Đường đến núi thiêng Kailash
Từ hồ Manasarovar chúng tôi tiếp tục khởi hành đi Darchen, thị trấn nằm dưới chân Ngân Sơn! Càng đến gần Kailash, trống ngực tôi càng đánh thình thịch, cảm giác này giống như xúc cảm của một đứa con xa nhà, sau rất nhiều năm chờ đợi hồi hộp, nay được quay về thăm cha mẹ và người thân của mình...
Từ hồ Manasarovar chúng tôi tiếp tục khởi hành đi Darchen, thị trấn nằm dưới chân Ngân Sơn! Càng đến gần Kailash, trống ngực tôi càng đánh thình thịch, cảm giác này giống như xúc cảm của một đứa con xa nhà, sau rất nhiều năm chờ đợi hồi hộp, nay được quay về thăm cha mẹ và người thân của mình...
Ngân Sơn hiện ra sau một bình nguyên bao la |
Và kia rồi, chưa bao giờ tôi nhìn thấy Ngân Sơn rõ như thế! Ngọn núi từ bao đời bao kiếp đã gieo những xúc cảm tâm linh mãnh liệt và cảm hứng vô tận cho các tăng sĩ và tín đồ Phật giáo. Ngân Sơn hiện ra từ phía sau một bình nguyên bao la, phủ đầy tuyết trắng. Ngân Sơn đứng tách riêng độc lập, oai nghiêm và đầy quyền năng! Người Tạng tin rằng Ngân sơn chính là trung tâm của một đàn tràng Mạn Đà La tối linh!
Trong tác phẩm Đường Mây qua Xứ Tuyết, Lạt Ma Govinda cũng đã từng khẳng định: “Quyền năng của một ngọn núi là rất lớn và mãnh liệt” và rằng: “Muốn thấy được sự cao cả của ngọn núi, ta phải quan sát nó từ xa. Muốn hiểu nó, người ta phải đi xung quanh để rung động với nó. Muốn cảm thông nó, người ta phải sống với nó từ buổi rạng đông đến chiều tà, trong cơn mừa phùn cũng như khi trời nắng gắt, mùa đông cũng như mùa hè…”
Muốn biết rõ sự màu nhiệm của Ngân sơn, người ta phải nhìn núi dưới con mắt của một tín đồ hành hương chứ không phải dưới cảm quan của một nhà thám hiểm hoặc của các công dân phượt! Sự chuẩn bị tâm linh là một điều vô cùng cần thiết trước khi quyết định đi vòng quanh ngọn núi này!
Ngồi trên xe, tôi chắp tay vọng lễ Ngân Sơn, âm thầm tự hỏi liệu tôi đã sẵn sàng đi hết một Parikrama – “Vòng luân hồi” 52 km xung quanh Ngân Sơn? Độ cao lúc này là 4,600m và dưỡng khí quả là một vấn đề lớn! Lượng oxy trong không khí còn khoảng 60%. Dự cảm cho tôi biết có thể trong chuyền đi lần này tôi chỉ đi được ngày đầu, 18km mà thôi.!
Mặc dù đã từng chinh phục Fansipan, độ cao 3,143 trong một ngày mưa dầm, lạnh tái tê, trời xám xịt đầy sương, với rất nhiều đoạn leo trèo lên xuống khá vất vả, đã trekking ở khu vực Gornergrat, Matterhorn thuộc rặng Alps trong địa phận Thụy Sỹ, độ cao khoảng trên dưới 3,300m, trong thời tiết lạnh cắt da cắt thịt, nhưng quả thật những trải nghiệm đó hoàn toàn khác và chẳng ăn thua gì so với trải nghiệm Ngân Sơn.
Chúng tôi đến thị trấn Darchen vào khoảng 7 giờ tối. Mặt trời vẫn chiếu sáng rực rỡ như lúc 3 giờ chiều ở Việt Nam. Tôi bắt đầu cảm thấy choáng váng mệt mỏi. Bất cứ động tác cởi áo ra hay mặc áo vào đều trở nên nặng nề và khó khăn như vác một bao tải nặng vài chục kilogram. Nếu sáng mai, tôi hoàn thành Kora ngày 1 thì sẽ đến được tu viện Dirapuk, độ cao lúc đó sẽ là 4,900m! Tôi sẽ gần Ngân Sơn hơn bao giờ hết! Ý nghĩ đó choáng ngợp tâm trí tôi. Tôi rút trong túi ra vài viên thuốc mani nhỏ xíu do các tu sỹ trong một chùa Tây Tạng ở gần Bồ Đề Đạo Tràng (Bohdgaya) tặng, vừa uống vừa hy vọng sẽ tiếp nhận thêm sự trợ giúp về cả tâm linh lẫn thể chất để có thể vượt qua ngày mai! Chỉ biết ngày mai, không biết ngày mốt...!
