Đau Khổ hay Xả Bỏ Đều là Lựa Chọn




Trong tác phẩm Con người đi tìm ý nghĩa (Man’s Search for Meaning), tác giả Viktor Frankl, nhà nghiên cứu tâm lý kiêm bác sỹ thần kinh học người Áo gốc Do Thái đã kể về những ngày tháng ông và hàng triệu đồng bào Do Thái của ông bị nhốt trong các trại tập trung của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ II. Họ bị bỏ đói, tra tấn dã man, bị tước hết mọi điều kiện sống cơ bản nhất của con người và đều xếp hàng chờ ngày hành quyết trong các lò ngạt hơi, tuy nhiên ông nhận thấy trong hàng triệu số phận đau đớn, hoảng hốt và phẫn hận vẫn có những con người chọn thái độ sống lạc quan bình thản vượt trên mọi đau khổ tột cùng. Tôi tin rằng bộ phim thắng 3 giải Oscar năm 1997 Cuộc Sống Tươi Đẹp (La Vita è Bella) của đạo diễn Roberto Benigni chắc hẳn đã lấy cảm hứng mạnh mẽ từ quyển sách này. Viktor đã nói một câu rất nổi tiếng: “Con người có thể bị tước đoạt hết mọi thứ trừ một thứ: Đây là tự do cuối cùng của nhân sinh – quyền được chọn lựa thái độ sống trước hoàn cảnh, quyền được chọn lựa lối hành xử của mình.” Frankl và một số người Do Thái đã chọn thái độ sống lạc quan cho đến ngày ông vượt thoát khỏi nhà tù của Đức Quốc xã.

Cuộc sống của tất cả chúng ta vốn dĩ rất nhiều thách thức và chướng ngại. Đồng hành với vui sướng, hạnh phúc, thành công, ta có thể đối mặt với nhiều bất đắc ý: mất mát, lừa dối, bạc đãi, phản bội, sự thiếu thốn, bệnh tật v.v... của cõi hồng trần. Mọi đau khổ của kiếp người mà Phật đã từng dạy (khổ sinh, lão, bệnh, tử, khổ vì phải chia xa người mình yêu thương, phải gần người mình căm ghét, khổ vì muốn mà không đạt được.) 
Có bao giờ ta tự hỏi sự việc xảy ra khiến ta đau hay chính phản ứng của chúng ta với những sự việc đó ra khiến chúng ta đau? Bao nhiêu lần kẹt xe khiến ta hậm hực với mọi người đang lái xe trên đường và rồi bực dọc cả buổi sáng? Bao nhiêu lần ta đem chuyện khó chịu ở công ty về về đổ lên đầu người thân? Bao nhiêu người trong chúng ta nuôi tâm hận thù và hằn học với đối tác lừa đảo mình hay với người mình yêu thương nay đã phản bội mình? Thay vì chọn cách chấp nhận những thứ ngoài tầm kiểm soát, ta chọn phản ứng gây ra đau khổ cho chính mình (đau đớn, mỉa mai, căm hận, đố kỵ và tức giận.) Học cách chấp nhận không có nghĩa là bi quan phó mặc không làm gì cả, chấp nhận là chọn thái độ bình thản độ lượng, sự dịu dàng của lòng trắc ẩn đối với bản thân để có đủ trí tuệ tìm ra hướng giải quyết mà không cần phải dày vò hay phẫn hận.  

Có một cuốn sách rất hay mới đây được viết chung bởi Đức Dalai Lama thứ 14 và Tổng Giám Mục Desmond Tutu mang tên Sách của Niềm Hân Hoan (The Book of Joy), cả hai con người vĩ đại này đều phải chịu đựng những mất mát và đau khổ tột cùng, một người sống trong giai đoạn hủy diệt tàn bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid tại Nam Phi và một người bị cướp đi quê hương và tự do, họ vẫn chọn thái độ sống lạc quan bình thản với nụ cười rạng rỡ trên môi. Đức Dalai Lama đã từng nói ngài bị tước đoạt gần như tất cả: quyền quay trở về tổ quốc, vô số bảo tháp, tu viện và kinh sách Phật giáo bị tàn phá và thiêu hủy, người Tây Tạng bị tước đoạt tổ quốc và tự do, song “cớ sao tôi lại để người ta lấy mất nội tâm an bình của tôi?”

Trong cùng một sự việc xảy ra, mỗi cá nhân khác nhau sẽ có lựa chọn phản ứng khác nhau. Có phản ứng sẽ gây ra đau khổ tột cùng và có phản ứng mang lại sự bình yên. Tất cả chỉ là lựa chọn. Và quyền lựa chọn là thứ không ai có thể tước đoạt được của chúng ta. Bạn sẽ chọn đau khổ hay xả bỏ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...