Pema Chodron là một ni sư người Mỹ. Bà sinh năm 1936, tốt nghiệp Đại học California, Berkeley chuyên ngành Văn chương Anh. Bà thọ giới
Sa di ni năm 1974 khi tu học với Lama Chime Rinpoche tại London. Sau đó bà
được thụ phong Tỳ Kheo Ni trước sự chứng kiến của Thánh Đức Karmapa đời thứ XVI khi
Ngài đến hoằng pháp tại Anh. Năm 1972, Ni sư Pema Chodron lần đầu gặp Đạo sư gốc của
mình là Chogyam Trungpa Rinpoche, vị Thầy mà bà cảm nhận có một kết nối sâu sắc.
Bà bà tu học dưới sự dẫn dắt của Chogyam Trungpa Rinpoche từ năm 1974 cho đến
khi Ngài viên tịch năm 1987. Ni sư từng là giáo thọ tại Thiền viện Tushita,
Dharamsala, Ấn Độ. Hiện nay, bà đang
giảng dạy tại Mỹ và Canada và là nguồn cảm hứng đối với hàng trăm ngàn Phật tử Kim Cang thừa. Bà cũng là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng đã được Việt dịch
như: Sống Đẹp Giữa Thế Gian Đầy Biến Động, Tự Tại Giữa Vô Thường, Hành Thiền Như Thế Nào, Sống Đời Từ Ái....
Phật giáo dạy rằng kham nhẫn chính là pháp đối trị sân hận. Có
nhiều hình thức bộc lộ khi nổi sân: hằn học, cay đắng, bài bác chỉ trích, kêu
ca phàn nàn v.v… Quý vị có thể áp dụng nhiều pháp hành đã được chỉ dạy, nghe
nhiều lời khuyên nhủ hữu ích cho mình và chia sẻ với người. Song, thường những
thứ đó dường như không giúp được gì mấy. Đó là lý do vì sao cách đây một vài
năm, tôi quan tâm đến những chỉ dẫn thực hành nhẫn nhục, rất khó biết mình phải
xử sự ra sao khi nổi sân.
Tôi cho rằng nếu nhẫn nhục là pháp đối trị sân hận thì có lẽ tôi
sẽ chỉ thực hành pháp này. Trong suốt quá trình luyện tập, tôi đã học hỏi rất
nhiều về thế nào là nhẫn và không phải là nhẫn. Tôi muốn chia sẻ với quý vị
điều mình học được, khuyến khích quý vị tự tìm hiểu kham nhẫn có thể hóa giải
sân hận ra sao.
Trước hết, tôi đã học hạnh nhẫn và đoạn diệt khổ đau. Sách nói rằng
kham nhẫn là phương pháp làm suy giảm tâm sân. Tôi cho rằng cái sân hận ở đây
đồng nghĩa với đau khổ. Khi quý vị nổi sân, và theo một nghĩa nào đó có thể áp
dụng cho bất kỳ một cảm xúc cường liệt nào, sẽ có một thứ lực căng phồng khổng
lồ kéo chúng ta theo hướng muốn phải tìm cho ra ngay giải pháp.
Vậy thường chúng ta làm gì? Chúng ta thực hiện chính xác toàn
những thứ thúc đẩy sân hận và phiền não. Ta gây hấn, ta phản ứng. Cảm xúc của ta
bị thương tổn, lúc đầu còn thấy nhè nhẹ - nếu quý vị nhanh ý thì nhận ra được –
nhưng thường thì ta còn chẳng cảm nhận được sự nhẹ nhàng nào. Quý vị sẽ thấy tâm
trạng mình nóng bừng bừng, ồn ào, rối loạn, muốn ăn thua đủ với người khác. Bằng
ngôn từ, hành vi cố thoát ra khỏi thương tổn của cơn sân, quý vị lại càng khởi
tạo thêm nhiều sân hận.
Kham nhẫn có nghĩa là phải tỉnh táo ngay tại thời điểm đó và chỉ
chờ đợi: không mở miệng nói hay hành động gì cả. Ngoài ra, kham nhẫn nghĩa là quý
vị phải hoàn toàn nhất mực trung thực với bản thân về lý do tại sao mình nổi
sân. Quý vị không phải kiềm chế gì hết – nhẫn chẳng liên quan gì đến kiềm chế.
Thật ra kham nhẫn chính là mối quan hệ dịu dàng và trung thực với bản thân. Nếu
biết chờ đợi và đừng nghĩ ngợi linh tinh, quý vị có thể thành thật công nhận mình
đang nổi sân. Tuy vậy, những lúc như thế, quý vị nên ngưng bặt tất cả đối thoại
nội tâm. Trong những đối thoại ấy, chúng ta hay quy kết, chỉ trích và rồi cảm
thấy mình có lỗi, rồi dằn hắt bản thân vì những điều ấy. Tâm can bị giằng xé vì
quý vị thấy giận mình đã nổi sân nhưng cùng lúc lại thấy mình cực kỳ điên tiết
và không thể xả bỏ được. Thật sự rất khó chịu khi phải trải nghiệm sự rối loạn
như thế. Dẫu vậy, quý vị vẫn phải chờ đợi và kiên nhẫn với sự rối loạn đi cùng
phiền não.
Nhẫn nhục mang phẩm chất của tính trung thực cực lớn, nhưng nhẫn
nhục cũng có nghĩa là không cường điệu thêm sự việc mà nhường cho người khác không
gian để họ được chia sẻ, được thể hiện,
còn chúng ta không phản ứng gì dù bên trong dâng trào thôi thúc muốn phản ứng.
Đừng nói gì hết mà hãy chỉ hiện diện ở đó.
Điều này chứng tỏ lòng can đảm đi chung với kham nhẫn. Nếu quý
vị thực hành kham nhẫn nhằm suy giảm sân hận và ngưng khổ đau, quý vị sẽ trưởng
dưỡng được ý chí dũng cảm lớn lao. Quý vị sẽ thực sự thấu hiểu cơn giận dữ cũng
như những lời nói và hành động bạo lực sinh ra từ đó. Quý vị sẽ liễu tri toàn
bộ vấn đề mà không cần phải phản ứng dữ dội. Khi thực hành hạnh nhẫn, chúng ta
không đè nén cơn giận mà chỉ ngồi xuống với nó – lãnh đạm với nó. Làm như vậy,
quý vị sẽ thực sự liễu ngộ sức mạnh của cơn sân, biết nó dẫn dắt mình tới đâu
mà chẳng cần phải đi đến đó. Quý vị đã từng nổi đóa biết bao lần và biết nó dẫn
dắt mình tới chỗ nào. Khao khát muốn nói điều gì đó độc địa, muốn thị phi, muốn
phỉ báng, muốn phàn nàn – cốt chỉ để tìm cách này cách nọ cho nguôi ngoai bớt cơn
giận – giống như sóng thủy triều vậy. Nhưng quý vị phải biết rằng những hành
động như thế không thể xóa nhòa được sân hận mà còn khiến nó cường liệt hơn.
Vậy thay vào đó quý vị hãy tập nhẫn nhịn, nhẫn nhịn với chính mình.
Rèn luyện nhẫn nhục và can đảm nghĩa là học cách ngồi yên cùng
với những bực dọc khó chịu. Cũng giống như ngồi trên lưng một con ngựa bất kham
hay một con cọp hoang có thể xơi tái bạn. Ngồi yên cùng với những cảm giác khó
chịu cũng giống như ngồi trên lưng cọp vậy, rất kinh hoàng.
Khi xem xét quá trình này chúng ta vỡ lẽ ra nhiều điều thú vị:
Chẳng có giải pháp nào cả. Giải pháp mà con người kiếm tìm đến từ sự ngộ nhận ghê
gớm. Chúng ta luôn cho rằng mình có thể giải quyết được mọi việc! Khi loài
người chúng ta dồi dào năng lượng, chúng ta có khuynh hướng cực kỳ bứt rứt cho
đến khi mọi việc phải được giải quyết theo cách nào đó cho an toàn và dễ chịu,
theo hướng thuận hay nghịch hoặc đúng hay sai hoặc bất kỳ phương cách nào đó
miễn là có chỗ cho chúng ta bám víu vào.
Nhưng sự thực hành chúng ta đang áp dụng chẳng cho ta cái gì để
bám víu vào. Thực chất bản thân những huấn thị cũng không cho ta cái gì để nương tựa cả. Để rèn
luyện kham nhẫn và lòng can đảm, chúng ta học cách chấp nhận một thực tế: chúng
ta là con người, rằng mọi người sinh ra và chết đi từ khởi thủy cho đến tận
cùng lúc nào cũng muốn có một thứ giải pháp nào đó để
giải quyết những cáu kỉnh giận dữ của mình. Chẳng có thứ giải pháp nào hết!
Giải pháp cũng là tạm thời và chỉ chuốc thêm nhiều phiền não. Ta phát hiện ra hỷ
lạc và hạnh phúc, sự tĩnh lặng, hài hòa và thân thiện với chính mình, với thế
giới xung quanh thật ra đến từ việc chịu ngồi yên cùng với những năng lượng sân
hận bực bội, từ lúc nó khởi, nó trụ ở đó rồi nó đi qua. Dòng năng lượng đó chẳng bao giờ chuyển thành
cái gì cụ thể vững chãi cả.
Vậy đó, chúng ta lơ lửng giữa dòng năng lượng. Đường lối để nắm
bắt cái dịu dàng vốn có của tâm chân thật là ngồi yên lặng và kiên nhẫn với
loại năng lượng này. Quý vị không cần trách cứ bản thân khi mình thất bại, dù
trong một chốc lát, bởi vì chúng ta thuần túy chỉ là con người; điều duy nhất
đặc biệt là chúng ta có đủ lòng quả cảm để tìm hiểu sâu những vấn đề này và
khám phá phía bên dưới của phản ứng bề mặt là nỗ lực đạt được sự vững vàng kiên
định.
Kham nhẫn là một thực hành vô cùng tuyệt vời, hữu ích và kỳ diệu
thay. Đó là phương cách chuyển biến triệt để thói quen cố hữu của con người là luôn
luôn cố sức tìm giải pháp cho mọi vấn đề dù theo đường lối phải hay trái, cho rằng
cái này đúng hay cái kia sai. Nhẫn nhục là cách để vun bồi lòng can đảm, cách
tìm tòi đời sống này thật sự là cái gì.
Kham nhẫn cũng không phải là thờ ơ. Mà thực ra kham nhẫn và tính
tò mò hiếu kỳ đồng hành với nhau. Quý vị sẽ tự vấn Tôi là Ai? Tôi là ai từ góc
độ tinh thần? Tôi là ai từ góc độ vượt ngoài giới hạn sinh tử? Nếu có mong muốn
nhìn vào bản chất sự hiện hữu của mình, quý vị cần phải có đầu óc tìm tòi. Con đường
chính là một hành trình tìm hiểu, bắt đầu quan sát sâu sắc hơn những gì đang
diễn ra. Các giáo pháp cho chúng ta rất nhiều phương pháp để quan sát. Nhẫn
nhục là một phương pháp cực kỳ hữu ích. Ngược lại, sân hận cản trở việc quan
sát, nó đóng chặt tinh thần ham cầu tìm hiểu của chúng ta. Sân hận là một loại
năng lượng ngoan cố, muốn tìm ra giải pháp theo hướng gay gắt, cứng nhắc và
khuôn mẫu, phân chia rạch ròi kẻ thắng người thua.
Khi quý vị bắt đầu tìm hiểu, chú ý vào sự việc gì đó, bất kỳ khi
nào hiện hữu sự đau khổ - đau vì sân hận, buồn rầu, mất mát, khó chịu, hậm hực,
ghen tức, đầy bụng hay những cái đau thể xác – nếu quý vị chịu khó tìm hiểu thì
sẽ tự thấy đằng sau những đau khổ phiền não đó luôn có những thứ chúng ta đang bám
chấp vào. Luôn luôn có cái này cái kia để chúng ta bám víu nương tựa.
Tôi nói điều này với xác quyết như vậy nhưng quý vị phải tự tìm
hiểu cho chính mình xem điều này có thật đúng như vậy không. Quý vị có thể đọc sách:
điều đầu tiên mà Phật thuyết là sự thật về khổ đến từ chấp bám. Đó là trong
kinh sách. Nhưng khi quý vị tự khám phá sự thật này, điều này lập tức sẽ trở
nên sâu lắng hơn.
Ngay khi ngộ ra rằng đằng sau nhiễm tâm phiền não của mình là những
chấp bám, quý vị đã đến nơi mà từ đó quý vị sẽ thường xuyên trải nghiệm trên
con đường tâm linh. Sau một thời gian, dường như tại mỗi khoảnh khắc của đời
sống, quý vị sẽ ở một điểm mà tại nơi ấy quý vị nhận ra rằng mình có sự chọn
lựa. Sự chọn lựa sẽ đóng lại hay mở ra, bám víu hay xả bỏ, cứng rắn hay mềm dịu.
Chọn lựa đó sẽ liên tục lập đi lập lại hiện hữu với quý vị.
Chẳng hạn, khi cảm thấy đau đớn phiền não, quý vị nhìn xoáy vào nỗi đau ấy và
sẽ nhận ra mình đang chấp bám. Và rồi quý vị sẽ chọn lựa: hoặc buông xả nó đi
tức là quý vị kết nối với sự mềm dịu đằng sau cái cứng nhắc. Có lẽ mỗi chúng ta
đều khám phá thấy rằng đằng sau tất cả những gượng ép cứng nhắc của phản kháng,
stress, sân hận và đố kỵ là một sự mềm dịu khôn cùng mà chúng ta đáng cố gắng
che dấu. Sân hận thường khởi khi ai đó khiến quý vị tổn thương. Phản ứng đầu
tiên thường nhẹ nhàng nhưng ngay cả trước khi nhận ra mình đang làm gì, chúng
ta lại trở nên cứng nhắc. Vậy hoặc là quý vị buông bỏ và kết nối vời cái mềm
dịu hoặc cứ tiếp tục ngoan cố, tức là phiền não sẽ tiếp diễn.
Cần có sự kham nhẫn rộng lớn ngay cả chỉ để khơi dậy lòng mong
muốn tìm hiểu. Và khi quý vị nhận ra rằng mình có chọn lựa và rằng thật ra mình
đang chấp bám, cần có sự kham nhẫn lớn lao để tiếp tục đào sâu tìm hiểu, bởi vì quý vị sẽ chỉ muốn phủ nhận, muốn khước từ nó.
Quý vị sẽ tự nhủ: “Mình không thích việc
này”, quý vị sẽ sợ hãi vì chỉ cần manh nha mon men lại gần, cái ý nghĩ phải
buông bỏ thật là đáng sợ. Và quý vị chính xác. Nếu quý vị buông được, sẽ có thứ
chết đi. Nhưng nếu có cái cần phải chết đi, quý vị sẽ lợi lạc sâu sắc từ sự kết
liễu đó.
Mặt khác, đôi khi sự buông bỏ cũng thật dễ dàng. Nếu quý vị có
một hành trình tìm hiểu xem mình chấp bám vào cái gì, thường đó là những thứ bé
mọn. Có lần tôi mắc kẹt trong chấp bám lớn, Trungpa Rinpoche đã khuyên rằng: “Cái
này quá lớn, con chưa thể buông ngay được, hãy thực tập với những cái nhỏ
trước. Hãy bắt đầu chú tâm vào tất cả những thứ vụn vặt con đang chấp bám, khi thấy
dễ dàng thì chỉ việc buông bỏ nó đi.”
Một lời khuyên cực kỳ chí lý. Quý vị không cần phải buông bỏ cái
gì lớn lao cả bởi vì thường là không thể. Quá đáng sợ. Thậm chí quá khắc nghiệt
khi phải buông bỏ ngay lập tức. Nhưng với những thứ nho nhỏ, quý vị có thể - có
lẽ chỉ cần chút trí tuệ - bắt đầu nhận
ra rằng buông bỏ có thể mang lại cảm giác thanh thản cực lớn, sự thư thái và
kết nối với những mềm dịu, nhẹ nhàng của một trái tim chân thành. Hỷ lạc đích
thực xuất phát từ đó.
Quý vị cũng có thể nhận ra rằng chấp bám làm gia tăng phiền não
đau khổ, song cũng không có nghĩa là quý vị sẽ buông bỏ bởi vì có nhiều thứ
phải mất. Cái phải mất là toàn bộ ý thức mình là ai, toàn bộ bản thể của mình.
Quý vị bắt đầu di chuyển sang lãnh địa của vô ngã, sự phi thực của mình của của
vạn vật. Những giáo pháp thần học, triết học rền vang có thể trở nên khá chân
xác khi quý vị bắt đầu có ý niệm mơ hồ về ý nghĩa thực của chúng.
Cần có rất nhiều kham nhẫn để không giằng xé bản thân mỗi khi
quý vị chưa thể buông bỏ. Song nếu quý
có thể nhẫn với thực tế rằng mình chưa thể buông bỏ được thì đâu đó cũng giúp
quý vị thực hành. Kham nhẫn với một thực tế là mình chưa thể buông bỏ giúp quý
vị đến được điểm có thể từng bước buông bỏ - ở mức độ tỉnh táo và yêu thương, ở
mức độ mà trí tuệ sơ cơ cho phép quý vị tiến tới. Đạt tới điểm nhận ra mình có
lựa chọn là một bước tiến quan trọng. Kham nhẫn là điều quý vị cần tại ngay
điểm đó, chỉ để chờ đợi và buông thư, để cùng ngồi xuống với những bất an, cáu
kỉnh và bực dọc.
Tôi đã nhận ra rằng kham nhẫn ẩn chứa bên trong rất nhiều tính
hài hước và dí dỏm. Thật sai lầm khi
nghĩ rằng nhẫn là phải chịu đựng, là phải : “cười nhăn nhở và chịu trận.” Chịu
đựng là một dạng ức chế hoặc phải ráng sức đạt được những chuẩn mực hoàn mỹ do
ai đó đưa ra. Thay vì thế, quý vị phải nhẫn với những điểm chưa hoàn hảo của
bản thân. Nhẫn đồng nghĩa với tâm từ ái vì tốc độ của tâm từ ái có thể phát
triển cực chậm. Quý vị vun bồi hạnh nhẫn và tâm từ ái đối với những khiếm
khuyết, những hạn chế của bản thân, với việc mình không thể đạt được những cao
vọng đã đề ra. Tôi thích một câu của ai đó đã từng nói: “hạ bớt chuẩn
xuống và buông thư đi!” Đó chính là kham nhẫn.
Một trong những đại sư người Ấn độ, Thánh giả Atisha đã từng
nói: “hãy biết nhẫn dù một trong hai tình huống xảy ra.” Câu này ngụ ý rằng khi
tình huống phiền não xảy ra, hãy kiên nhẫn; và khi sung sướng hiện
diện cũng hãy kiên nhẫn. Đây là một điểm thú vị về kham nhẫn và đoạn diệt phiền
não, kham nhẫn và lòng can đảm, kham nhẫn và tính tò mò ham hiểu. Thật ra,
chúng ta cứ tối ngày lăng xăng: dù ta khổ hay ta vui, ta đều muốn có giải pháp.
Nếu ta thực sự sung sướng hạnh phúc và hưởng lạc những điều tốt đẹp, chúng ta
cũng vẫn có thể kham nhẫn, trong nghĩa là chớ có choán đầy không gian, đi đứng
ào ào, mua sắm bừa bãi, nói năng, hành xử
tùy hứng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng một trong những điều quý vị phải kham
nhẫn nhất đó là câu: “chà, mình lại nổi sân rồi!” Có câu khẩu hiểu nói rằng:
“Một vào đầu ngày, một vào cuối ngày.” Có nghĩa là khi thức dậy buổi sáng, quý
vị nêu xác quyết và vào cuối ngày, quý vị kiểm tra lại mình đã làm gì trong
ngày bằng một thái độ quan tâm, thân ái (đối với chính mình). Câu xác quyết
thường thường là: “Hôm nay, ta nhất định phải kham nhẫn,” hoặc những câu tự sập
bẫy như thế (ai đó đã nói rằng quyết tâm kiểu như thế, ta lại tiếp tục chuốc
thất bại mà thôi). Thay vì tự đưa mình vào bẫy, quý vị có thể nói thế này: “Hôm
nay,ta sẽ cố gắng hết khả năng để thực hành hạnh nhẫn.” Rồi vào giấc tối, quý
vị có thể nhìn lại cả một ngày qua với sự trìu mến và không tự hành hạ bản
thân. Quý vị kham nhẫn với cái thực tế là khi nhìn lại một ngày trôi qua hay
thậm chí bốn mươi phút trước đó, quý vị
phát hiện thấy: “Mình đã chém gió, đã choán quá nhiều không gian, mình đã làm đi làm lại chuyện này cả đời
rồi. Mình bực tức, nổi đóa y chang như vậy hết lần này đến lần khác…” Nếu quý
vị 20 tuổi thì đã hành xử như thế được 20 năm; nếu quý vị 75 tuổi thì quý vị đã
xử sự như thế 75 năm. Khi nhận hiểu ra điều này, quý vị hãy nói “Nghỉ xả hơi thôi!”
Con đường trưởng dưỡng tâm từ ái và bi mẫn là biết kham nhẫn chấp
nhận một thực tế: chúng ta là con người và chúng ta phạm lỗi. Điều đó quan trọng hơn sửa lỗi. Điều này chỉ
thực hiện được nếu quý vị sẵn lòng cho bản thân mình được chút xả hơi buông thư,
được thanh thản khi thực hành phát triển hạnh nhẫn và các thiện đức khác như
hạnh bố thí, tinh tấn và trí tuệ.
Trích bài giảng "Kham Nhẫn - Giải đáp của sân hận" - Ni sư Pema Chodron.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét