải là Pháp.
Đó là một động cơ bất thiện của tham muốn thế tục, luyến chấp vào đời sống này.
Ngoài việc
nghe Pháp, bất kỳ hành động nào thực hiện với những tham cầu thế tục nhằm đạt tới
an lạc chỉ cho kiếp này, đều trở thành bất thiện. Hậu quả của những hành vi bất
thiện, theo như tổ Atisha đã từng biện giải, là tái sinh vào ba đường ác.
Ta có thể thấy
rằng hạnh phúc hay khổ đau đều đến từ tâm, không đến từ bên ngoài. Chúng đến từ
thái độ tích cực hoặc tiêu cực của chúng ta trong đời sống hàng ngày. Chúng phụ
thuộc vào cách ta nghĩ, cách ta sống mỗi ngày. Trước hết, hạnh phúc hay đau khổ
không phải không có nguyên nhân. Không có những tác nhân bên ngoài tạo tác ra
chúng đâu. Hạnh phúc hay đau khổ là tạo
tác của tâm và phục thuộc vào thái độ sống tích cực hay tiêu cực của chúng ta.
Tổ Long Thọ
dạy rằng, những nghiệp tạo ra từ vô minh, sân hận, tham lam là bất thiện và tất
cả những khổ đau từ đó mà sinh ra. Có nghĩa là ngã quỷ, súc sinh, địa ngục đều
xuất phát từ những nghiệp ác. Những nghiệp được sinh ra, được thúc đẩy từ và bởi
tâm thức trong sáng, từ bi, không dính mắc là những nghiệp thiện. Từ những nghiệp
thiện này, hạnh phúc an lạc sẽ nảy sinh.
Từ sáng đến
tối, 24 giờ trong ngày, mọi thứ đều tùy thuộc vào thái độ sống của chúng ta.
Khi tâm ta có thái độ tích cực, nó tạo ra an lạc hạnh phúc. Khi tâm ta có thái
độ tiêu cực, nó phát sinh phiền não. An lạc hạnh phúc ta trải nghiệm mỗi ngày
xuất phát từ tâm thức tích cực và phiền não đau khổ ta trải nghiệm xuất phát từ
tâm thức tiêu cực. Vì thế, chính ta là người tạo tác, chúng ta có một tự do lớn
lao. Vì mọi thứ do tâm mà ra, chúng ta có một quyền tự do rộng lớn để chấm dứt
phiền não và thành tựu hạnh phúc bằng cách chối bỏ các hành động bất thiện và
chuyển hóa tâm thức thành đức hạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét