Hiện thực


  
Ngồi xe ôm rong ruổi giữa phố phường Sài gòn. Lâu lắm rồi mới ngắm phố thị từ yên xe máy thay vì từ ô của sổ xe bus. Sau nhiều năm khước từ chạy xe gắn máy vì nhiều lý do này khác, hôm nay quyết định nhảy xe ôm đi chơi tranh thủ ngắm phố.

Một buổi chiều nhẹ nắng, mát mẻ sau cơn mưa nhỏ. Gió tháng 11 bắt đầu mát rượi. Phố xá đông đúc, xe cộ bận rộn, người ta náo nhiệt.  Anh xe ôm thạo đường nên lả lướt vô cùng. Mình ngồi đằng sau thích thú như cô bé quê được đi lên phố.  Xe chạy đường chợ, anh xe ôm giải thích đi tắt như thế cho bớt đèn xanh đèn đỏ.

Ngước lên, màu xanh trong veo. Cao tít phía trên, vài sợi mây mỏng tang lằng ngoằng vắt vẻo ngang bầu trời. Quay sang trái, các cửa hàng bán đồ linh tinh đang hoạt động rộn rã, người mua kẻ bán, đi ra đi vào, chuyện trò chỉ trỏ tấp nập. Mấy bác đứng tuổi tươi cười chém gió ngoài vỉa hè, cà phê bệt dã chiến, hoa chân múa tay, mặt ai cũng sạm màu nắng gió, mặt ai cũng hân hoan. Quay sang phải thấy ngay mẹt đựng chanh, xả, nghệ và các thứ rau xanh tươi xếp ngay ngắn, trình bày rất nghệ thuật chả thua gì trong siêu thị. Ngạc nhiên không, khiếu thẩm mỹ của người bán không hề tệ chút nào. Chị bán hàng ngồi trên chiếc ghế gỗ thấp cười toe toét, tay bào xả. Bên cạnh chị là một ông cụ móm gần hết răng, ngồi trên chiếc ghế nhựa cao hơn, cũng đang mỉm cười, tóc ông phất phơ bay trong gió chiều. Họ đang nói chuyện. Nụ cười rạng rỡ cho tôi biết rằng họ rất vui. “Ồ, đây là cuộc sống, đây là hiện thực này Phương! Hiện thực đơn giản vậy thôi!”. Phải, hiện thực chỉ giản đơn như vậy thôi, mẹt chanh tươi, rổ nghệ vàng, giỏ cà chua đỏ, chồng cà rốt màu cam. Nụ cười tươi rói hồn hậu của chị bán rau và ông cụ móm mém kia. Hà cớ gì ta phức tạp hóa vấn đề nhỉ? Sao trước đến giờ mình không nhìn thấy hiện thực mộc mạc rạng ngời như thế này nhỉ? Hình như mình đã bỏ sót những điều hồn nhiên tuyệt đẹp trong bức tranh cuộc sống hiện thực đầy màu sắc sống động như thế này? Chẳng lẽ cuộc sống này, những con người này, giây phút này không quá đủ đầy cho mình hay sao? Vì sao phải tìm kiếm hạnh phúc đang vắt vẻo ở nơi nào khác?

Bỗng nhận ra thay vì sống trong thực tại và nhìn nó giản đơn như chính nó, ta đã dành thời gian đáng kể chúi đầu vào mạng xã hội, đọc, nghe rồi phán xét, nhạo báng, than phiền thay vì khen ngợi, cảm kích và trân quý. Ta có khuynh hướng chỉ nhìn chằm chằm vào cái mình muốn nhìn, soi mói cái mình muốn soi trong một tâm thức chán nản chỉ trực buông ra lời chỉ trích. Tâm thức mình sẵn sàng cho cái xấu cái ác nhiều hơn cái tốt và cái đẹp. Thấy đống rác bên đường, ta chỉ thấy nó thối, thấy kẹt xe trên đường ta thấy nó đáng ghét, thấy người ta tranh giành đường đi của nhau, lấn tuyến, ta chỉ muốn cãi vã chửi đổng. Cho đến một ngày, trên một chuyến xe ôm lả lướt giữa phố thị,  hốt nhiên nhận ra rằng mình đã mù lòa với hiện thực  và thừa ngu ngốc để bỏ qua cái rạng rỡ của thực tại, bỏ qua những tiếng cười vô tư, bỏ qua sự rộn ràng hồn nhiên vốn có của cuộc sống thành thị, quên nhìn bầu trời trong một tâm thức bình yên, quên ngắm những chiếc lá xanh bay phất phới trên tán cây. 

Chúng ta đã bỏ quên phần lớn thực tại để tiêu tốn thời gian đọc màn hình điện thoại hay lướt máy tính bảng. Thay vì chọn cái thực, ta chọn cái ảo, vì thế nhiều thứ ta ngỡ là hiện thực thực ra chỉ là ảo ảnh.  Ta lăn lộn giãy đạp thảm hại trong ảo ảnh về hiện thực mà cứ ngỡ mình sống đang trong hiện thực. Tựa như thấy trăng đẹp trong hồ nước, thích quá nhảy xuống nước mò trăng, vì nghĩ rằng trăng này có thật. Không tìm thấy trăng thì thất vọng, phiền não, thậm chí giận dữ, có người chìm luôn trong hồ vì không biết bơi. Đó là sự khác nhau giữa hiện thực và ảo giác về hiện thực. Chúng ta vẫn sống trong ảo giác.  

Như một blogger đã từng nói “chúng ta cảm thấy những giây phút hiện tại trong đời sống là chưa đủ thỏa mãn cho mình.” Chưa bao giờ chúng ta thấy đủ vì chúng ta bận rộn đi diễn giải hiện thực theo cách mình cảm nhận.  Anh chàng chăn cừu Santiago trong câu chuyện Nhà Giả Kim cũng tự nhủ với bản thân:mình như mọi người thôi: nhìn thế giới và thấy theo ý mình chứ không phải như theo thực tế.” Chính vì cái thấy về thế giới theo cách của mình chứ không phải theo thực tế nên chúng ta luôn bóp méo hiện thực qua lăng kính dị dạng của kinh nghiệm cá nhân và sự phán xét chủ quan. Hãy thử ráng ngồi yên năm phút không nghĩ gì, tôi dám cá là hầu như tất cả chúng ta không thể ngồi im 5 phút với đầu óc trống không, vứt bỏ suy niệm, phán xét va toan tính. Ngay cả khi ngồi yên, đầu chúng ta cũng không ngừng nói chuyện với chính mình.

Vì khước từ nhìn hiện thực như chính nó, chúng ta lao vào phán xét tất cả những gì mình thấy, nghe và đọc qua cảm nhận và kinh nghiệm cá nhân. Rồi sau đó tự giày vò, lo lắng, tự làm khổ chính mình. Vì rằng khi nhìn hiện thực như chính nó, chúng ta học cách chấp nhận và nhân nhượng. Vì chấp nhận và nhân nhượng, chúng ta sẽ sống hòa bình với chính mình và với người khác. Khi nhìn thấy hiện thực là chính nó, bản ngã không bị thổi phồng như một cái bong bóng xà phòng. Bản ngã của chúng ta không bị sưng phù khi có ai đó chỉ trích hay tước mất của ta thứ gì. Ta sống an nhiên, nhẹ nhàng và vô tư như chiếc lá trên cành. Gió thổi lá bay, gió ngừng thổi, lá ngừng bay. Chiếc lá không thắc mắc vì sao hôm nay gió thổi hướng đông hay tây, cũng chẳng buồn oán trách mưa bão,  hay vì sao hôm nay không có gió, nó cũng chẳng phán xét vì sao tòa nhà bên cạnh lại xây cao cản gió hoặc vì sao cái cây bên cạnh lại có lá nhiều hơn, xanh hơn.

Gió vẫn thổi, mây vẫn bay, đời sống vẫn trôi đi. Mọi chỉ trích, phản đối, phán xét chỉ là kết quả của sự khước từ chấp nhận hiện thực như chính nó và bóp méo nó trong cái nhìn thiên kiến, rồi giày vò, đau khổ triền miên.


Đừng bỏ lỡ cơ hội nhìn thấy hiện thực. Đừng quên ngắm bình minh trong im lặng trầm mặc mà không cần một lời khen chê, phán xét hay phải rút máy ảnh ra lưu giữ lại những giây phút đẹp đẽ đó.  Cứ để những khoảnh khắc nhiệm màu như thế trôi qua tự nhiên và chúng ta có đủ thời gian cảm nhận trọn vẹn hiện thực đẹp đẽ trong từng giây phút sống.

Đi tìm trái ớt ngọt


Một hôm người ta nhìn thấy ông Nasrudin ngồi giữa chợ nước mắt nước mũi chảy ròng ròng và trước mặt ông là một giỏ ớt thật to. Mỗi lúc ông lại đều đặn đưa tay vào giỏ lựa một trái ớt bỏ vào miệng nhai rồi ông lại kêu khóc thật to,không kiềm chế được.


