Bài 3: Thiền Định về Vô Thường và Tính Không

Trích từ tác phẩm "Thật Tướng của Sự Vật" của Lama Zopa Rinpoche(một quyển sách tổng hợp các bài thuyết giảng của Ngài tại Hoa Kỳ.)- Anh Nguyễn chuyển ngữ.



Cốt tủy trong lời dạy của Đức Phật là Tứ Thánh Đế (Bốn sự thật cao quý) được thể hiện trong thi kệ sau:

Đừng tạo nghiệp bất thiện,
Chỉ thực hành thiện nghiệp,
Thu nhiếp tâm xuyên suốt
Chính là lời Phật dạy.

Thiền định về vô thường

Nghĩa cốt yếu của thi kệ này là phải nhớ rằng ngã, nghiệp, đối tượng, bạn, thù, người dưng, thân thể này, sở hữu này là vô thường. Chúng thay đổi trong từng sát na bởi các nhân duyên và vì như thế, chúng có thể ngưng hiện hữu bất kỳ lúc nào. Do vậy, chẳng có ý nghĩa gì khi nổi sân, tâm bất toại nguyện và sinh khởi những tri kiến lầm lạc ví dụ như tin vào hằng thường bất biến. Chấp thật vào những sự vật có bản chất vô thường chính là vấn đề căn bản của đời sống và cội nguồn của khổ đau.

Giữ chánh niệm về bản chất (vô thường) của ngã, hành động, đối tượng v.v… sẽ mang lại sự tĩnh lặng cho tâm thức. Nó bảo vệ tâm ta, bảo vệ ta không vướng mắc vào loạn tưởng và vọng kiến. Nó bảo vệ ta khỏi những suy nghĩ và hành động, hay nghiệp, gây nguy hiểm cho ta và cho các chúng sinh hữu tình khác.
Khi sống với chấp thủ vào hằng thường bất biến và các vọng kiến sai lầm khác, chúng ta nhìn thấy sự vật hiện tượng mâu thuẫn với hiện thực,  nơi mà chúng không hề tồn tại. Sống như thế sẽ mang tới biết bao nhiêu vấn đề, hay nói cách khác là sống trong tình trạng mê lầm.
Thiền định về vô thường trong đời sống hàng ngày, nói cách khác, nhận biết được thực tướng của các sự vật là cực kỳ quan trọng. Đó chính là căn bản của hạnh phúc, an lạc và là cách bảo vệ tốt nhất cho cuộc sống của chúng ta.


Thiền định về tính Không


Ngoài thiền định về vô thường, chúng ta cũng nên quán chiếu về tính Không.

Lúc này, khi ta nói: “Tôi đang nghe Pháp” là chúng ta đang đặt tên “tôi đang làm” lên cái mà ngũ uẩn của ta, tức là hợp thể của thân và tâm, đang thực hiện. Nghĩ đến các uẩn và những điều chúng đang thực hiện, ta định danh cho hành động “tôi đang nghe Pháp”. Nếu các uẩn của chúng ta đang ngồi trên ghế, chúng ta nói “tôi đang ngồi trên ghế”. Khi chúng ta nghĩ về cái “Tôi”, nghe thấy chữ “Tôi” hoặc nói về cái “Tôi”, chúng ta đang dán cái nhãn “Tôi” lên các uẩn.
Khi cái “tôi” đang thực hiện hành động nghe giảng Pháp, vì tâm của ta đang chú ý vào câu từ, chúng ta tự định danh là: “tôi đang nghe giảng Pháp”. Và cũng tương tự như vậy đối  với đối tượng, tức là “giảng Pháp”. Cái nhãn “giảng Pháp” được định danh ra thành lời mà chúng ta nghe được.

Khi chúng ta nghĩ về kẻ thù hay nói hoặc nghe thấy từ “kẻ thù”, nó sẽ được lập danh; chúng ta dán nhãn cho một ai đó là “kẻ thù”. Khi nghĩ về những người bạn, chúng ta dùng cái nhãn “bạn bè”. Chúng ta cũng dán một cái nhãn “người dưng” cho hợp uẩn của ai đó mà chúng ta không quen biết.
Khi chúng ta thấy của cải sở hữu của mình, chúng ta lại dán tiếp cái nhãn “của cải sở hữu” lên trên căn bản phụ thuộc đó. Cũng giống như thế cho thân thể của chúng ta.: Khi nghĩ về thân thể của mình hoặc nghe thấy từ “thân thể”, đó là định danh mà chúng ta đặt để vào một cái thân người với đầu và tứ chi. Dựa vào nền tảng đó, chúng ta dãn lên một cái nhãn gọi là “cơ thể”.

Từ sáng đến tối, dù suy nghĩ gì, nói gì, nghe gì, chúng ta đều nghĩ, nói và nghe về những định danh. Chúng ta dán nhãn cho mọi thứ khi chúng ta suy nghĩ. Bất kỳ cuộc đối thoại nào trong nhà hay trong công việc, chúng ta luôn luôn dán nhãn. Chúng ta khiến sự vật tồn tại nhờ định danh, gán tên dán nhãn cho chúng. Bất kỳ khi nào ta nghĩ về bất cứ điều gì, chúng ta nghĩ đến những cái nhãn, tức là những thứ được định danh.

Lấy ví dụ, một vật mà chúng ta dán lên cái nhãn là “chiếc đồng hồ”. Mỗi bộ phận của đồng hồ sẽ được đặt để một định danh mới, dưới mỗi định danh lại có nhiều định danh khác, dưới mỗi định danh khác lại có thêm nhiều định danh khác nữa, cứ như thế tuần tự xuống tới tận các nguyên tử - và ngay cả từ “nguyên tử” cũng chỉ là định danh thuần túy được tạo lập từ một định danh khác. Như đã từng đề cập trong Trung Quán Hệ Quả (thuộc Trung Quán tông) - một trong bốn tông phái chính của triết thuyết Phật giáo, bản thân trong một nguyên tử lại có các hạt nhỏ hơn nữa mà gần đây mới được khoa học phát hiện.

Định danh nọ chồng lên định danh kia, rồi định danh kia lại chồng tiếp lên định danh khác, cứ như thế cho đến tận từng nguyên tử và các hạt thành phần của nó. Vậy cái đồng hồ chỉ là một mớ các định danh, cớ sao ta lại nhìn nó như cái gì có thật?
Mọi thứ, luân hồi hay niết bàn, hạnh phúc hay khổ đau, những  điều chúng ta đề cập từ sáng đến tối – đều là định danh, là tên gọi được quy ước. Mọi thứ đến từ tâm, do tâm lập danh mà có.

Chúng ta có thể hiểu là cái đồng hồ tồn tại phụ thuộc vào một cơ sở cụ thể đang thực hiện chức năng thông báo thời gian và vào ý nghĩ đặt tên cho nó là cái “đồng hồ”. Cái đồng hồ không tồn tại độc lập vì nó không có tự tánh. Chiếc đồng hồ là một duyên sinh. Nó tồn tại phụ thuộc trên một cơ sở thực hiện chức năng thông báo thời gian và phụ thuộc vào tâm. Vì thế cái đồng hồ tồn tại hoàn toàn không có tự tánh.

Từ phía cái đồng hồ thì nó không tồn tại, nhừng từ tâm thức của ta thì nó lại tồn tại. Ta vẫn cảm nhận cái đồng hồ từ tâm thức của mình. Khi ta nghe tiếng “đồng hồ”, nó là một duyên sinh. Cái đồng hồ tồn tại dựa trên hai thứ: Một cơ sở cụ thể nào đó và từ cái tâm định danh cho nó là cái “đồng hồ”. Khi nghe tiếng “đồng hồ”, đó chỉ là một khái niệm do tâm lập danh mà có.  Đồng hồ là một duyên sinh, một định danh mà tâm đặt để vào.

Điều này cũng tương tự như cái “tôi”. Cũng vậy, “tôi” là một duyên sinh. Cái “tôi” phụ thuộc vào năm uẩn và vào ý nghĩ định danh cho đó là “tôi”. Khi bạn nghe thấy tiếng “tôi”, nó có nghĩa là một duyên sinh, một cái gì đó mang tính quy ước, chỉ do tâm lập danh mà thành. Vì “tôi” chỉ là một định danh, nó đến từ tâm. Vì thế cái “tôi” đó tồn tại không có tự tính.
Tương tự cho các đối tượng giác quan khác như Sắc tướng, âm thanh, mùi hương, vị nếm và các cảnh hiện khác. Chúng  thuần chỉ là những thứ do tâm lập danh phụ thuộc trên một cơ sở nào đó. Cái gọi là “sắc tướng” được định danh trên cơ sở màu sắc và hình thù và là đối tượng của thị giác. Phụ thuộc trên cơ sở đó, “sắc tướng” hoàn toàn bị định danh bởi tâm. Tương tự với âm thanh, “âm thanh” chỉ thuần là lập danh của tâm từ một hiện tượng nào đó mà thính giác có thể phân biệt được.

Sắc tướng, âm thanh, mùi hương, vị nếm và các tướng hiện đều chỉ do tâm lập danh dựa trên việc trở thành đối tượng của các giác quan nhất định. Không có một vật gì có thực tướng, có âm thanh thật, mùi vị thật từ tự tính của nó cả. Chúng hoàn toàn trống không. Cái tồn tại chỉ là cái được định danh bởi tâm và từ tâm mà ra. Những pháp này tồn tại nhưng những pháp thật có thì không hề tồn tại. Các hình tướng, âm thanh, hương vị và các đối tượng hữu hình khác hiện tiền trước chúng ta như thể chúng chẳng liên quan gì đến tâm, như thể chúng có thực, đều chỉ là tướng huyễn, là ảo giác mà thôi.

Tất cả luân hồi và niết bàn, mọi thứ mà chúng ta lải nhải từ sáng đến khuya, đều tồn tại theo cách như vậy.  Chúng không có sự tồn tại trên cơ sở tự tính.  Những gì tồn tại là giả tướng do tâm tạo ra và do tâm tự lập danh mà có. 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...