Metta - Từ Tâm

 Có lần trong một buổi giảng về tâm từ, bỗng nhiên Thầy hỏi: “vì sao ta thường chỉ tỏ lòng thương xót và muốn giúp đỡ người nghèo khổ còn với người giàu có, thành công thì ta mặc kệ họ?” Có người thưa Thầy rằng: “vì người nghèo khổ mới cần sự trợ giúp.” Trầm ngâm một lúc, Thầy nói lòng từ của các con còn nặng tâm phân biệt. Nghĩ rằng chỉ người nghèo mới cần sự trợ giúp là cái nghĩ thiên lệch vì người giàu có cũng ngập trong khổ đau và họ cũng cần tình thương và sự trợ giúp. Đôi khi nhìn thấy một người giàu có thành đạt, các con khởi tâm đố kỵ ganh ghen mà không biết rằng họ cũng như bao chúng sinh khác, mỗi giây phút đối diện với nỗi cô đơn trầm uất, sự chia ly, mất mát, bạc bẽo, phản bội, bệnh tật, mất phương hướng trong cuộc đời, họ không có ai để lắng nghe hay chia sẻ, họ không dám mở lòng chia sẻ với bất kỳ ai. Khi còn trôi lăn trong sinh tử, ai cũng bị khổ hành hạ. Từ cái khổ của thiếu thốn vật chất cơ bản cho đến cái khổ vì lo lắng, sợ hãi mất mát, khổ vì vô thường, nay hạnh phúc mai khổ đau, hợp rồi tan, thịnh rồi suy, khổ trong cái được mất, vinh nhục, thắng thua, khen chê của người đời, khổ đau bao trùm.
Ngẫm nghĩ về nhiều trường hợp tự kết liễu cuộc đời của những người trên đỉnh cao của thành công, tiền bạc, danh vọng tuần vừa qua và những năm gần đây mới thấy quả là lời Thầy dạy thật sâu lắng. Đâu đó trong suy nghĩ, chúng ta hay định nghĩa hành phúc đồng nghĩa với thành công về tiền bạc, danh vọng và quyền lực nên dễ cho rằng ai có những thứ này thì hiển nhiên sẽ hạnh phúc. Song hạnh phúc phụ thuộc vào những thứ này là thứ hạnh phúc mong manh làm sao!
Thầy luôn nhắc trò rèn luyện không chỉ tâm từ ái mà cả tâm xả bình đẳng không phân biệt. Giờ chẳng còn cơ hội nghe Thầy giảng nữa, ngồi chiêm nghiệm lại bài vở của Thầy, chạnh lòng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...