Bài 5: Thanh Lọc Tâm Thức



Thanh lọc tâm thức

(Trích một số bài Pháp thoại của Lama Zopa tại Hoa Kỳ - Chân Như chuyển ngữ)


Chúng ta có trách nhiệm mang nguồn hỷ lạc vô thượng của quả vị giác ngộ viên mãn cho tha nhân. Vì sao đấy là trách nhiệm của chúng ta? Là bởi vì chúng ta được tái sinh trong thân người thuận duyên. Trước hết, bản thể của tâm là hằng biết và hằng sáng. Chúng ta mang một cái tâm đã có sẵn Phật tính, một bản tính của đấng toàn tri. 

Bầu trời không đồng nhất với những áng mây. Mây là tạm thời, chúng đến rồi đi. Phụ thuộc vào nhân và duyên, mây bay đến; phụ thuộc vào những nhân và duyên khác, mây bay đi, rồi trời quang trở lại. Nó cũng giống như một chiếc gương: tùy thuộc vào các nhân duyên, nó có thể bị uế nhiễm bởi bụi bẩn; rồi theo các nhân duyên khác, các bụi bẩn bám vào gương được gột rửa sạch. Chiếc gương chỉ bị che chướng tạm thời mà thôi. 

Tâm của chúng ta cũng như vậy. Bản thể của tâm là quang minh thuần tịnh và các mê mờ, vọng kiến che phủ - vô minh, chấp bám, sân hận và các phiền não chướng – chỉ là tạm thời, không phải vĩnh viễn thường hằng. Do các nhân duyên, tâm ta bị che lấp rồi do các nhân duyên khác, các mê mờ chướng ngại sẽ được dẹp quang, chúng ta thoát khỏi sợ hãi, tội lỗi và những cảm xúc không mong muốn. 

Hoàn toàn tùy thuộc vào cách chúng ta sống đời sống này và cách chúng ta hành xử với tâm của mình. Hành xử cách này thì che chướng tâm, hành xử cách khác thì giải phóng tâm khỏi các vọng chấp mê mờ và khiến tâm trở nên hoàn toàn tỉnh thức. Tùy thuộc ngay cả vào những hành động ta thực hiện mỗi ngày: một hành động có thể  khiến tâm mê mờ, hành động khác lại giảm thiểu vọng chấp và giải phóng tâm thức. 

Cách ta sống như thế nào, ta làm gì với thân, khẩu và ý nghĩ của mình sẽ tạo ra những hiệu ứng khác nhau trên tâm thức. Hành vi khác nhau sẽ dẫn đến những tác dụng khác nhau nhưng phần lớn phụ thuộc vào thái độ của của chúng ta khi hành xử. Khi hành xử với thái độ tiêu cực, với vô minh, chấp thủ, sân hận hoặc phiền não, thái độ đó ảnh hưởng đến tâm. Nó che mờ tâm thức. Nhưng nếu ta sống một cuộc đời tỉnh giác, không tham luyến, bình thản và với thái độ sống tích cực, ảnh hưởng lên tâm thức sẽ tích cực. Nó giảm thiểu vọng chấp mê lầm và thanh tẩy tâm thức. 

Khi thực hành chân Pháp, tùy thuộc vào cách ta thực hành thiện xảo như thế nào, điều đó sẽ thanh lọc tâm thức của ta. Khi tâm thức càng được thanh lọc thì mê mờ chướng ngại càng ít đi. Khi chúng ta hành động với tâm, khẩu, ý khởi sinh từ vô minh, tham lam, sân hận và thái độ tiêu cực, nó càng che mờ tâm thức của ta. Nó tạo ra sự rối loạn ngày càng nhiều trong đời sống hàng ngày và trong dài lâu, trong những kiếp sống tương lai của chúng ta. Đó là duyên sinh, giống như ví dụ về đám mây trên trời và bụi bẩn bám vào gương. 

Chúng ta trải nghiệm nhiều kiểu đau khổ và hạnh phúc vì thái độ tiêu cực hay tích cực chúng ta tạo ra trong đời mình. Chính bởi những thái độ đó mà khởi sinh ra tâm phiền não hay tâm hỷ lạc. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...