Đến vườn hoa Lý Thái Tổ vào một ngày giao mùa. Thời tiết trong, mát rượi. Đêm qua có một cơn mưa nhỏ nhưng cũng đủ làm những chiếc là vàng yếu ớt cuối cùng của mùa thu rụng lả tả từ những ngọn cây đang thay lá. Đường Lý Thái Tổ, nơi tôi tản bộ qua, phủ lá vàng rơi. Hà nội dường như im ắng vào buổi sáng cuối thu.
Nhiều người cùng dừng lại ngắm những bức ảnh dân tộc thiểu số do chính những tay chụp ảnh amateur người dân tộc bấm máy. Không có sự dàn xếp hay phối cảnh lộ liễu đến khó chịu như những tay chụp chuyên nghiệp vẫn thường làm. Cuộc sống hằng thường của người thiểu số hiển lộ một cách bình dị, mộc mạc trên nền trời Hà nội xanh biếc.
Đẹp, dung dị, nhưng từ đáy trái tim, buồn! Buồn vì thương! Sự nghèo khổ, cơ cực âm thầm phủ lên những kiếp người. Yêu! Vì cuộc sống thiếu thốn, đầy bất trắc không làm nhụt ý chí sống mãnh liệt của con người. Bần hàn, đói rét từ thế hệ này sang thế hệ khác đã khiến con người chấp nhận nó như một phần tất yếu của kiếp người và sự cam chịu đói rét dường như đã trở thành vô thức, cũng giống như khi bạn đừng trên mặt đất, bạn không nhận ra là trái đất đang quay. Bạn chỉ có thể nhận ra điều đó khi nhìn thấy trái đất từ vũ trụ.
Tôi xin được 2 tấm ảnh nhỏ. Tấm thứ nhất chụp các em bé dân tộc Paco đang học thêu, đứa lớn dạy đứa bé, chúng giống như những con búp bê xinh xắn, bụ bẫm, đứa nào hai má cũng đỏ hồng. Những ngón tay nhỏ xinh xinh đang cầm kim chỉ vô cùng đáng yêu! Chạnh lòng tôi hỏi mình: Rồi thì các em đi về đâu? Tiếp tục cuộc đời cơ cực của bà, của mẹ? Lấy chồng, sinh con, nuôi con, cả đời bán lưng cho trời bán mặt cho đất làm việc đồng áng và kết thúc thành những bà già gầy dơ xương, nhăn nheo, móm mém, món mồi ngon cho những tay săn ảnh ăn giải thưởng chuyên nghiệp.
Tấm thứ hai ở Sóc Trăng, quê hương của dân tộc Chăm, chụp một thằng bé 15 tuổi nhưng nhìn giống 9, 10 tuổi vì nó quá nhỏ thó và gày gò, nó đang đi bẫy chuột đồng mang về nướng ăn. Sự cơ cực đã chớm nở trên khuôn mặt đăm chiêu già dặn của nó!
Một tấm ảnh nữa chụp 2 chị em người Chăm khoảng 12, 13 tuổi trước khi các em đi làm đồng. Tôi sững sờ vì nụ cười tươi sáng, hồn nhiên trên 2 gương mặt quá duyên dáng của các em. Những nụ cười rạng rỡ đến kỳ lạ, hút hồn người ngắm. Những mái tóc dài, dịu dàng tuổi dậy thì cuốn bay trong nắng sớm buổi bình minh! Các em là những tác phẩm hoàn hảo của tự nhiên. Tiếc là không có chiếc ảnh thu nhỏ để mang về!
Ở một nơi nào đó, có thể gần cũng có thể xa bạn, người ta thức dậy vào buổi sáng nhịn đói đi trổ hạt. Họ đào một chỗ trũng dài 1,2m để đặt đứa con bé bỏng vào, buộc nó ở đấy trong lúc họ đi làm đồng áng cũng bình thường giống như chúng ta thức dậy vào buổi sáng, ăn sáng, đọc báo và đưa con đến trường. Tâm ta thấy vui vì một ngày bình yên trôi qua, họ cũng thấy vui vì một ngày bình yên trôi qua! Tất cả đều cảm thấy hạnh phúc trong giới hạn nhận thức về hạnh phúc của mình. Tất cả chúng ta nhìn thế giới qua lăng kính được định hình bởi nếp sống, hoàn cảnh sống, môi trường sống, nền giáo dục, sự kỳ vọng v.v…
Sáng nay, tôi đứng ở đây, giữa vườn hoa trung tâm Hà nội, thủ đô ngàn năm văn hiến và tự hỏi phải chăng những con người nhỏ bé đáng thương và bất lực kia đã bị lãng quên? Họ đã bị lãng quên trong những xó xỉnh tồi tệ nhất!
Có người sẽ bảo tôi dở hơi, vì chắc người thiểu số chẳng biết buồn đâu! Chịu đựng quen rồi! Người thành phố một ngày không điện, không nước, không máy lạnh thì la lối om sòm, còn người dân tộc thì đó chẳng phải là chuyện nhỏ mà chẳng phải là chuyện.
Chỉ có tôi chạnh lòng vì tôi cứ nhìn họ theo lăng kính của tôi! Cũng có thể là gàn dở thật!
Tôi tự nhủ thầm chỉ cần có tấm áo lành mặc lên người hôm nay, hãy xem như mình là một kẻ vô cùng may mắn!. So với sự bần hàn cơ cực của họ, cái sự được xem là “khổ sở” của mình chẳng có ý nghĩa gì! Nghĩ thế để bớt so bì, đố kỵ, để đừng chỉ lấy quá nhiều mà chẳng biết cho đi. Có một cuộc sống đơn giản, thuần khiết cũng đã quá đủ đầy, hạnh phúc rồi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét