10 thói quen làm hỏng hạnh phúc



Theo lẽ tự nhiên, ai cũng mong hạnh phúc, ai cũng né tránh sự sợ hãi và muốn kiến tạo một đời sống thoải mái dễ dàng. Ngày mỗi ngày, mỗi người có những lựa chọn chi phối cách ta nghĩ và cảm về bản thân. Chúng ta thường tin rằng đưa ra những quyết định xác đáng sẽ mang mình đến gần với trạng thái hạnh phúc hơn. Vấn đề ở chỗ những chọn lựa của chúng ta đôi khi thực ra lại làm gia tăng lo lắng và trầm uất. Chúng ta sa vào những thói quen làm tổn thương chính mình và hủy hoại những cơ hội để có được hạnh phúc dài lâu.
Bạn có thể học cách chấm dứt những dằn vặt muộn phiền và tìm lại niềm vui mỗi ngày nếu loại bỏ được 10 thói quen xấu:
1.      LUÔN SO SÁNH MÌNH VỚI NGƯỜI KHÁC
Ham muốn so bì mình với người khác quả thật rất mạnh mẽ. Cảm giác thỏa mãn của chúng ta bị chi phối mãnh liệt bởi khuynh hướng thích và muốn so sánh. Như bác sĩ Howard Cutler, đồng tác giả với Đức Dalai Lama trong cuốn sách “Sống Hạnh Phúc” từng nói rằng khi chúng ta so sánh mình của hôm nay với mình của hôm qua và thấy mình giàu có hơn, thế là ta thấy hạnh phúc.  Chẳng hạn khi thu nhập của chúng ta tăng từ 50 ngàn USD lên 60 ngàn USD một năm thì ta thấy vui, tuy nhiên không phải con số tuyệt đối làm ta vui. Chả mấy chốc khi đã quen với thu nhập mới rồi, chúng ta không còn vui như trước nữa. Thậm chí nếu phát hiện ra người hang xóm vừa được thăng chức và có thu nhập cao hơn thu nhập của mình 1,000 đô là hạnh phúc dường như biến mất và người ta bắt đầu khó chịu bực mình.  Như thế chúng ta có thể thấy cảm giác mãn nguyện với cuộc sống của mình rất tùy thuộc vào việc ta so sánh mình với ai. Hạnh phúc của chúng ta liên tục bị thách thức bởi những so sánh triền miên với người này người kia và phần lớn mọi so sánh đều gây ra những cảm xúc tiêu cực như phiền não, tức tối và đau khổ.
2. KHÔNG BIẾT TRÂN TRỌNG NHỮNG GÌ MÌNH ĐANG CÓ
Những lúc bạn thấy anh đồng nghiệp nọ được sống trong một khu chung cư cao cấp, lái xe hơi sang trọng trong khi bản thân mình chỉ sống trong một căn hộ chung cư bình thường 2 phòng ngủ, đi làm bằng xe máy, đôi khi bằng ôm Uber thì cũng đừng chua xót. Hãy nhắc nhớ mình rằng 1/5 dân số trên quả địa cầu này còn đang vật lộn với từng bữa ăn hàng ngày và sinh sống trong những túp lều tạm bợ, không có một đôi giày tử tế để mang.
Hãy vun bồi lòng biết ơn vì lòng biết ơn sẽ thay đổi cuộc sống của bạn. Lòng biết ơn chuyển dịch sự tập trung của bạn vào những cái bạn đang có và bạn sẽ nhận thấy cuộc sống này biết bao đầy đủ và trọn vẹn thay vì xăm soi vào cái mình đang thiếu thốn.  Dù bạn có thành công cỡ nào đi nữa, nếu bạn không biết trân quý những gì mình đang có thì sẽ không bao giờ bạn biết đủ. Lòng biết ơn giúp bạn sống bình yên hơn, bền bỉ hơn và biết quan tâm đến người khác hơn.
3.      ĐỂ  SỢ HÃI VÀ THÙ HẬN CHI PHỐI
Sợ hãi và lo âu có thể làm chúng ta bị tê liệt. Sợ hãi thất bại sẽ cản bạn thực hiện những hoài bão của mình. Sự thù ghét cũng vậy, nếu để nó điều khiển và gặm nhấm, lòng người sẽ chua chát và đầy hậm hực. Những trải nghiệm chua sót trong quá khứ có thể làm bạn đau đớn, nhưng ra quyết định dựa trên thù hận sẽ lấy đi khả năng tập trung vào những điều thật sự ý nghĩa với bạn trong cuộc sống. Sân hận làm tổn thương chính bạn và hạnh phúc của bạn. 
Vì thế hãy ngừng bám víu vào sợ hãi và hận thù. Thực tập thiền có thể giúp bạn xả bỏ bớt những cảm xúc tiêu cực  và giúp bạn có thời gian suy nghiệm lại cách hành xử của bạn đối với người khác. Đừng bao giờ để hận thù bao trùm lên đời sống của bạn.
4.      TẬP TRUNG VÀO QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI
 Nếu tâm thức của bạn bị kinh nghiệm quá khứ hoặc những dự tính tương lại choán chỗ, bạn sẽ mất cơ hội dành cho hiện tại. Quá khứ không thể sửa chữa. Tương lai thì chưa đến. Hãy chú tâm vào hiện tại, nhận biết đầy đủ ngay nơi này, ngay ở đây. Không nhận biết điều này, chúng ta sẽ để đời sống trôi qua uổng phí vô ích. Đoái nghĩ về quá khứ có nghĩa là để cho chuyện không thay đổi được đè nặng lên mình. Toan tính về tương lai thường là vì bạn có những lo lắng về những gì sắp xảy ra và về khả năng xử lý vấn đề đó của mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người chú tâm vào hiện tại sống hạnh phúc hơn và cảm thấy có thể kết nối tốt hơn với người khác.  
5.      CỐ GẮNG KIỂM SOÁT NHỮNG THỨ KHÔNG THỂ
Bỏ ra cả đống thời gian và công sức để hoạch định điều này điều kia chỉ để nhận ra rằng cuộc sống cứ rẽ sang một lối đi khác không hề  theo mong muốn của ta. Thật bực mình biết bao. Bạn sẽ tự nhủ: “Mình đâu có muốn mọi sự đi theo hướng này!” Dường như bất công quá phải không? Vì bạn đã tốn bao sức lực để tính toán hoạch định này nọ.
Hãy học cách bỏ qua đi!  Bạn phải hiểu rằng không phải lúc nào trong cuộc sốngb ạn cũng là người cầm bánh lái. Tiêu tốn biết bao thời gian, sức lực để kiến tạo những thứ hoàn hảo rồi cố sức dự đoán thế gian quanh mình, song trớ trêu thay, đời sống đâu có luôn theo ý ta. Vậy  hãy học cách bỏ qua!
Thường thì khát khao kiểm soát mọi thứ khởi sinh từ sự lo lắng và sợ hãi. Ta tin rằng nếu mình mà không kiểm soát thì những chuyện tệ hại nhất sẽ xảy ra. Đến một lúc nào đó bạn sẽ đánh nhau với cả vũ trụ và tự hành hạ mình trong nỗi bất hạnh. Thay vì cố gắng kiểm soát mọi sự, hạy cứ để đời sống vận hành tự nhiên theo cách của nó. Bạn hãy cảm nhận sự tự do thoái mái khi buông tay khỏi những thứ không thể kiểm soát.
6. TẬT ĐỔ LỖI CHO NGƯỜI KHÁC
Luôn đổ lỗi cho người này, người khác gây ra phiền toái cho mình là một thói quen rất tệ hại, nó tổn thương chính bạn và những người xung quanh. Khi đổi lỗi cho người khác, ta chối bỏ trách nhiệm với hành vi và cảm xúc của mình. Mình đổ lỗi cho người khác vì không muốn nhìn nhận phần lỗi của mình và cũng là cách để mình cảm thấy nhẹ lòng hơn khi có chuyện không như ý xảy ra. Đổ lỗi cho người khác để chối bỏ sự ân hận, hối tiếc. Nếu bạn không ngừng làm tổn thương người khác và từ chối chịu trách nhiệm với những gì xảy ra với mình, đừng mong có hạnh phúc dài lâu.