Những người đi ngang thấy vậy hỏi: Nasrudin ông đang làm gì thế, ông có điên không?. Nước mắt nước mũi vẫn tuôn chảy, ông nói giọng thều thào: “tôi cứ muốn ăn những trái ớt này vì hy vọng rồi sẽ tìm ra một trái ớt ngọt”

Thế đấy, lòng ham muốn sẽ không bao giờ chịu học hỏi, nó sẽ không bao giờ khôn ra! Kể cả những khi nó không thu đạt được lợi ích gì cả ngoại trừ sự khổ đau. Lòng ham muốn vẫn cứ lì lợm theo đuổi mục đích riêng của nó. Thái độ chạy đuổi không biết mệt mỏi theo những ham muốn ấy  khiến người ta có thể làm những việc rất lạ lùng và điên rồ.

Lòng ham muốn là sợi dây trói buộc chúng ta vào bánh xe của khổ đau. Và dù chúng ta thấy rõ được chúng mang tới khổ đau nhưng không tài nào thuyết phục được mình buông bỏ để thoát ra được.


Vài bài thơ của Basho




1.
Gật gù trên lưng ngựa,
Thoáng nhìn tựa trong mơ  
Vầng trăng xưa lửng lơ
Với một sợi khói mảnh
Đun tách trà ban mai.


2. 
Bóng tối sâu tuyệt thẳm,
Đêm khuya bặt trăng sao
Vần vũ gió cuộn quanh
Cây tùng già trong bão.


3.
Bướm con nho nhỏ
Đậu ngọn lan mềm,
Ngọt ngào thơm hương,
Đượm nồng đôi cánh.


4.
Nắm trong lòng tay
Sợi băng buốt đẫm
Chúng vội tan trong
Giọt nước mắt ấm.



5.

Ta muốn phủi sạch
Bụi trần nhân gian
Đoạn trường quá khứ
Trong giọt sương tan.





6.
Cuối giấc mộng dài,
Vẫn ở nhân gian
Đoạn đường đã qua
Ngày thu héo tàn.


7.
Hoa mẫu đơn mùa đông
Phía xa chim lảnh lót
Trong tuyết trắng
Tôi nghe tiếng cúc cu?


8.
Ngả lưng gối cỏ
Đôi lúc vẳng nghe
Canh thâu chó sủa
Mưa rơi ngoài khe.


9.
Mùa xuân.
Những ngọn đồi vô danh,
Quyện quanh
Khói mỏng manh, sương sớm.


10.
Trắng xóa đồi mai phủ
Ẩn náu hay bị đánh cắp
Phía sau rừng hoa sao,
Lũ hạc bay phương nào?

Hoa trong vườn khoe sắc
Sừng sững cây sồi già
Chẳng đoái hoài, thờ ơ
Giữa rừng mai bừng nở.


(Trích "Đường hẹp về phương Bắc xa xôi" - Matsuo Basho)
Chân Như phỏng dịch.

Ngay bây giờ, ngay ở đây

Phải chấp nhận hiện thực để có thể tận hưởng một đời sống tốt đẹp nhất.

Định chạy vào nhà lấy cái máy ảnh lưu giữ lại cảnh huy hoàng lộng lẫy hiếm có này để chia sẻ với bạn bè, nhưng bỗng nhiên tôi chựng lại, hít một hơi thật sâu. Không khí mát lạnh luồn qua phổi, thanh thoát, trong trẻo đến lạ lùng. Tôi bỗng nhận ra rằng mình cần phải làm một điều khác: Hãy để những giây phút hiện tại này trôi qua một cách đầy đủ và trọn vẹn mà không cần thêm bất cứ điều gì – không cần phải chia sẻ, chụp hình hay đẩy nó lên mạng xã hội làm gì.
Tôi ngước nhìn lại bầu trời trong ánh bình minh và thầm nhủ với lòng mình: “Giây phút này là đủ rồi. Khoảnh khắc này tự nó đã đủ đầy rồi.” Thật sự không còn lý do nào hợp lý hơn khiến tôi phải cảm nhận khác đi.
Hiển nhiên tôi biết rằng mình không phải người duy nhất trên đời này có cảm giác rằng – Những khoảnh khắc huy hoàng trong cuộc đời cần phải được chia sẻ, phải nắm giữ chúng lại, chụp ảnh hay phải tải lên mạng thì mới hoàn chỉnh được. Đó cũng chính là một phần lý do vì sao các mạng xã hội lại thịnh hành như thế trong đời sống ngày nay.
Rất thường xuyên, chúng ta cảm thấy những khoảnh khắc hạnh phúc trong đời là chưa đủ chất nếu chưa chụp ảnh nó, chưa chia sẻ nó với mọi người. Hoặc chúng ta cảm thấy những giây phút hiện tại trong đời sống là chưa đủ thỏa  mãn cho mình. Vì thế, ta tiêu tốn thời gian tự đánh lạc hướng bản thân bằng cách xem ti vi liên tục, chơi game, la cà quán xá…. Nó trở thành bản chất thứ hai của chúng ta là vì mọi người đều quá quen thuộc với cảm giác thời khắc hiện tại chưa xứng đáng với hiện hữu đầy đủ trọn vẹn của mình!
Cách nghĩ cho rằng giây phút thực tại chẳng bao giờ đủ đầy cứ ngấm dần vào mọi mặt trong đời sống của chúng ta…
Chúng ta luôn suy nghĩ về những thứ sắp xảy ra như thể những gì đang hiện hữu lúc này không đáng để mình phải trân quý. Ngồi xuống nghỉ ngơi chút xíu là lập tức ta cảm thấy phải đọc một cái gì đó trên điện thoại, lướt mạng xã hội hay nhắn tin cho ai đó, cứ như thể thư giãn một chút chưa đủ. Chúng ta khó chịu với những người làm trái mong muốn của mình như thể họ thực sự là ai không đủ cho chúng ta. Chúng ta phản kháng lại những thay đổi trong đời mình, trong các mối quan hệ, trong sự nghiệp bởi vì hình như thực tại không bao giờ đủ. Chúng ta khước từ hoàn cảnh, con người và thậm chí cả bản thân mình vì thấy chẳng có cái gì đủ với mình tại lúc này và ngay ở đây cả. 

Nếu chúng ta biết chấp nhận hiện tại cũng như mọi người, mọi vật hiện hữu trong hiện tại này là đủ đầy, thì sao nhỉ?
Nếu chúng ta chấp nhận rằng giây phút hiện tại sắp trôi tuột đi ngay bây giờ và thấy những giây phút phù du ngắn ngủi mình đang tận hưởng lúc này là đủ đầy mà chẳng cần phải chia sẻ, nắm bắt hay thay đổi nó, thì sao nhỉ?
Hãy suy tư về điều này…

Ngay tại đây, ngay bây giờ là đủ rồi.
Chuyện gì xảy ra nếu ta bắt đầu hành động với tinh thần như thế?
Tôi thường quên ngưng lại và quên trân trọng giây phút hiện tại như chính nó. Vì thế tôi tạo ra một cách để trợ giúp mình thực hành trân quý thực tại. Tóm lại, tôi thường chủ động nhắc nhở bản thân….
-         Giây phút hiện tại mình đang có là đủ đầy lắm rồi.
-         Tình huống như vậy là đủ đầy rồi
-         Những con người này đã đủ đầy rồi
-         Mình như vậy là đủ đầy rồi.
Bất kỳ lúc nào thấy mình nghĩ khác đi, tôi sẽ ngưng lại và tự nhắc mình (tôi giữ chúng trong một tờ giấy gập lại trong ví). Rồi tôi hít một hơi thật sâu và mang sự chú tâm của tôi trở về với thực tại.

  • Nếu bạn lo lắng thái quá về chuyện sắp xảy ra, dù là chuyện gì đi nữa, bạn sẽ bỏ qua và quên mất vẻ đẹp của những  gì đang diễn ra quanh mình. Ngay lúc này mới là cuộc sống. Đừng đánh mất nó.
  • Học bỏ qua những thứ khác đi, nhắc mình đã có diễm phúc biết bao khi được trải nghiệm những giây phút của thực tại. Bạn càng trân quý thực tại, nó càng trở nên tươi đẹp hơn.
  • Ngưng vội vã. Hãy hít thở. Ý thức mình đang ở đâu. Bạn đang hiện hữu ở chính cái nơi bạn phải hiện hữu, ngay tại khoảnh khắc này. Từng bước đi, từng trải nghiệm đều cần thiết.
  • Người giàu có nhất không phải là người sở hữu nhiều nhất mà là người truy cầu ít nhất. Giàu có là ở tại tâm. Ít muốn và biết đủ, trân quý thực tại nhiều hơn!
  • Đừng so sánh mình với người khác. Tất cả mọi người đều cần thời gian để đi hết đoạn đường của mình.  Chú tâm vào thực tại, vào từng giây phút,  trải nghiệm ngay lúc này. 
  • Hãy có mặt ở đây, trong lúc này. Có biết bao niềm vui trong một cuộc trò chuyện cởi mở, một nụ cười mộc mạc, một cái ôm chân thành hay một người bạn chân thành, ngay ở đây, ngay lúc này.





Đối thoại với Thầy


1.
“Đời con như cái ly vỡ vụn,” – một  vị khách nói với Thầy. “Tâm hồn con vấy bẩn nhiều tội lỗi. Có hy vọng gì cho con không?”
“Có,” Thầy đáp. “Có một thứ có thể hàn gắn những mảnh vỡ nát đó và mọi vết nhơ được gột rửa sạch.”
“Đó là cái gì?”
“Sự tha thứ.”
“Con phải tha thứ cho ai?”
“Mọi người. Cuộc đời, Chúa, hàng xóm của con và đặc biệt là tha thứ cho chính mình.”
“Làm sao để tha thứ đây?”
“Bằng cách hiểu rằng không ai đáng bị đổ lỗi cả,” Thầy đáp, “không ai cả.”