Thung lũng Lha Chu, Kora ngày 1 |
Con đường Darchen – Dirapuk là đoạn Kora ngày đầu tiên, dài khoảng 18km. Đường đi không quá khó nhưng việc thiếu dưỡng khí trên độ cao 4,600m là một thách thức lớn, kèm theo giá rét khiến mũi tôi thường xuyên chảy máu, khô khốc và khó thở. Đoàn hành hương đi bộ dọc theo thung lũng Lha Chu, con đường mòn ngoằn ngoèo, ngút tầm mắt, 2 bên trái phải đều là những dãy núi đá chập chùng như nhiều lớp cửa dần mở, vừa thách thức vừa chào đón chúng tôi đến chiêm bái Kailash.
Mặc dù có sherpa đi cùng để khuân vác hành lý, mỗi người chúng tôi đều đi với một vận tốc rất khác nhau. Nhìn lên phía trước, quay lại phía sau đều chỉ nhác thấy những dòng người hành hương nhỏ xíu ở phía rất xa. Hành cước Ngân Sơn không chỉ dành riêng cho những hành giả ngoại quốc hiếu kỳ, người Tạng đi Ngân Sơn rất đông. Họ đi cả gia đình, hành trang vô cùng giản đơn, tự gồng gánh thực phẩm, thậm chí mang theo cả trẻ con 1, 2 tuổi. Thỉnh thoảng họ nhìn tôi chào “Tashi Delek!” rất thân thiện. Hình ảnh những người Tạng thành kính thực hiện tam bộ nhất bái (3 bước 1 lạy) đảnh lễ Ngân Sơn là một minh chứng hùng hồn về lòng mộ đạo mãnh liệt của dân tộc này. Tam bộ nhất bái khi vượt qua đèo Dolma La hiểm trở ở độ cao 5,636m là một phép màu mà có lẽ chỉ người Tạng mới vượt qua được nhờ vào uy lực của niềm tin tâm linh và lòng sùng kính đạo pháp bất chấp mọi thử thách gian nguy nhất….Hành cước Ngân Sơn là ước mơ của mỗi người Tạng và họ không chỉ mơ đi 1 vòng mà là 13 vòng để sau đó được đi Nội Kora, tức là trực tiếp đi vòng bên trong của núi.
Có thể thấy rất nhiều câu thần chú khắc trên đá như thế này trên đường đi |
Suốt chặng đường kora ngày 1 tôi kiên trì niệm Lục tự đại minh thần chú “Om Mani Padme Hum” không ngừng. Tôi cảm nhận được một cách mạnh mẽ oai lực của câu niệm chú này. Bất kỳ lúc nào gặp hoạn nạn, nguy hiểm hay sợ hãi, tôi luôn luôn trì niệm Lục tự đai minh thần chú và đều nhận được sự gia trì. Khoảng 5 cây số còn lại trước khi đến Dirapuk, tôi đi như bay, không ngừng, không nghỉ và cũng không cảm thấy mệt nữa. Cậu sherpa mệt nhọc chạy theo tôi, cũng chẳng hiểu vì sao tôi đi nhanh như thế. Tôi chỉ có một lời giải thích lúc đó: lời khấn nguyện của tôi được lắng nghe. Chính chư Phật đã đẩy tôi về phía trước và nâng bước chân tôi lên.
Tôi đến nhà nghỉ thuộc vùng Dirapuk lúc 3 giờ chiều, mạnh khỏe và sảng khoái sau khi hoàn tất chuyến Kora ngày đầu. Bên tay trái tôi là tu viện Dirapuk. Muốn đến đó phải vượt qua con sông Dirapuk đang đóng băng! Bên phải tôi, Ngân Sơn hiện ra ở cự li gần một cách khủng khiếp, gần đến mức tôi cứ ngỡ chỉ cần đi bộ vài trăm mét nữa là chạm vào núi thiêng. Hai bên Ngân Sơn là ngọn núi Văn Thù Sư Lợi và núi Quán Thế Âm cũng oai nghiêm, sừng sững.
