Thực tại


Hôm nay cô ghé nhà thăm bố, lục tủ tìm cà phê. Mở cái tủ bếp ra, cả hũ cà phê Ý vẫn nằm nguyên vẹn ở đấy, xếp ngay ngắn và gọn gàng cùng với các chai lọ linh tinh khác, nó gần như chỉ hao hụt vài thìa. Biết ông cụ cũng giống mình, ưa cà phê ngon nên cô mua cà phê đắt tiền biếu ông. Dù khai giá đã giảm đi một nửa (người già hay hỏi giá các thứ con cái biếu), ông cụ vẫn xuýt xoa “đắt thế cơ à!”. “Đắt thì bố nhớ uống nhé, không hết đát thì phí!.” Bố cô cười bảo: “Yên tâm, phải uống chứ!”

Bây giờ thì hũ cà phê nằm ở đây nguyên vẹn sau bốn, năm tháng gần như chẳng hao hụt bao nhiêu. Ông bảo ông để dành, chỉ uống một chút thôi, khi nào có bạn hiền đến nhà chơi mới dám lấy ra thưởng thức. Cô vẫn thấy ông kéo bạn bè ra quán cà phê cóc đầu hẻm.

Có bao nhiêu thứ ông cụ 75 tuổi đang để dành nhỉ? Và để dành đến bao giờ? Cho dịp nào? Thỉnh thoảng cô rủ ông cụ đi chơi, đi nghe nhạc, ông bảo bận trông nhà vì không tin cô giúp việc cho lắm. Mấy người bạn già rủ ông đi chơi xa, “vì chả còn mấy năm nữa, các hãng hàng không lại chẳng cho chúng mình đi máy bay nữa” – các bạn ông thuyết phục. Ông bảo để suy nghĩ. Vài hôm sau, trước sự chưng hửng của mấy người bạn, ông trả lời là để năm sau đi du lịch có lẽ thuận hơn. Có hôm ông chẳng ngủ được, loay hoay đi qua đi lại trong phòng vào lúc 3 giờ sáng. Mọi người lo lắng quá, hỏi ông có làm sao không. Ông bảo thằng con trai làm ông mất ngủ. Nó ngoài 30 tuổi rồi mà chưa đâu vào đâu. Có người khuyên ông cứ để dọn ra ở riêng, để vợ chồng nó tự lập, khắc biết lo. Ông lại nghĩ khác. Ông bảo phải đợi cho đến khi nó thành công thì ông mới cho chúng nó sống độc lập được. Khi nào nó thành công? Thành công là gì? Chẳng ai biết!

Cô tự hỏi mình có giống ông cụ không nhỉ? Một phần mình đang suy nghĩ và hành xử cũng giống ông. Để dành, ôm giữ và luôn đầy lo lắng. Liệu rồi đâu đó trong cuộc đời, có chăng những lúc cô ước mình có thể bẻ ngược chiều kim đồng hồ để làm lại những điều đáng ra mình phải làm từ lâu trong quá khứ.

Mỗi ngày trong cuộc đời này là một dịp quan trọng. Có lẽ mỗi giây phút là một dịp. Có mấy ai hiểu sự thật này. Chúng ta luôn trì hoãn, cố gắng tin rằng một việc vẫn có thể thực hiện ngày mai nếu không làm hôm nay. Chúng ta lo lắng về những thứ ngoài tầm kiểm soát, ôm giữ tài sản, bám chấp vào những thứ mình nghĩ rằng mình đang sở hữu (có biết đâu mình đang bị chúng sở hữu), bận rộn suy niệm về quá khứ, toan tính cho tương lai nhiều đến mức khinh miệt hiện tại chẳng thèm đoái hoài, xem nó là hiển nhiên mà chẳng hề biết rằng “đến một ngày nào đó, buổi sáng hôm nay sẽ chỉ còn là một kỷ niệm.” – như anh chàng chăn cừu Santiago đã tự nhủ như thế khi đứng trước ốc đảo giữa sa mạc châu Phi (1). Con người tốn rất nhiều thời gian để vun vén, lo toan, giận dữ, kiêu ngạo, gây ấn tượng, tham lam, giành giật những thứ không phải của mình. 

Trong tác phẩm Điều Gì Khiến Chúng Ta Hiện Hữu Trên Đời (2), ba tác giả - những thiền sư và triết gia Nhật Bản ngậm ngùi kết luận rằng: "Cuộc đời mỗi con người là khoảng thời gian được cấp cho mình. Nó có nghĩa là một món quà tặng khoảng bảy mươi năm hoặc trên dưới một chút. Một kho báu như thế nên được sử dụng cho việc gì? Dù chúng ta làm gì và làm trong bao lâu cũng là làm mòn mỏi kho báu ấy đến chừng đó. Từng chút, từng chút một, chúng ta bán đứt đời mình để có được những thứ chúng ta tưởng rằng mình muốn." Thật đáng tiếc phải không?

Chúng ta đâu có nhớ rằng kể từ giây phút sinh ra, tất cả chúng ta đều bắt đầu tiến gần đến cái chết. Giống như hành trình lao đầu xuống từ một vách núi cao, cái chết là điểm kết, vấn đề chỉ là khi nào chạm đất. Hành trình ngắn ngủi đó nên sử dụng một cách thông minh! Thời gian là một thứ tài sản không thể nhân rộng, chẳng thể tích góp. Mỗi người chỉ có một số lượng nhất định bất kể anh là một ông hoàng hay một người hành khất. Thần Chết thật láu cá. Ông ta mỉm cười ngồi nhìn lũ người tội nghiệp dưới kia đang tất bật hối hả tới lui làm toàn những thứ mà đến 90 phần trăm là vô ích cho chặng hành trình cuối cùng.

Từng giây phút qua đi, chúng đã trở thành quá khứ. Chúng ta tiếc 30 phút đọc truyện hàng đêm dành cho con vì bận kiểm tra email của sở làm. Chúng ta không đủ 15 phút gọi điện hỏi thăm cha mẹ vì còn bận đọc Facebook và “chat” với những người không quen biết. Chúng ta để dành một chút cà phê ngon tin rằng ngày mai còn kịp thưởng thức. It bao giờ ta đủ thời gian lặng lẽ ngắm bình minh vì bận ngủ vùi sau một đêm thức quá khuya và chẳng bao giờ đủ kiên nhẫn quan sát hoàng hôn, chìm đắm trong ánh tà dương với những tia sáng chói lọi tuyệt đẹp, vì lúc đó còn bận rộn thăng tiến và gây ấn tượng trong các phòng họp nơi những tòa cao ốc….

Ta đã sử dụng thực tại một cách có ý thức và trân quý nó? Có phải đợi đến lúc 75 tuổi để học cách ân hận và hối tiếc?


(1): Santiago là anh chàng chăn cừu, nhân vật chính trong truyện “Nhà Giả Kim” của nhà văn Paulo Coelho
(2): Nguyên bản tiếng Anh: You Were Born for a Reason.  Tác giả: Kentetsu Takamori, Daiji Akehashi, Kentaro Ito.

1 nhận xét:

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...