2.
“Con đi tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu.” – Một vị khách lạ nói với Thầy.
“Lẽ dĩ nhiên,  anh đang giả định là một sự hiện hiệu hữu có ý nghĩa.” – Thầy trả lời.
“Chả lẽ lại không có ?”
“Khi anh kinh nghiệm sự hiện hữu đúng như  nó là – chứ không phải như anh nghĩ nó là – anh sẽ nhận ra rằng câu hỏi của anh chả có ý nghĩa gì hết.” – Thầy đáp.

3.
Thầy diễn lại một mẩu đối thoại tưởng tượng giữa Chúa và một tín đồ:
Tín đồ: Xin Chúa đừng bỏ con.
Chúa: Ta đi để Chúa thánh thần có thể tới được.
Tín đồ: Chúa thánh thần này là gì ạ?
Chúa: Lòng can đảm và tự do đến từ sự bất phụ thuộc.

4.
Một lần nọ, Thầy trò chuyện với một ông hàng xóm ở miền quê, ông này bị ám ảnh với việc phải có thêm nhiều đất đai.
“Con ước mình có thêm đất,” ông ta nói.
“Nhưng  tại sao?, Thầy hỏi, “Chẳng phải ông đã có đủ đất rồi đấy thôi?”
“Nếu con có thêm đất, con sẽ nuôi thêm bò.”
“Rồi ông làm gì với đám bò đó?”
“Con bán chúng đi lấy tiền.”
“Để làm gì?”
“Để mua thêm đất và nuôi thêm nhiều bò.”

5.
“Thế giới hiện đại hiện đang nhức nhối về chứng lười biếng tình dục ngày càng tăng,” – một nhà tâm lý học nói.
“Cái đó là gì thế?” Thầy hỏi.
“Chứng mất hết hứng thú tình dục.”
“ Thật kinh khủng!” Thầy đáp. “Chữa trị bằng cách nào đây?”
“Chúng tôi cũng không biết. Thầy biết cách nào không?”
“Tôi nghĩ là tôi biết.”
“Cách gì vậy?”
“Khép tình dục thành một tội đi,” Thầy trả lời với nụ cười hóm hỉnh.

6.
“Một số người nói rằng không có đời sống sau cái chết,” một đệ tử nói.
“Họ nói vậy à?” Thầy đáp bình thản.
“Thật kinh khủng khi chết và không bao giờ có thể nhìn thấy, nghe thấy hoặc yêu thương hoặc di chuyển lại được nữa.”
“Con thấy điều đó kinh khủng à? Thầy hỏi “Nhưng đây là cách phần đông mọi người đang làm ngay cả trước khi họ chết mà.”

7.
“Cụ thể thì Giác ngộ là gì ạ?” Một đệ tử chất vấn Thầy
“Nhìn thấy Hiện Thực như chính nó.” Thầy đáp
“Ai mà chả thấy Hiện Thực như chính nó.”
“Ồ không, phần đông người ta nhìn Hiện Thực theo cách họ nghĩ nó là”
“Có gì khác nhau?”
“Sự khác nhau giữa việc con nghĩ con đang chìm nghỉm giữa một đại dương bão tố và con biết rằng con không thể chìm vì làm gì có nước ở xung quanh con.”

8.
“Làm sao con có thể thay đổi chính con?”
“Con là chính con, vì thế con không thể thay đổi chính con, cũng tựa như con không thể đi mà bỏ cái chân ở lại được.”
“Không lẽ không thể làm gì được sao?”
“Con có thể hiểu và chấp nhận điều này.
“Con sẽ thay đổi như thế nào nếu con chấp nhận bản thân con?
“Con sẽ thay đổi như thế nào nếu con không chấp nhận bản thân con? Những gì con không chấp nhận, con sẽ không thay đổi, con chỉ cố kiềm nén mà thôi.”

9.
“Sao con luôn làm điều ác?”
“Vì con bị mê hoặc.” Thầy đáp
“Bởi cái gì?”
“Bởi cái ảo giác mà con gọi là bản ngã
“Vậy làm sao để ngưng cái ác?”
“Bằng cách hiểu rằng cái ngã mà con biết không tồn tại, vì thế không cần phải bảo vệ nó.”

10.
“Thầy sẽ chúc chúng con một Giáng sinh vui vẻ chứ?”
Thầy liếc vào tờ lịch, thấy hôm nay là thứ Ba và nói: “Thầy muốn chúc các con một ngày thứ Ba vui vẻ thì hơn!”
Điều này làm những người Công giáo trong tu viện khó chịu cho đến khi Thầy giải thích: “Hàng triệu người không vui hưởng ngày hôm nay mà phải đợi tới Giáng Sinh. Vì thề niềm vui của họ ngắn ngủi lắm. Nhưng với những người học cách vui sống trong hiện tại, thì ngày nào cũng là Giáng Sinh cả.”

11.
“Sư phụ cũ của con dạy con chấp nhận sinh và  tử.”
“Vậy con còn đến gặp ta làm gì?” Thầy hỏi.
“Để học cách chấp nhận những thứ nằm giữa đoạn sinh và tử.”

12.
“Hạnh phúc giống như con bướm” Thầy nói, “Đuổi theo nó, nó lẩn trốn ta. Ngồi xuống im lặng, nó sẽ đậu lên vai con.”
“Vậy con phải làm gì để có hạnh phúc?”
“Ngưng đuổi theo nó.”
“Nhưng chẳng lẽ không làm gì sao?”
“Con có thể ráng ngồi trong im lặng – nếu con dám làm thế!”

(Trích từ tác phẩm Tỉnh Thức - Awakening của Anthony De Mello)
- Chân Như Việt dịch.

Tình Yêu Là Gì?


Ni sư Ayya Khema
Chân Như Việt dịch.

Ni sư Ayya Khema sinh năm 1923 tại Berlin trong một gia đình theo đạo Do Thái. Bà di cư sang Mỹ năm 1964 và thọ giới xuất gia tại Sri Lanka năm 1979. Ni sư là nữ tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy đầu tiên người phương Tây và là một trong những người tiên phong đấu tranh cho nữ giới trong tăng đoàn.  Ni sư qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 74 và để lại hơn 25 đầu sách về thiền và giáo lý Phật giáo, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng đã được Việt dịch như Vô Ngã Vô Ưu, Ốc Đảo Tự Thân và Khi Nào Chim Sắt Bay.

Đa phần mọi người cảm nhận rằng mình có thể tư duy về đời mình theo lý trí. Nhưng đây là quan niệm sai lầm. Chúng ta luôn bị cảm xúc chi phối và nghĩ ngợi dựa theo cảm xúc. Vì thế, tác động vào cảm xúc là điều hết sức trọng yếu. Đức Phật đã dạy về bốn phép tinh tấn để luyện tâm mình, đó là: 
1. Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh. 
2. Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh. 
3. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh. 
4. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh. 
Bốn tâm vô lượng là: Tâm từ (metta), Tâm bi (karuna), Tâm hỷ (mudita) và Tâm xả (upekkha) còn gọi là “bốn Phạm Trú.” Khi kiện toàn được bốn Tâm vô biên vô lượng này, chúng ta đạt cảnh giới Phật đà ngay trong cõi này, có được một thiên đường ngay giữa tâm mình. Tôi nghĩ mọi người đều biết rằng phía trên đầu chúng ta là bầu trời chứ không phải thiên đường. Chúng ta đưa thiên đàng và địa ngục vào trong tâm mình và có thể trải nghiệm điều này dễ dàng. Vì thế, ngay cả khi không có sự tập trung thiền định hoàn toàn và một nội kiến sâu xa, thì bốn Phạm Trú hay bốn Tâm vô lượng cũng giúp ta sống trong chân lý và tình thương, an toàn và vững chãi, giúp cuộc sống của chúng ta có một chất lượng hoàn toàn khác biệt. Khi sống với yêu thương đong đầy trong tim mà chẳng cần phải có lý do gì, chỉ vì yêu thương chính là bản chất của trái tim, chúng ta sẽ có cảm giác an tâm. Sự an tâm không thể mua được dù nhiều người muốn mua nó lắm. Các công ty bảo hiểm sở hữu được nhiều cao ốc lớn là vì người ta ráng sức mua cho được sự an tâm. Nhưng khi đã kiến tạo được sự yên bình nội tâm, bằng trái tim nhân ái, chúng ta sẽ cảm thấy chắc chắn rằng những phản ứng và cảm xúc của mình không gây tổn hại cho phúc lạc của chính mình và của người khác. Nhiều nỗi sợ hãi sẽ biến mất. 

Tâm Từ - là loại tâm đầu tiên trong bốn Tâm vô lượng – thường được dịch là “lòng từ ái, tình thương bao la”. Chúng ta có nhiều ý niệm về tình yêu. Suy niệm sâu sắc nhất về tình yêu mà người ta hay nghĩ tới và thường được phổ biến rộng rãi trong tiểu thuyết, phim ảnh, quảng cáo v.v… là thứ tình yêu giữa hai con người hết sức hòa hợp với nhau, thường là trẻ trung và xinh đẹp, những người vì lý do kỳ quặc nào đó cuốn hút vào nhau – những thứ như thế này không tồn tại trường cửu được. Phần đông người ta nhận ra đây là một bí ẩn trong suốt quá trình sống và thấy rằng nó không ổn cho lắm. Rồi nhiều người nghĩ đó là lỗi tại họ hay lỗi của người kia hoặc lỗi của cả hai người, rồi họ làm phép thử lại trong những mối quan hệ khác. Sau ba, bảy lần thử lại như thế, có thể họ sẽ vỡ lẽ ra được, nhưng rất nhiều người vẫn đang cố gắng làm phép thử. Đây là cái thường được nhân danh tình yêu trong xã hội chúng ta. 
Trên thực tế, tình yêu là một phẩm chất của trái tim. Trái tim ta chẳng có công năng nào khác hơn để yêu thương. Nếu mọi người nhận biết rằng tất cả chúng ta đều chứa đựng tình yêu trong trái tim mình, rằng chúng ta có thể trưởng dưỡng và vun trồng yêu thương thì chắc chắn chúng ta sẽ chú tâm vào việc này nhiều hơn. Ở tất cả các xã hội phát triển,  có những tổ chức chuyên về việc trau dồi mở rộng tâm trí ở độ tuổi từ ba cho đến khi qua đời. Nhưng chúng ta lại không có bất kỳ tổ chức nào hỗ trợ trưởng dưỡng tình thương, vì thế chúng ta phải tự mình thực hiện điều này thôi.
Đa phần mọi người hoặc chờ đợi hoặc đi gắn kết với một người khiến họ cảm thấy yêu quý. Nhưng kiểu tình yêu như vậy bị phong tỏa bởi nỗi sợ hãi, và sợ hãi là một phần của thù ghét. Cái mà chúng ta thù ghét chính là ý nghĩ cho rằng con người đặc biệt này rồi sẽ chết, sẽ bỏ ta mà đi, sẽ có những suy nghĩ khác, có cảm xúc khác – nói cách khác, nỗi sợ hãi tình yêu rồi sẽ có ngày cáo chung, vì chúng ta tin rằng tình yêu chỉ tuyệt nhiện hiện hữu trong con người đó mà thôi. Vì có cả hơn sáu tỉ người trên thế giới này, điều này khá là kỳ quặc. Tuy vậy, phần đông mọi người cho rằng khả năng yêu thương của mình phụ thuộc vào một người và cứ phải có người đó kề cận với mình. Điều này tạo ra cảm giác sợ hãi mất mát và thứ tình yêu bị bao trùm bởi sợ hãi không bao giờ thuần khiết. Không có tư do trong tình yêu đó, không có tự do để yêu thương. Nếu hiểu rõ tình yêu là một phẩm chất mà tất cả mọi người đều có trong mình, thì lúc đó chúng ta có thể phát triển khả năng yêu thương. Tất cả những kỹ năng có được đều phải thông qua sự rèn luyện. Muốn đánh chữ thì chúng ta phải luyện tập. Chúng ta có thể rèn luyện yêu thương để cuối cùng sở đắc được kỹ năng yêu thương này.
Tình yêu chẳng liên quan việc đến tìm ra người này người kia xứng đáng để ta yêu, hay phải kiểm tra mọi người xem họ có thật sự đáng để mình yêu thương hay không. Nếu kiểm nghiệm lại bản thân thật thành khẩn, sẽ thấy rằng chúng ta cũng chẳng hoàn toàn dễ thương đâu, vậy cớ sao chúng ta cứ kỳ vọng ai đó phải vô cùng dễ thương? Điều này không liên quan với phẩm chất của người đó, cũng không liên quan với việc người đó có muốn được yêu thương không, người đó có yêu thương ta không hay có cần được yêu thương không. Mọi người đều cần yêu thương. Vì ý thức được những hạn chế của mình nên khi có ai đó thương mình, chúng ta nghĩ: ồ hay quá! Người này thương ta mà chẳng hề hay biết ta có đầy vấn đề nọ kia. Chúng ta cứ đi tìm những người yêu thương mình nhằm cổ vũ cho một hình ảnh nào đó về bản thân. Nếu không tìm ra được ai thì ta cảm thấy tuyệt vọng lắm. Có nhiều người thậm chí còn bị trầm cảm hoặc tìm đường tẩu thoát. Những phương cách này đều sai lầm.
Trên con đường tâm linh, không có gì để nắm giữ cả, phải buông bỏ mọi thứ. Hiển nhiên, điều đầu tiên phải buông bỏ là sự cố gắng “buộc” tình yêu vào thay vì cho đi. Đó chính là bí quyết của con đường tu tập tâm linh. Người tu tâm phải toàn tâm toàn ý cho đi chính mình. Bất kỳ cái gì chúng ta  làm nửa vời, kết quả thu được cũng sẽ nửa vời.  Làm như thế nào để cho mình đi? Bằng cách đừng níu giữ lại. Bằng cách đừng ham muốn cái gì cho mình. Nếu chúng ta muốn người khác yêu mình, chúng ta sẽ đi tìm một hệ thống hỗ trợ. Nếu muốn yêu thương người khác, chúng ta tìm kiếm sự phát triển tâm linh.
Ghét bỏ người khác là điều quá dễ. Ai cũng làm được và lý giải được vì rằng con người ta dĩ nhiên không phải ai cũng thông minh và thường không làm theo ý muốn của chúng ta. Ghét bỏ tạo ra những đường rãnh trong trái tim và chúng ta càng lúc càng dễ trượt vào cái rãnh đó. Chúng ta không chỉ ghét bỏ người khác mà ghét bỏ chính mình. Nếu chúng ta yêu thích bản thân thì yêu thương người khác sẽ dễ dàng hơn, đó là lý do tại sao luôn luôn bắt đầu thiền định về tâm từ bằng sự chú tâm vào chính mình trước. Đây không phải là vị kỷ ái ngã. Nếu ta không yêu thương chính mình, vì mình cũng có lỗi lầm phạm phải, chúng ta sẽ luân chuyển cái ghét đó sang người khác và phán xét họ. Chúng ta không có mặt ở đây để phán xét hay phân xử ai cả. Trước hết, ta không đủ năng lực chuyên môn để làm chuyện này. Hơn nữa đây là một việc hết sức khó chịu, không ai trả lương cho việc này và chỉ tổ làm người khác bực mình.
Con người thường cảm thấy cần thiết phải hành xử như thế để bảo vệ mình. Nhưng ta cần bảo vệ mình khỏi cái gì vậy? Chúng ta phải bảo vệ thân thể khỏi thương tật. Chúng ta có phải bảo vệ mình thoát khỏi tình yêu không? Tất cả chúng ta cùng ở đây, trên thế giới này cùng lúc, cùng hít thở một thứ không khí. Chúng ta cùng có tứ chi, cùng có suy niệm và cảm xúc. Ý niệm muốn tách biết khỏi những sinh vật khác là một ảo tưởng. Nếu thực hành thiền định chuyên cần và tinh tấn thì một ngày nào đó chúng ta sẽ thoát ra khỏi ảo tưởng về sự tách biệt này. Thiền định cho phép ta nhìn thấy cái toàn thể trong mọi sự hiển bày. Có một sự sáng tạo và chúng ta là một phần của sự sáng tạo đó. Chúng ta sợ điều gì? Sợ hãi yêu chính mình, sợ phải yêu sự sáng tạo, sợ yêu người khác vì chúng ta biết những tiêu cực của bản thân. Nhận thức rằng mình đã phạm những điều sai trái, rằng mình ôm giữ những tư duy buồn rầu và bất thiện không phải là lý do để ngừng yêu thương. Người mẹ yêu thương đứa con và không bao giờ ngừng yêu kể cả khi chúng làm những trò tầm bậy và ngớ ngẩn.  Trẻ con có hàng trăm ý nghĩ quậy phá hàng ngày và ta la lối chúng. Chúng ta cũng vậy, chỉ có điều ta không thể hiện ra mà thôi. Vậy nếu một người mẹ có thể yêu thương đứa con luôn gây quậy phá thì lý do tại sao ta không thể yêu thương chính mình?
Yêu mình và hiểu mình không giống nhau. Yêu là sự ấm áp từ trái tim, sự kết nối, bảo vệ, chăm sóc, quan tâm, ôm ấp che chở, yêu đến từ sự chấp nhận, sự thấu hiểu chính mình. Thực hành như thế, chúng ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi thực hành tâm từ ái với người khác. Thiên hạ cũng khó chịu như chúng ta và cũng có nhiều suy nghĩ độc hại y chang chúng ta vậy. Nhưng điều đó không thành vấn đề. Chúng ta đâu phải là quan tòa hay người phán xét họ. Khi ý thức được rằng mọi người đều thực sự có thể yêu thương bản thân thì cảm giác đó thật dễ chịu. Chúng ta không cần phải trở thành, giả vờ thành hay cố gắng trở thành một ai đó. Chúng ta chỉ là chính mình. Là chính mình thật dễ chịu chứ không cần phải trở thành “một ai đó.” Tình yêu sẽ giúp việc này khả thi. Cũng như vậy, khi kết nối với người khác, hãy để họ là chính họ và hãy yêu thương. Tất cả chúng ta đều có cơ hội mỗi ngày để thực hiện điều này. Đây là một kỹ năng, cũng như mọi kỹ năng khác.





