Tình Yêu Là Gì?


Ni sư Ayya Khema
Chân Như Việt dịch.

Ni sư Ayya Khema sinh năm 1923 tại Berlin trong một gia đình theo đạo Do Thái. Bà di cư sang Mỹ năm 1964 và thọ giới xuất gia tại Sri Lanka năm 1979. Ni sư là nữ tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy đầu tiên người phương Tây và là một trong những người tiên phong đấu tranh cho nữ giới trong tăng đoàn.  Ni sư qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 74 và để lại hơn 25 đầu sách về thiền và giáo lý Phật giáo, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng đã được Việt dịch như Vô Ngã Vô Ưu, Ốc Đảo Tự Thân và Khi Nào Chim Sắt Bay.

Đa phần mọi người cảm nhận rằng mình có thể tư duy về đời mình theo lý trí. Nhưng đây là quan niệm sai lầm. Chúng ta luôn bị cảm xúc chi phối và nghĩ ngợi dựa theo cảm xúc. Vì thế, tác động vào cảm xúc là điều hết sức trọng yếu. Đức Phật đã dạy về bốn phép tinh tấn để luyện tâm mình, đó là: 
1. Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh. 
2. Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh. 
3. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh. 
4. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh. 
Bốn tâm vô lượng là: Tâm từ (metta), Tâm bi (karuna), Tâm hỷ (mudita) và Tâm xả (upekkha) còn gọi là “bốn Phạm Trú.” Khi kiện toàn được bốn Tâm vô biên vô lượng này, chúng ta đạt cảnh giới Phật đà ngay trong cõi này, có được một thiên đường ngay giữa tâm mình. Tôi nghĩ mọi người đều biết rằng phía trên đầu chúng ta là bầu trời chứ không phải thiên đường. Chúng ta đưa thiên đàng và địa ngục vào trong tâm mình và có thể trải nghiệm điều này dễ dàng. Vì thế, ngay cả khi không có sự tập trung thiền định hoàn toàn và một nội kiến sâu xa, thì bốn Phạm Trú hay bốn Tâm vô lượng cũng giúp ta sống trong chân lý và tình thương, an toàn và vững chãi, giúp cuộc sống của chúng ta có một chất lượng hoàn toàn khác biệt. Khi sống với yêu thương đong đầy trong tim mà chẳng cần phải có lý do gì, chỉ vì yêu thương chính là bản chất của trái tim, chúng ta sẽ có cảm giác an tâm. Sự an tâm không thể mua được dù nhiều người muốn mua nó lắm. Các công ty bảo hiểm sở hữu được nhiều cao ốc lớn là vì người ta ráng sức mua cho được sự an tâm. Nhưng khi đã kiến tạo được sự yên bình nội tâm, bằng trái tim nhân ái, chúng ta sẽ cảm thấy chắc chắn rằng những phản ứng và cảm xúc của mình không gây tổn hại cho phúc lạc của chính mình và của người khác. Nhiều nỗi sợ hãi sẽ biến mất. 

Tâm Từ - là loại tâm đầu tiên trong bốn Tâm vô lượng – thường được dịch là “lòng từ ái, tình thương bao la”. Chúng ta có nhiều ý niệm về tình yêu. Suy niệm sâu sắc nhất về tình yêu mà người ta hay nghĩ tới và thường được phổ biến rộng rãi trong tiểu thuyết, phim ảnh, quảng cáo v.v… là thứ tình yêu giữa hai con người hết sức hòa hợp với nhau, thường là trẻ trung và xinh đẹp, những người vì lý do kỳ quặc nào đó cuốn hút vào nhau – những thứ như thế này không tồn tại trường cửu được. Phần đông người ta nhận ra đây là một bí ẩn trong suốt quá trình sống và thấy rằng nó không ổn cho lắm. Rồi nhiều người nghĩ đó là lỗi tại họ hay lỗi của người kia hoặc lỗi của cả hai người, rồi họ làm phép thử lại trong những mối quan hệ khác. Sau ba, bảy lần thử lại như thế, có thể họ sẽ vỡ lẽ ra được, nhưng rất nhiều người vẫn đang cố gắng làm phép thử. Đây là cái thường được nhân danh tình yêu trong xã hội chúng ta. 
Trên thực tế, tình yêu là một phẩm chất của trái tim. Trái tim ta chẳng có công năng nào khác hơn để yêu thương. Nếu mọi người nhận biết rằng tất cả chúng ta đều chứa đựng tình yêu trong trái tim mình, rằng chúng ta có thể trưởng dưỡng và vun trồng yêu thương thì chắc chắn chúng ta sẽ chú tâm vào việc này nhiều hơn. Ở tất cả các xã hội phát triển,  có những tổ chức chuyên về việc trau dồi mở rộng tâm trí ở độ tuổi từ ba cho đến khi qua đời. Nhưng chúng ta lại không có bất kỳ tổ chức nào hỗ trợ trưởng dưỡng tình thương, vì thế chúng ta phải tự mình thực hiện điều này thôi.
Đa phần mọi người hoặc chờ đợi hoặc đi gắn kết với một người khiến họ cảm thấy yêu quý. Nhưng kiểu tình yêu như vậy bị phong tỏa bởi nỗi sợ hãi, và sợ hãi là một phần của thù ghét. Cái mà chúng ta thù ghét chính là ý nghĩ cho rằng con người đặc biệt này rồi sẽ chết, sẽ bỏ ta mà đi, sẽ có những suy nghĩ khác, có cảm xúc khác – nói cách khác, nỗi sợ hãi tình yêu rồi sẽ có ngày cáo chung, vì chúng ta tin rằng tình yêu chỉ tuyệt nhiện hiện hữu trong con người đó mà thôi. Vì có cả hơn sáu tỉ người trên thế giới này, điều này khá là kỳ quặc. Tuy vậy, phần đông mọi người cho rằng khả năng yêu thương của mình phụ thuộc vào một người và cứ phải có người đó kề cận với mình. Điều này tạo ra cảm giác sợ hãi mất mát và thứ tình yêu bị bao trùm bởi sợ hãi không bao giờ thuần khiết. Không có tư do trong tình yêu đó, không có tự do để yêu thương. Nếu hiểu rõ tình yêu là một phẩm chất mà tất cả mọi người đều có trong mình, thì lúc đó chúng ta có thể phát triển khả năng yêu thương. Tất cả những kỹ năng có được đều phải thông qua sự rèn luyện. Muốn đánh chữ thì chúng ta phải luyện tập. Chúng ta có thể rèn luyện yêu thương để cuối cùng sở đắc được kỹ năng yêu thương này.
Tình yêu chẳng liên quan việc đến tìm ra người này người kia xứng đáng để ta yêu, hay phải kiểm tra mọi người xem họ có thật sự đáng để mình yêu thương hay không. Nếu kiểm nghiệm lại bản thân thật thành khẩn, sẽ thấy rằng chúng ta cũng chẳng hoàn toàn dễ thương đâu, vậy cớ sao chúng ta cứ kỳ vọng ai đó phải vô cùng dễ thương? Điều này không liên quan với phẩm chất của người đó, cũng không liên quan với việc người đó có muốn được yêu thương không, người đó có yêu thương ta không hay có cần được yêu thương không. Mọi người đều cần yêu thương. Vì ý thức được những hạn chế của mình nên khi có ai đó thương mình, chúng ta nghĩ: ồ hay quá! Người này thương ta mà chẳng hề hay biết ta có đầy vấn đề nọ kia. Chúng ta cứ đi tìm những người yêu thương mình nhằm cổ vũ cho một hình ảnh nào đó về bản thân. Nếu không tìm ra được ai thì ta cảm thấy tuyệt vọng lắm. Có nhiều người thậm chí còn bị trầm cảm hoặc tìm đường tẩu thoát. Những phương cách này đều sai lầm.
Trên con đường tâm linh, không có gì để nắm giữ cả, phải buông bỏ mọi thứ. Hiển nhiên, điều đầu tiên phải buông bỏ là sự cố gắng “buộc” tình yêu vào thay vì cho đi. Đó chính là bí quyết của con đường tu tập tâm linh. Người tu tâm phải toàn tâm toàn ý cho đi chính mình. Bất kỳ cái gì chúng ta  làm nửa vời, kết quả thu được cũng sẽ nửa vời.  Làm như thế nào để cho mình đi? Bằng cách đừng níu giữ lại. Bằng cách đừng ham muốn cái gì cho mình. Nếu chúng ta muốn người khác yêu mình, chúng ta sẽ đi tìm một hệ thống hỗ trợ. Nếu muốn yêu thương người khác, chúng ta tìm kiếm sự phát triển tâm linh.
Ghét bỏ người khác là điều quá dễ. Ai cũng làm được và lý giải được vì rằng con người ta dĩ nhiên không phải ai cũng thông minh và thường không làm theo ý muốn của chúng ta. Ghét bỏ tạo ra những đường rãnh trong trái tim và chúng ta càng lúc càng dễ trượt vào cái rãnh đó. Chúng ta không chỉ ghét bỏ người khác mà ghét bỏ chính mình. Nếu chúng ta yêu thích bản thân thì yêu thương người khác sẽ dễ dàng hơn, đó là lý do tại sao luôn luôn bắt đầu thiền định về tâm từ bằng sự chú tâm vào chính mình trước. Đây không phải là vị kỷ ái ngã. Nếu ta không yêu thương chính mình, vì mình cũng có lỗi lầm phạm phải, chúng ta sẽ luân chuyển cái ghét đó sang người khác và phán xét họ. Chúng ta không có mặt ở đây để phán xét hay phân xử ai cả. Trước hết, ta không đủ năng lực chuyên môn để làm chuyện này. Hơn nữa đây là một việc hết sức khó chịu, không ai trả lương cho việc này và chỉ tổ làm người khác bực mình.
Con người thường cảm thấy cần thiết phải hành xử như thế để bảo vệ mình. Nhưng ta cần bảo vệ mình khỏi cái gì vậy? Chúng ta phải bảo vệ thân thể khỏi thương tật. Chúng ta có phải bảo vệ mình thoát khỏi tình yêu không? Tất cả chúng ta cùng ở đây, trên thế giới này cùng lúc, cùng hít thở một thứ không khí. Chúng ta cùng có tứ chi, cùng có suy niệm và cảm xúc. Ý niệm muốn tách biết khỏi những sinh vật khác là một ảo tưởng. Nếu thực hành thiền định chuyên cần và tinh tấn thì một ngày nào đó chúng ta sẽ thoát ra khỏi ảo tưởng về sự tách biệt này. Thiền định cho phép ta nhìn thấy cái toàn thể trong mọi sự hiển bày. Có một sự sáng tạo và chúng ta là một phần của sự sáng tạo đó. Chúng ta sợ điều gì? Sợ hãi yêu chính mình, sợ phải yêu sự sáng tạo, sợ yêu người khác vì chúng ta biết những tiêu cực của bản thân. Nhận thức rằng mình đã phạm những điều sai trái, rằng mình ôm giữ những tư duy buồn rầu và bất thiện không phải là lý do để ngừng yêu thương. Người mẹ yêu thương đứa con và không bao giờ ngừng yêu kể cả khi chúng làm những trò tầm bậy và ngớ ngẩn.  Trẻ con có hàng trăm ý nghĩ quậy phá hàng ngày và ta la lối chúng. Chúng ta cũng vậy, chỉ có điều ta không thể hiện ra mà thôi. Vậy nếu một người mẹ có thể yêu thương đứa con luôn gây quậy phá thì lý do tại sao ta không thể yêu thương chính mình?
Yêu mình và hiểu mình không giống nhau. Yêu là sự ấm áp từ trái tim, sự kết nối, bảo vệ, chăm sóc, quan tâm, ôm ấp che chở, yêu đến từ sự chấp nhận, sự thấu hiểu chính mình. Thực hành như thế, chúng ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi thực hành tâm từ ái với người khác. Thiên hạ cũng khó chịu như chúng ta và cũng có nhiều suy nghĩ độc hại y chang chúng ta vậy. Nhưng điều đó không thành vấn đề. Chúng ta đâu phải là quan tòa hay người phán xét họ. Khi ý thức được rằng mọi người đều thực sự có thể yêu thương bản thân thì cảm giác đó thật dễ chịu. Chúng ta không cần phải trở thành, giả vờ thành hay cố gắng trở thành một ai đó. Chúng ta chỉ là chính mình. Là chính mình thật dễ chịu chứ không cần phải trở thành “một ai đó.” Tình yêu sẽ giúp việc này khả thi. Cũng như vậy, khi kết nối với người khác, hãy để họ là chính họ và hãy yêu thương. Tất cả chúng ta đều có cơ hội mỗi ngày để thực hiện điều này. Đây là một kỹ năng, cũng như mọi kỹ năng khác.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...