One Minute Wisdom - Một phút minh triết


Dream


"When will I be Enlightened?"

"When you see," the Master said.

"See what?"

"Trees and flowers and moon and stars."

"But I see these everyday."

"No, what you see is paper trees, paper flowers, paper moon and paper stars. For you live not in reality but in your words and thoughts."

And for good measure, the Master added gently, "You live a paper life, and will die a paper death."

From Lama Zopa - Sống Hạnh Phúc (Phần 1)

Lama Zopa Rinpoche
Lòng từ là một viên ngọc ước ban cho chúng ta mọi mong nguyện tối hậu

Khi chúng ta cảm thấy yêu thương một con người hay một con vật – bất kỳ sinh linh nào – chúng ta mong cầu sinh linh đó thoát khỏi khổ đau. Khi lòng từ trong chúng ta trở nên mạnh mẽ, ta không chỉ đơn giản mong cầu điều đó xảy ra mà sẽ bắt tay hành động. Chính chúng ta sẽ nhận trách nhiệm giải thoát cho sinh linh đó khỏi khổ đau.
Bằng cách này, mỗi người hoàn toàn nhận trách nhiệm tác động trở lại với khổ đau của mọi chúng sinh và  mang đến hạnh phúc cho họ. Điều này vốn dĩ nằm trong khả năng của chúng ta. Mỗi chúng ta đều mang trách nhiệm phổ quát đó.

Trong mọi tương tác xã hội, hãy luôn từ bi, luôn quan tâm. Lòng từ bi là điều đầu tiên phải ghi nhớ và điều đầu tiên phải thực hành.
Chú tâm đến hành vi của bạn đối với tha nhân. Có thể bạn không thường xuyên trải lòng bi đến toàn bộ tất cả chúng sinh, nhưng chắc chắn bạn luôn có một chút lòng trắc ẩn. Hãy hoan hỉ về điều ấy.
Hãy thực hành lòng từ bi ngay cả khi không ai thực hành nó.

Yêu thương kẻ thù

Không có mối nguy hại nào cho mình mà lại không đến từ chính tâm của mình.
Làm sao để trải rộng lòng từ đến cả những người hận thù ta?
Trước  tiên, phải thấy rằng người đó hoàn toàn bị che phủ bởi vô minh, thù hận và tâm sân si bất toại nguyện. Điều quan trọng là phải nhớ ngay rằng người đó đã không còn tự do nữa mà bị cương tỏa và chế ngự bởi các vọng tưởng. Người hận thù bạn chắc chắn không chỉ bị mê mờ bởi một mà bởi nhiều vọng tưởng.
Thay vì đánh đồng người đó với sân hận của họ, nghĩ rằng họ cũng chính là cơn giận của họ, ta phải thấy rằng con người đó và sân hận đó là hai thứ tách biệt. Ngay cả nếu người đó có mê lầm rằng họ chính là cơn giận của họ, thì đó cũng là sai lầm. Cho rằng người đó và tâm sân hận của người đó là một, thay vì cho rằng người đó đang bị hành hạ khổ sở bởi chính lòng sân hận, chỉ làm ta thêm buồn khổ. Thay vào đó, nếu nghĩ rằng sân hận và người khởi tâm sân hận là hai thứ tách biệt, và trên thực tế đúng là như vậy, thì tâm ta sẽ phát khởi chút lòng bi.
Ngay cả khi người hận thù ta có cảm giác sung sướng với thù hận của họ, thì cảm giác sung sướng đó cũng chỉ là đau khổ tột cùng trá hình trong sự sung sướng mà thôi. Người hận thù ta có thể xem sân hận đó là “vui sướng”, nhưng thật ra đó chỉ là đau khổ. Vấn đề là họ có nhận biết  được điều đó không thôi. Đây là lý do thứ hai vì sao người sân hận chúng ta chính là đối tượng của lòng từ bi.
Lý do thứ ba là người đó, giống như bạn, cũng nếm trải “những khổ đau của khổ đau”, tức là tái sinh, già yếu, bệnh tật và cái chết, phải đối diện với những điều họ không mong muốn, chia li với những người họ yêu thương, và vô số các vấn đề rắc rối khác của cuộc đời. Đau khổ thay!
Trên cả những nghịch cảnh đó, từ những mê mờ vọng tưởng, người hận thù còn tạo ra những nghiệp quả sẽ phải hứng chịu – lại tiếp tục tái sinh vào những cảnh giới đọa đày.
Còn chúng ta, nếu không thực hành nhẫn nhục để đối trị sân hận, không tu bồi lòng từ bi dành cho sinh linh đau khổ thù hận đó, mà ngược lại quay sang trả hận với người hận mình, chấp bám vào cơn giận, ta đã  đẩy con người đau khổ đó vào những nghiệp quả còn nguy hại hơn. Chúng ta đang quẳng người đó vào vực thẳm với những đau đớn cùng cực của những cõi giới thấp hơn.
Khi nghĩ về những điều ấy, không có chọn lựa nào cả: chúng ta phải trải rộng lòng bi cho mọi chúng sinh – ngay cả cho những người được xem là kẻ thù của ta....


Chân Như Việt dịch

... Những câu chuyện của bạn bè


Câu chuyện thứ nhất: Bạn tôi thông minh, giỏi giang. Chưa đến 40 tuổi, bạn đã là ngôi sao sáng cho những vị trí quan trọng bậc nhất trong một công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới. Quyền lực, lương bổng, địa vị có lẽ khó ai vượt qua bạn. Bạn là thần tượng và ước mơ của nhiều cô gái trẻ thành đạt. Rồi thì một ngày đẹp trời, bạn tuyên bố ly hôn vì cuộc sống gia đình không mang lại cho bạn bất cứ thứ hạnh phúc gì. Ngồi cạnh bạn, nghe bạn kể câu chuyện của mình với nhiều khắc khoải, suy tư, thấy thương bạn. Chắc bạn đã phải trải qua một quãng thời gian vô cùng khó khăn và mệt mỏi để dàn xếp chuyện gia đình, phân chia tài sản rồi vẫn phải tiếp tục làm việc với áp lực nặng nề. Gương mặt bạn hốc hác, già hẳn đi với các nếp nhăn bắt đầu xuất hiện trên khóe mắt. Tiền bạc và quyền lực đã không mang lại hạnh phúc và viên mãn cho bạn, người mà ai nhìn vào cũng tin rằng bạn là hình ảnh điển hình của sự thành đạt hiếm thấy.
Câu chuyện thứ hai: tôi hơn em gần chục tuổi, nhưng thành đạt về tiền bạc thì có lẽ em đã đi trước tôi cả đời. Ở tuổi chưa đến 30, em đã được chụp ảnh chung với chủ tịch nước. Tiền bạc em xem như giấy vụn, các mối quan hệ với quan chức cao cấp chỉ là chuyện nhỏ. Em mới lập gia đình chưa đầy 2 năm, vợ em đẹp, con của quan chức. Con của em xinh xắn, kháu khỉnh, giống em như đúc.
Rồi thì một buổi chiều tà, em gọi điện cho tôi báo rằng em thu xếp ly hôn. Tôi giật mình không tin vào tai mình. Em cứ nghĩ rằng tiền bạc cung cấp đầy đủ cho vợ sẽ đảm bảo hạnh phúc. Nhưng vợ em cần nhiều hơn thế. Em bị phản bội không phải chỉ 1 lần. Em uất ức trên điện thoại vì bản ngã đàn ông bị xúc phạm. Em muốn trả thù. Em không hiểu vì sao vợ mình lại lang chạ với một “thằng” không đáng xách dép cho mình.
Nhìn em uống rượu, vật lộn với vết thương lòng, tôi thấy thương em quá. Em tôi, một cậu bé siêu thông minh, tràn đầy tự tin và nam tính, đang cần sự giúp đỡ tinh thần, thứ mà em vẫn từng tin rằng bỏ tiền ra vẫn mua được tốt.
Tiền bạc chất núi cũng không mang lại hạnh phúc cho em tôi. Em vẫn ngụp lặn trong sự tham lam tiền bạc và địa vị rồi thì em đã trả giá cho nó quá sớm.
Câu chuyện thứ ba: một người bạn đồng niên khá thành đạt của tôi đang ra sức tung tiền ra và tận dụng quan hệ để lobby cho cô con gái tuổi teen vào vòng chung kết của một cuộc thi âm nhạc. Đứa bé có khả năng trung bình khá nhưng bỗng trở thành một “hiện tượng” trên một số tờ báo mạng lá cải. Bạn tôi khao khát chứng minh với mọi người tài năng của con mình dù phải đi đường thẳng hay đường cong. Những đứa bé như thế rồi sẽ hạnh phúc trong những cuộc chạy đua triền miên đuổi theo những tham vọng đầy bon chen và hám danh của bố mẹ chúng? Liệu chúng có còn tin vào giá trị thật sự của thành công hay tin rằng mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền?
Im lặng quan sát những gì đang xảy ra xung quanh, ngẫm nghĩ sâu xa thì thấy con người toàn tự gây ra đau khổ cho mình. Sự tham lam có lẽ là một trong những nguyên nhân chính gây ra bất hạnh tột cùng và những bất toại nguyện.
Giàu có có mang lại hạnh phúc không? Tôi cứ trăn trở câu hỏi ấy mãi rồi tự trả lời cho mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới vật chất trong đó người ta xét đoán bạn trong 30 giây đầu tiên qua quần áo, trang phục, phụ kiện, xe cộ bạn đi, nhà cửa bạn ở và xem đó như một tiêu chuẩn để phán xét sự thành đạt và địa vị trong xã hội của bạn. Sau 30 giây đó, người ta sẽ tự quyết định xem sẽ hành xử với bạn như thế nào. Hầu hết mọi người, vì thế, rất bận rộn để gây ấn tượng với người khác.
Qua những câu chuyện của bạn bè, bỗng nghiệm ra rằng tiền bạc và quyền lực không đóng góp mấy vào mục đích tối hậu của con người, tức là hạnh phúc. Mặc dù vẫn giữ quan điểm cho rằng giữa đời thường, người ta không nên nghèo khổ vì nghèo khổ khó dẫn đến hạnh phúc, nhưng giàu có và quyền lực không hề đảm bảo hạnh phúc và một tâm thế bình an, viên mãn.
Sự tham lam, bất kể là tiền bạc, danh vọng hay quyền lực chỉ là cái nhân của mọi đau khổ và bất hạnh đến kế tiếp sau đó mà thôi. Càng so sánh với người khác, chúng ta càng đau khổ. Khi ra đi, tất cả chúng ta chỉ là một nắm tro!
Một cuộc đời có  ý nghĩa là một cuộc đời mà người ta có thể thực hiện được tới cùng những ước mơ ấp ủ của mình và cống hiến thành quả của những ước mơ đó cho cộng đồng. Sự chia sẻ sẽ mang lại hạnh phúc thật sự cho con người. Phải chăng đó mới chính là cái chúng ta đang tìm kiếm cả cuộc đời?


Tháng 12


Sáng nay dắt con gái xuống phố. Không khí của tháng 12 ùa vào buồng phổi, mát lạnh, sảng khoái! Gió thổi rì rào trên những tán lá cây xanh biếc. Ngước mắt nhìn bầu trời: xanh ngắt và trong trẻo, không một sợi mây! Mùa đẹp nhất của Sài gòn đã về rồi!
Sài gòn chỉ có 2 mùa, mưa và nắng! Mùa nắng thì trời oi ả, nóng bức nên ít ai thích ra đường. Mùa mưa thì đường không sạch cho lắm. Đi bộ hoặc phóng xe trong mưa xem ra không phải là sở thích của những người không còn tuổi teen. Chỉ có một khoảng khắc ngắn, kéo dài chừng độ 20 ngày cho đến 1 tháng trong năm là tiết trời vô cùng dễ chịu. Ánh nắng mặt trời rọi chiếu, trong veo nhưng không gắt. Bạn có thể ung dung bước đi không cần mũ nón, hay khăn bịt mặt như hàng ngày. Trong ánh sáng chan hòa ấy, bạn hít căng đầy lồng ngực, lấy vào những luồng không khí mát lạnh từ không gian bừng sáng rồi những làn gió trong lành đến kỳ lạ vờn trên tóc. Cái khoảnh khắc đẹp nhất của Sài gòn: nắng mà vẫn rất mát rượi!
Tôi yêu nhất tháng 12 Sài gòn cũng như yêu Hà nội những ngày cuối thu tháng 10. Một không gian kỳ ảo lúc giao mùa. Không có những chiếc lá màu cam đỏ rơi lả tả dưới chân như ở xứ ôn đới nhưng cũng vẫn có thể nhìn thấy những chiếc lá me nhỏ xíu ngả vàng bay ngang trong gió. Phần lớn cây cối vẫn tươi xanh, thậm chí xanh miên man. Hàng cây trên đường nhà, bất chấp những hoạt động buôn bán náo nhiệt xô bồ xung quanh, chúng vẫn vươn lên xanh rười rười, lòa xòa chao nghiêng trong những cơn gió mát như thể chẳng có gì có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc tự tại của chúng.
Những ngày như thế này, nếu lái xe đi trên con đường chính ở huyện Cần Giờ, bạn có thể lặng lẽ ngắm nhìn những rừng đước bạt ngàn đều tăm tắp hai bên đường trong tiếng dương cầm của Kevin Kern. Những dòng sông phẳng lặng hiện ra trước mắt trong một không gian tĩnh mịch tuyệt đối. Thiên nhiên và con người như hòa làm một. Trên là bầu trời trong vắt, giao hòa với dòng sông lững lờ trôi không một gợn sóng, hai bên bờ sông chỉ toàn là đước, những cây đước vươn cao thẳng tắp đứng nép vào nhau, bình lặng trước mọi thay đổi của nhân gian thế thái. Bạn sẽ quên đi những vấn vương, tính toán của đời thường vì cuộc đời chính là đây, trong thực tại êm ắng và kỳ diệu này. Bạn bỗng thấy hạnh phúc tràn ngập mà không biết vì sao mà cũng không cần hỏi vì sao. Bạn ngước mặt nhìn lên bầu trời lộng lẫy, cúi xuống nhìn dòng sông trôi đi dưới chân mình, thầm hỏi liệu những giây phút hòa mình vào chân như thế này có kéo dài mãi mãi?
Tháng 12, những lời cầu nguyện phảng phất quyện vào làn gió mát và những tia nắng trong trẻo ngoài vườn. Nhà ai đó văng vẳng tiếng dương cầm, âm thanh tiếng suối reo, nước chảy mát lạnh trong tâm, chào đón thiên nhiên giao mùa! Một mùa mới đang về!

Bình Minh


Hãy nhớ lại lần gần nhất mà bạn chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp lộng lẫy của ban mai là khi nào? Khi nói chiêm ngưỡng buổi bình minh, tôi muốn nói đến sự chú tâm thật sự của chúng ta vào từng giây phút mặt trời lững thững nhô lên từ những rạng mây hồng, những sợi nắng rất nhạt, rất nhẹ và rất trong phủ lên từng tán lá cây trong vườn, trong thành phố, trong sự im lặng, êm đềm của buổi ban mai. Đã khi nào chúng ta thực sự đối diện với sự kiện tuyệt đẹp này của tự nhiên, một cách trọn vẹn và ý thức sâu sắc rằng chúng ta đang chứng kiến một ngày mới bắt đầu? Có lẽ nhiều người trong chúng ta không nhớ nổi lần cuối mình lặng lẽ ngắm buổi bình minh lúc nào. Cuộc sống thành thị vội vã đã lôi chúng ta đi trên những con tàu cao tốc, mọi thứ vùn vụt lướt qua, chẳng nắm bắt được gì, chằng ai đủ thời gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp huy hoàng của bình minh . Nếu đứng ở Nhà thờ Đức Bà vào một buổi sáng tinh mơ để chờ bình minh lên, bạn sẽ cảm nhận được Sài gòn đẹp biết bao! Những hàng cây xanh biếc thì thầm khi gió lặng, nắng nhẹ chiếu chếch qua gác chuông nhà thờ, nóc bưu điện cổ, rất ít xe cộ qua lại, chỉ có những ngôi nhà kiến trúc Pháp cổ nằm im lìm trên đường Hàn Thuyên đang dụi mắt sau giấc ngủ.
Rồi thì xe cộ đông dần, âm thanh của đủ các loại động cơ lớn dần, các công chức cổ trắng bắt đầu xuất hiện. Tất cả bọn họ đều sạch sẽ, gọn gàng, chỉn chu và vội vàng. Họ rảo bước với ly cà phê giấy trên tay, người thì cầm ổ bánh mì, người thì cắp nách tờ báo, người thì nói chuyện điện thoại, người thì kín đáo quan sát  đồng nghiệp của mình xách túi hiệu gì, đi giày hiệu gì để cố gắng xác định thu nhập của chủ nhân, người thì vừa đi vừa nghe nhạc và chẳng quan tâm đến chuyện gì khác.  Họ rất giống nhau ở một điểm, họ đều bước rất nhanh và chú tâm vào một mục tiêu: đó là lọt  vào các tòa nhà công sở nơi mà họ sẽ trốn vào cho đến hết hoàng hôn. Họ không nhìn lên trời, không ngó trái, ngó phải (trừ phi phải sang đường), không dừng lại, không mỉm cười. Những gương mặt vô cảm, có phần hơi căng thẳng!
Tôi hỏi một anh bạn có bao giờ anh ngắm bình minh không. Anh trả lời ngay không cần suy nghĩ: “có chứ, mỗi ngày. Tôi đi làm rất sớm mà”.  Anh bạn của tôi nhầm một điểm cơ bản. Dậy sớm và đi làm sớm không có nghĩa là nhìn thấy bình minh mỗi ngày. Anh bạn của tôi nhìn mà không thấy bình minh, đi trong bình minh mà chẳng cảm nhận được hơi thở của buổi ban mai bởi vì anh bận nghĩ ngợi hàng vô số thứ phải làm trong một ngày ngay khi anh bước ra khỏi nhà, hàng tỉ các kế hoạch và các cuộc hẹn với khách hàng, các tính toán hơn thiệt v.v…. Anh không kịp căng hết lồng ngực hít thở thật sâu, để đón luồng không khí trong sạch của buổi sớm mai, anh cũng không nhớ nhìn lên bầu trời để đón những  giọt nắng đầu tiên.

Hãy dừng lại một chút, hãy nhìn, hãy ngắm bình minh trong sự nhận thức trọn vẹn của giây phút hiện tại. Chúng ta đang sống và hãy biết ơn vì mình vẫn được tiếp tục thở vào buổi sáng kế tiếp. Chúng ta có nuối tiếc đã không  chứng kiến buổi ban mai giữa không gian bao la nếu một ngày thức dậy và biết rằng ta không còn nhiều thời gian để sống?
Bạn ơi, đừng tính toán, đừng so bì, đừng hoạch định quá nhiều cho một tương lai vô định. Hãy để tương lai đến theo cách của nó. Nhiệm  vụ của chúng ta là sống hết mình với thực tại, hãy thực hành yêu thương, săn sóc, hỏi han và chia sẻ với người khác ngay lúc này đây. Hãy ngắm buổi ban mai và những giọt sương li ti còn đọng trên lá sau cơn mưa đêm mà chẳng nghĩ đến việc gì khác trong lúc ngắm. Hãy dành cho bản thân một cơ hội sống trong thực tại bạn nhé!
Chiêm ngưỡng bình minh huy hoàng trong tác phẩm Morning của Edvard Grieg
http://www.youtube.com/watch?v=Ya5ICVKUERg

Giai Điệu Hạnh Phúc

Sáng nay chia sẻ chủ đề “Trí tuệ cảm xúc” cho học viên. Mọi người thảo luận về khái niệm cảm xúc, cách nhận thức bản thân và làm chủ bản thân. Rồi thì câu hỏi đặt ra là cuộc sống sẽ như thế nào nếu tất cả mọi người đều vô cảm.
Một bài báo nào đó đã từng nói sẽ thật đáng sợ thay khi xã hội và con người vô cảm trước cái xấu, cái ác, và mặc nhiên xem cái xấu, cái ác trở thành bình thường trong đời sống. Còn tôi thì tự hỏi có đáng sợ không khi xã hội quay lưng thờ ơ với cái đẹp, khi số đông con người vô cảm trước một tác phẩm nghệ thuật, một bản nhạc hay, một hành vi thánh thiện. Mọi tình yêu và trân trọng dành cho cái đẹp, điều thiện được xem là dở hơi.
Tình cờ lang thang trên mạng xem được một video clip về bài hát “giai điệu hạnh phúc” (the Sound of Music). Bài hát được tái hiện lại một cách sáng tạo theo phong cách pop rock và được chơi giữa một nhà ga công cộng. Rất nhiều trẻ em đã nhảy múa hồn nhiên giữa sân ga và rồi hoạt động ấy lan tỏa đến cả người lớn, họ cũng bỏ hành lí, túi xách xuống đất  để cùng tham gia nhảy múa hồn nhiên trong tiếng nhạc vui nhộn. Những gương mặt rạng ngời không chút lo âu muộn phiền, những nụ cười hạnh phúc…! Tất cả mọi người đều mong muốn hạnh phúc và chia sẻ hạnh phúc. Hạnh phúc được nhân đôi khi nó lan tỏa. Cái đẹp trở nên đẹp hơn khi nhiều người trân trọng và gìn giữ nó.
Nếu có ai đó làm chuyện tương tự như thế ở một nha ga của Việt nam thì chắc hẳn sẽ bị xem la một “vật lạ”, không bình thường và sẽ có rất ít người dám tham gia nhảy nhót  trong “Giai điệu hạnh phúc” ấy.
Mong sao cuộc sống có nhiều giai điệu hạnh phúc  và mỗi con người là những nốt nhạc vui trên khuông nhạc cuộc đời. Mong sao xã hội đừng quay lưng lại với cái đẹp và điều thiện.

Triển lãm ảnh dân tộc thiểu số


Đến vườn hoa Lý Thái Tổ vào một ngày giao mùa. Thời tiết trong, mát rượi. Đêm qua có một cơn mưa nhỏ nhưng cũng đủ làm những chiếc là vàng yếu ớt cuối cùng của mùa thu rụng lả tả từ những ngọn cây đang thay lá. Đường Lý Thái Tổ, nơi tôi tản bộ qua, phủ lá vàng rơi. Hà nội dường như im ắng vào buổi sáng cuối thu.

Nhiều người cùng dừng lại ngắm những bức ảnh dân tộc thiểu số do chính những tay chụp ảnh amateur người dân tộc bấm máy. Không có sự dàn xếp hay phối cảnh lộ liễu đến khó chịu như những tay chụp chuyên nghiệp vẫn thường làm. Cuộc sống hằng thường của người thiểu số hiển lộ một cách bình dị, mộc mạc trên nền trời Hà nội xanh biếc.

Đẹp, dung dị, nhưng từ đáy trái tim, buồn! Buồn vì thương! Sự nghèo khổ, cơ cực âm thầm phủ lên những kiếp người. Yêu! Vì cuộc sống thiếu thốn, đầy bất trắc không làm nhụt ý chí sống mãnh liệt của con người. Bần hàn, đói rét từ thế hệ này sang thế hệ khác đã khiến con người chấp nhận nó như một phần tất yếu của kiếp người và sự cam chịu đói rét dường như đã trở thành vô thức, cũng giống như khi bạn đừng trên mặt đất, bạn không nhận ra là trái đất đang quay. Bạn chỉ có thể nhận ra điều đó khi nhìn thấy trái đất từ vũ trụ.

Tôi xin được 2 tấm ảnh nhỏ. Tấm thứ nhất chụp các em bé dân tộc Paco đang học thêu, đứa lớn dạy đứa bé, chúng giống như những con búp bê xinh xắn, bụ bẫm, đứa nào hai má cũng đỏ hồng. Những ngón tay nhỏ xinh xinh đang cầm kim chỉ vô cùng đáng yêu! Chạnh lòng tôi hỏi mình: Rồi thì các em đi về đâu? Tiếp tục cuộc đời cơ cực của bà, của mẹ? Lấy chồng, sinh con, nuôi con, cả đời bán lưng cho trời bán mặt cho đất làm việc đồng áng và kết thúc thành những bà già gầy dơ xương, nhăn nheo, móm mém, món mồi ngon cho những tay săn ảnh ăn giải thưởng chuyên nghiệp.
Tấm thứ hai ở Sóc Trăng, quê hương của dân tộc Chăm, chụp một thằng bé 15 tuổi nhưng nhìn giống 9, 10 tuổi vì nó quá nhỏ thó và gày gò, nó đang đi bẫy chuột đồng mang về nướng ăn. Sự cơ cực đã chớm nở trên khuôn mặt đăm chiêu già dặn của nó!

Một tấm ảnh nữa chụp 2 chị em người Chăm khoảng 12, 13  tuổi trước khi các em đi làm đồng. Tôi sững sờ vì nụ cười tươi sáng, hồn nhiên trên 2 gương mặt quá duyên dáng của các em. Những nụ cười rạng rỡ đến kỳ lạ, hút hồn người ngắm. Những mái tóc dài, dịu dàng tuổi dậy thì cuốn bay trong nắng sớm buổi bình minh! Các em là những tác phẩm hoàn hảo của tự nhiên. Tiếc là không có chiếc ảnh thu nhỏ để mang về!

Ở một nơi nào đó, có thể gần cũng có thể xa bạn, người ta thức dậy vào buổi sáng nhịn đói đi trổ hạt. Họ đào một chỗ trũng dài 1,2m để đặt đứa con bé bỏng vào, buộc nó ở đấy trong lúc họ đi làm đồng áng cũng bình thường giống như chúng ta thức dậy vào buổi sáng, ăn sáng, đọc báo và đưa con đến trường. Tâm ta thấy vui vì một ngày bình yên trôi qua, họ cũng thấy vui vì một ngày bình yên trôi qua! Tất cả đều cảm thấy hạnh phúc trong giới hạn nhận thức về hạnh phúc của mình. Tất cả chúng ta nhìn thế giới qua lăng kính được định hình bởi nếp sống, hoàn cảnh sống, môi trường sống, nền giáo dục, sự kỳ vọng v.v…

Sáng nay, tôi đứng ở đây, giữa vườn hoa trung tâm Hà nội, thủ đô ngàn năm văn hiến và tự hỏi phải chăng những con người nhỏ bé đáng thương và bất lực kia đã bị lãng quên? Họ đã bị lãng quên trong những xó xỉnh tồi tệ nhất!

Có người sẽ bảo tôi dở hơi, vì chắc người thiểu số chẳng biết buồn đâu! Chịu đựng quen rồi! Người thành phố một ngày không điện, không nước, không máy lạnh thì la lối om sòm, còn người dân tộc thì đó chẳng phải là chuyện nhỏ mà chẳng phải là chuyện.
Chỉ có tôi chạnh lòng vì tôi cứ nhìn họ theo lăng kính của tôi! Cũng có thể là gàn dở thật!

Tôi tự nhủ thầm chỉ cần có tấm áo lành mặc lên người hôm nay, hãy xem như mình là một kẻ vô cùng may mắn!. So với sự bần hàn cơ cực của họ, cái sự được xem là “khổ sở” của mình chẳng có ý nghĩa gì! Nghĩ thế để bớt so bì, đố kỵ, để đừng chỉ lấy quá nhiều mà chẳng biết cho đi. Có một cuộc sống đơn giản, thuần khiết cũng đã quá đủ đầy, hạnh phúc rồi!


Kora – Hành trình của những lời cầu nguyện


Một tập quán của người dân địa phương tại thị trấn McLeod Ganj là đi nhiễu vòng quanh chánh điện của Tu Viện Namgyal từ rất sớm…có lẽ từ khoảng 2:30 sáng. Tay lần tràng hạt, từng đoàn người lặng lẽ bước đi trong những lời thì thầm cầu nguyện bằng một thứ tiếng sinh ra để cầu nguyện: Tạng ngữ! Một không khí vô cùng thành kính và linh thiêng. Và chúng tôi, những kẻ hành hương thao thức đi tìm hạnh phúc,  đang ở đây, Dharamsala, trú xứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và ngay tại tu viện Namgyal của Ngài….!
Mỗi bước chân tôi đi như cùng hòa nhịp với hàng ngàn hàng triệu lời cầu nguyện Lục Tự Đại Minh Thần Chú “Om Mani Pad Me Hum” bay vút lên không gian từ những chiếc bánh xe Mani-Luân bằng đồng đặt xung quanh Tu viện. Người ta tin rằng mỗi lần quay bánh xe Mani Luân thì cũng tương đương với hàng triệu lời cầu nguyện được rải tới muôn phương và mang lại những điều tốt lành cho mọi chúng sinh.
Bánh xe Mani Luân
Những ngày ở đây, chúng tôi quyết định không chỉ đi nhiễu và cầu nguyện xung quanh nội khu của Tu Viện Namgyal mà đi bộ vòng quanh con đường mòn xung quanh quả đồi nơi Tu viện Namgyal được xây dựng. Chúng tôi gọi những chuyến “hành cước” nho nhỏ vòng quanh quả đồi ấy là Kora, với một ước nguyện sâu xa rằng một ngày nào đó,  khi có đủ cơ duyên, chúng tôi sẽ được may mắn đảnh lễ một ngọn núi thiêng của xứ Tuyết, núi Kailash!
Những vòng Kora vào buổi sáng tinh mơ tại Dharamsala! Bình minh vẫn còn ẩn náu sau rặng Dhauladhar hùng vĩ, chỉ có những ráng hồng nhàn nhạt hiện ra phía chân trời, báo hiệu ngày mới bắt đầu. Những sợi mây mỏng màu trắng vắt vẻo trên các đỉnh núi xa xa. Himalaya bí ẩn và bi thương! Rặng núi đã chứng kiến hàng trăm ngàn cuộc di cư của người Tây Tạng, bắt chấp hiểm nguy, vượt lên cái chết, băng rừng vượt núi trong đói khát, giá lạnh để tìm đến với tự do và với với vị lãnh tụ tinh thần vĩ đại của họ. 
Ban mai ráng hồng
Trong tiết trời mát rượi của sớm mai, tôi đi vòng quanh ngọn đồi ấy, lặng lẽ ngắm nhìn thiên nhiên đang bừng tỉnh, chào đón bình minh. Đó là những  giây phút hiếm hoi trong đời khi tôi cảm nhận sâu sắc sự an bình nội tâm, khi tôi có đủ thời gian và thanh thản để đi, đứng, ngồi trong lặng thinh, không làm gì cả,  không nghĩ gì cả trong  không  gian bao la vô tận của trời đất và núi đồi! Tai tôi nghe thấy tiếng gió thì thầm, gió mơn man trên những tán lá cây, gió ca hát cùng lời cầu nguyện của những kẻ cũng đi hành cước như tôi. Những chuỗi tràng hạt đu đưa trong gió. Những câu chú khắc rải rác trên các tảng đá suốt con đường tôi đi tạo thành một không  gian bí ẩn và linh thiêng.  Lời cầu kinh bằng tiếng Tạng nghe sao mà du dương đến lạ lùng, phải chăng trong những tiền kiếp của mình, tôi cũng đã từng cầu nguyện bằng ngôn ngữ này? Lũ chim nhảy nhót vô tư trên đường đi, đám khỉ chuyền cành trên những tán thông lớn dưới đồi. Bằng bản năng, chúng hiểu sự an toàn tuyệt đối nơi đây, không những được sống bình yên mà người ta còn cầu nguyện cho chúng! Tôi chợt nhớ lại hình ảnh một ni sư người Tây tạng đang cầu nguyện cho một chú chuột vào buổi sáng tinh mơ trên con đường chính dẫn tới tu viện Namgyal. Kỳ lạ thay, chú chuột đứng nghe lới cầu nguyện mà không hề nhúc nhích!


Những câu chú khắc trên Mani wall

Bình minh đã phủ lên các đỉnh núi một tấm thảm màu vàng rực rỡ, huy hoàng! Tôi hít căng lồng ngực để đón lấy không khí trong lành của buổi ban mai tươi đẹp!  Bằng những giọt nắng trong vắt đầu tiên, bình minh Dharamsala đón chào kẻ hành hương đơn độc đã ngộ ra lẽ vô thường! Bàn tay tôi khẽ chạm vào những chiếc Stupa thiêng liêng, những chiếc Mani Luân quay đều với ước nguyện hàng triệu lời khấn nguyện sẽ được rải đi muôn phương vì lợi ích của hữu tình.

Mưa Sài Gòn


Hôm qua có một người hỏi tôi mưa Sài gòn có lâu không. Mưa Sài gòn to nhưng rất chóng tạnh. Đó là một trong những điều đáng yêu nhất còn sót lại của thành phố đông đúc nhất Việt nam này. Mưa to, mịt mờ, những cơn gió mạnh làm ngả nghiêng những cành cây lớn, gió đập vào cửa sổ mang theo những giọt nước mưa luồn lách qua khe cửa. Mưa giận dữ trút nước trên những mái nhà, những con phố. Mưa và gió khiến cho những chiếc xe gắn máy nghiêng ngả trên đường. Rồi mưa tạnh. Bầu trời trong sáng trở lại sưởi ấm mọi thứ khô ráo. Những khoảnh khắc ấy đôi khi rất mau. Mưa sang nắng và nắng sang mưa, đỏng đảnh như một thiếu nữ mới lớn.
Nếu bạn có dịp sống ở những tòa nhà cao tầng bạn sẽ chứng kiến được sự di chuyển của những cơn mưa vội vàng chóng vánh. Nơi bạn đứng trời vẫn còn khô ráo nhưng phía chân trời xa kia, những chung cư cao tầng đã mờ mịt trong một lớp mây mưa màu xám nhạt, đậm tùy theo tốc độ của gió. Những cụm mây xám di chuyển rất nhanh do bị những cơn gió mạnh cuốn đi. Rồi thì từng giây một, cái màu xám kia dần dần tiến gần đến bạn hơn, gió thổi ngày càng mạnh hơn, đáng sợ hơn. Nếu thò mặt ra cửa sổ lúc này, bạn sẽ thấy mùi hơi nước nồng nồng mang theo từ gió, mát lạnh! Và rồi cái màu xám kia chạm vào bạn. Đó là lúc bạn cảm nhận thấy mưa tại nơi mình đứng. Với bạn, mưa mới chỉ bắt đầu từ giây phút đó mặc dù bạn biết rằng mưa đã có mặt từ xa kia trước đó.
Hồi nhỏ tôi đã từng chứng kiến một cơn mưa mà bên này đường người ta mặc áo mưa còn bên kia đường cách 3m mọi thứ vẫn khô ráo và chẳng ai mặc áo mưa cả. Tất cả mọi người đều dừng lại ở ranh giới này. Phải chăng đó chính là điểm dừng của mưa?
Mưa. Mưa như trút nước. Trời đất mờ mịt giận dữ, những tán lá cây run bần bật rũ rượi hứng nguồn nước của bầu trời. Nước dưới đất vội vã thoát xuống các cống rãnh, như để trốn cơn mưa.
Rồi mưa bỗng tạnh, mặt trời lại lững thững ló ra khỏi đám mây xám nhạt, bầu trời trong xanh trở lại chỉ trong một thoáng. Những ngôi nha xa xa in rõ mồn một trên nền trời. Sau cơn mưa, mọi thứ như được  rửa sạch. Trong trẻo và khô ráo. Mưa mà như thể chưa bao giờ có mưa! Thỉnh thoảng một vệt cầu vồng nhạt vắt vẻo qua nền trời.

Tôi yêu những cơn mưa Sài gòn vì cái sự “phổi bò” của nó. Giận dữ đấy nhưng rồi qua đi rất nhanh, như chưa hề có cơn mưa xảy ra. Nó không bắt bạn phải chờ đợi quá lâu. Nó sẽ tạnh ngay, để lại một không gian trong trẻo, mát rượi cho những ai muốn thật sự cảm nhận nó.!
Cuộc sống của chúng ta cũng vậy thôi. Sẽ có những lúc chúng ta rất giận dữ, buồn bã. Chúng ta trách móc cuộc đời, ân hận về điều này điều kia. Xin hãy nhớ rằng mọi cơn giận dữ, mọi sự buồn bực chỉ là nhất thời, rồi chúng sẽ đi qua như những cơn mưa, không để lại dấu vết. Hãy yêu quí những giây phút hiện tại, trân trọng “lúc này đây” để sống trọn vẹn thay vì dành thời gian và năng lượng để oán trách, chỉ trích hờn giận bản thân hay một ai đó.  Nếu giữ cho tâm luôn sáng và thanh thản, cuộc sống sẽ đẹp rạng ngời như Sài gòn sau những cơn mưa!

Mùi của cuộc sống


Tản bộ trên những con phố nhỏ ở một thành phố biển vào một buổi chiều tà. Nắng nhạt vẫn chênh chếch trên những tán lá cây rung rinh trong gió. Trời xanh nhàn nhạt chẳng có một sợi mây. Người người vẫn đi qua đi lại, hàng quán vẫn mở nhưng không ồn ào vội vã như Sài gòn. Cuộc sống của con người tại thành phố nhỏ trôi qua êm ả, nhàn nhã trong một buổi chiều nắng đẹp. Ít nhất người ta cũng còn một chút nhân văn để chừa lại vỉa hè thoáng đãng cho người đi bộ.
Tôi đi chậm rãi trên những con phố nhỏ ấy, hít căng lồng ngực để cảm nhận hết cái mát trong lành của biển cả. Chợt nhận ra rằng từ rất lâu lắm rồi, đây là những dịp hiếm hoi mà tôi có thể thanh thản ngắm nhìn bầu trời trước khi hoàng hôn xuống một cách bình lặng, không bị bất kỳ điều gì xô đẩy vội vã. Cuộc sống bận rộn điên loạn ở Sài gòn đã lấy đi của nhiều người cái quyền được ngắm hoàng hôn, được hít thở không khí thật và ngửi mùi vị của cuộc sống, được ngắm người bình thường sinh hoạt hàng ngày. Tôi ngửi thấy mùi thức ăn trên đường phố, mùi bánh nướng thơm tho, mùi cà phê pha lẫn mùi mồ hôi của khách du lịch, mùi của trời chiều, mùi của gió, mùi của cuộc sống thật! Giản dị và bình yên!

Công sở và những phòng làm việc máy lạnh đã lấy đi của tôi cảm giác về mùi, về cuộc sống. Cái mà tôi thở và ngửi ở các văn phòng máy lạnh là những thứ không khí vô hồn, nhạt nhẽo, không mùi vị, chán ngắt.
Tôi ghé vào XQ ngắm các nghệ nhân ngồi thêu. Hàng triệu, triệu mũi kim đã làm nên những bức tranh tinh xảo, đẹp đến ngỡ ngàng. Những con cá vàng hồn nhiên bơi lội tung tăng trong nước, những con bướm rực rỡ đủ màu sắc bay nhẩn nha trên các đóa hoa đã trở thành đề tài cho nhiều bức họa thêu đẹp lạ lùng, thể hiện mong ước của con người về một cuộc sống thong dong, chẳng ưu phiền. Những nghệ nhân thêu, họ ngồi đó, chậm rãi từng đường kim mũi chỉ, có ai để ý đến thời gian?

Cuộc sống ơi, mi chan hòa màu sắc, mùi vị mà ta chẳng hề biết. Ta như một con dế chui nhủi trong cái bao diêm tiện nghi nhưng trống rỗng và tẻ nhạt, ta chẳng biết gì đến thế giới sinh động, tràn đầy màu sắc bên ngoài. Ta đáng thương quá phải không?

Bước chân tôi cứ đi, qua bao ngôi nhà lớn nhỏ, người ta í ới gọi nhau, trẻ con chơi đùa trên phố, người qua lại trên những chiếc xe gắn máy, từ từ chậm rãi, chẳng ai rú ga, bóp còi để được đi nhanh hơn. Một buổi chiều như bao buổi chiều khác, bình yên đến lạ lùng!
Vì sao phải đi nhanh hơn, ăn nhanh hơn, nói nhanh hơn, làm nhiều đến mức không còn thời gian để ngắm nhìn cuộc sống và con người quanh mình? Phải chăng đó là sự bất hạnh tột cùng mà thị dân hào nhoáng ở các thành phố lớn chẳng hề nhận ra?
Đã đến lúc phải thở thực sự, phải dành  thời gian cảm nhận mùi của cuộc sống, đủ bình tĩnh để bước đi như người vô sự trong những buổi chiều như thế này. Ôi cuộc sống tươi đẹp biết bao, đừng bỏ phí những giây phút hiện tại nếu không muốn trở thành những cái xác sống!

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...