Stress vs Hạnh phúc


Stress là kết quả của sự cứng nhắc và khước từ hiện thực. Nói cách khác, nguyên nhân của stress là do chấp bám mạnh mẽ vào một điều gì đó, vào một cách thức nào đó, vào những kết quả hay kỳ vọng nào đó. Khi nuôi những hy vọng hay kỳ vọng mãnh liệt thì cũng sẽ phát sinh nỗi sợ hãi những kỳ vọng đó không thành hiện thực, việc này việc kia không theo mong muốn hay hoạch định. Và người ta luôn sống trong toan tính, trong sợ hãi hoặc thất vọng nặng nề, vì thế luôn bị stress hành hạ.

Rất nhiều người mong muốn một đời sống hạnh phúc, thoát khỏi xiềng xích của sợ hãi và lo lắng. Họ bận rộn lên kế hoạch này, kế hoạch kia, tin rằng khi chúng hoàn tất, họ sẽ tìm thấy cầu vồng hạnh phúc nơi cuối con đường. Họ bận rộn tới lui như con ong thợ. Họ than phiền, họ đấu tranh, họ chỉ trích, họ chen vai thích cánh, họ bị tress… “Hạnh phúc lẩn trốn nơi nào, sao tôi tìm không ra?” – Họ tự hỏi. Rốt cuộc cho đến những khoảnh khắc cuối cùng đời sống, họ mới nhận ra rằng cả cuộc đời, họ chỉ chuẩn bị sống. Họ chưa bao giờ thật sự sống.

Để có một cuộc sống hạnh phúc nhẹ nhàng và giải thoát khỏi stress, ta nên học cách không cần cái chúng ta cần. Nhận biết mình có những tham muốn nhưng đừng để bị tham muốn kiểm soát sai xử. Tham muốn chính là khởi nguyên của phiền não. Tham muốn chỉ trích đổ lỗi cho người khác chỉ đem lại nỗi đau, tương tự tham muốn bám víu vào những hồi ức chỉ mang tới phiền muộn day dứt. An lạc không phải là một tư duy hay một khái niệm. An lạc là một kinh nghiệm không sử dụng bằng lời. Đừng bám víu vào cái gì mà cũng đừng khước từ cái gì. 
Đừng lo! Hôm qua hay hôm nay, bạn đều khùng điên y chang nhau. Luôn luôn là như vậy chỉ có điều là bạn không để ý đấy thôi.

Ta chỉ có thể thành tựu an lạc hạnh phúc khi ngưng đuổi theo nó.

Hạnh phúc


MATTHIEU RICARD| JULY 1, 2006

Chân Như Việt dịch

Matthieu Ricard là một tu sĩ Phật giáo đã từng có một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong lĩnh vực nghiên cứu gien tế bào trước khi ông rời bỏ nước Pháp cách đây 35 năm để tu học Phật giáo tại vùng núi Himalaya. Ông là tác giả, dịch giả và là một thành viên tham gia trong nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của thiền lên não bộ. Các tác phẩm của thầy Ricard được đánh giá cao trong giới học thuật tại Châu Âu và ông cũng là đồng tác giả của hai cuốn sách bán chạy nhất tại Pháp: tác phẩm Tu Sĩ và Triết gia và tác phẩm Lượng tử và Hoa Sen. Ông sống tại Tây Tạng và Nepal.

Bốn sự thật cao quý (Tứ thánh đế) dạy rằng để tìm thấy phúc lạc trước tiên chúng ta phải tìm ra được nguyên nhân của khổ. Đây là cách tiếp cận của tu sĩ Phật giáo người Pháp, Thầy Matthieu Ricard, người đã chỉ ra rằng hạnh phúc chân thật chỉ hiện hữu sau khi chúng ta thấu triệt vô minh căn bản, tức là khởi nguyên của phiền não khổ đau.
Người bạn Mỹ của tôi, một biên tập viên nhiếp ảnh tiếng tăm, có lần kể cho tôi nghe mẩu đối thoại giữa cô và một nhóm bạn sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp đại học và họ đều băn khoăn không biết sẽ làm gì tiếp theo với đời mình. Khi cô nói: “Tôi muốn hạnh phúc,” một sự yên lặng đầy bối rối bao trùm, và rồi một trong những người bạn của cô đã hỏi: “Làm sao một người sắc sảo như cậu lại không muốn cái gì hơn hạnh phúc?” Cô bạn tôi đáp: “Tớ không nói mình muốn hạnh phúc như thế nào. Có rất nhiều cách kiếm tìm hạnh phúc: lập gia đình, sinh con, lập nghiệp, chạy theo mạo hiểm, giúp đỡ người khác, tìm hạnh phúc nội tâm. Làm gì thì làm, cuối cùng tớ muốn có một cuộc đời hạnh phúc thật sự.”
Chữ hạnh phúc, như nhà văn Henri Bergson từng viết: “thường được sử dụng để chỉ những gì rắc rối và mù mờ,  là một trong những khái niệm mà con người cố tình bỏ ngỏ trong mơ hồ để rồi mỗi cá nhận tự diễn giải theo cách riêng của mình.” Từ góc độ thực tế mà nói, bỏ ngỏ định nghĩa về hạnh phúc như thế không sao cả nếu chúng ta đề cập đến những cảm giác vụn vặt bình thường. Nhưng chân lý hoàn toàn khác, vì chúng ta đang luận bàn nghiêm túc về một phương cách hiện hữu sao cho ta có thể xác định được chất lượng từng giây phút sống. Vậy hạnh phúc thật sự là gì?
Các nhà xã hội học định nghĩa hạnh phúc là “mức độ mà ở đó con người định giá chất lượng toàn diện của toàn bộ cuộc sống thực tại một cách tích cực. Nói cách khác, con người thỏa mãn cuộc sống hiện tại của mình tới mức độ nào.” Tuy nhiên, định nghĩa này không phân định được sự mãn nguyện hỷ lạc sâu xa với thỏa mãn thuần túy các điều kiện cuộc sống vật chất bên ngoài. Với một số người, hạnh phúc chỉ là “một dấu ấn ngắn ngủi, phù du với cường độ và thời gian thay đổi tùy theo các điều kiện sẵn có để giúp nó hiện hữu”. Những hạnh phúc kiểu như thế, về bản chất sẽ rất mơ hồ và phải lệ thuộc vào các điều kiện hoàn cảnh vốn thường nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.  Với triết gia Robert Misrahi lại khác, hạnh phúc là “sự lan tỏa của hân hoan vui sướng đối với toàn thể hiện hữu của một cá nhân hoặc đối với phần tươi sáng nhất trong đời sống quá khứ năng động, đời sống hiện tại chân thực và đời sống tương lai khả tri của một cá nhân.” Có lẽ đó là một điều kiện bền vững hơn. Còn theo triết gia Andre Comte – Sponville, khi nói về “hạnh phúc” chúng ta hàm ý bất kỳ giây phút nào sự hân hoan có thể diễn ra tức khắc.”
Vậy hạnh phúc có phải là một kỹ năng một khi thành tựu được sẽ tồn tại vững bền qua nhiều biến cố thăng trầm của cuộc đời? Cò hàng ngàn kiểu tư duy về hạnh phúc và vô số triết gia đã đưa ra định nghĩa riêng của họ về hạnh phúc. Với Thánh Augustine, hạnh phúc là “niềm hân hoan trong chân lý”. Đối với Immanuel Kant, hạnh phúc phải hợp lý và không gợn chút uế tạp cá nhân nào, trong khi Marx cho rằng hạnh phúc là sự tiến triển trong công việc. Aristotle đã viết như thế này: “Điều gì kiến lập nên hạnh phúc là vấn đề còn phải bàn cãi và nguyên nhân phổ biến tạo nên hạnh phúc chẳng bao giống những thứ mà các triết gia đề ra cả.”
Phải chăng chính từ hạnh phúc đã bị lạm dụng nhiều đến mức người ta bó tay với  nó, quay lưng lại với nó vì những ảo tưởng và sự nhàm chán mà nó tạo tác? Với một số người, nói về chuyện tìm kiếm hạnh phúc dường như rất oải. Trùm kín trong bộ giáp của tự mãn trí tuệ, những người này nhạo báng hạnh phúc như họ cười nhạo vào một cuốn tiểu thuyết ướt át.
Tạo sao có sự hạ thấp giá trị của hạnh phúc như thế? Phải chăng nó phản ảnh những lạc thú giả tạo do truyền thông đại chúng mang tới? Phải chăng đó là kết quả của những nỗ lực thảm hại mà chúng ta đã sử dụng để kiếm tìm hành phúc chân chính? Chúng ta thà chấp nhận chung sống với phiền não còn hơn là dành những nỗ lực thông thái và thành khẩn để kiếm tìm hạnh phúc trong đống khổ đau rối bời?
Thế còn những hạnh phúc giản đơn khi ta nhìn một em nhỏ mỉm cười hay một tách trà thơm sau buổi dạo trong rừng? Dù những khoảnh khắc chân thật thoáng qua của hạnh phúc có phong phú và dễ chịu đến mấy đi nữa thì chúng cũng chỉ là những tình tiết vụn vặt, không thể bao trùm hào quang của chúng lên toàn thể đời sống của chúng ta. Hạnh phúc không thể bị giới hạn bởi đôi ba cảm giác lạc thú, vài xúc cảm mãnh liệt, một hỷ lạc vỡ òa, một cảm giác tĩnh lặng ngắn ngủi, một ngày hân hoan hay một khoảnh khắc kỳ diệu xuất hiện trước ta trong mê cung của hiện hữu.  Những mảnh ghép muôn màu ấy không đủ để kiến tạo một hình ảnh chính xác về sự mãn nguyện sâu lắng và niên viễn vốn chính là đặc điểm của hạnh phúc chân thật.
Khi nói về hạnh phúc ở đây, tôi hàm ý một cảm nhận sâu lắng của niềm hân hoan sống động khởi lên từ một tâm thức tỉnh giác cao độ. Đây không chỉ là một thứ cảm giác hoan lạc thuần túy, một xúc cảm thoáng qua, hay một tâm trạng mà là một trạng thái tối ưu của hiện hữu. Hạnh phúc cũng là một phương cách để diễn giải thế giới quan, vì thay đổi ngoại cảnh khách quan thì có thể khó khăn, còn thay đổi nhân sinh quan thì luôn luôn khả dĩ.
Chuyển hóa nhân sinh quan không hàm nghĩa chủ thuyết lạc quan ngây ngô hay những trạng thái thơ thới giả tạo được dựng ra để hóa giải nghịch cảnh. Chừng nào chúng ta còn bị thống trị bởi bất mãn và phiền não dấy khởi từ sự rối loạn đang thao túng tâm thức, thì nó cũng phù phiếm như là ta đang đi tới đi lui tự nhủ “Mình hạnh phúc! Mình hạnh phúc!” giống như đang sơn phết lại một bức tường sụp đổ. Mưu cầu hạnh phúc không phải là nhìn đời qua mảnh kính tô hồng hay bịt mắt mình mù lòa trước những khổ đau, bất toàn của thế gian này. Hạnh phúc cũng không phải là một trạng thái hân hoan kéo dài niên viễn bất chấp mọi giá; mà nó là sự thanh tẩy những độc tố tinh thần như hận thù cùng với những ám ảnh vốn đầu độc tâm thức con người. Hạnh phúc cũng chính là học cách quán xét sự vật trong các mối tương quan và rút ngắn khoảng cách giữa cái nhìn bề ngoài và hiện thực. Để tới được đó chúng ta phải có tri kiến sâu xa hơn về sự vận hành của tâm thức và am hiểu chính xác hơn bản chất của các sự vật và hiện tượng, vì rằng theo một nghĩa sâu lắng nhất, phiền não khổ đau có sự liên kết mật thiết với sự ngộ nhận về bản chất của hiện thực.

Hiện thực và nội kiến

Hiện thực là gì? Theo Phật giáo, hiện thực hàm nghĩa bản chất chân thật của sự vật, không bị bóp méo bởi các thành tố tinh thần do chúng ta áp đặt vào đó. Tư duy như thế kéo rộng hố ngăn cách giữa cảm nhận chủ quan và hiện thực, và điều này gây ra cuộc tranh đấu không bao giờ ngưng nghỉ với thế gian này.  “Chúng ta ngộ nhận về thế giới này rồi cho rằng nó dối gạt ta,” nhà thơ Tagore đã từng nói như thế. Chúng ta cho những thứ phù du ngắn ngủi là thường hằng vĩnh viễn, định nghĩa hạnh phúc là những thứ mà thật ra chỉ là nguồn gốc của khổ đau: chẳng hạn như ham muốn của cải vật chất, tham đắm quyền lực danh vọng và những lạc thú dài lê thê.
Khi nói về tri thức chúng ta không hàm nghĩa là phải hiểu biết hàng đống thông tin và sự học hành này kia mà là tri biết bản chất chân thật của sự vật hiện tượng. Theo thói quen, chúng ta luôn cảm nhận thế giới bên ngoài là một chuỗi các thể riêng lẻ, hiện hữu độc lập có thể gán ghép cho chúng những đặc tính mà ta cho là tự tính của chúng. Các kinh nghiệm hàng ngày nói cho chúng ta biết cài này “tốt” cái kia “xấu”. Dường như đối với chúng ta, cái “tôi” cảm nhận chúng cũng cụ thể và chắc thật y như thế. Sai lầm này, điều mà Phật giáo gọi là vô minh, làm gia tăng phản chiếu mạnh mẽ của các bám luyến và sân hận vốn đưa đường dẫn lối vào cảnh dâu bể bi đát. Như Etty Hillesum đã phát biểu ngắn gọn: “Chướng ngại lớn lao đó luôn mang tính biểu trưng và không bao giờ là hiện thực cả.” Cõi vô minh và khổ đau, tiếng Sankrit gọi là Samsara, không phải là điều kiện nền tảng của hiện hữu mà chỉ là một cõi tinh thần dựa trên những suy niệm lầm lạc về hiện thực của chúng ta.
Thế giới hiện tượng được tạo tác từ sự kết hợp của vô lượng các nhân duyên biến chuyển không ngừng. Giống như chiếc cầu vồng hiện ra khi mặt trời xuyên rọi qua màn mưa và biến mất khi bất kỳ yếu tố nào góp phần tạo ra nó không còn nữa, hiện tượng tồn tại trong một thể hoàn toàn tương thuộc và không có một hiện hữu bền vững độc lập. Mọi sự vật hiện tượng đều tương quan với nhau. Không có một thứ gì tự nó hiện hữu, miễn nhiễm khỏi tác động của nhân quả: Đây chính là tri kiến sáng suốt. Tri kiến sáng suốt không phải nhận thức triết học; nó hình thành từ một cách tiếp cận cơ bản cho phép chúng ta rũ bỏ dần sự mù quáng tinh thần và các cảm xúc rối loạn và do đó rũ bỏ những nguyên nhân chính yếu của khổ đau.
Mọi cá nhân đều mang trong mình hạt giống toàn hảo, tựa như hạt vừng thấm đẫm tinh dầu. Vô minh, trong ngữ cảnh này, hàm nghĩa không nhận thức được tiềm năng đó, giống như một người hành khất không nhận ra có kho báu chôn dấu ngay dưới cái bị của mình. Nhận thức được bản chất chân thật của mình, đi tới chỗ sở hữu kho tàng đang ẩn náu đó sẽ giúp chúng ta sống một đời tràn đầy ý nghĩa. Đó là cách chắc chắn nhất để tìm thấy sự thanh thản và giúp tâm vị tha chân thật đơm hoa kết trái.
Có một cách hiện hữu tập trung và tràn đầy hết thảy các trạng thái cảm xúc bao trùm mọi niềm hân hoan cũng như đau khổ. Một hạnh phúc sâu lắng đến mức, như Georges Bernanos từng diễn tả “không gì có thể thay đổi được nó, giống như một dòng nước tĩnh lặng khổng lồ nằm bên dưới một cơn bão.” Trong tiếng Sankrit, từ vựng diễn tả trạng thái hiện hữu này gọi là sukha.
Sukha là trạng thái hạnh phúc niên viễn tự thể hiện chính nó khi chúng ta giải thoát khỏi sự u tối tinh thần và các cảm xúc phiền não nhiễm ô. Đây là loại trí tuệ cho phép chúng ta nhìn thế giới đúng như chính nó, không còn bức màn vô minh che chướng hay bị bóp méo dị dạng. Cuối cùng, đây chính là nguồn hỷ lạc khi di chuyển vào trạng thái tự do nội tại và tâm từ ái chiếu tỏa rạng ngời lan truyền đến những người khác.
Ban đầu ta hình thành “cái tôi” rồi bám chặt vào nó
Tiếp đến chúng ta hình thành “cái của tôi” rồi bám chặt vào thế gian vật chất này,
Tựa như dòng nước mắc kẹt trong bánh xe nước, xoay vần trong vòng tròn khép kín, bất lực
Tôi tán dương tâm từ ái ôm trọn mọi chúng sinh.
- Nguyệt Xứng.
Tâm mê là một bức màn cản lối chúng ta nhìn thấy hiện thực một cách rõ ràng và che chướng tri kiến của chúng ta về bản chất chân thật của sự vật hiện tượng. Thực tế mà nói, đó cũng là chính là sự bất lực không thể xác định được những hành vi nào giúp chúng ta tìm thấy hạnh phúc và né tránh khổ đau. Khi nhìn ra ngoài, chúng ta định đoạt thế gian này bằng cách gán cho nó những tính chất không bao giờ là tự tính của nó. Khi nhìn vào trong, chúng ta đóng băng dòng chảy tâm thức khi dựng lên “cái tôi”ngự trị giữa một quá khứ không còn tồn tại và một tương lai chưa hề hiện hữu. Chúng ta tin chắc thật những gì mình nhìn thấy và ít khi tự vấn quan điểm đó. Chúng ta tự gán những giá trị nội tại vào các sự vật, con người, cho rằng “Cái này đẹp, cái kia xấu” mà không nhận ra rằng chính tâm ta áp đặt những đặc tính này lên các sự vật mà chúng ta đang cảm nhận. Ta tự chia cắt thế giới giữa “những thứ mong muốn” và “những điều ghét bỏ,”  xem cái phù du là thường hằng bất biến và những sự vật hiện tượng vốn là tổng thể của các mối tương quan biến chuyển không ngừng thì là được xem là hiện hữu độc lập. Chúng ta có khuynh hướng cô lập các quan điểm đặc thù về con người, sự kiện, hoàn cảnh và nhất tâm chú ý vào những đặc thù này. Đây là cách người ta đi đến việc dán cái mác lên người khác như “kẻ thù”, “điều thiện”, “cái ác” và bám luyến một cách cường liệt vào các đặc tính đó. Tuy nhiên, nếu xem xét hiện thực một cách kỹ càng, cái phức tạp của nó trở nên hiển nhiên.
Nếu như một vật có bản chất thật sự đẹp đẽ và dễ chịu, nếu những phẩm chất đó thật sự thuộc về nó, thì chúng ta phải say mê thích thú với nó trong mọi lúc mọi nơi. Nhưng có cái gì trên đời đồng loạt nhất thể được xem là đẹp đẽ? Như một câu kệ trong giáo pháp nhà Phật có nói: “Người đàn bà đẹp, trong mắt tình nhân, là đối tượng thèm muốn; Trong mắt vị ẩn tu, là sự tán tâm; trong mắt sói hoang, là miếng mồi ngon.” Tương tự, nếu một đối tượng xem là kinh tởm đáng ghét, mọi người đều phải né tránh nó chứ. Mọi điều trên đời này sẽ đổi thay khi con người nhận ra rằng chúng ta chỉ thuần gán đặt đặc tính nọ kia lên trên sự vật và con người mà thôi. Không có một đặc tính nội tại trong một vật thể đẹp đẽ khiến nó lợi lạc cho tâm và không có một đặc tính nội tại trong một vật xấu xí khiến nó nguy hại cho tâm cả.
Tương tự như thế, người mà hôm nay chúng ta xem là kẻ thù chắc chắn sẽ là một đối tượng yêu thương trong mắt kẻ khác, và có khi một ngày nào đó chúng ta lại kết thân bằng hữu với chính kẻ thù của mình. Chúng ta phản ứng cứ như thể các đặc tính này không thể tách rời khỏi đối tượng mà chúng ta gán đặt vào đó. Do vậy chúng ta xa rời hiện thức và bị kéo lê vào cỗ máy của yêu ghét liên tục không ngưng nghỉ trong sự vận hành các phóng ảnh của tâm. Suy niệm của chúng ta làm sự vật hiện tượng đông cứng thành những thể nhân tạo và chúng ta mất đi tự do nội tâm tựa như nước mất đi tính chất lỏng của nó khi đóng thành băng.

