Đối thoại với Thầy


Trò: “Con cần điều gì để được giác ngộ?”
Thầy: “Con phải nhận ra được cái rơi xuống mặt hồ mà chẳng hề tạo chút gợn sóng; lướt qua những tán lá cây mà chẳng hề gây tiếng động, tràn ngập cánh đồng mà chẳng hề lay một lá cỏ.”

Sau một tuần suy tư không kết quả, trò hỏi: “Điều đó là cái gì vậy Thầy?”


“Điều đó?” Thầy đáp: “nhưng nó không phải là điều gì cả”
“Vậy nó chẳng là gì cả sao?”
“Có thể nói như vậy”
“Thế thì làm sao ta tìm thấy nó được?”
“Thầy có nói con đi tìm nó không? Thấy được nó nhưng đừng truy tìm. Truy tìm con sẽ chẳng thấy.”

******************************


“Ông hãy cho biết một tác dụng thiết thực, cụ thể của thực hành tâm linh đi!” Một vị theo chủ nghĩa hoài nghi chất vấn, thái độ sẵn sàng tranh cãi.
“Đây là một ví dụ,” – Thầy đáp. “Khi bị ai đó xúc phạm, ông có thể đưa tâm linh của mình đến một tầm cao mà không có sự xúc phạm nào có thể chạm tới.”

 ******************************

Một vài môn đệ  đi du ngoạn trên một ngọn núi cao phủ đầy tuyết trắng. Vũ trụ tịch lặng bao trùm khắp không gian. Họ tò mò muốn biết trong màn đêm có âm thanh gì ở đó hay không nên bật máy thu âm để ngoài cửa lều rồi đi ngủ.
Họ quay trở về tu viện hôm sau và bật máy ghi âm nghe thử. Chẳng một tiếng động: hoàn toàn tịch lặng.
Thầy, người cũng lắng nghe máy ghi âm, bước vào và hỏi: “Các con không nghe thấy sao?”
“Nghe thấy gì ạ?”
“Sự hòa nhịp của những dải ngân hà đang chuyển động.” – Thầy đáp.
Các môn đệ nhìn nhau bối rối.

******************************** 

“Vì sao ông đến với Thầy?”
“ Vì đời tôi đã chẳng đi tới đâu và chả cho tôi được gì.”
“Thế bây giờ đời ông đang đi về đâu?”
“Chả đâu cả.”
“Thế giờ đây đời cho ông được cái gì?”
“Chả gì cả.”
“Thế thì có gì khác nhau?”
“Giờ đây tôi chẳng đi đâu hết vì chẳng cần đi đâu; tôi chẳng được gì vì chẳng có gì để ham muốn.”

**************************************


“Con sẵn lòng đi đến bất kỳ nơi đâu để truy tìm chân lý!” Một đệ tử hăng hái tuyên bố.
Thầy mỉm cười. “Khi nào con bắt đầu khởi hành thế?” – Thầy hỏi.
“Ngay khi Thầy chỉ cho con phải đi tới đâu.”
“Thầy đề nghị con đi theo hướng cái lỗ mũi của con chỉ tới.”
“Vâng, nhưng con sẽ dừng lại ở đâu?”
“Bất kỳ chỗ nào con muốn.”
“Và chân lý sẽ ở đó chứ ạ?”

“Đúng, ở ngay trước mũi của con, nó nhìn chằm chằm vào con mắt bị lòa của con đấy.”



Nghiệp


Chân Như Việt dịch.
Trích từ tác phẩm Trí Tuệ Uyên Thâm  (A Profound Mind) của Đức Đat Lai Lạt Ma XIV,  xuất bản năm 2011.

Điều gì khiến cho mọi hiện tượng tinh thần cũng như vật chất có tính phù du khả hoại và luôn chịu chi phối của đổi thay? Vạn vật hình thành từ các cấu trúc vật lý hay thời gian đều mang tính tạm bợ. Tương tự, mối quan hệ giữa nhân và quả cũng thuận theo tự nhiên. Cách vạn vật hiện hữu chỉ là vậy thôi. Sự thật rằng bản chất của tâm có tính hằng sáng và hằng giác, rằng hình dạng và màu sắc là những thể có thể trông thấy được bằng mắt, không phải là kết quả của nghiệp; đó chỉ là những đặc tính tự nhiên trong cơ chế vận hành của các nhân duyên và lý duyên khởi.

Trong thế gian của duyên khởi, có những nhân và duyên liên quan đến kinh nghiệm của chúng ta về đau đớn và hỷ lạc. Những kinh nghiệm này xuất phát từ nghiệp. Nghiệp, giải nghĩa chính xác là “hành động”, đề cập đến một hành vi được tạo tác với một ý định. Tính chất của một ý định – bản thân nó là một ý nghĩ hay karma (nghiệp) – sẽ quyết định tính chất của hành vi do nó thúc đẩy, vì thế nó kiến tạo ra bản chất của toàn bộ kinh nghiệm về hỷ lạc và đau đớn mà chúng ta trải nghiệm. Vai trò của nghiệp vì thế được hiểu trong sự tương quan với những kinh nghiệm của chúng ta về sướng khổ.

Vì kinh nghiệm được những khổ thọ và lạc thọ một cách tự nhiên, chúng ta cũng có một ý thức nội tại về cái “tôi” mà chúng ta vẫn hằng yêu quý theo bản năng. Vì sự ưu ái dành cho bản thân mà chúng ta thấy yêu thương, quý mến những người xung quanh.  Yêu quý bản thân là nguồn gốc của tâm từ ái mà ta dành cho tha nhân. Làm thân người sinh ra trong bụng mẹ, chúng ta kết nối với người mẹ một cách tự nhiên, chúng ta sinh tồn nhờ dòng sữa mẹ và được nâng niu bằng sự chăm sóc của mẹ. Tình thương đối với người mẹ chính là mở rộng từ tình thương của chúng ta dành cho bản thân. Tình thương này có cơ sở sinh học và sự sinh tồn của chúng ta phụ thuộc vào nó. Gắn kết mật thiết giữa mẹ và con chẳng phải là khế ước xã hội – nó là sự tự nguyện tự phát. Cường độ của nó cũng chẳng cần phải trưởng dưỡng vì người mẹ nhận được nguồn hỷ lạc từ trái tim tận tụy hết lòng vì con.

Các cảm xúc khác cũng giúp chúng ta tồn tại. Tham luyến dính mắc là một cảm xúc chủ đạo khởi phát những điều kiện giúp ta hiện hữu, tuy nhiên cảm xúc giận dữ và sợ hãi cũng đóng một vai trò quan trọng. Một lần, có một khoa học gia nói với tôi rằng các cơ bắp trên cánh tay chúng ta trở nên mạnh bạo hơn khi ta nổi sân, nó giúp ta đạt được mục đích của cơn sân bằng cách thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Ông ta nói rằng, sự sợ hãi sẽ làm cho máu lưu thông xuống các cơ bắp chân, giúp chúng ta bỏ chạy.

Do tình thương giữa mẹ và con có hòa trộn với tham luyến, tình thương chúng ta dành cho người thân yêu nhất cũng có sự hòa trộn này. Tuy vậy, chỉ vì những cảm xúc mang theo thành tố của sự vị kỷ như thế không có nghĩa là chúng không thể trở thành những hạt giống phát triển lòng bi đến các chúng sinh hữu tình khác. Tâm vị kỷ, nói cách khác, có thể cần thiết cho sự sinh tồn, thì tâm vị tha cũng vậy. Chúng ta phải suy niệm những lợi ích của lòng từ ái và bi mẫn không vị kỷ đối với sự hỷ lạc của thân và tâm. Chúng ta cũng phải nhận thức được thái độ tâm bi mẫn giúp trưởng dưỡng một môi trường gia đình êm ấm thuận hòa hơn như thế nào khi cùng lúc cũng góp phần vào một xã hội lành mạnh và ổn định hơn.

Chúng ta cũng khơi sâu tâm bi mẫn qua việc suy xét những mức độ vi tế hơn của nhiễm tâm phiền não. Ban đầu chúng ta mong cầu các chúng hữu tình thoát khỏi những phiền não hiển hiện của thân và tâm mà ta thường gọi là “khổ khổ”. Chúng ta cũng mong cầu cho chúng sinh xa rời những khổ đau vì sự biến chuyển đổi thay (hoại khổ)– những phút giây hạnh phúc rồi cũng lụi tàn, gây sầu tạo khổ. Sâu xa nhất là sự mong nguyện cho tất cả chúng sinh được giải thoát khỏi những khổ đau bao trùm của hiện hữu do duyên trong vòng luân hồi sinh tử (hành khổ.)

Lòng bi mẫn càng trở nên mãnh liệt hơn khi kết hợp với nhận thức đau khổ là hậu quả của trạng thái tâm nhiễm ô phiền não và nghiệp hay còn gọi là các hành động bùng phát, tất cả đều bắt rễ từ vô minh căn bản của sự dính mắc vào ý niệm về bản ngã. Với một tuệ giác về vô ngã, chúng ta sẽ hiểu ra vô minh căn bản có thể khắc phục được và nguyên nhân của khổ đau sẽ được trừ khử tận gốc. Liễu ngộ được rằng đau khổ của chúng sinh có thể đoạn trừ sẽ gia cố thêm sức mạnh của tâm bi mẫn mà chúng ta trao tặng cho họ, chuyển hóa từ lòng thương xót đơn thuần thành những hành vi chủ động dấn thân thành tựu những đích đến khả thi. Đây chính là cách tiếp cận của những hành giả uyên thâm. Điều này dẫn ta tới nhận thức về sự đúng đắn của con đường tâm từ ái mà chúng ta đang thực hành vì rằng đích đến này có thể thành tựu được.


KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC.

Mỗi con người là trung tâm của vũ trụ riêng mình. Chúng ta tạo ra hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cũng như phía trên phía dưới, tất cả đều trong mối tương quan với vị trí của mình. Bản ngã có thể được nhìn nhận như một bộ khung cơ bản mà chúng ta nhận hiểu và liên kết với toàn bộ hiện hữu.

Đau khổ, cái mà chúng ta có thể suy niệm như cõi Ta bà trầm luân của riêng mình, cũng như hạnh phúc, tức là giải thoát khỏi khổ đau, suy cho cùng đều khởi nguồn từ ý niệm của ta về bản ngã. Sự đau khổ phiền não của tôi là hậu quả của tham đắm vào các hành vi vị kỷ. Rồi hành vi vị kỷ xô đẩy tôi hành xử theo hướng càng chuốc thêm cho tôi nhiều khổ sở khác. Tôi dường như loanh quanh trong sinh tử luân hồi, nơi đã kiến tạo cõi Ta bà của chính tôi. Mưu cầu hạnh phúc của tôi khởi phát từ mong cầu thoát khổ.

Toàn bộ sinh tử hay Niết bàn có thể được tri kiến trong mối liên hệ với sự suy niệm cá nhân về bản ngã. Giáo huấn của Đức Phật về khổ, nguyên nhân của khổ, trạng thái tận diệt khổ và con đường dẫn tới trạng thái tận diệt khổ là tất cả những đề mục phải được quán xét từ góc nhìn của một cá nhân có sự liễu ngộ tình trạng cấu uế phiền não của mình, thừa nhận nguồn gốc gây ra khổ và kết liễu nó bằng cách thực hành theo con đường dẫn tới đoạn diệt khổ. Tương tự, thực hành tôn giáo của tất cả các truyền thống tín ngưỡng chỉ có ý nghĩa khi chúng liên hệ đến những cá nhân có sự thực hành.


Đức Phật đã nói rằng suy niệm về “Tôi” là cái tâm ma. Chính vì suy niệm lầm lạc của ta về bản thân mà sinh chấp ngã, vốn là cội rễ của mọi khổ đau. Đức Phật cũng dạy rằng chúng ta là chủ nhân của chính mình. Mặc dù hoàn cảnh hiện tại của chúng ta trong luân hồi sinh tử là kết quả của những bất thiện nghiệp trong nhiều đời kiếp do phiền não thúc đẩy, chúng ta đều sở hữu khả năng tạo tác những thiện nghiệp mới đơm hoa kết trái từ những hành động do tâm bi mẫn thôi thúc. Tương lai ta nằm trong tay ta. 


Một số trích dẫn về lời dạy của Thiền Sư Ajahn Chah


“Khi không hiểu được sự chết thì cuộc sống này có nhiều lẫn lộn.”


“Mọi chuyện trên thế gian này chẳng tùy thuộc vào ta. Chúng đi theo chiều hướng tự nhiên của chúng. Cơ thể này có đường lối đi riêng của nó, ta không thể xen vào. Ta có thể làm cho thân này đẹp thêm một chút, hấp dẫn hơn và sạch sẽ hơn trong chốc lát…. Nhưng khi tuổi già đến thì ai cũng như ai. Đường lối của cơ thể là như thế, vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Chỉ một điều chúng ta có thể làm được, đó là làm đẹp tâm hồn mình.”


“Chỉ có một cuốn sách đáng đọc nhất, đó là tâm của chính mình.”


“Nếu tâm bạn an lạc hạnh phúc thì ở nơi nào bạn cũng an lạc hạnh phúc…. Nếu bạn cảm thấy không hài lòng ở một nơi, bạn sẽ cảm thấy không hài lòng ở mọi nơi. Chẳng có nơi nào bên ngoài làm bạn khó chịu. Nơi khó chịu nằm bên trong bạn.”


“Hãy dùng tâm để nghe giáo pháp, đừng dùng tai.”


“Chiến thắng kẻ khác là đường lối của thế gian. Chiến thắng chính mình là đường lối của giáo pháp.”


“Hãy bắt tay vào việc hành thiền, đừng đi loanh quanh đợi chờ vị Phật tương lai nữa. Bạn đã loanh quanh đủ rồi.”


“Thực hành là học cách xả bỏ chứ không phải để gia tăng sự dính mắc. Giác ngộ sẽ đến khi bạn chấm dứt ham muốn.”


“Làm bất kỳ việc gì cũng với tâm xả bỏ. Đừng kỳ vọng đến sự đền đáp hay tán dương. Xả bỏ một ít, sẽ có một ít bình an. Xả bỏ nhiều sẽ có nhiều bình an. Xả bỏ hoàn toàn sẽ có được bình an hoàn toàn và cuộc đấu tranh với thế gian này đi đến chỗ chấm dứt.”


“Có hai loại đau khổ: Đau khổ dẫn đến đau khổ hơn và đau khổ dẫn đến chấm dứt đau khổ. Đau khổ đầu tiên là chấp giữ những gì ưa thích và chán bỏ những gì không ưa thích. Đau khổ thứ hai là can đảm và trì chí theo dõi không ngừng thay đổi của các cảm giác: hạnh phúc, đau khổ, vui vẻ, buồn chán, vừa lòng, phật ý… Đau khổ này dẫn đến chỗ bình an.”



“Thương và ghét, cả hai đều đau khổ bởi vì đều do tham ái gây ra. Muốn là khổ. Muốn mà không được cũng khổ. Ngay cả khi có được cái mà bạn muốn, cũng là đau khổ, bởi khi được chúng, ta lại lo sợ sẽ mất chúng. Làm sao có thể sống hạnh phúc khi tâm đầy lo sợ?”



Kham Nhẫn - Giải đáp của sân hận


Pema Chodron là một ni sư người Mỹ. Bà sinh năm 1936, tốt nghiệp Đại học California, Berkeley chuyên ngành Văn chương Anh. Bà thọ giới Sa di ni năm 1974 khi tu học với Lama Chime Rinpoche tại London. Sau đó bà được thụ phong Tỳ Kheo Ni trước sự chứng kiến của Thánh Đức Karmapa đời thứ XVI khi Ngài đến hoằng pháp tại Anh. Năm 1972, Ni sư Pema Chodron lần đầu gặp Đạo sư gốc của mình là Chogyam Trungpa Rinpoche, vị Thầy mà bà cảm nhận có một kết nối sâu sắc. Bà bà tu học dưới sự dẫn dắt của Chogyam Trungpa Rinpoche từ năm 1974 cho đến khi Ngài viên tịch năm 1987. Ni sư từng là giáo thọ tại Thiền viện Tushita, Dharamsala, Ấn Độ. Hiện nay, bà đang giảng dạy tại Mỹ và Canada và là nguồn cảm hứng đối với hàng trăm ngàn Phật tử Kim Cang thừa. Bà cũng là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng đã được Việt dịch như: Sống Đẹp Giữa Thế Gian Đầy Biến Động, Tự Tại Giữa Vô Thường, Hành Thiền Như Thế Nào, Sống Đời Từ Ái....
 Kham Nhẫn – Giải Đáp của Sân Hận.
Phật giáo dạy rằng kham nhẫn chính là pháp đối trị sân hận. Có nhiều hình thức bộc lộ khi nổi sân: hằn học, cay đắng, bài bác chỉ trích, kêu ca phàn nàn v.v… Quý vị có thể áp dụng nhiều pháp hành đã được chỉ dạy, nghe nhiều lời khuyên nhủ hữu ích cho mình và chia sẻ với người. Song, thường những thứ đó dường như không giúp được gì mấy. Đó là lý do vì sao cách đây một vài năm, tôi quan tâm đến những chỉ dẫn thực hành nhẫn nhục, rất khó biết mình phải xử sự ra sao khi nổi sân.
Tôi cho rằng nếu nhẫn nhục là pháp đối trị sân hận thì có lẽ tôi sẽ chỉ thực hành pháp này. Trong suốt quá trình luyện tập, tôi đã học hỏi rất nhiều về thế nào là nhẫn và không phải là nhẫn. Tôi muốn chia sẻ với quý vị điều mình học được, khuyến khích quý vị tự tìm hiểu kham nhẫn có thể hóa giải sân hận ra sao.
Trước hết, tôi đã học hạnh nhẫn và đoạn diệt khổ đau. Sách nói rằng kham nhẫn là phương pháp làm suy giảm tâm sân. Tôi cho rằng cái sân hận ở đây đồng nghĩa với đau khổ. Khi quý vị nổi sân, và theo một nghĩa nào đó có thể áp dụng cho bất kỳ một cảm xúc cường liệt nào, sẽ có một thứ lực căng phồng khổng lồ kéo chúng ta theo hướng muốn phải tìm cho ra ngay giải pháp.
Vậy thường chúng ta làm gì? Chúng ta thực hiện chính xác toàn những thứ thúc đẩy sân hận và phiền não. Ta gây hấn, ta phản ứng. Cảm xúc của ta bị thương tổn, lúc đầu còn thấy nhè nhẹ - nếu quý vị nhanh ý thì nhận ra được – nhưng thường thì ta còn chẳng cảm nhận được sự nhẹ nhàng nào. Quý vị sẽ thấy tâm trạng mình nóng bừng bừng, ồn ào, rối loạn, muốn ăn thua đủ với người khác. Bằng ngôn từ, hành vi cố thoát ra khỏi thương tổn của cơn sân, quý vị lại càng khởi tạo thêm nhiều sân hận.
Kham nhẫn có nghĩa là phải tỉnh táo ngay tại thời điểm đó và chỉ chờ đợi: không mở miệng nói hay hành động gì cả. Ngoài ra, kham nhẫn nghĩa là quý vị phải hoàn toàn nhất mực trung thực với bản thân về lý do tại sao mình nổi sân. Quý vị không phải kiềm chế gì hết – nhẫn chẳng liên quan gì đến kiềm chế. Thật ra kham nhẫn chính là mối quan hệ dịu dàng và trung thực với bản thân. Nếu biết chờ đợi và đừng nghĩ ngợi linh tinh, quý vị có thể thành thật công nhận mình đang nổi sân. Tuy vậy, những lúc như thế, quý vị nên ngưng bặt tất cả đối thoại nội tâm. Trong những đối thoại ấy, chúng ta hay quy kết, chỉ trích và rồi cảm thấy mình có lỗi, rồi dằn hắt bản thân vì những điều ấy. Tâm can bị giằng xé vì quý vị thấy giận mình đã nổi sân nhưng cùng lúc lại thấy mình cực kỳ điên tiết và không thể xả bỏ được. Thật sự rất khó chịu khi phải trải nghiệm sự rối loạn như thế. Dẫu vậy, quý vị vẫn phải chờ đợi và kiên nhẫn với sự rối loạn đi cùng phiền não.
Nhẫn nhục mang phẩm chất của tính trung thực cực lớn, nhưng nhẫn nhục cũng có nghĩa là không cường điệu thêm sự việc mà nhường cho người khác không  gian để họ được chia sẻ, được thể hiện, còn chúng ta không phản ứng gì dù bên trong dâng trào thôi thúc muốn phản ứng. Đừng nói gì hết mà hãy chỉ hiện diện ở đó.
Điều này chứng tỏ lòng can đảm đi chung với kham nhẫn. Nếu quý vị thực hành kham nhẫn nhằm suy giảm sân hận và ngưng khổ đau, quý vị sẽ trưởng dưỡng được ý chí dũng cảm lớn lao. Quý vị sẽ thực sự thấu hiểu cơn giận dữ cũng như những lời nói và hành động bạo lực sinh ra từ đó. Quý vị sẽ liễu tri toàn bộ vấn đề mà không cần phải phản ứng dữ dội. Khi thực hành hạnh nhẫn, chúng ta không đè nén cơn giận mà chỉ ngồi xuống với nó – lãnh đạm với nó. Làm như vậy, quý vị sẽ thực sự liễu ngộ sức mạnh của cơn sân, biết nó dẫn dắt mình tới đâu mà chẳng cần phải đi đến đó. Quý vị đã từng nổi đóa biết bao lần và biết nó dẫn dắt mình tới chỗ nào. Khao khát muốn nói điều gì đó độc địa, muốn thị phi, muốn phỉ báng, muốn phàn nàn – cốt chỉ để tìm cách này cách nọ cho nguôi ngoai bớt cơn giận – giống như sóng thủy triều vậy. Nhưng quý vị phải biết rằng những hành động như thế không thể xóa nhòa được sân hận mà còn khiến nó cường liệt hơn. Vậy thay vào đó quý vị hãy tập nhẫn nhịn, nhẫn nhịn với chính mình.
Rèn luyện nhẫn nhục và can đảm nghĩa là học cách ngồi yên cùng với những bực dọc khó chịu. Cũng giống như ngồi trên lưng một con ngựa bất kham hay một con cọp hoang có thể xơi tái bạn. Ngồi yên cùng với những cảm giác khó chịu cũng giống như ngồi trên lưng cọp vậy, rất kinh hoàng.
Khi xem xét quá trình này chúng ta vỡ lẽ ra nhiều điều thú vị: Chẳng có giải pháp nào cả. Giải pháp mà con người kiếm tìm đến từ sự ngộ nhận ghê gớm. Chúng ta luôn cho rằng mình có thể giải quyết được mọi việc! Khi loài người chúng ta dồi dào năng lượng, chúng ta có khuynh hướng cực kỳ bứt rứt cho đến khi mọi việc phải được giải quyết theo cách nào đó cho an toàn và dễ chịu, theo hướng thuận hay nghịch hoặc đúng hay sai hoặc bất kỳ phương cách nào đó miễn là có chỗ cho chúng ta bám víu vào.
Nhưng sự thực hành chúng ta đang áp dụng chẳng cho ta cái gì để bám víu vào. Thực chất bản thân những huấn thị cũng  không cho ta cái gì để nương tựa cả. Để rèn luyện kham nhẫn và lòng can đảm, chúng ta học cách chấp nhận một thực tế: chúng ta là con người, rằng mọi người sinh ra và chết đi từ khởi thủy cho đến tận cùng lúc nào cũng muốn có một thứ giải pháp nào đó để giải quyết những cáu kỉnh giận dữ của mình. Chẳng có thứ giải pháp nào hết! Giải pháp cũng là tạm thời và chỉ chuốc thêm nhiều phiền não. Ta phát hiện ra hỷ lạc và hạnh phúc, sự tĩnh lặng, hài hòa và thân thiện với chính mình, với thế giới xung quanh thật ra đến từ việc chịu ngồi yên cùng với những năng lượng sân hận bực bội, từ lúc nó khởi, nó trụ ở đó rồi nó đi qua.  Dòng năng lượng đó chẳng bao giờ chuyển thành cái gì cụ thể vững chãi cả.
Vậy đó, chúng ta lơ lửng giữa dòng năng lượng. Đường lối để nắm bắt cái dịu dàng vốn có của tâm chân thật là ngồi yên lặng và kiên nhẫn với loại năng lượng này. Quý vị không cần trách cứ bản thân khi mình thất bại, dù trong một chốc lát, bởi vì chúng ta thuần túy chỉ là con người; điều duy nhất đặc biệt là chúng ta có đủ lòng quả cảm để tìm hiểu sâu những vấn đề này và khám phá phía bên dưới của phản ứng bề mặt là nỗ lực đạt được sự vững vàng kiên định.
Kham nhẫn là một thực hành vô cùng tuyệt vời, hữu ích và kỳ diệu thay. Đó là phương cách chuyển biến triệt để thói quen cố hữu của con người là luôn luôn cố sức tìm giải pháp cho mọi vấn đề dù theo đường lối phải hay trái, cho rằng cái này đúng hay cái kia sai. Nhẫn nhục là cách để vun bồi lòng can đảm, cách tìm tòi đời sống này thật sự là cái gì.
Kham nhẫn cũng không phải là thờ ơ. Mà thực ra kham nhẫn và tính tò mò hiếu kỳ đồng hành với nhau. Quý vị sẽ tự vấn Tôi là Ai? Tôi là ai từ góc độ tinh thần? Tôi là ai từ góc độ vượt ngoài giới hạn sinh tử? Nếu có mong muốn nhìn vào bản chất sự hiện hữu của mình, quý vị cần phải có đầu óc tìm tòi. Con đường chính là một hành trình tìm hiểu, bắt đầu quan sát sâu sắc hơn những gì đang diễn ra. Các giáo pháp cho chúng ta rất nhiều phương pháp để quan sát. Nhẫn nhục là một phương pháp cực kỳ hữu ích. Ngược lại, sân hận cản trở việc quan sát, nó đóng chặt tinh thần ham cầu tìm hiểu của chúng ta. Sân hận là một loại năng lượng ngoan cố, muốn tìm ra giải pháp theo hướng gay gắt, cứng nhắc và khuôn mẫu, phân chia rạch ròi kẻ thắng người thua.
Khi quý vị bắt đầu tìm hiểu, chú ý vào sự việc gì đó, bất kỳ khi nào hiện hữu sự đau khổ - đau vì sân hận, buồn rầu, mất mát, khó chịu, hậm hực, ghen tức, đầy bụng hay những cái đau thể xác – nếu quý vị chịu khó tìm hiểu thì sẽ tự thấy đằng sau những đau khổ phiền não đó luôn có những thứ chúng ta đang bám chấp vào. Luôn luôn có cái này cái kia để chúng ta bám víu nương tựa.
Tôi nói điều này với xác quyết như vậy nhưng quý vị phải tự tìm hiểu cho chính mình xem điều này có thật đúng như vậy không. Quý vị có thể đọc sách: điều đầu tiên mà Phật thuyết là sự thật về khổ đến từ chấp bám. Đó là trong kinh sách. Nhưng khi quý vị tự khám phá sự thật này, điều này lập tức sẽ trở nên sâu lắng hơn.
Ngay khi ngộ ra rằng đằng sau nhiễm tâm phiền não của mình là những chấp bám, quý vị đã đến nơi mà từ đó quý vị sẽ thường xuyên trải nghiệm trên con đường tâm linh. Sau một thời gian, dường như tại mỗi khoảnh khắc của đời sống, quý vị sẽ ở một điểm mà tại nơi ấy quý vị nhận ra rằng mình có sự chọn lựa. Sự chọn lựa sẽ đóng lại hay mở ra, bám víu hay xả bỏ, cứng rắn hay mềm dịu.
Chọn lựa đó sẽ liên tục lập đi lập lại hiện hữu với quý vị. Chẳng hạn, khi cảm thấy đau đớn phiền não, quý vị nhìn xoáy vào nỗi đau ấy và sẽ nhận ra mình đang chấp bám. Và rồi quý vị sẽ chọn lựa: hoặc buông xả nó đi tức là quý vị kết nối với sự mềm dịu đằng sau cái cứng nhắc. Có lẽ mỗi chúng ta đều khám phá thấy rằng đằng sau tất cả những gượng ép cứng nhắc của phản kháng, stress, sân hận và đố kỵ là một sự mềm dịu khôn cùng mà chúng ta đáng cố gắng che dấu. Sân hận thường khởi khi ai đó khiến quý vị tổn thương. Phản ứng đầu tiên thường nhẹ nhàng nhưng ngay cả trước khi nhận ra mình đang làm gì, chúng ta lại trở nên cứng nhắc. Vậy hoặc là quý vị buông bỏ và kết nối vời cái mềm dịu hoặc cứ tiếp tục ngoan cố, tức là phiền não sẽ tiếp diễn.
Cần có sự kham nhẫn rộng lớn ngay cả chỉ để khơi dậy lòng mong muốn tìm hiểu. Và khi quý vị nhận ra rằng mình có chọn lựa và rằng thật ra mình đang chấp bám, cần có sự kham nhẫn lớn lao để tiếp tục đào sâu tìm hiểu, bởi vì  quý vị sẽ chỉ muốn phủ nhận, muốn khước từ nó. Quý vị sẽ tự nhủ: “Mình không  thích việc này”, quý vị sẽ sợ hãi vì chỉ cần manh nha mon men lại gần, cái ý nghĩ phải buông bỏ thật là đáng sợ. Và quý vị chính xác. Nếu quý vị buông được, sẽ có thứ chết đi. Nhưng nếu có cái cần phải chết đi, quý vị sẽ lợi lạc sâu sắc từ sự kết liễu đó.
Mặt khác, đôi khi sự buông bỏ cũng thật dễ dàng. Nếu quý vị có một hành trình tìm hiểu xem mình chấp bám vào cái gì, thường đó là những thứ bé mọn. Có lần tôi mắc kẹt trong chấp bám lớn, Trungpa Rinpoche đã khuyên rằng: “Cái này quá lớn, con chưa thể buông ngay được, hãy thực tập với những cái nhỏ trước. Hãy bắt đầu chú tâm vào tất cả những thứ vụn vặt con đang chấp bám, khi thấy dễ dàng thì chỉ việc buông bỏ nó đi.”
Một lời khuyên cực kỳ chí lý. Quý vị không cần phải buông bỏ cái gì lớn lao cả bởi vì thường là không thể. Quá đáng sợ. Thậm chí quá khắc nghiệt khi phải buông bỏ ngay lập tức. Nhưng với những thứ nho nhỏ, quý vị có thể - có lẽ chỉ cần chút trí tuệ  - bắt đầu nhận ra rằng buông bỏ có thể mang lại cảm giác thanh thản cực lớn, sự thư thái và kết nối với những mềm dịu, nhẹ nhàng của một trái tim chân thành. Hỷ lạc đích thực xuất phát từ đó.
Quý vị cũng có thể nhận ra rằng chấp bám làm gia tăng phiền não đau khổ, song cũng không có nghĩa là quý vị sẽ buông bỏ bởi vì có nhiều thứ phải mất. Cái phải mất là toàn bộ ý thức mình là ai, toàn bộ bản thể của mình. Quý vị bắt đầu di chuyển sang lãnh địa của vô ngã, sự phi thực của mình của của vạn vật. Những giáo pháp thần học, triết học rền vang có thể trở nên khá chân xác khi quý vị bắt đầu có ý niệm mơ hồ về ý nghĩa thực của chúng.
Cần có rất nhiều kham nhẫn để không giằng xé bản thân mỗi khi quý vị chưa thể  buông bỏ. Song nếu quý có thể nhẫn với thực tế rằng mình chưa thể buông bỏ được thì đâu đó cũng giúp quý vị thực hành. Kham nhẫn với một thực tế là mình chưa thể buông bỏ giúp quý vị đến được điểm có thể từng bước buông bỏ - ở mức độ tỉnh táo và yêu thương, ở mức độ mà trí tuệ sơ cơ cho phép quý vị tiến tới. Đạt tới điểm nhận ra mình có lựa chọn là một bước tiến quan trọng. Kham nhẫn là điều quý vị cần tại ngay điểm đó, chỉ để chờ đợi và buông thư, để cùng ngồi xuống với những bất an, cáu kỉnh và bực dọc.
Tôi đã nhận ra rằng kham nhẫn ẩn chứa bên trong rất nhiều tính hài hước và dí dỏm.  Thật sai lầm khi nghĩ rằng nhẫn là phải chịu đựng, là phải : “cười nhăn nhở và chịu trận.” Chịu đựng là một dạng ức chế hoặc phải ráng sức đạt được những chuẩn mực hoàn mỹ do ai đó đưa ra. Thay vì thế, quý vị phải nhẫn với những điểm chưa hoàn hảo của bản thân. Nhẫn đồng nghĩa với tâm từ ái vì tốc độ của tâm từ ái có thể phát triển cực chậm. Quý vị vun bồi hạnh nhẫn và tâm từ ái đối với những khiếm khuyết, những hạn chế của bản thân, với việc mình không thể đạt được những cao vọng đã đề ra. Tôi thích một câu của ai đó đã từng nói: “hạ bớt chuẩn xuống và buông thư đi!” Đó chính là kham nhẫn.
Một trong những đại sư người Ấn độ, Thánh giả Atisha đã từng nói: “hãy biết nhẫn dù một trong hai tình huống xảy ra.” Câu này ngụ ý rằng khi tình huống phiền não xảy ra, hãy kiên nhẫn; và khi sung sướng hiện diện cũng hãy kiên nhẫn. Đây là một điểm thú vị về kham nhẫn và đoạn diệt phiền não, kham nhẫn và lòng can đảm, kham nhẫn và tính tò mò ham hiểu. Thật ra, chúng ta cứ tối ngày lăng xăng: dù ta khổ hay ta vui, ta đều muốn có giải pháp. Nếu ta thực sự sung sướng hạnh phúc và hưởng lạc những điều tốt đẹp, chúng ta cũng vẫn có thể kham nhẫn, trong nghĩa là chớ có choán đầy không gian, đi đứng ào ào, mua sắm bừa bãi, nói năng, hành xử  tùy hứng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng một trong những điều quý vị phải kham nhẫn nhất đó là câu: “chà, mình lại nổi sân rồi!” Có câu khẩu hiểu nói rằng: “Một vào đầu ngày, một vào cuối ngày.” Có nghĩa là khi thức dậy buổi sáng, quý vị nêu xác quyết và vào cuối ngày, quý vị kiểm tra lại mình đã làm gì trong ngày bằng một thái độ quan tâm, thân ái (đối với chính mình). Câu xác quyết thường thường là: “Hôm nay, ta nhất định phải kham nhẫn,” hoặc những câu tự sập bẫy như thế (ai đó đã nói rằng quyết tâm kiểu như thế, ta lại tiếp tục chuốc thất bại mà thôi). Thay vì tự đưa mình vào bẫy, quý vị có thể nói thế này: “Hôm nay,ta sẽ cố gắng hết khả năng để thực hành hạnh nhẫn.” Rồi vào giấc tối, quý vị có thể nhìn lại cả một ngày qua với sự trìu mến và không tự hành hạ bản thân. Quý vị kham nhẫn với cái thực tế là khi nhìn lại một ngày trôi qua hay thậm chí  bốn mươi phút trước đó, quý vị phát hiện thấy: “Mình đã chém gió, đã choán quá nhiều không  gian, mình đã làm đi làm lại chuyện này cả đời rồi. Mình bực tức, nổi đóa y chang như vậy hết lần này đến lần khác…” Nếu quý vị 20 tuổi thì đã hành xử như thế được 20 năm; nếu quý vị 75 tuổi thì quý vị đã xử sự như thế 75 năm. Khi nhận hiểu ra điều này, quý vị hãy nói “Nghỉ xả hơi thôi!”
Con đường trưởng dưỡng tâm từ ái và bi mẫn là biết kham nhẫn chấp nhận một thực tế: chúng ta là con người và chúng ta phạm lỗi.  Điều đó quan trọng hơn sửa lỗi. Điều này chỉ thực hiện được nếu quý vị sẵn lòng cho bản thân mình được chút xả hơi buông thư, được thanh thản khi thực hành phát triển hạnh nhẫn và các thiện đức khác như hạnh bố thí, tinh tấn và trí tuệ. 
Trích bài giảng "Kham Nhẫn - Giải đáp của sân hận" - Ni sư Pema Chodron.

Mưa và gió



Mưa. Thỉnh thoảng Sài gòn mới có một cơn mưa rất to như thế. Dù là mùa mưa, ngày nào cũng có mưa hoặc dấu hiệu của mưa, mưa lất phất vài hạt, mưa nho nhỏ, mưa vừa vừa đủ phải mặc áo mưa, mưa rào xối xả và rất nhanh…. 
Cơn mưa chiều nay kèm theo cả gió lớn. Gió kéo mây giăng kín đầy trời. Những đám mây xám nhạt khổng lồ từ từ trở thành xám xịt, trông đáng sợ. Sống ở những chung cư cao tầng thì sẽ có cơ hội chứng kiến cơn thịnh nộ đáng sợ của những trận cuồng phong băng qua, gầm rít xuyên các khe cửa, kéo theo những trận mưa mà ta có thể nhìn thấy chúng di chuyển từ đằng xa lại gần. Mưa do gió đẩy về, di chuyển rất nhanh, lướt qua những tòa nhà ở phía xa xa rồi phủ đầy trước mặt mình. Mờ mịt nước trên không trung. Những thứ hàng ngày nom thấy rất rõ ràng, sinh động từ trên cao, dòng sông uốn lượn mềm mại, chiếc cầu treo vắt ngang, những ngôi nhà ngói đỏ ẩn sau tán cây xanh biếc, những chiếc xe bé tí chạy qua chạy lại…..giờ chúng đều nhạt nhòa trong nước mưa và mây xám giăng phủ, không thể nhìn thấy gì dù chỉ một dấu hiệu. Đôi khi lẩn thẩn nghĩ ngợi, nhỡ cứ mưa mãi mãi và mình không còn nhìn thấy được dòng sông trước mặt nữa thì sao? Buồn nhỉ?

Chẳng có cái gì là mãi mãi! Kể cả mưa và gió. Mưa mãi cũng tạnh. Gió mãi cũng ngừng. Bầu trời quang trở lại sau khi tối tăm mù mịt. Đi tìm lại dòng sông. Nó vẫn ở đấy, rực rỡ và sinh động với những con tàu chở hàng thỉnh thoảng hú còi. Mọi thứ đều trở lại, rõ ràng, đẹp đẽ như bản chất sẵn có của chúng. Mình chờ đợi chúng quay trở lại. Chúng vẫn ở đó. Mình không chờ thì chúng cũng vẫn quay lại mà? Vì mọi sự vẫn đi theo quy luật của riêng chúng, bất kể mình có mong chờ hay không. Sao phải bứt rứt mong đợi? Sao phải vội vã?
Bầu trời trở nên rạng rỡ lạ thường sau một cơn mưa tưởng như đã xé rách nó bằng những vệt chớp ngoằn ngoèo kéo theo những tiếng sấm gầm như bom nổ.


Rồi những đám mây xám xịt biến mất hiển lộ những mảng không gian bao la. Hoàng hôn chiều hiện ra với những gam màu sắc rực sáng khó diễn tả bằng lời. Chỉ có thể gọi đó là cung bậc màu sắc của vũ trụ ban cho thế giới loài người. Có những lúc đi trong tăm tối, người ta mất niềm tin, người ta tự hỏi liệu có con đường và ánh sáng. Có người bỏ cuộc vì họ không tin có con đường và ánh sáng. Có người chờ đợi ánh sáng trong sự trăn trở bất an. Cả hai đều thiếu niềm tin. Vạn vật đều đổi thay, dù ta muốn hay không, chờ đợi hay không. Chúng có quy luật, đó là quy luật vô thường. Nếu ta đủ kiên nhẫn và niềm tin, ánh sáng sẽ đến, con đường sẽ hiện ra trước mặt, cũng giống như bầu trời rực rỡ hiện ra sau những đám mây đen ngòm, những trận mưa bão, cuồng phong tưởng chừng không bao giờ dứt. 

Thực tại


Hôm nay cô ghé nhà thăm bố, lục tủ tìm cà phê. Mở cái tủ bếp ra, cả hũ cà phê Ý vẫn nằm nguyên vẹn ở đấy, xếp ngay ngắn và gọn gàng cùng với các chai lọ linh tinh khác, nó gần như chỉ hao hụt vài thìa. Biết ông cụ cũng giống mình, ưa cà phê ngon nên cô mua cà phê đắt tiền biếu ông. Dù khai giá đã giảm đi một nửa (người già hay hỏi giá các thứ con cái biếu), ông cụ vẫn xuýt xoa “đắt thế cơ à!”. “Đắt thì bố nhớ uống nhé, không hết đát thì phí!.” Bố cô cười bảo: “Yên tâm, phải uống chứ!”

Bây giờ thì hũ cà phê nằm ở đây nguyên vẹn sau bốn, năm tháng gần như chẳng hao hụt bao nhiêu. Ông bảo ông để dành, chỉ uống một chút thôi, khi nào có bạn hiền đến nhà chơi mới dám lấy ra thưởng thức. Cô vẫn thấy ông kéo bạn bè ra quán cà phê cóc đầu hẻm.

Có bao nhiêu thứ ông cụ 75 tuổi đang để dành nhỉ? Và để dành đến bao giờ? Cho dịp nào? Thỉnh thoảng cô rủ ông cụ đi chơi, đi nghe nhạc, ông bảo bận trông nhà vì không tin cô giúp việc cho lắm. Mấy người bạn già rủ ông đi chơi xa, “vì chả còn mấy năm nữa, các hãng hàng không lại chẳng cho chúng mình đi máy bay nữa” – các bạn ông thuyết phục. Ông bảo để suy nghĩ. Vài hôm sau, trước sự chưng hửng của mấy người bạn, ông trả lời là để năm sau đi du lịch có lẽ thuận hơn. Có hôm ông chẳng ngủ được, loay hoay đi qua đi lại trong phòng vào lúc 3 giờ sáng. Mọi người lo lắng quá, hỏi ông có làm sao không. Ông bảo thằng con trai làm ông mất ngủ. Nó ngoài 30 tuổi rồi mà chưa đâu vào đâu. Có người khuyên ông cứ để dọn ra ở riêng, để vợ chồng nó tự lập, khắc biết lo. Ông lại nghĩ khác. Ông bảo phải đợi cho đến khi nó thành công thì ông mới cho chúng nó sống độc lập được. Khi nào nó thành công? Thành công là gì? Chẳng ai biết!

Cô tự hỏi mình có giống ông cụ không nhỉ? Một phần mình đang suy nghĩ và hành xử cũng giống ông. Để dành, ôm giữ và luôn đầy lo lắng. Liệu rồi đâu đó trong cuộc đời, có chăng những lúc cô ước mình có thể bẻ ngược chiều kim đồng hồ để làm lại những điều đáng ra mình phải làm từ lâu trong quá khứ.

Mỗi ngày trong cuộc đời này là một dịp quan trọng. Có lẽ mỗi giây phút là một dịp. Có mấy ai hiểu sự thật này. Chúng ta luôn trì hoãn, cố gắng tin rằng một việc vẫn có thể thực hiện ngày mai nếu không làm hôm nay. Chúng ta lo lắng về những thứ ngoài tầm kiểm soát, ôm giữ tài sản, bám chấp vào những thứ mình nghĩ rằng mình đang sở hữu (có biết đâu mình đang bị chúng sở hữu), bận rộn suy niệm về quá khứ, toan tính cho tương lai nhiều đến mức khinh miệt hiện tại chẳng thèm đoái hoài, xem nó là hiển nhiên mà chẳng hề biết rằng “đến một ngày nào đó, buổi sáng hôm nay sẽ chỉ còn là một kỷ niệm.” – như anh chàng chăn cừu Santiago đã tự nhủ như thế khi đứng trước ốc đảo giữa sa mạc châu Phi (1). Con người tốn rất nhiều thời gian để vun vén, lo toan, giận dữ, kiêu ngạo, gây ấn tượng, tham lam, giành giật những thứ không phải của mình. 

Trong tác phẩm Điều Gì Khiến Chúng Ta Hiện Hữu Trên Đời (2), ba tác giả - những thiền sư và triết gia Nhật Bản ngậm ngùi kết luận rằng: "Cuộc đời mỗi con người là khoảng thời gian được cấp cho mình. Nó có nghĩa là một món quà tặng khoảng bảy mươi năm hoặc trên dưới một chút. Một kho báu như thế nên được sử dụng cho việc gì? Dù chúng ta làm gì và làm trong bao lâu cũng là làm mòn mỏi kho báu ấy đến chừng đó. Từng chút, từng chút một, chúng ta bán đứt đời mình để có được những thứ chúng ta tưởng rằng mình muốn." Thật đáng tiếc phải không?

Chúng ta đâu có nhớ rằng kể từ giây phút sinh ra, tất cả chúng ta đều bắt đầu tiến gần đến cái chết. Giống như hành trình lao đầu xuống từ một vách núi cao, cái chết là điểm kết, vấn đề chỉ là khi nào chạm đất. Hành trình ngắn ngủi đó nên sử dụng một cách thông minh! Thời gian là một thứ tài sản không thể nhân rộng, chẳng thể tích góp. Mỗi người chỉ có một số lượng nhất định bất kể anh là một ông hoàng hay một người hành khất. Thần Chết thật láu cá. Ông ta mỉm cười ngồi nhìn lũ người tội nghiệp dưới kia đang tất bật hối hả tới lui làm toàn những thứ mà đến 90 phần trăm là vô ích cho chặng hành trình cuối cùng.

Từng giây phút qua đi, chúng đã trở thành quá khứ. Chúng ta tiếc 30 phút đọc truyện hàng đêm dành cho con vì bận kiểm tra email của sở làm. Chúng ta không đủ 15 phút gọi điện hỏi thăm cha mẹ vì còn bận đọc Facebook và “chat” với những người không quen biết. Chúng ta để dành một chút cà phê ngon tin rằng ngày mai còn kịp thưởng thức. It bao giờ ta đủ thời gian lặng lẽ ngắm bình minh vì bận ngủ vùi sau một đêm thức quá khuya và chẳng bao giờ đủ kiên nhẫn quan sát hoàng hôn, chìm đắm trong ánh tà dương với những tia sáng chói lọi tuyệt đẹp, vì lúc đó còn bận rộn thăng tiến và gây ấn tượng trong các phòng họp nơi những tòa cao ốc….

Ta đã sử dụng thực tại một cách có ý thức và trân quý nó? Có phải đợi đến lúc 75 tuổi để học cách ân hận và hối tiếc?


(1): Santiago là anh chàng chăn cừu, nhân vật chính trong truyện “Nhà Giả Kim” của nhà văn Paulo Coelho
(2): Nguyên bản tiếng Anh: You Were Born for a Reason.  Tác giả: Kentetsu Takamori, Daiji Akehashi, Kentaro Ito.

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...