Bài 10: Ý Thức về Tính Không trong Đời Sống Hàng Ngày



Ý thức về tính Không trong đời sống hàng ngày

(Trích một số bài Pháp thoại của Lama Zopa Rinpoche tại Hoa Kỳ. Anh Nguyễn chuyển ngữ)

 
Một đôi khi bạn nghĩ rằng: “Huấn thị về tính Không thì mang lại lợi ích gì?. Triết lý này giúp tôi ra sao khi tôi phải đương đầu với nhiều vấn đề trong đời sống hàng ngày?”. Tuy vậy, nếu bạn tư duy về tính không, đó sẽ là thiền quán mạnh mẽ nhất để đập tan mọi ảo giác. Nó giống như một quả bom nguyên tử vậy. Bạn vấp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống vì bạn chấp thật vào các hư huyễn. 

Phương cách mạnh mẽ và tức thời nhất để chấm dứt phiền não là nhớ nghĩ về tính không.  Bạn nên đặc biệt chú trọng đến tính không khi ở trong tình thế nổi sân nguy hiểm hay bị những tham luyến sai xử gây ra những nghiệp bất thiện và phương hại cho người khác. Khi bạn mang tâm bất toại nguyện và không đạt được cái mình mong có, bạn sẽ rơi vào phiền não. 

Mặc dù có thể bạn không nhớ rõ những nguyên nhân cụ thể khiến bạn phiền não nhưng hầu như luôn phải có nguyên nhân. Phiền não khởi sinh bởi vì bạn không có được cái mình khao khát hay cái tâm hữu ngã của bạn mong cầu. Phiền não cũng khởi sinh khi bạn không nhận thức được tính không của bản ngã và của những sự vật khác. Khi nhận biết được tính không, khi bạn quán tưởng tính không, sẽ không còn phiền não nữa. Không cách gì phiền não khởi sinh lúc đó cả. Phiền não chỉ khởi lên khi bạn chấp thật vào các ảo ảnh hư huyễn. 

Nghĩ nhớ đến tính không là đặc biệt quan trọng trong những tình huống gây ra nhiều tán loạn trong đời sống hàng ngày, nơi có những nguy hiểm gây ra chọ bạn và các chung sinh khác. Nhớ nghĩ rằng mọi tướng hiện nhìn có thật chỉ là phóng chiếu, là ảo giác là điều cực kỳ quan trọng. Sau đó hãy thiền quán mạnh mẽ về tính không của chúng. 

Một cách để quán tưởng về tính không của mọi đối tượng là quán về duyên sinh, quán chiếu mọi vật – bản ngã, hành vi, đối tượng, đều chỉ do lập danh mà thành. Đây là cách thực hành nhận thức về tính không trong đời sống hàng ngày. Hãy thực hành điều này khi bạn đi làm, khi trò chuyện với người khác, khi ngồi họp, hoặc khi ở nhà với gia đình. Hãy thực hành điều này đặc biệt là khi bạn đang đối thoại với người nào đó đang than phiền hoặc chỉ trích bạn hoặc tán dương bạn, vốn là nguyên nhân khiến ảo giác về kiêu mạn khởi lên. Hãy thiền quán về tính không, hãy thực hành nhận thức về duyên sinh hoặc về tính không. Mà dù sao thì chúng cũng là một, tức là chung một thiền quán. 


Bài 9: Thiền Định về Tính Không Như Thế Nào?



Thiền định về tính Không như thế nào?

(Trích một số bài Pháp thoại của Lama Zopa Rinpoche tại Hoa Kỳ. Anh Nguyễn chuyển ngữ)
 

 Cách thiền định về tính Không là quán chiếu cái tôi. Mặc dầu cái “tôi” trình hiện như thật có và hiện hữu có tự tính, đây chỉ là phóng ảnh. Suy nghiệm thế này: “Đây là phóng ảnh.  Cái tôi thực hiện hữu này được phóng chiếu ra trên một cái Tôi chỉ do tâm định danh mà thành, bởi những vết hằn do vô minh trong quá khứ để lại. Hãy nhớ rằng cái tôi hiện hữu, cái tôi tồn tại có tự tính là hư huyễn. Hãy nghĩ thế này: “Đây là đối tượng phải bác bỏ”. Cái tôi hiện hữu có tự tính trình hiện trước bạn, nhưng trong tâm bạn, bạn nhận biết rằng đây là đối tượng phải bác bỏ.  Đây là ảnh chiếu của vết hằn từ cái tâm hư huyễn của vô minh để lại. Điểm chính yếu là phải nhận biết được rằng đây là hư huyễn và đối tượng phải được bác bỏ. Khi tâm bạn cho rằng: “đây là hư huyễn”, thì cái nghĩ sẽ cho bạn biết rằng trong thực tại này cái tôi là rỗng không.