Kết tinh của bản ngã

Trong nhiều phương diện của rối ren mê mờ, phiền toái cơ bản nhất chính là chấp bám vào một khái niệm về bản sắc cá nhân: còn gọi là bản ngã. Phật giáo phân biệt giữa cái “tôi” nội tại, bản năng – khi chúng ta tư duy, chẳng hạn “tôi thức dậy” hay “tôi lạnh” – và một cái “ngã” mang tính khái niệm được hình thành bởi tác động của thói quen. Chúng ta gán đặt nhiều tính chất vào nó và ấn định nó là cốt lõi hiện hữu của chúng ta, một thứ bền lâu và độc lập.
Trong mọi khoảnh khắc giữa sống và chết, cơ thể chúng ta trải qua những biến chuyển không ngừng và tâm thức chúng ta trở thành rạp hát chứa đựng vô số những kinh nghiệm cảm thức. Tuy thế, chúng ta vẫn kiên cường gán đặt các tính chất thường hằng, độc nhất và tự tồn vào bản ngã. Ngoài ra, chúng ta bắt đầu cảm thấy rằng bản ngã này rất dễ bị tổn thương và nó phải được bảo bọc,  phải được thỏa mãn, rồi theo sau đó cái yêu, cái ghét sắm vai của chúng – Ghét bỏ bất cứ thứ gì đe dọa bản ngã và đam mê cuốn hút vào những gì thỏa mãn được bản ngã, xoa dịu nó, gia cố sự tự tin của nó hoặc làm nó cảm thấy dễ chịu thoải mái. Hai cảm xúc cơ bản này, yêu thích và ghét bỏ chính là căn nguyên của toàn bộ đại dương nhiễm tâm phiền não.
Bản ngã, theo như triết gia Phật giáo Han de Wit từng nói: “cũng là những phản ứng dễ bị xúc động trước kinh nghiệm của chúng ta, một sự thoái lui tinh thần trên nền tảng của sợ hãi.” Từ nỗi sợ hãi thế gian và con người, nỗi sợ hãi khổ đau, lo lắng sinh tử, chúng ta hình dung ra rằng mình sẽ được bảo bọc bằng cách ẩn nấp bên trong cái bong bong – tức là bản ngã.
Sự dũng mãnh thật sự khởi sinh từ niềm tin cho rằng chúng ta sẽ có thể tập hợp toàn bộ nội lực cần thiết để đương đầu với bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều này hoàn toàn khác hẳn với việc thu rút vào bản ngã bên trong, một phản ứng sợ hãi vốn duy trì mãi mãi những cảm giác đầy bất an.
Mỗi chúng ta là một cá nhân đơn nhất, vì vậy thừa nhận và trân trọng chính mình là đúng. Song, khi củng cố bản sắc riêng biệt của bản ngã, chúng ta lại không đồng nhất nó với hiện thực. Sự thật là, về cơ bản chúng ta tương thuộc vào nhau và vào môi trường. Kinh nghiệm của chúng ta chẳng qua là nội hàm của một dòng chảy tinh thần hay còn gọi là dòng tương tục của tâm thức, và không thể có một biện minh nào cho việc coi bản ngã là một thực thể hoàn toàn tách biệt với dòng chảy tinh thần đó. Chúng ta quá sức quen thuộc với việc gắn chặt chiếc nhãn “tôi” vào dòng tâm thức, đến mức đi tới chỗ đồng nhất với nó và hoảng loạn nếu nó biến mất. Tiếp đó là sự bám luyến mãnh liệt vào bản ngã và rồi vào khái niệm “của tôi” – thân thể của tôi, tên của tôi, tâm của tôi, tài sản của tôi, bạn bè của tôi  v.v… dẫn đến hoặc là tham muốn sở hữu hoặc là cảm giác ghê tởm “những cái khác”. Đây là đường hướng mà các suy niệm về bản ngã của ta và của người kết tinh trong tâm thức chúng ta. Ý thức nhị nguyên sai lầm trở thành tất yếu, kiến tạo nền tảng cho mọi nhiễm tâm phiền não, tham muốn, sân hận, ghen ghét, ngạo mạn, ích kỷ. Từ đó, chúng ta nhìn thế gian này qua chiếc gương của ảo giác. Chúng ta thấy mình bất hòa với bản chất thật của sự vật và hiện tượng, điều này chắc chắn sẽ dẫn dắt tới khổ não.
Chúng ta có thể thấy sự kết tinh “cái tôi” và “của tôi” trong nhiều tình huống hàng ngày. Bạn đang chèo thuyền yên lành giữa một cái hồ. Rồi bỗng một chiếc tàu khác đâm sầm vào tàu của bạn và khuấy lên trong bạn ý nghĩ rằng gã lái tàu kia sao tự dưng đâm vào mình, thế là bạn nổi khùng lên, sẵn sàng rủa gã, rồi sau đó mới phát hiện ra là cái tàu kia không có người lái. Bạn cười nhạo vào sai lầm của mình và lại tiếp tục bình thản chèo thuyền. Điều khác biệt duy nhất giữa hai phản ứng này là trong tình huống thứ nhất, bạn nghĩ mình là mục tiêu bị người khác chơi xấu, trong khi ở tình huống thứ hai, bạn nhận ra rằng “mình” không phải là mục tiêu.
Lấy một ví dụ khác minh họa cho bám luyến của chúng ta vào ý niệm “của tôi”. Bạn đang ngắm nghía một chiếc bình sứ lộng lẫy trong cửa hàng thì bỗng dưng người bán hàng vô ý làm rơi nó vỡ toang xuống đất. “Tiếc quá! Chiếc bình quá đẹp!” bạn thở dài và tiếp tục lặng lẽ rảo bước. Tuy nhiên, nếu là bạn vừa mua chiếc bình đó và mãn nguyện đặt nó trong áo khoác của mình rồi tuột tay đánh vỡ nó tan tành, bạn sẽ la khóc hãi hùng “Chiếc bình của tôi vỡ rồi!” và chắc sẽ đau buồn nặng nề về chuyện này. Khác biệt duy nhất ở đây chính là cái nhãn “của tôi” mà bạn đã dán vào chiếc bình kia.

