Hãy làm trống tách trà


Chuyện kể rằng có một học giả uyên bác đi tìm một vị thiền sư để xin chỉ dẫn cho ông ta về thiền.

“Tôi muốn xin thầy chỉ cho tôi biết thiền là gì và phương pháp thiền.”

Tuy nhiên trong lúc thầy giảng giải, ông này không hề lắng nghe mà liên tục nói leo và thao thao bất tuyệt rất nhiều luận cứ, quan điểm, chủ ý của ông ta về thiền.
Cuối cùng vị thiền sư mời ông ta uống trà. Vị thầy rót trà vào tách, rót mãi đến khi tách trà đầy tràn, nước trà đổ xuống bàn rồi thấm cả vào áo của vị học giả. Ông ta kêu lên: “Dừng lại đi! Thầy không thấy trà đã tràn hết ra ngoài rồi sao?”

Đúng vậy – Vị thầy đáp – Tâm trí ông cũng giống như tách trà này, nó đầy tràn nên không thể nhét thêm tri thức nào hết, hãy làm trống cái tách trà của ông đi rồi quay lại đây!”

Câu chuyện này bao hàm nhiều ẩn ý.   Nó nhắc chúng ta sống khiêm tốn để đón nhận tri thức và ý tưởng mới, luôn tự hoàn thiện chính mình qua việc im lặng lắng nghe thay vì hồn nhiên với thái độ “biết tuốt.” Ta có thể cười ông học giả sính chữ kia nhưng cũng có đôi khi ta hành xử giống như vậy.

Mỗi chúng ta đều trưởng thành với ít nhiều trải nghiệm về cuộc đời, ta chất đầy tách trà của mình bằng vô số thành kiến, định kiến, quan điểm và dễ dàng nổi khùng nếu có người nhận xét về mình hay toan tính thay đổi cách nhìn của mình.

Trong những khóa huấn luyện về khai vấn (Coaching), người ta có dạy tôi cách lắng nghe nhận xét phản hồi từ người khác. Nếu nhận được phản hồi tích cực hãy nói: “Cảm ơn bạn về phản hồi này!” nếu nhận được phản hồi chỉnh sửa để lần sau thực hiện tốt hơn, ta cũng nhẹ nhàng nói: “Cảm ơn bạn về phản hồi này,” ngoài ra không bình luận thêm bất kỳ câu nào. Hoàn toàn không có việc bào chữa, biện luận hay tranh cãi to tiếng với người cho phản hồi, cũng không có chuyện “ghi sổ thù dai” những người thẳng thắn cho mình nhận xét để khắc phục. Điều này không có nghĩa là ta không được nói lên quan điểm của mình, ta có thể không đồng ý với nhận xét đó, song mục đích của thực hành lắng nghe nhận xét phản hồi từ người khác là để ta có thêm sự suy nghiệm sâu lắng về hành vi, cảm xúc của chính mình, ta có thể nhìn thấy mình 360 độ thay vì chỉ thấy mình theo cách chủ quan phiến diện. 

Sẽ không có sự tiến bộ nếu ta không chấp nhận phản hồi từ người khác. Nhận xét đúng sai không quan trọng bằng việc chúng ta biết tự dẹp bỏ bản ngã, khiêm tốn lắng nghe và suy tư để sống đẹp hơn, sâu lắng hơn và hài hòa hơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...