Bình Minh


Hãy nhớ lại lần gần nhất mà bạn chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp lộng lẫy của ban mai là khi nào? Khi nói chiêm ngưỡng buổi bình minh, tôi muốn nói đến sự chú tâm thật sự của chúng ta vào từng giây phút mặt trời lững thững nhô lên từ những rạng mây hồng, những sợi nắng rất nhạt, rất nhẹ và rất trong phủ lên từng tán lá cây trong vườn, trong thành phố, trong sự im lặng, êm đềm của buổi ban mai. Đã khi nào chúng ta thực sự đối diện với sự kiện tuyệt đẹp này của tự nhiên, một cách trọn vẹn và ý thức sâu sắc rằng chúng ta đang chứng kiến một ngày mới bắt đầu? Có lẽ nhiều người trong chúng ta không nhớ nổi lần cuối mình lặng lẽ ngắm buổi bình minh lúc nào. Cuộc sống thành thị vội vã đã lôi chúng ta đi trên những con tàu cao tốc, mọi thứ vùn vụt lướt qua, chẳng nắm bắt được gì, chằng ai đủ thời gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp huy hoàng của bình minh . Nếu đứng ở Nhà thờ Đức Bà vào một buổi sáng tinh mơ để chờ bình minh lên, bạn sẽ cảm nhận được Sài gòn đẹp biết bao! Những hàng cây xanh biếc thì thầm khi gió lặng, nắng nhẹ chiếu chếch qua gác chuông nhà thờ, nóc bưu điện cổ, rất ít xe cộ qua lại, chỉ có những ngôi nhà kiến trúc Pháp cổ nằm im lìm trên đường Hàn Thuyên đang dụi mắt sau giấc ngủ.
Rồi thì xe cộ đông dần, âm thanh của đủ các loại động cơ lớn dần, các công chức cổ trắng bắt đầu xuất hiện. Tất cả bọn họ đều sạch sẽ, gọn gàng, chỉn chu và vội vàng. Họ rảo bước với ly cà phê giấy trên tay, người thì cầm ổ bánh mì, người thì cắp nách tờ báo, người thì nói chuyện điện thoại, người thì kín đáo quan sát  đồng nghiệp của mình xách túi hiệu gì, đi giày hiệu gì để cố gắng xác định thu nhập của chủ nhân, người thì vừa đi vừa nghe nhạc và chẳng quan tâm đến chuyện gì khác.  Họ rất giống nhau ở một điểm, họ đều bước rất nhanh và chú tâm vào một mục tiêu: đó là lọt  vào các tòa nhà công sở nơi mà họ sẽ trốn vào cho đến hết hoàng hôn. Họ không nhìn lên trời, không ngó trái, ngó phải (trừ phi phải sang đường), không dừng lại, không mỉm cười. Những gương mặt vô cảm, có phần hơi căng thẳng!
Tôi hỏi một anh bạn có bao giờ anh ngắm bình minh không. Anh trả lời ngay không cần suy nghĩ: “có chứ, mỗi ngày. Tôi đi làm rất sớm mà”.  Anh bạn của tôi nhầm một điểm cơ bản. Dậy sớm và đi làm sớm không có nghĩa là nhìn thấy bình minh mỗi ngày. Anh bạn của tôi nhìn mà không thấy bình minh, đi trong bình minh mà chẳng cảm nhận được hơi thở của buổi ban mai bởi vì anh bận nghĩ ngợi hàng vô số thứ phải làm trong một ngày ngay khi anh bước ra khỏi nhà, hàng tỉ các kế hoạch và các cuộc hẹn với khách hàng, các tính toán hơn thiệt v.v…. Anh không kịp căng hết lồng ngực hít thở thật sâu, để đón luồng không khí trong sạch của buổi sớm mai, anh cũng không nhớ nhìn lên bầu trời để đón những  giọt nắng đầu tiên.

Hãy dừng lại một chút, hãy nhìn, hãy ngắm bình minh trong sự nhận thức trọn vẹn của giây phút hiện tại. Chúng ta đang sống và hãy biết ơn vì mình vẫn được tiếp tục thở vào buổi sáng kế tiếp. Chúng ta có nuối tiếc đã không  chứng kiến buổi ban mai giữa không gian bao la nếu một ngày thức dậy và biết rằng ta không còn nhiều thời gian để sống?
Bạn ơi, đừng tính toán, đừng so bì, đừng hoạch định quá nhiều cho một tương lai vô định. Hãy để tương lai đến theo cách của nó. Nhiệm  vụ của chúng ta là sống hết mình với thực tại, hãy thực hành yêu thương, săn sóc, hỏi han và chia sẻ với người khác ngay lúc này đây. Hãy ngắm buổi ban mai và những giọt sương li ti còn đọng trên lá sau cơn mưa đêm mà chẳng nghĩ đến việc gì khác trong lúc ngắm. Hãy dành cho bản thân một cơ hội sống trong thực tại bạn nhé!
Chiêm ngưỡng bình minh huy hoàng trong tác phẩm Morning của Edvard Grieg
http://www.youtube.com/watch?v=Ya5ICVKUERg

Giai Điệu Hạnh Phúc

Sáng nay chia sẻ chủ đề “Trí tuệ cảm xúc” cho học viên. Mọi người thảo luận về khái niệm cảm xúc, cách nhận thức bản thân và làm chủ bản thân. Rồi thì câu hỏi đặt ra là cuộc sống sẽ như thế nào nếu tất cả mọi người đều vô cảm.
Một bài báo nào đó đã từng nói sẽ thật đáng sợ thay khi xã hội và con người vô cảm trước cái xấu, cái ác, và mặc nhiên xem cái xấu, cái ác trở thành bình thường trong đời sống. Còn tôi thì tự hỏi có đáng sợ không khi xã hội quay lưng thờ ơ với cái đẹp, khi số đông con người vô cảm trước một tác phẩm nghệ thuật, một bản nhạc hay, một hành vi thánh thiện. Mọi tình yêu và trân trọng dành cho cái đẹp, điều thiện được xem là dở hơi.
Tình cờ lang thang trên mạng xem được một video clip về bài hát “giai điệu hạnh phúc” (the Sound of Music). Bài hát được tái hiện lại một cách sáng tạo theo phong cách pop rock và được chơi giữa một nhà ga công cộng. Rất nhiều trẻ em đã nhảy múa hồn nhiên giữa sân ga và rồi hoạt động ấy lan tỏa đến cả người lớn, họ cũng bỏ hành lí, túi xách xuống đất  để cùng tham gia nhảy múa hồn nhiên trong tiếng nhạc vui nhộn. Những gương mặt rạng ngời không chút lo âu muộn phiền, những nụ cười hạnh phúc…! Tất cả mọi người đều mong muốn hạnh phúc và chia sẻ hạnh phúc. Hạnh phúc được nhân đôi khi nó lan tỏa. Cái đẹp trở nên đẹp hơn khi nhiều người trân trọng và gìn giữ nó.
Nếu có ai đó làm chuyện tương tự như thế ở một nha ga của Việt nam thì chắc hẳn sẽ bị xem la một “vật lạ”, không bình thường và sẽ có rất ít người dám tham gia nhảy nhót  trong “Giai điệu hạnh phúc” ấy.
Mong sao cuộc sống có nhiều giai điệu hạnh phúc  và mỗi con người là những nốt nhạc vui trên khuông nhạc cuộc đời. Mong sao xã hội đừng quay lưng lại với cái đẹp và điều thiện.

Triển lãm ảnh dân tộc thiểu số


Đến vườn hoa Lý Thái Tổ vào một ngày giao mùa. Thời tiết trong, mát rượi. Đêm qua có một cơn mưa nhỏ nhưng cũng đủ làm những chiếc là vàng yếu ớt cuối cùng của mùa thu rụng lả tả từ những ngọn cây đang thay lá. Đường Lý Thái Tổ, nơi tôi tản bộ qua, phủ lá vàng rơi. Hà nội dường như im ắng vào buổi sáng cuối thu.

Nhiều người cùng dừng lại ngắm những bức ảnh dân tộc thiểu số do chính những tay chụp ảnh amateur người dân tộc bấm máy. Không có sự dàn xếp hay phối cảnh lộ liễu đến khó chịu như những tay chụp chuyên nghiệp vẫn thường làm. Cuộc sống hằng thường của người thiểu số hiển lộ một cách bình dị, mộc mạc trên nền trời Hà nội xanh biếc.

Đẹp, dung dị, nhưng từ đáy trái tim, buồn! Buồn vì thương! Sự nghèo khổ, cơ cực âm thầm phủ lên những kiếp người. Yêu! Vì cuộc sống thiếu thốn, đầy bất trắc không làm nhụt ý chí sống mãnh liệt của con người. Bần hàn, đói rét từ thế hệ này sang thế hệ khác đã khiến con người chấp nhận nó như một phần tất yếu của kiếp người và sự cam chịu đói rét dường như đã trở thành vô thức, cũng giống như khi bạn đừng trên mặt đất, bạn không nhận ra là trái đất đang quay. Bạn chỉ có thể nhận ra điều đó khi nhìn thấy trái đất từ vũ trụ.

Tôi xin được 2 tấm ảnh nhỏ. Tấm thứ nhất chụp các em bé dân tộc Paco đang học thêu, đứa lớn dạy đứa bé, chúng giống như những con búp bê xinh xắn, bụ bẫm, đứa nào hai má cũng đỏ hồng. Những ngón tay nhỏ xinh xinh đang cầm kim chỉ vô cùng đáng yêu! Chạnh lòng tôi hỏi mình: Rồi thì các em đi về đâu? Tiếp tục cuộc đời cơ cực của bà, của mẹ? Lấy chồng, sinh con, nuôi con, cả đời bán lưng cho trời bán mặt cho đất làm việc đồng áng và kết thúc thành những bà già gầy dơ xương, nhăn nheo, móm mém, món mồi ngon cho những tay săn ảnh ăn giải thưởng chuyên nghiệp.
Tấm thứ hai ở Sóc Trăng, quê hương của dân tộc Chăm, chụp một thằng bé 15 tuổi nhưng nhìn giống 9, 10 tuổi vì nó quá nhỏ thó và gày gò, nó đang đi bẫy chuột đồng mang về nướng ăn. Sự cơ cực đã chớm nở trên khuôn mặt đăm chiêu già dặn của nó!

Một tấm ảnh nữa chụp 2 chị em người Chăm khoảng 12, 13  tuổi trước khi các em đi làm đồng. Tôi sững sờ vì nụ cười tươi sáng, hồn nhiên trên 2 gương mặt quá duyên dáng của các em. Những nụ cười rạng rỡ đến kỳ lạ, hút hồn người ngắm. Những mái tóc dài, dịu dàng tuổi dậy thì cuốn bay trong nắng sớm buổi bình minh! Các em là những tác phẩm hoàn hảo của tự nhiên. Tiếc là không có chiếc ảnh thu nhỏ để mang về!

Ở một nơi nào đó, có thể gần cũng có thể xa bạn, người ta thức dậy vào buổi sáng nhịn đói đi trổ hạt. Họ đào một chỗ trũng dài 1,2m để đặt đứa con bé bỏng vào, buộc nó ở đấy trong lúc họ đi làm đồng áng cũng bình thường giống như chúng ta thức dậy vào buổi sáng, ăn sáng, đọc báo và đưa con đến trường. Tâm ta thấy vui vì một ngày bình yên trôi qua, họ cũng thấy vui vì một ngày bình yên trôi qua! Tất cả đều cảm thấy hạnh phúc trong giới hạn nhận thức về hạnh phúc của mình. Tất cả chúng ta nhìn thế giới qua lăng kính được định hình bởi nếp sống, hoàn cảnh sống, môi trường sống, nền giáo dục, sự kỳ vọng v.v…

Sáng nay, tôi đứng ở đây, giữa vườn hoa trung tâm Hà nội, thủ đô ngàn năm văn hiến và tự hỏi phải chăng những con người nhỏ bé đáng thương và bất lực kia đã bị lãng quên? Họ đã bị lãng quên trong những xó xỉnh tồi tệ nhất!

Có người sẽ bảo tôi dở hơi, vì chắc người thiểu số chẳng biết buồn đâu! Chịu đựng quen rồi! Người thành phố một ngày không điện, không nước, không máy lạnh thì la lối om sòm, còn người dân tộc thì đó chẳng phải là chuyện nhỏ mà chẳng phải là chuyện.
Chỉ có tôi chạnh lòng vì tôi cứ nhìn họ theo lăng kính của tôi! Cũng có thể là gàn dở thật!

Tôi tự nhủ thầm chỉ cần có tấm áo lành mặc lên người hôm nay, hãy xem như mình là một kẻ vô cùng may mắn!. So với sự bần hàn cơ cực của họ, cái sự được xem là “khổ sở” của mình chẳng có ý nghĩa gì! Nghĩ thế để bớt so bì, đố kỵ, để đừng chỉ lấy quá nhiều mà chẳng biết cho đi. Có một cuộc sống đơn giản, thuần khiết cũng đã quá đủ đầy, hạnh phúc rồi!


Kora – Hành trình của những lời cầu nguyện


Một tập quán của người dân địa phương tại thị trấn McLeod Ganj là đi nhiễu vòng quanh chánh điện của Tu Viện Namgyal từ rất sớm…có lẽ từ khoảng 2:30 sáng. Tay lần tràng hạt, từng đoàn người lặng lẽ bước đi trong những lời thì thầm cầu nguyện bằng một thứ tiếng sinh ra để cầu nguyện: Tạng ngữ! Một không khí vô cùng thành kính và linh thiêng. Và chúng tôi, những kẻ hành hương thao thức đi tìm hạnh phúc,  đang ở đây, Dharamsala, trú xứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và ngay tại tu viện Namgyal của Ngài….!
Mỗi bước chân tôi đi như cùng hòa nhịp với hàng ngàn hàng triệu lời cầu nguyện Lục Tự Đại Minh Thần Chú “Om Mani Pad Me Hum” bay vút lên không gian từ những chiếc bánh xe Mani-Luân bằng đồng đặt xung quanh Tu viện. Người ta tin rằng mỗi lần quay bánh xe Mani Luân thì cũng tương đương với hàng triệu lời cầu nguyện được rải tới muôn phương và mang lại những điều tốt lành cho mọi chúng sinh.
Bánh xe Mani Luân
Những ngày ở đây, chúng tôi quyết định không chỉ đi nhiễu và cầu nguyện xung quanh nội khu của Tu Viện Namgyal mà đi bộ vòng quanh con đường mòn xung quanh quả đồi nơi Tu viện Namgyal được xây dựng. Chúng tôi gọi những chuyến “hành cước” nho nhỏ vòng quanh quả đồi ấy là Kora, với một ước nguyện sâu xa rằng một ngày nào đó,  khi có đủ cơ duyên, chúng tôi sẽ được may mắn đảnh lễ một ngọn núi thiêng của xứ Tuyết, núi Kailash!
Những vòng Kora vào buổi sáng tinh mơ tại Dharamsala! Bình minh vẫn còn ẩn náu sau rặng Dhauladhar hùng vĩ, chỉ có những ráng hồng nhàn nhạt hiện ra phía chân trời, báo hiệu ngày mới bắt đầu. Những sợi mây mỏng màu trắng vắt vẻo trên các đỉnh núi xa xa. Himalaya bí ẩn và bi thương! Rặng núi đã chứng kiến hàng trăm ngàn cuộc di cư của người Tây Tạng, bắt chấp hiểm nguy, vượt lên cái chết, băng rừng vượt núi trong đói khát, giá lạnh để tìm đến với tự do và với với vị lãnh tụ tinh thần vĩ đại của họ. 
Ban mai ráng hồng
Trong tiết trời mát rượi của sớm mai, tôi đi vòng quanh ngọn đồi ấy, lặng lẽ ngắm nhìn thiên nhiên đang bừng tỉnh, chào đón bình minh. Đó là những  giây phút hiếm hoi trong đời khi tôi cảm nhận sâu sắc sự an bình nội tâm, khi tôi có đủ thời gian và thanh thản để đi, đứng, ngồi trong lặng thinh, không làm gì cả,  không nghĩ gì cả trong  không  gian bao la vô tận của trời đất và núi đồi! Tai tôi nghe thấy tiếng gió thì thầm, gió mơn man trên những tán lá cây, gió ca hát cùng lời cầu nguyện của những kẻ cũng đi hành cước như tôi. Những chuỗi tràng hạt đu đưa trong gió. Những câu chú khắc rải rác trên các tảng đá suốt con đường tôi đi tạo thành một không  gian bí ẩn và linh thiêng.  Lời cầu kinh bằng tiếng Tạng nghe sao mà du dương đến lạ lùng, phải chăng trong những tiền kiếp của mình, tôi cũng đã từng cầu nguyện bằng ngôn ngữ này? Lũ chim nhảy nhót vô tư trên đường đi, đám khỉ chuyền cành trên những tán thông lớn dưới đồi. Bằng bản năng, chúng hiểu sự an toàn tuyệt đối nơi đây, không những được sống bình yên mà người ta còn cầu nguyện cho chúng! Tôi chợt nhớ lại hình ảnh một ni sư người Tây tạng đang cầu nguyện cho một chú chuột vào buổi sáng tinh mơ trên con đường chính dẫn tới tu viện Namgyal. Kỳ lạ thay, chú chuột đứng nghe lới cầu nguyện mà không hề nhúc nhích!


Những câu chú khắc trên Mani wall

Bình minh đã phủ lên các đỉnh núi một tấm thảm màu vàng rực rỡ, huy hoàng! Tôi hít căng lồng ngực để đón lấy không khí trong lành của buổi ban mai tươi đẹp!  Bằng những giọt nắng trong vắt đầu tiên, bình minh Dharamsala đón chào kẻ hành hương đơn độc đã ngộ ra lẽ vô thường! Bàn tay tôi khẽ chạm vào những chiếc Stupa thiêng liêng, những chiếc Mani Luân quay đều với ước nguyện hàng triệu lời khấn nguyện sẽ được rải đi muôn phương vì lợi ích của hữu tình.

Mưa Sài Gòn


Hôm qua có một người hỏi tôi mưa Sài gòn có lâu không. Mưa Sài gòn to nhưng rất chóng tạnh. Đó là một trong những điều đáng yêu nhất còn sót lại của thành phố đông đúc nhất Việt nam này. Mưa to, mịt mờ, những cơn gió mạnh làm ngả nghiêng những cành cây lớn, gió đập vào cửa sổ mang theo những giọt nước mưa luồn lách qua khe cửa. Mưa giận dữ trút nước trên những mái nhà, những con phố. Mưa và gió khiến cho những chiếc xe gắn máy nghiêng ngả trên đường. Rồi mưa tạnh. Bầu trời trong sáng trở lại sưởi ấm mọi thứ khô ráo. Những khoảnh khắc ấy đôi khi rất mau. Mưa sang nắng và nắng sang mưa, đỏng đảnh như một thiếu nữ mới lớn.
Nếu bạn có dịp sống ở những tòa nhà cao tầng bạn sẽ chứng kiến được sự di chuyển của những cơn mưa vội vàng chóng vánh. Nơi bạn đứng trời vẫn còn khô ráo nhưng phía chân trời xa kia, những chung cư cao tầng đã mờ mịt trong một lớp mây mưa màu xám nhạt, đậm tùy theo tốc độ của gió. Những cụm mây xám di chuyển rất nhanh do bị những cơn gió mạnh cuốn đi. Rồi thì từng giây một, cái màu xám kia dần dần tiến gần đến bạn hơn, gió thổi ngày càng mạnh hơn, đáng sợ hơn. Nếu thò mặt ra cửa sổ lúc này, bạn sẽ thấy mùi hơi nước nồng nồng mang theo từ gió, mát lạnh! Và rồi cái màu xám kia chạm vào bạn. Đó là lúc bạn cảm nhận thấy mưa tại nơi mình đứng. Với bạn, mưa mới chỉ bắt đầu từ giây phút đó mặc dù bạn biết rằng mưa đã có mặt từ xa kia trước đó.
Hồi nhỏ tôi đã từng chứng kiến một cơn mưa mà bên này đường người ta mặc áo mưa còn bên kia đường cách 3m mọi thứ vẫn khô ráo và chẳng ai mặc áo mưa cả. Tất cả mọi người đều dừng lại ở ranh giới này. Phải chăng đó chính là điểm dừng của mưa?
Mưa. Mưa như trút nước. Trời đất mờ mịt giận dữ, những tán lá cây run bần bật rũ rượi hứng nguồn nước của bầu trời. Nước dưới đất vội vã thoát xuống các cống rãnh, như để trốn cơn mưa.
Rồi mưa bỗng tạnh, mặt trời lại lững thững ló ra khỏi đám mây xám nhạt, bầu trời trong xanh trở lại chỉ trong một thoáng. Những ngôi nha xa xa in rõ mồn một trên nền trời. Sau cơn mưa, mọi thứ như được  rửa sạch. Trong trẻo và khô ráo. Mưa mà như thể chưa bao giờ có mưa! Thỉnh thoảng một vệt cầu vồng nhạt vắt vẻo qua nền trời.

Tôi yêu những cơn mưa Sài gòn vì cái sự “phổi bò” của nó. Giận dữ đấy nhưng rồi qua đi rất nhanh, như chưa hề có cơn mưa xảy ra. Nó không bắt bạn phải chờ đợi quá lâu. Nó sẽ tạnh ngay, để lại một không gian trong trẻo, mát rượi cho những ai muốn thật sự cảm nhận nó.!
Cuộc sống của chúng ta cũng vậy thôi. Sẽ có những lúc chúng ta rất giận dữ, buồn bã. Chúng ta trách móc cuộc đời, ân hận về điều này điều kia. Xin hãy nhớ rằng mọi cơn giận dữ, mọi sự buồn bực chỉ là nhất thời, rồi chúng sẽ đi qua như những cơn mưa, không để lại dấu vết. Hãy yêu quí những giây phút hiện tại, trân trọng “lúc này đây” để sống trọn vẹn thay vì dành thời gian và năng lượng để oán trách, chỉ trích hờn giận bản thân hay một ai đó.  Nếu giữ cho tâm luôn sáng và thanh thản, cuộc sống sẽ đẹp rạng ngời như Sài gòn sau những cơn mưa!

Mùi của cuộc sống


Tản bộ trên những con phố nhỏ ở một thành phố biển vào một buổi chiều tà. Nắng nhạt vẫn chênh chếch trên những tán lá cây rung rinh trong gió. Trời xanh nhàn nhạt chẳng có một sợi mây. Người người vẫn đi qua đi lại, hàng quán vẫn mở nhưng không ồn ào vội vã như Sài gòn. Cuộc sống của con người tại thành phố nhỏ trôi qua êm ả, nhàn nhã trong một buổi chiều nắng đẹp. Ít nhất người ta cũng còn một chút nhân văn để chừa lại vỉa hè thoáng đãng cho người đi bộ.
Tôi đi chậm rãi trên những con phố nhỏ ấy, hít căng lồng ngực để cảm nhận hết cái mát trong lành của biển cả. Chợt nhận ra rằng từ rất lâu lắm rồi, đây là những dịp hiếm hoi mà tôi có thể thanh thản ngắm nhìn bầu trời trước khi hoàng hôn xuống một cách bình lặng, không bị bất kỳ điều gì xô đẩy vội vã. Cuộc sống bận rộn điên loạn ở Sài gòn đã lấy đi của nhiều người cái quyền được ngắm hoàng hôn, được hít thở không khí thật và ngửi mùi vị của cuộc sống, được ngắm người bình thường sinh hoạt hàng ngày. Tôi ngửi thấy mùi thức ăn trên đường phố, mùi bánh nướng thơm tho, mùi cà phê pha lẫn mùi mồ hôi của khách du lịch, mùi của trời chiều, mùi của gió, mùi của cuộc sống thật! Giản dị và bình yên!

Công sở và những phòng làm việc máy lạnh đã lấy đi của tôi cảm giác về mùi, về cuộc sống. Cái mà tôi thở và ngửi ở các văn phòng máy lạnh là những thứ không khí vô hồn, nhạt nhẽo, không mùi vị, chán ngắt.
Tôi ghé vào XQ ngắm các nghệ nhân ngồi thêu. Hàng triệu, triệu mũi kim đã làm nên những bức tranh tinh xảo, đẹp đến ngỡ ngàng. Những con cá vàng hồn nhiên bơi lội tung tăng trong nước, những con bướm rực rỡ đủ màu sắc bay nhẩn nha trên các đóa hoa đã trở thành đề tài cho nhiều bức họa thêu đẹp lạ lùng, thể hiện mong ước của con người về một cuộc sống thong dong, chẳng ưu phiền. Những nghệ nhân thêu, họ ngồi đó, chậm rãi từng đường kim mũi chỉ, có ai để ý đến thời gian?

Cuộc sống ơi, mi chan hòa màu sắc, mùi vị mà ta chẳng hề biết. Ta như một con dế chui nhủi trong cái bao diêm tiện nghi nhưng trống rỗng và tẻ nhạt, ta chẳng biết gì đến thế giới sinh động, tràn đầy màu sắc bên ngoài. Ta đáng thương quá phải không?

Bước chân tôi cứ đi, qua bao ngôi nhà lớn nhỏ, người ta í ới gọi nhau, trẻ con chơi đùa trên phố, người qua lại trên những chiếc xe gắn máy, từ từ chậm rãi, chẳng ai rú ga, bóp còi để được đi nhanh hơn. Một buổi chiều như bao buổi chiều khác, bình yên đến lạ lùng!
Vì sao phải đi nhanh hơn, ăn nhanh hơn, nói nhanh hơn, làm nhiều đến mức không còn thời gian để ngắm nhìn cuộc sống và con người quanh mình? Phải chăng đó là sự bất hạnh tột cùng mà thị dân hào nhoáng ở các thành phố lớn chẳng hề nhận ra?
Đã đến lúc phải thở thực sự, phải dành  thời gian cảm nhận mùi của cuộc sống, đủ bình tĩnh để bước đi như người vô sự trong những buổi chiều như thế này. Ôi cuộc sống tươi đẹp biết bao, đừng bỏ phí những giây phút hiện tại nếu không muốn trở thành những cái xác sống!

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...