Nghiệp


Chân Như Việt dịch.
Trích từ tác phẩm Trí Tuệ Uyên Thâm  (A Profound Mind) của Đức Đat Lai Lạt Ma XIV,  xuất bản năm 2011.

Điều gì khiến cho mọi hiện tượng tinh thần cũng như vật chất có tính phù du khả hoại và luôn chịu chi phối của đổi thay? Vạn vật hình thành từ các cấu trúc vật lý hay thời gian đều mang tính tạm bợ. Tương tự, mối quan hệ giữa nhân và quả cũng thuận theo tự nhiên. Cách vạn vật hiện hữu chỉ là vậy thôi. Sự thật rằng bản chất của tâm có tính hằng sáng và hằng giác, rằng hình dạng và màu sắc là những thể có thể trông thấy được bằng mắt, không phải là kết quả của nghiệp; đó chỉ là những đặc tính tự nhiên trong cơ chế vận hành của các nhân duyên và lý duyên khởi.

Trong thế gian của duyên khởi, có những nhân và duyên liên quan đến kinh nghiệm của chúng ta về đau đớn và hỷ lạc. Những kinh nghiệm này xuất phát từ nghiệp. Nghiệp, giải nghĩa chính xác là “hành động”, đề cập đến một hành vi được tạo tác với một ý định. Tính chất của một ý định – bản thân nó là một ý nghĩ hay karma (nghiệp) – sẽ quyết định tính chất của hành vi do nó thúc đẩy, vì thế nó kiến tạo ra bản chất của toàn bộ kinh nghiệm về hỷ lạc và đau đớn mà chúng ta trải nghiệm. Vai trò của nghiệp vì thế được hiểu trong sự tương quan với những kinh nghiệm của chúng ta về sướng khổ.

Vì kinh nghiệm được những khổ thọ và lạc thọ một cách tự nhiên, chúng ta cũng có một ý thức nội tại về cái “tôi” mà chúng ta vẫn hằng yêu quý theo bản năng. Vì sự ưu ái dành cho bản thân mà chúng ta thấy yêu thương, quý mến những người xung quanh.  Yêu quý bản thân là nguồn gốc của tâm từ ái mà ta dành cho tha nhân. Làm thân người sinh ra trong bụng mẹ, chúng ta kết nối với người mẹ một cách tự nhiên, chúng ta sinh tồn nhờ dòng sữa mẹ và được nâng niu bằng sự chăm sóc của mẹ. Tình thương đối với người mẹ chính là mở rộng từ tình thương của chúng ta dành cho bản thân. Tình thương này có cơ sở sinh học và sự sinh tồn của chúng ta phụ thuộc vào nó. Gắn kết mật thiết giữa mẹ và con chẳng phải là khế ước xã hội – nó là sự tự nguyện tự phát. Cường độ của nó cũng chẳng cần phải trưởng dưỡng vì người mẹ nhận được nguồn hỷ lạc từ trái tim tận tụy hết lòng vì con.

Các cảm xúc khác cũng giúp chúng ta tồn tại. Tham luyến dính mắc là một cảm xúc chủ đạo khởi phát những điều kiện giúp ta hiện hữu, tuy nhiên cảm xúc giận dữ và sợ hãi cũng đóng một vai trò quan trọng. Một lần, có một khoa học gia nói với tôi rằng các cơ bắp trên cánh tay chúng ta trở nên mạnh bạo hơn khi ta nổi sân, nó giúp ta đạt được mục đích của cơn sân bằng cách thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Ông ta nói rằng, sự sợ hãi sẽ làm cho máu lưu thông xuống các cơ bắp chân, giúp chúng ta bỏ chạy.

Do tình thương giữa mẹ và con có hòa trộn với tham luyến, tình thương chúng ta dành cho người thân yêu nhất cũng có sự hòa trộn này. Tuy vậy, chỉ vì những cảm xúc mang theo thành tố của sự vị kỷ như thế không có nghĩa là chúng không thể trở thành những hạt giống phát triển lòng bi đến các chúng sinh hữu tình khác. Tâm vị kỷ, nói cách khác, có thể cần thiết cho sự sinh tồn, thì tâm vị tha cũng vậy. Chúng ta phải suy niệm những lợi ích của lòng từ ái và bi mẫn không vị kỷ đối với sự hỷ lạc của thân và tâm. Chúng ta cũng phải nhận thức được thái độ tâm bi mẫn giúp trưởng dưỡng một môi trường gia đình êm ấm thuận hòa hơn như thế nào khi cùng lúc cũng góp phần vào một xã hội lành mạnh và ổn định hơn.

Chúng ta cũng khơi sâu tâm bi mẫn qua việc suy xét những mức độ vi tế hơn của nhiễm tâm phiền não. Ban đầu chúng ta mong cầu các chúng hữu tình thoát khỏi những phiền não hiển hiện của thân và tâm mà ta thường gọi là “khổ khổ”. Chúng ta cũng mong cầu cho chúng sinh xa rời những khổ đau vì sự biến chuyển đổi thay (hoại khổ)– những phút giây hạnh phúc rồi cũng lụi tàn, gây sầu tạo khổ. Sâu xa nhất là sự mong nguyện cho tất cả chúng sinh được giải thoát khỏi những khổ đau bao trùm của hiện hữu do duyên trong vòng luân hồi sinh tử (hành khổ.)

Lòng bi mẫn càng trở nên mãnh liệt hơn khi kết hợp với nhận thức đau khổ là hậu quả của trạng thái tâm nhiễm ô phiền não và nghiệp hay còn gọi là các hành động bùng phát, tất cả đều bắt rễ từ vô minh căn bản của sự dính mắc vào ý niệm về bản ngã. Với một tuệ giác về vô ngã, chúng ta sẽ hiểu ra vô minh căn bản có thể khắc phục được và nguyên nhân của khổ đau sẽ được trừ khử tận gốc. Liễu ngộ được rằng đau khổ của chúng sinh có thể đoạn trừ sẽ gia cố thêm sức mạnh của tâm bi mẫn mà chúng ta trao tặng cho họ, chuyển hóa từ lòng thương xót đơn thuần thành những hành vi chủ động dấn thân thành tựu những đích đến khả thi. Đây chính là cách tiếp cận của những hành giả uyên thâm. Điều này dẫn ta tới nhận thức về sự đúng đắn của con đường tâm từ ái mà chúng ta đang thực hành vì rằng đích đến này có thể thành tựu được.


KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC.

Mỗi con người là trung tâm của vũ trụ riêng mình. Chúng ta tạo ra hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cũng như phía trên phía dưới, tất cả đều trong mối tương quan với vị trí của mình. Bản ngã có thể được nhìn nhận như một bộ khung cơ bản mà chúng ta nhận hiểu và liên kết với toàn bộ hiện hữu.

Đau khổ, cái mà chúng ta có thể suy niệm như cõi Ta bà trầm luân của riêng mình, cũng như hạnh phúc, tức là giải thoát khỏi khổ đau, suy cho cùng đều khởi nguồn từ ý niệm của ta về bản ngã. Sự đau khổ phiền não của tôi là hậu quả của tham đắm vào các hành vi vị kỷ. Rồi hành vi vị kỷ xô đẩy tôi hành xử theo hướng càng chuốc thêm cho tôi nhiều khổ sở khác. Tôi dường như loanh quanh trong sinh tử luân hồi, nơi đã kiến tạo cõi Ta bà của chính tôi. Mưu cầu hạnh phúc của tôi khởi phát từ mong cầu thoát khổ.

Toàn bộ sinh tử hay Niết bàn có thể được tri kiến trong mối liên hệ với sự suy niệm cá nhân về bản ngã. Giáo huấn của Đức Phật về khổ, nguyên nhân của khổ, trạng thái tận diệt khổ và con đường dẫn tới trạng thái tận diệt khổ là tất cả những đề mục phải được quán xét từ góc nhìn của một cá nhân có sự liễu ngộ tình trạng cấu uế phiền não của mình, thừa nhận nguồn gốc gây ra khổ và kết liễu nó bằng cách thực hành theo con đường dẫn tới đoạn diệt khổ. Tương tự, thực hành tôn giáo của tất cả các truyền thống tín ngưỡng chỉ có ý nghĩa khi chúng liên hệ đến những cá nhân có sự thực hành.


Đức Phật đã nói rằng suy niệm về “Tôi” là cái tâm ma. Chính vì suy niệm lầm lạc của ta về bản thân mà sinh chấp ngã, vốn là cội rễ của mọi khổ đau. Đức Phật cũng dạy rằng chúng ta là chủ nhân của chính mình. Mặc dù hoàn cảnh hiện tại của chúng ta trong luân hồi sinh tử là kết quả của những bất thiện nghiệp trong nhiều đời kiếp do phiền não thúc đẩy, chúng ta đều sở hữu khả năng tạo tác những thiện nghiệp mới đơm hoa kết trái từ những hành động do tâm bi mẫn thôi thúc. Tương lai ta nằm trong tay ta. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...