7. CHẤP BÁM VÀO CỦA CẢI VẬT CHẤT
Một cái xe hơn rất ngầu rất xịn đâu có yêu thương bạn như bạn yêu thương nó. Một cái túi hay cái đồng hồ đắt tiền đâu có mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn dài lâu. Mà ngược lại chúng có thể làm gia tăng lo lắng  và sức ép lên bạn nếu điều kiện tài chính của bạn có hạn hoặc bạn còn đang nợ thẻ tín dụng ngập đầu.
Khi lái cuộc sống của mình vào chuyện tiền bạc và các điều kiện vật chất, bạn bỏ quên những thứ mang lại chân hạnh phúc cho mình. Tiền bạc có thể hỗ trợ chăm sóc mình và những người thân nhưng khi chỉ chăm chăm lo chuyện làm giàu, chuyện tiền bạc, vơ vét tích lũy của cải, chúng ta sẽ quên lãng tầm quan trọng của những giá trị tinh thần vốn mang lại cho ta niềm vui và hạnh phúc lâu dài và đích thực. Bạn hãy cố gắng tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống. Của cải không mua được hạnh phúc dài lâu. Hạnh phúc bền vững không đến từ bên ngoài, nó là thứ đến từ bên trong bạn.
8. GIAO DU VỚI NHỮNG NGƯỜI TIÊU CỰC.
Giao du với những người nói, nghĩ và hành động tiêu cực sẽ lấy đi hạnh phúc của bạn rất nhanh. Người tiêu cực hút hết niềm vui trong cuộc sống. Hãy nhớ rằng tiêu cực rất dễ lây lan. Và nếu không cẩn thận, bạn sẽ nhiễm phải tâm trạng bi quan, chán chường.
Hãy cảnh giác những người hay nói chuyện tiêu cực, thị phi, chê bai người này người khác. Tốt nhất nên hạnh chế giao du với họ.
9.  ĐỂ  THÓI TRÌ HOÃN LÀM TIÊU TAN NHỮNG ƯỚC VỌNG.
Đa phần chúng ta hay tìm lý do này lý do kia để trì hoãn những việc cần phải làm hoặc để đến phút cuối mới chịu làm. Sự trì hoãn này làm hỏng hạnh phúc dài lâu của bạn vì bạn sẽ mất đi rất nhiều thời gian và sức lực quý giá mà đáng ra bạn có thể sử dụng để theo đuổi những mơ ước và mục tiêu của cuộc đời.
Khi nhìn lại bạn sẽ bức xúc và khó chịu kinh khủng khi thấy mình sử dụng thời gian và sức lực phí phạm như vậy. Hãy bắt đầu ngay và luôn, đừng kiếm cớ trì hoãn nữa!
10. KHÔNG NGỪNG OÁN TRÁCH BẢN THÂN
Tự kiểm lại bản thân là điều cần thiết để nhìn lại những khuyết điểm mình đã mắc phải và tự hoàn thiện. Tự ý thức được về những khiếm khuyết của bản thân để thay đổi là điều quan trọng. Cái tôi to đùng sẽ không đưa bạn đi tới đâu cả. Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên oán trách lên án bản thân thì cũng không hay ho gì. Thói quen luôn suy nghĩ tiêu cực về bản thân sẽ làm chính bạn bị tổn thương và bào mòn sự tự tin, khiến bạn trở nên yếm thế, tự ti, buồn chán.
Nên kiểm nghiệm lại xem tại sao bạn quá nghiêm khắc với bản thân như vậy. Bạn thất vọng với chính mình vì bạn không thể làm gì nên hồn hay vì kỳ vọng, đánh giá của người khác ảnh hưởng lên bạn? Bạn tự giằng xé mình vì sợ làm người khác thất vọng hay vì sợ những gì người khác nghĩ về mình?
Hãy dành thời gian kết nối với chính mình. Bạn thực sự mong muốn điều gì? Bạn muốn trở thành người như thế nào? Đam mê, yêu thích của bạn là gì? Hãy tìm ra cách để là chính mình và biết yêu quý trân trọng chính mình. Đừng để quan điểm, đánh giá hay phán xét của người khác ảnh hưởng quá nhiều lên bạn. Hãy nhớ rằng chìa khóa dẫn đến hạnh phúc đích thực là sự từ ái thân thiện với chính mình và với người khác.
Deep Patel | May 2017 | Chân Như lược dịch.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...