Bản ngã dối lừa.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta kinh nghiệm bản ngã qua sự tổn thương của nó. Một nụ cười giản dị sẽ làm nó hân hoan tức thì và một cái chau mày gây ra cho nó một cảm xúc ngược lại. Cái ngã luôn luôn “ở đó,” sẵn sàng bị tổn thương hay được tâng bốc. Thay vì xem bản ngã đa chiều và khó nắm bắt, chúng ta biến nó thành một pháo đài độc lập, trung tâm và cố định. Hãy xem chúng ta đóng góp cái gì vào bản sắc cá nhân. Cơ thể chúng ta? Một mớ xương và thịt. Tâm thức của chúng ta? Một dòng tương tục các khoảnh khắc. Lịch sử của chúng ta? Ký ức về những thứ không còn tồn tại. Tên của chúng ta? Chúng ta đính vào nó tất cả mọi thứ khái niệm – di sản, thanh danh, địa vị xã hội – song, xét cho cùng chúng cũng không hơn gì một đống chứng thư. Khi thấy chữ “JOHN”, ta phấn chấn hẳn lên và nghĩ “Là tôi đó!” Nhưng chỉ cần tách các chữ cái ra thành J-O-H-N, là mất hết cảm hứng. Ý niệm “tên của tôi” chỉ là sự thêu dệt tinh thần mà thôi.
Có một  cảm thức sâu lắng về bản ngã dối lừa ngay chính tâm điểm của sự tồn tại mà chúng ta phải thành thực kiểm chứng. Khi khám phá ba cửa ngõ thân, ngữ và ý, chúng ta sẽ thấy rằng cái tôi này chẳng là gì ngoài một câu chữ, một cái nhãn, một quy ước, một sự gán đặt. Vấn đề nằm ở chỗ cái nhãn này nghĩ rằng nó là thực có. Để lột bỏ bản ngã dối lừa, chúng ta phải đi tìm hiểu đến cùng. Khi ngờ vực có trộm trong nhà, chúng ta phải lục soát tất cả các phòng, mọi ngóc ngách, mọi nơi ẩn náu khả dĩ để chắc chắn tên trộm không có trong nhà. Lúc đó ta mới yên tâm nghỉ ngơi. Chúng ta cần quán xét nội tâm để tìm hiểu điều gì đang ẩn nấp đằng sau ảo ảnh của bản ngã, thứ mà chúng ta cho rằng tạo lập  sự hiện hữu của mình.
Phân tích khắt khe dẫn tới kết luận bản ngã không trú ngụ nơi đâu trên cơ thể cả, nó cũng không phải là một thể khuếch tán nào đó lan tỏa trong toàn cơ thể chúng ta. Chúng ta sẵn sàng tin rằng bản ngã liên hệ với ý thức nhưng ý thức cũng vậy, nó là một dòng mơ hồ: theo nghĩa kinh nghiệm sống, thời khắc quá khứ của tâm thức thì đã chết (chỉ có ảnh hưởng của nó còn lưu lại), tương lai chưa tới và hiện tại chưa kết thúc. Làm sao một bản ngã riêng biệt có thể tồn tại, lơ lửng như một bông hoa giữa trời, giữa một cái gì đó không còn hiện hữu và một cái chưa hiện hữu?  Không thể tìm thấy nó trong thân và tâm; nó không phải là một cá thể riêng biệt trong sự phối kết của cả hai mà cũng không ở bên ngoài cả hai. Không có một phân tích nghiêm chỉnh hay một kinh nghiệm nội kiến trực tiếp nào có thể dẫn tới một niềm tin mạnh mẽ cho rằng chúng ta  sở hữu một bản ngã. Một ai đó có thể tin rằng mình cao lớn, trẻ trung và thông thái, nhưng cả chiều cao, tuổi trẻ hay trí tuệ đều không phải là bản ngã. Do vậy, Phật giáo kết luận rằng bản ngã chỉ là tên gọi chúng ta gán đặt cho một dòng lưu chuyển, cũng giống như chúng ta đặt tên cho sông Hằng hay sông Mississipi mà thôi. Một dòng liên tục như thế đương nhiên hiện hữu nhưng chỉ là mang tính quy ước dựa vào sự tương thuộc của thân, tâm và môi trường. Nó hoàn toàn không hề có hiện hữu độc lập.

Sự mong manh của bản sắc

Khái niệm về  “người” bao gồm hình ảnh chúng ta lưu giữ về mình. Ý niệm bản sắc riêng của tôi, địa vị của tôi bắt rễ sâu dày trong tâm thức và liên tục ảnh hưởng đến quan hệ của chúng ta với người khác. Một ngôn từ ngắn nhất đe dọa hình ảnh của chúng ta đã là không thể chấp nhận, mặc dù chúng ta chẳng thấy hề hấn gì nếu nó được dùng cho người khác ở tình huống khác. Nếu gào vào vách núi lời lăng mạ hay nịnh bợ và những lời đó dội ngược vào mình, chúng ta đâu cảm thấy gì ghê gớm. Nhưng nếu có ai đó quẳng vào mặt mình những lời lăng mạ đúng như thế thì chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ thất vọng. Nếu có được một hình ảnh mạnh mẽ về bản thân, chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng đảm bảo với chính mình là hình ảnh đó phải được công nhận và chấp nhận. Không gì đau xót cho bằng hình ảnh bản thân bị nghi ngờ.
Nhưng bản sắc cá nhân này đáng giá bao nhiêu? Từ cá nhân đến từ một chữ Latin là persona, mang nghĩa là chiếc mặt nạ của người diễn viên – chiếc mặt nạ qua đó giọng nói của người diễn viên vang lên (gọi là sonat). Trong khi người diễn viên nhận biết mình đang đeo mặt nạ, chúng ta thường hay quên nhận biết sự khác biệt giữa vai trò xã hội của mình và sự trân trọng thành thật đối với hiện hữu của bản thân.
Nói chung, chúng ta sợ hãi phải giải quyết thế giới này mà không có điểm quy chiếu và thường choáng váng khi mặt nạ và danh xưng rớt xuống. Nếu tôi không còn là nhạc sĩ, nhà văn, không còn sành điệu, bảnh bao hay mạnh mẽ thì tôi là cái gì?  Dẫu vậy,  từ bỏ mọi nhãn mác là sự đảm bảo lý tưởng nhất của tự do và cách linh hoạt nhất, nhẹ nhõm nhất, vui tươi nhất để sống trong thế giới này. Khước từ bị dối gạt bởi bản ngã chưa từng ngăn cản chúng ta nuôi dưỡng quyết tâm kiên định để đạt được mục tiêu đề ra cho mình và trong từng giây phút, chúng ta tận hưởng sự phong phú trong mối quan hệ của mình với thế giới và tha nhân.

Xuyên qua bức tường vô hình.

Làm sao tôi kỳ vọng nhận biết như thế về bản chất huyễn ảo của bản ngã có thể thay đổi mối quan hệ của tối đối với gia đình và thế giới quanh tôi? Liệu một cú xoay vòng chữ U như thế có làm chao đảo mọi thứ? Kinh nghiệm cho thấy điều này chỉ có thể tốt hơn cho chúng ta. Trên thực tế, khi bản ngã thống trị, tâm ta như một con chim liên tục va vào bức tường kính – tức niềm tin vào bản ngã – sẽ thu hẹp thế giới và khép chặt nó trong những giới hạn hẹp hòi. Rối bời và choáng váng vì bức tường, tâm không thể vượt qua nó. Nhưng bức tường này lại vô hình vì nó không hiện hữu thực sự. Nó chỉ là một tạo tác của tâm. Tuy nhiên nó lại có công năng như một bức tường có thể chia cắt thế giới nội tâm của chúng ta và ngăn chặn dòng lưu chuyển của lòng vị tha và sự vui sống (joes de vivre) của chúng ta. Sự bám luyến vào bản ngã về cơ bản liên kết với những nỗi khổ đau tự cảm nhận thấy và những khổ đau chúng ta gây ra cho người khác. Buông bỏ bám luyến vào hình ảnh một cái tôi dấu yêu và tước bỏ sự quan trọng ra khỏi bản ngã cũng tựa như chinh phục được suối nguồn tự do nội tại lớn lao. Nó cho phép chúng ta tiếp xúc với mọi người và mọi tình huống bằng sự thoải mải tự nhiên, chan hòa, sức kham nhẫn kiên cường và sự bình thản. Chẳng cầu lợi lộc chẳng sợ mất mát, chúng ta tự do cho và nhận. Không còn cần thiết phải nghĩ ngợi, phải phát biểu hay hành động một cách giả tạo, ích kỷ,.
Bám luyến vào không gian chật hẹp của bản ngã, chúng ta có khuynh hướng chỉ biết lo cho bản thân. Thất bại một chút cũng làm chúng ta thất vọng nhụt chí. Lo lắng, thắng thua, kỳ vọng luôn ám ảnh chúng ta và vì thế cơ hội tìm thấy hạnh phúc luôn luôn lẩn tránh ta. Thế giới chật hẹp của bản ngã giống như một ly nước hòa với một vốc muối – không thể uống được. Nhưng nếu dỡ bỏ rào cản của bản ngã, tâm ta sẽ biến thành hồ rộng bao la, vốc muối kia không thể nào ảnh hưởng đến vị ngọt của nước.
Khi bản ngã không còn là thứ quan trọng nhất trên đời, chúng ta sẽ thấy chú trọng quan tâm đến người khác dễ dàng hơn. Nhìn vào đau khổ của họ giúp ta thêm quả cảm và quyết tâm giúp họ thay vì bị trói chặt trong phiền não khổ đau cá nhân. Nếu bản ngã thật sự là phần cốt lõi tận cùng của chúng ta thì nỗi sợ hãi phải buông bỏ nó là điều dễ hiểu. Nhưng nếu bản ngã chỉ là một ảo ảnh thì chối bỏ nó đâu phải là xé quả tim ra khỏi sự hiện hữu của chúng ta, mà đơn giản là khai tâm mở nhãn thôi.
Vì vậy cũng đáng công sức dành ra những khoảnh khắc nào đó trong đời để tâm được nghỉ ngơi trong an bình nội tại và qua phân  tích cũng như trực nghiệm để thấu hiểu vị trí của bản ngã trong đời sống này. Chừng nào cảm giác quan trọng về bản ngã còn chi phối đời sống này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được nguồn an lạc vĩnh cửu.
Trích dẫn từ tác phẩm “Hạnh Phúc: Hướng dẫn phát triển kỹ năng sống trọng yếu nhất” của Matthieu Ricard. 

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...