Đấy cũng là cách tương tự khi bạn tiếp xúc với vật ngoại cảnh. Khi bạn thấy cái bàn, nó trình hiện như một cái gì đó cực kỳ thật nhưng nó chỉ là cảnh huyễn, đối tượng phải bị bác bỏ. Nó không tồn tại trong hiện thực. Khi bạn nhìn một bông hoa, hãy nghĩ thế này: “Bông hoa thật và tồn tại có tự tính là phóng ảnh, là hư huyễn. Nó không hề hiện hữu trong hiện thực. 

Nếu bạn thực tập chính niệm về mọi sự vật trình hiện tồn tại độc lập, có tự tính chỉ là cảnh huyễn tức là bạn luôn luôn thực hành tri kiến về tính Không.  Nó tự nhiên sẽ trở thành sự nhận biết về tính không. Càng nhìn vào nhiều sự vật, bạn càng nhận biết về tính không. Bạn càng nghĩ đến nhiều cái tên, bạn càng nhận hiểu về tính không. Bạn càng nhìn hoặc càng sở hữu nhiều sự vật, bạn càng quán tưởng nhiều về tính không. Thiền quán theo cách này sẽ trở nên cực kỳ mạnh mẽ và hiệu quả về tính không.

Bạn sẽ nhận hiểu một sự khác biệt lớn lao giữa đời sống của bạn và hiện thực. Nó tương tự như sự khác biệt giữa mặt đất và bầu trời. Cách bạn sống giữa cuộc đời này, cách bạn tạo tác ra các sự vật và chấp thật vào chúng là hoàn toàn trái ngược với hiện thực, tức là sự trống rỗng.


Bài 8: Cội Rễ của Luân Hồi



Cội rễ của luân hồi

(Trích một số bài Pháp thoại của Lama Zopa Rinpoche tại Hoa Kỳ. Chân Như chuyển ngữ)



Suy niệm định danh cái “tôi” phụ thuộc vào hợp uẩn không phải là  ngu si vô minh, vốn là gốc rễ của sinh tử luân hồi. Khi cái “tôi” trình hiện trước chúng ta, nó trình hiện theo cách tồn tại có tự tính, đối lập hoàn toàn với cái tôi được định danh. Dòng suy niệm tiếp sau lập danh cái “tôi” bắt đầu tin rằng, cái “tôi”, cái được định danh, là có tự tính, hay nói cách khác, tồn tại độc lập. Tâm thức với cái “tôi” tồn tại có tự tính trình hiện lên đó vẫn không phải là nguồn gốc của sinh tử luân hồi. Nguồn gốc của sinh tử luân hồi là suy niệm tin rằng cái “tôi” hiện hữu có tự tính là thực có. Bất kỳ khi nào ta bắt đầu tin rằng cái “tôi” hiện hữu có tự tính là thực có, thì đây chính là quan niệm về tồn tại có tự tính và là gốc rễ của khổ đau. Quan niệm tin rằng có một cái tôi thuần độc lập và tồn tại có tự tính là nguồn gốc của luân hồi. Quan niệm tin vào điều này là thực có mới chính là gốc rễ của luân hồi.

Vọng tưởng tin rằng cái “tôi” tồn tại hằng thường bất biến hoặc tồn tại độc lập không phụ thuộc vào các hợp uẩn không phải là gốc rễ của luân hồi.  Gốc rễ của luân hồi chính là cái nghĩ này. Sau khi định danh “tôi” được đưa ra, khi sự tiếp diễn của ý nghĩ bắt đầu tin rằng cái “tôi” có một sự tồn tại độc lập, đây chính là gốc rễ của luân hồi.

Cái gì làm cho cái “tôi”, vốn chỉ là một định danh, trở nên thực có? Vô minh ở các kiếp sống trong quá khứ đã để lại vết hằn trên dòng tâm thức của chúng ta và vết hằn này được phóng chiếu, giống như máy phóng, trình hiện lên màn hình hay một kênh TV hình ảnh người ta đang đánh nhau, nhảy múa hay làm việc gì đó. Vết hằn để lại trên dòng tâm thức của chúng ta bởi vô minh trong các kiếp quá khứ đã phóng ảnh hay trang trí sự tồn tại có tự tính trên cái “tôi” thuần được định danh. Chúng ta thấy một cái “tôi” cụ thể thực có, và đó chính là những gì các vết hằn do vô minh để lại đã phóng chiếu lên cái gọi là “tôi”. Đó chính là hư huyễn hoàn toàn. 

Hãy nhớ lại chuyện tôi nói với các bạn về chiếc đồng hồ được chồng chất bởi các lớp nhãn định danh cho các bộ phận của nó (xem bài dịch bên dưới). Đó là một thực tại, nhưng đối với chúng ta, vẫn có một chiếc đồng hồ cụ thể đang tồn tại độc lập. Huyễn ảo về một cái đồng hồ tồn tại có tự tính được phóng ảnh bởi vết hằn trên dòng tâm thức do vô minh để lại từ các kiếp trong quá khứ. Cái “tôi” hiện hữu có tự tính cũng được phóng chiếu bởi vô minh theo cách tương tự. Thân và tâm thực có này, thân và tâm tồn tại độc lập có tự tính này cũng là sự phóng chiếu của vô minh.  Cái tu viện này là cái gì đó có thật, là cái gì đó cụ thể và độc lập, thì cũng chỉ do phóng chiếu bởi tâm, bởi những vết hằn do vô minh để lại từ những kiếp quá khứ. Sự hiện hữu có tự tính được phóng chiếu trên cái tu viện được định danh, và đó là cách nó thành ra cái tu viên cụ thể. Sự trình hiện của cái tu viện cụ thể đó chỉ là một tướng huyễn, nó không tồn tại. Cái tu viện tồn tại nhưng cái gì là cái tu viện đang tồn tại? Cái tu viện được định danh thì tồn tại chứ cái tu viện cụ thể đâu có tồn tại. Cái tu viện tồn tại độc lập, cụ thể, thực có tự tính được trang trí, phóng ảnh  và nó chính là một cảnh huyễn.

Tương tự cho bất kỳ tướng hiện nào chúng ta thấy được. Khi chúng ta thấy một bông hoa, chúng ta thấy một bông hoa cụ thể có thật, tồn tại có tự tính bởi chính nó. Cũng vậy, đó chỉ là huyễn ảo. Bông hoa thật đó được phóng chiếu trên một bông hoa đã được định danh bởi các vết hằn do vô minh để lại trên tâm thức của ta, tin vào tồn tại có tự tính. 

Chúng ta tô vẽ tất cả các đối tượng cụ thể, các đối tượng tồn tại có tự tính dựa trên những đối tượng đã bị định danh. Chúng ta tin vào thực có của mọi cảnh hiện. Chúng ta tô vẽ mọi vật, vốn chỉ là định danh, cho rằng chúng tồn tại có tự tính. Chúng ta xem mọi sự vật hiện hữu có tự tính. Ảo giác này được phóng chiếu ra từ tâm, từ những vết hằn của vô minh. Cái tu viện này không có tự tính, nó không tồn tại độc lập. Cái xe hơi thực có và tồn tại độc lập này, không hề tồn tại. Nó hoàn toàn là không. Cái tôi hiện hữu, cái xe hơi hiện hữu, con đường hiện hữu, ngôi nhà hiện hữu, cái cửa hàng hiện hữu độc lập – trên thực tế các cảnh hiện này hoàn toàn là không. Cái đang hiện hữu là những cái do tâm lập danh mà có, chỉ như vậy thôi. Giờ thì các bạn có thể hiểu mọi sự vật đều là không trong thực tại.


Bài 7: Con Rắn và Thật tướng của Ngã



Con rắn và thật tướng của Ngã

(Trích một số bài Pháp Thoại của Lama Zopa Rinpoche tại Hoa Kỳ. Anh Nguyễn chuyển ngữ)
 

Hình dung lúc chạng vạng tối bạn nhìn thấy một cuộn dây từng nhiều màu trên đường đi. Vì trời tối và vì cách cuộn dây thừng được cuốn lại, bạn nhìn không rõ nên thoạt đầu khi thấy ảnh hiện này bạn định danh cho nó là “con rắn”. Sau khi định danh cảnh hiện đó là “con rắn”, con rắn trình hiện trước bạn. Bạn không hay biết rằng, bạn quên rằng, cái con rắn xuất hiện trước bạn chỉ thuần là do tâm của bạn định danh cho nó. Bạn không nhận ra điều ấy vì con rắn không hiện tiền như một thứ được định danh.
Trước hết, bạn trông thấy một cảnh hiện lờ mờ được cuộn lại nằm trong bóng tối. Trước khi bạn áp cái nhãn “Con rắn”, chưa có sự xuất hiện của con rắn trước bạn. Chỉ sau khi bạn định danh “con rắn” và tin vào chính cái mình tự định ra thì con rắn mới xuất hiện. Con rắn không trình hiện như đã bị định danh, nó trình hiện như một con rắn thật, không bị định danh, một con rắn tồn tại độc lập. Nó trình hiện như có sự hiện hữu có tự tính.
Ví dụ này rất dễ hiểu. Không có con rắn thật ở đó. Không có con rắn tồn tại độc lập, có tự tính. Trong trường hợp này, ngay cả con rắn thật cũng không có. Bạn không thể tìm thấy con rắn nào trên bất cứ thành phần nào của sợi dây thừng. Bạn không tìm thấy con rắn ở đâu cả. Bạn định danh “con rắn” thì con rắn xuất hiện trước bạn, nhưng con rắn đó không trình hiện như là một định danh, nó xuất hiện như một thực thể độc lập. Con rắn đó trình hiện trước bạn - người cảm nhận nó,  như một con rắn cụ thể, thực có cho đến khi bạn chiếu đèn flash vào nó và nhận chân rằng đó chỉ là cuộn dây thừng. Cho đến khi đó, cái con rắn thực có và tồn tại độc lập, trình hiện trước các giác quan và tâm thức của bạn. Bạn có thể thấy rằng đây hoàn toàn là cảnh huyễn.
Bây giờ, ta đưa ra một ví dụ liên quan tới cái “Tôi”. Chúng ta định danh cái “Tôi” dựa vào hợp uẩn của mình. Sau khi đã định danh “Tôi” xong, chúng ta bắt đầu tin vào chính định danh ấy, và rồi cái “Tôi” trình hiện trước chúng ta. Tư duy lập danh cho cái “tôi” không phải là vô minh, vốn là gốc rễ của luân hồi sinh tử.  Tri kiến đó không sai.
Trước hết, rõ ràng là khi ta nói về “thân thể tôi” hoặc “Tâm thức tôi”, thì “tôi” là chủ sở hữu và thân thể hay tâm thức là vật được sở hữu. Chủ sở hữu và vật sở hữu không thể là một, chúng khác nhau.  Vì thế, tâm thức không phải là “Tôi” – tâm thức là vật sở hữu, “Tôi” là chủ sở hữu. Vì “Tôi” là đối tượng nhận và tập hợp ngũ uẩn là đối tượng được nhận, chúng không thể là một, chúng khác nhau.
Không có uẩn nào trong năm uẩn là “tôi” cả. Uẩn sắc tướng không phải là “tôi”, uẩn cảm thọ không phải là “tôi”, uẩn ấn tượng không phải là “tôi”, uẩn diễn biến tâm lý hay uẩn chủ thức cũng không phải là “tôi”, ngay cả tập hợp năm uẩn cũng không phải là “tôi”. Cái “tôi” ấy chẳng thể nào tìm thấy ở đâu cả trên các hợp uẩn này, từ đầu cho tới chân chúng ta.  Cái “tôi” không tồn tại nơi đâu hết, từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài. Cái “tôi” không hề tồn tại trong thân thể cũng như trong tâm thức của chúng ta. Ta không thể tìm ra nó được.
Nhưng vẫn có một cái “tôi” trong tu viện này. Tôi đang ở trong tu viện này không ngoài lý do gì hơn các ngũ uẩn của tôi, hợp thể thân và tâm của tôi, hiện đang ở trong tu viện này. Chỉ vì như thế mà tôi tin rằng: “ Tôi đang ở đây, trong tu viện này”. Đó là một khái niệm, một ý tưởng. Vì hợp thể ngũ uẩn của tôi ở  nơi này nên tôi tin rằng: “tôi đang ở đây, trong tu viện này”, song hợp thể ngũ uẩn đâu phải là “tôi”, vì chúng là cơ sở để định danh “tôi” và cái “tôi” này không thể nào tìm thấy trên chúng.  Không có một cái “tôi” nào trên năm uẩn này cả. Trước hết là phải rõ ràng như thế.
Thế thì “tôi” là cái gì? “Tôi” tồn tại như thế nào?  Điều này hết sức thâm diệu và vô cùng vi tế. Không có cái “tôi” trên ngũ uẩn nhưng lại có cái “tôi” trong tu viện này. Cái gọi là “tôi” chẳng có gì hơn chính là cái do tâm định danh mà có. Đó là một hiện thực. Đó chính là duyên sinh vi tế theo quan điểm của Trung Quán tông, quan điểm vốn rất khó trực nhận. Cái “tôi” tồn tại như thế nào là cực kỳ vi tế, vi tế đến mức có thể dễ dàng rơi vào đoạn kiến cho rằng cái “tôi” hoàn toàn không tồn tại và rơi vào chủ nghĩa hư vô. Điều này rất nguy hiểm. Quan điểm của Trung Quán tông về duyên sinh vô cùng vi tế. Không phải là cái “tôi” không tồn tại nhưng nó tồn tại như thể nó không tồn tại. Hết sức thâm diệu, hết sức vi tế.
Đó là thực có của cái “tôi”, nhưng cái tôi không trình hiện trước chúng ta theo cách ấy. Cái tôi trình hiện như một cái khác, một cái gì đó cụ thể, độc lập và hiện hữu có tự tính. Sau khi cái “tôi” được định danh, tại sao nó xuất hiện như thật có? Tại sao nó không trình hiện như một định danh? Tại sao nó không trình hiện trước chúng ta như thực có? Tại sao nó trình hiện đối nghịch – độc lập và tồn tại có tự tính?

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...