Ngân Sơn và 2 ngọn núi Bồ Tát ở 2 bên |
Tim tôi như nghẹt lại vì xúc động khi tiến sát hơn khoảng hơn 200m nữa để chiêm bái Ngân Sơn trong cự li gần nhất có thể. Một lần nữa tôi cho rằng mọi ngôn từ đều là giới hạn, thậm chí vô nghĩa khi phải diễn tả cảm xúc tại không gian linh thiêng này. Đằng trước là núi thiêng, đằng sau, bên trái, bên phải, xung quanh đều là núi, núi và núi. Những ngọn núi trầm mặc, uy nghiêm, trắng lóa băng tuyết dưới nắng mặt trời chói chang, đỉnh tựa vào bầu trời xanh thăm thẳm vô tận, người hành giả nhỏ nhoi đứng giữa đất trời và núi đồi bao la trùng điệp, câm bặt vì xúc động. Thời gian như ngừng trôi!
Tôi quỳ xuống lớp đá sỏi còn đóng băng phia dưới, cúi lạy Ngân Sơn và 2 ngọn núi Bồ Tát rồi chọn một tảng đá phẳng ngồi thiền định khá lâu trong buổi chiều hôm ấy. “Om Mani Padme Hum”, không phải ai cũng thấy Ngân Sơn hiển lộ một cách rõ ràng như tôi đang thấy. Nếu đi vào những ngày thời tiết xấu, nhiều mây, Ngân Sơn sẽ lẫn vào trong mây mù và hành giả sẽ không thể nhìn thấy đỉnh.
Dự cảm của tôi là chính xác. Tôi quyết định quay về, biết rằng sự chuẩn bị tâm linh của mình chưa đủ để tiếp tục Kora ngày thứ hai. Hướng dẫn viên người Tạng cho biết tuyết đóng rất dày trên đèo Dolma La và bò Yak, ngựa sẽ không thể đi theo chúng tôi trên đoạn Kora ngày 2 được. Với thời tiết khắc nghiệt như thế cộng thêm dưỡng khí quá loãng có thể gây trụy tim, họ khuyến cáo không nên tiếp tục cuộc hành cước vì sẽ không đảm bảo tính mạng cho hành giả.
Tôi chưa bao giờ ân hận hay luyến tiếc về quyết định dừng lại tại Dirapuk và quay trở về Darchen. Tôi chưa hoàn tất một vòng Kora Ngân Sơn, nhưng tâm tôi đã hướng về ngọn núi thiêng tự bao giờ, tôi đã gắn bó với Ngân Sơn ngay từ giây phút đầu tiên vọng bái núi thiêng từ xa. Sự chuẩn bị tâm linh đã cho phép tôi đi gần một nửa vòng Ngân Sơn và việc đó phải chăng cũng chính là cơ hội để tôi quay lại Ngân Sơn lần thứ hai trong một thời gian không xa?
Tôi đi bộ ngược về Darchen sáng hôm sau với vận tốc nhanh hơn cả ngày hôm trước, tâm thanh thản, hạnh phúc! Câu niệm Lục tự đại minh thần chú luôn luôn ở trong tâm thức của tôi trên mọi hành trình gian nan! Tôi về đến Darchen trong sự hoan hỉ sâu sắc khi gặp lại tất cả các anh chị em trong đoàn, những người giờ đây đã trở thành gia đình tâm linh của tôi, đều bình an và mạnh khỏe.
Dù chưa trọn một vòng kora quanh Ngân Sơn, tôi tin rằng mình đã thực hiện một vòng Kora trong tâm. Thời gian lưu lại Tây tạng, đặc biệt là tại hồ Manasarovar và Ngân Sơn là một trải nghiệm tâm linh cao quý đối với một tín đồ hành hương như tôi. Lạt Ma Govinda đã rất đúng khi nói rằng đây là một hành trình tâm linh, một hành trình của niềm tin và lòng kính ngưỡng sâu sắc!
Kết thúc bài viết này, trời Sài gòn đã về chiều. Hoàng hôn chếch vào cửa sổ một màu cam chói sáng, đậm đến lạ lùng. Tôi mở cửa số ngắm nhìn hoàng hôn Sài gòn, kỳ lạ thay! Chưa bao giờ bầu trời đẹp đến thế. Tôi bỗng thấy nhớ da diết những ngày rong ruổi trên những bình nguyên bao la của xứ Tạng buổi hoàng hôn chiều tà, cũng cái nắng màu cam đậm da diết phủ lên các ngọn núi, sông hồ và thảo nguyên….Phải chăng trong một tiền kiếp nào đó, Tây Tạng đã từng là nhà của tôi?
Sài gòn ngày 9/6/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét