Trong những khóa tu thiền gần đây với các bạn đồng hành ở Bắc Mỹ, tôi để ý thấy họ nhắc khá nhiều đến một khái niệm gọi là self- aversion hoặc self- hatred (căm ghét bản thân) và do vậy, trong phần thực hành thiền, chúng tôi được yêu cầu thực tập khá nhiều về self-compassion (Từ ái với chính mình) như một phương pháp đối trị hiệu quả.
Do tò mò, tôi hỏi các bạn tại sao khái niệm “căm ghét bản thân” lại phổ biến như vậy và được giải thích rằng có lẽ đây là một vấn đề liên quan đến văn hóa phương Tây và chủ nghĩa hoàn hảo (Perfectionism) mong muốn mọi thứ phải tròn trịa, đẹp đẽ vẹn toàn. Nếu không được như vậy, một số người sẽ trở nên tuyệt vọng, chán chường và sinh ra hận ghét bản thân. Chị Mary Jane, tiến sỹ tâm lý, một thiền sinh cùng lớp chia sẻ: “Chúng tôi đến từ một nền văn hóa có những người cao 1.8m mà chỉ mặc đồ size 0, hoặc bị béo phì một cách không thể cứu vãn, do vậy họ không chấp nhận được chính mình. Căm ghét bản thân là có thật và khá phổ biến. Về tinh thần, bản thân tôi cho đến năm 15 tuổi, tôi chưa bao giờ nghe thấy câu “mẹ yêu con” từ mẹ của tôi, tôi lớn lên trong sự ngờ vực về bản thân và khả năng yêu thương, và tôi đoán là mình không phải là người duy nhất.”
Tôi cũng chia sẻ ưu tư này với giảng viên thiền của mình và cô kể rằng vào những năm 2000, khi Đức Dalai Lama đến thuyết giảng tại Washington DC nơi cô đang sống, có người đã hỏi Ngài về khái niệm self-aversion, người phiên dịch đã phải mất gần 10 phút để dịch cụm từ này sang tiếng Tạng và giải thích khái niệm này. Bản thân Đức Dailai Lama cũng trầm ngâm một hồi lâu, ngài không hiểu nổi vì sao lại có một khái niệm kỳ lạ như vậy.
Cá nhân tôi không biết cảm giác hận ghét bản thân có phổ biến ở châu Á không, nhưng chí ít tôi không nghe đề cập nhiều. Tôi tin rằng ta sẽ khó có thể yêu thương ai nếu ta từ chối yêu thương chính mình. Đỉnh điểm của căm hận bản thân có thể dẫn đến tự hủy hoại và thậm chí tự sát hại. Trong các bài giảng cũng như rất nhiều quyển sách của Đức Dalai Lama, có lẽ cụm từ “yêu thương, bi mẫn, độ lượng” luôn được ngài sử dụng nhiều nhất, thiết tha nhất.
Nếu có ai đó cần được tha thứ đầu tiên thì người đó nên là chính mình. Nếu có ai đó cần được an ủi yêu thương thì đó cũng là chính mình. Chỉ khi ta vun trồng khả năng tha thứ và yêu thương, bình thản chấp nhận bản thân, ta mới có thể học cách tha thứ, yêu thương và chấp nhận người khác. Học cách chấp nhận khiếm khuyết, sự bất toàn hảo của bản thân là bước đầu nuôi dưỡng cảm thông với chính mình, tin rằng cơ hội tự hoàn thiện luôn hiện hữu.
Trong 4 pháp tu sơ khởi của Phật giáo Tây tạng, pháp tu đầu tiên là quán thân người quý giá. Khi hiểu sâu lắng sự quý giá này, ta không lãng phí thân người bằng cách tự hủy hoại nó hay sống một đời vô nghĩa. Do vậy, yêu thương và độ lượng với bản thân thật sự quan trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét