Thiền Hành (Walking Meditation)


99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và chú tâm vào hơi thở, quán sát hoặc phân tích một đề mục. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác… Thiền tọa đòi hỏi tính kỷ luật rất cao và đôi khi phải nhẫn chịu những cơn đau nhức đến từ bàn chân, cẳng chân những cơn buồn ngủ có thể khiến người thực hành gục ngã.
Dù biết thiền hành (thiền đi) là một hình thức thiền phổ biến mà các Thầy Cô Làng Mai và các trường dạy Thiền tại Âu Mỹ áp dụng thường xuyên, cá nhân tôi chưa bao giờ nghiêm túc thử thực hành cho đến thời gian gần đây khi chương trình dạy Thiền của chúng tôi yêu cầu phải thực hành loại thiền này. Kinh nghiệm khá thú vị:
Ở những lần đầu tiên, tôi đã không thể đi chậm dù vị giáo thọ liên tục nhắc “walk slowly, slowly!” (Hãy đi thật chậm, thật chậm!) Khổ thay, khi đi thật chậm, tôi đã không thể giữ cơ thể vững chãi, tôi nghiêng bên này, ngả bên kia vì bị mất thăng bằng. Hãy hình dung khi đi, trên đỉnh đầu hành giả có một bát nước, và ta phải chú tâm vào từng bước đi để nước không bị trào ra khỏi bát. Những lần đầu thực hành của tôi là một sự tung tóe thảm hại.
Điều mà tôi học được từ thiền hành không chỉ là từng bước chân chậm rãi, thảnh thơi trong hơi thở chánh niệm và từ đó an lạc ùa về. Điều quan trọng mà tôi chợt nhận ra là nhịp sống của mình và của nhiều người quanh mình quá vội vã, quá gấp gáp. Chúng ta không có thói quen đi chậm và thậm chí không biết làm sao để đi thật chậm (đi thật chậm là bị ngã), ta luôn chạy, luôn lao đầu về phía trước, đến cho bằng được nơi mình muốn đến trong khi quên bẵng là mình đang đi, quên bẵng mình đang thở, quên mình đang sống.

Khi ta bước tới hoàn toàn trong chính niệm, nước sẽ thôi vung vãi. Điều này tưởng đơn giản nhưng không hề. Bạn hãy thử để tự kinh nghiệm.
Song song với thực hành thiền tọa, tôi bắt đầu đưa thiền hành với đời sống của mình. Mỗi ngày tôi dành 15 đến 20 phút để đi thật chậm, để thở và nhắc nhớ bản thân khi thiền hành mình chẳng đến nơi nào cả, đi chỉ để mà đi. Đích đến là Bây giờ và Ở đây. Ngoài ra, thiền hành giúp giải quyết một số khó khăn của thiền tọa, đó là hai chân không bị đau nhức, tê cứng khi ngồi quá lâu và không bị ngủ gục.
Giờ đây, khi thiền hành chúng tôi mỉm cười nhắc nhau đọc câu “mantra” của Thầy: “Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây”, các bạn tôi cũng hòa nhịp và đọc: “I am home, I have arrived, In the here, In the now” khi bước đi. Thật dễ chịu làm sao!
Tôi muốn kết bài chia sẻ của mình bằng câu chuyện mà vị vua nọ đã kể cho cậu chăn cừu Santiago (truyện Nhà Giả Kim): Con trai của 1 thương gia nọ muốn đi tìm một nhà thông thái để hỏi ông về bí quyết của hạnh phúc. Nhà thông thái đưa cho anh ta chiếc muỗng đựng 2 giọt dầu và bảo anh hãy đi tham quan cảnh vật xung quanh nhưng không được làm đổ 2 giọt dầu ra ngoài. Lần đầu tiên anh này đi nhưng không thể ngắm nhìn được cảnh vật vì lo 2 giọt dầu tràn ra ngoài. Lần thứ 2, anh ta thưởng thức được hết cảnh vật tuyệt đẹp nhưng lại làm đổ mất 2 giọt dầu. Nhà thông thái nói với anh ta: “Bí quyết của hạnh phúc là biết nhìn ngắm mọi thứ tuyệt mỹ trên thế gian này mà không hề quên 2 giọt dầu trên muỗng.”



Metta - Từ Tâm

 Có lần trong một buổi giảng về tâm từ, bỗng nhiên Thầy hỏi: “vì sao ta thường chỉ tỏ lòng thương xót và muốn giúp đỡ người nghèo khổ còn với người giàu có, thành công thì ta mặc kệ họ?” Có người thưa Thầy rằng: “vì người nghèo khổ mới cần sự trợ giúp.” Trầm ngâm một lúc, Thầy nói lòng từ của các con còn nặng tâm phân biệt. Nghĩ rằng chỉ người nghèo mới cần sự trợ giúp là cái nghĩ thiên lệch vì người giàu có cũng ngập trong khổ đau và họ cũng cần tình thương và sự trợ giúp. Đôi khi nhìn thấy một người giàu có thành đạt, các con khởi tâm đố kỵ ganh ghen mà không biết rằng họ cũng như bao chúng sinh khác, mỗi giây phút đối diện với nỗi cô đơn trầm uất, sự chia ly, mất mát, bạc bẽo, phản bội, bệnh tật, mất phương hướng trong cuộc đời, họ không có ai để lắng nghe hay chia sẻ, họ không dám mở lòng chia sẻ với bất kỳ ai. Khi còn trôi lăn trong sinh tử, ai cũng bị khổ hành hạ. Từ cái khổ của thiếu thốn vật chất cơ bản cho đến cái khổ vì lo lắng, sợ hãi mất mát, khổ vì vô thường, nay hạnh phúc mai khổ đau, hợp rồi tan, thịnh rồi suy, khổ trong cái được mất, vinh nhục, thắng thua, khen chê của người đời, khổ đau bao trùm.
Ngẫm nghĩ về nhiều trường hợp tự kết liễu cuộc đời của những người trên đỉnh cao của thành công, tiền bạc, danh vọng tuần vừa qua và những năm gần đây mới thấy quả là lời Thầy dạy thật sâu lắng. Đâu đó trong suy nghĩ, chúng ta hay định nghĩa hành phúc đồng nghĩa với thành công về tiền bạc, danh vọng và quyền lực nên dễ cho rằng ai có những thứ này thì hiển nhiên sẽ hạnh phúc. Song hạnh phúc phụ thuộc vào những thứ này là thứ hạnh phúc mong manh làm sao!
Thầy luôn nhắc trò rèn luyện không chỉ tâm từ ái mà cả tâm xả bình đẳng không phân biệt. Giờ chẳng còn cơ hội nghe Thầy giảng nữa, ngồi chiêm nghiệm lại bài vở của Thầy, chạnh lòng!

Đau Khổ hay Xả Bỏ Đều là Lựa Chọn




Trong tác phẩm Con người đi tìm ý nghĩa (Man’s Search for Meaning), tác giả Viktor Frankl, nhà nghiên cứu tâm lý kiêm bác sỹ thần kinh học người Áo gốc Do Thái đã kể về những ngày tháng ông và hàng triệu đồng bào Do Thái của ông bị nhốt trong các trại tập trung của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ II. Họ bị bỏ đói, tra tấn dã man, bị tước hết mọi điều kiện sống cơ bản nhất của con người và đều xếp hàng chờ ngày hành quyết trong các lò ngạt hơi, tuy nhiên ông nhận thấy trong hàng triệu số phận đau đớn, hoảng hốt và phẫn hận vẫn có những con người chọn thái độ sống lạc quan bình thản vượt trên mọi đau khổ tột cùng. Tôi tin rằng bộ phim thắng 3 giải Oscar năm 1997 Cuộc Sống Tươi Đẹp (La Vita è Bella) của đạo diễn Roberto Benigni chắc hẳn đã lấy cảm hứng mạnh mẽ từ quyển sách này. Viktor đã nói một câu rất nổi tiếng: “Con người có thể bị tước đoạt hết mọi thứ trừ một thứ: Đây là tự do cuối cùng của nhân sinh – quyền được chọn lựa thái độ sống trước hoàn cảnh, quyền được chọn lựa lối hành xử của mình.” Frankl và một số người Do Thái đã chọn thái độ sống lạc quan cho đến ngày ông vượt thoát khỏi nhà tù của Đức Quốc xã.

Cuộc sống của tất cả chúng ta vốn dĩ rất nhiều thách thức và chướng ngại. Đồng hành với vui sướng, hạnh phúc, thành công, ta có thể đối mặt với nhiều bất đắc ý: mất mát, lừa dối, bạc đãi, phản bội, sự thiếu thốn, bệnh tật v.v... của cõi hồng trần. Mọi đau khổ của kiếp người mà Phật đã từng dạy (khổ sinh, lão, bệnh, tử, khổ vì phải chia xa người mình yêu thương, phải gần người mình căm ghét, khổ vì muốn mà không đạt được.) 
Có bao giờ ta tự hỏi sự việc xảy ra khiến ta đau hay chính phản ứng của chúng ta với những sự việc đó ra khiến chúng ta đau? Bao nhiêu lần kẹt xe khiến ta hậm hực với mọi người đang lái xe trên đường và rồi bực dọc cả buổi sáng? Bao nhiêu lần ta đem chuyện khó chịu ở công ty về về đổ lên đầu người thân? Bao nhiêu người trong chúng ta nuôi tâm hận thù và hằn học với đối tác lừa đảo mình hay với người mình yêu thương nay đã phản bội mình? Thay vì chọn cách chấp nhận những thứ ngoài tầm kiểm soát, ta chọn phản ứng gây ra đau khổ cho chính mình (đau đớn, mỉa mai, căm hận, đố kỵ và tức giận.) Học cách chấp nhận không có nghĩa là bi quan phó mặc không làm gì cả, chấp nhận là chọn thái độ bình thản độ lượng, sự dịu dàng của lòng trắc ẩn đối với bản thân để có đủ trí tuệ tìm ra hướng giải quyết mà không cần phải dày vò hay phẫn hận.  

Có một cuốn sách rất hay mới đây được viết chung bởi Đức Dalai Lama thứ 14 và Tổng Giám Mục Desmond Tutu mang tên Sách của Niềm Hân Hoan (The Book of Joy), cả hai con người vĩ đại này đều phải chịu đựng những mất mát và đau khổ tột cùng, một người sống trong giai đoạn hủy diệt tàn bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid tại Nam Phi và một người bị cướp đi quê hương và tự do, họ vẫn chọn thái độ sống lạc quan bình thản với nụ cười rạng rỡ trên môi. Đức Dalai Lama đã từng nói ngài bị tước đoạt gần như tất cả: quyền quay trở về tổ quốc, vô số bảo tháp, tu viện và kinh sách Phật giáo bị tàn phá và thiêu hủy, người Tây Tạng bị tước đoạt tổ quốc và tự do, song “cớ sao tôi lại để người ta lấy mất nội tâm an bình của tôi?”

Trong cùng một sự việc xảy ra, mỗi cá nhân khác nhau sẽ có lựa chọn phản ứng khác nhau. Có phản ứng sẽ gây ra đau khổ tột cùng và có phản ứng mang lại sự bình yên. Tất cả chỉ là lựa chọn. Và quyền lựa chọn là thứ không ai có thể tước đoạt được của chúng ta. Bạn sẽ chọn đau khổ hay xả bỏ?

Hãy làm trống tách trà


Chuyện kể rằng có một học giả uyên bác đi tìm một vị thiền sư để xin chỉ dẫn cho ông ta về thiền.

“Tôi muốn xin thầy chỉ cho tôi biết thiền là gì và phương pháp thiền.”

Tuy nhiên trong lúc thầy giảng giải, ông này không hề lắng nghe mà liên tục nói leo và thao thao bất tuyệt rất nhiều luận cứ, quan điểm, chủ ý của ông ta về thiền.
Cuối cùng vị thiền sư mời ông ta uống trà. Vị thầy rót trà vào tách, rót mãi đến khi tách trà đầy tràn, nước trà đổ xuống bàn rồi thấm cả vào áo của vị học giả. Ông ta kêu lên: “Dừng lại đi! Thầy không thấy trà đã tràn hết ra ngoài rồi sao?”

Đúng vậy – Vị thầy đáp – Tâm trí ông cũng giống như tách trà này, nó đầy tràn nên không thể nhét thêm tri thức nào hết, hãy làm trống cái tách trà của ông đi rồi quay lại đây!”

Câu chuyện này bao hàm nhiều ẩn ý.   Nó nhắc chúng ta sống khiêm tốn để đón nhận tri thức và ý tưởng mới, luôn tự hoàn thiện chính mình qua việc im lặng lắng nghe thay vì hồn nhiên với thái độ “biết tuốt.” Ta có thể cười ông học giả sính chữ kia nhưng cũng có đôi khi ta hành xử giống như vậy.

Mỗi chúng ta đều trưởng thành với ít nhiều trải nghiệm về cuộc đời, ta chất đầy tách trà của mình bằng vô số thành kiến, định kiến, quan điểm và dễ dàng nổi khùng nếu có người nhận xét về mình hay toan tính thay đổi cách nhìn của mình.

Trong những khóa huấn luyện về khai vấn (Coaching), người ta có dạy tôi cách lắng nghe nhận xét phản hồi từ người khác. Nếu nhận được phản hồi tích cực hãy nói: “Cảm ơn bạn về phản hồi này!” nếu nhận được phản hồi chỉnh sửa để lần sau thực hiện tốt hơn, ta cũng nhẹ nhàng nói: “Cảm ơn bạn về phản hồi này,” ngoài ra không bình luận thêm bất kỳ câu nào. Hoàn toàn không có việc bào chữa, biện luận hay tranh cãi to tiếng với người cho phản hồi, cũng không có chuyện “ghi sổ thù dai” những người thẳng thắn cho mình nhận xét để khắc phục. Điều này không có nghĩa là ta không được nói lên quan điểm của mình, ta có thể không đồng ý với nhận xét đó, song mục đích của thực hành lắng nghe nhận xét phản hồi từ người khác là để ta có thêm sự suy nghiệm sâu lắng về hành vi, cảm xúc của chính mình, ta có thể nhìn thấy mình 360 độ thay vì chỉ thấy mình theo cách chủ quan phiến diện. 

Sẽ không có sự tiến bộ nếu ta không chấp nhận phản hồi từ người khác. Nhận xét đúng sai không quan trọng bằng việc chúng ta biết tự dẹp bỏ bản ngã, khiêm tốn lắng nghe và suy tư để sống đẹp hơn, sâu lắng hơn và hài hòa hơn.



Từ Ái với Chính Mình


Trong những khóa tu thiền gần đây với các bạn đồng hành ở Bắc Mỹ, tôi để ý thấy họ nhắc khá nhiều đến một khái niệm gọi là self- aversion hoặc self- hatred (căm ghét bản thân) và do vậy, trong phần thực hành thiền, chúng tôi được yêu cầu thực tập khá nhiều về self-compassion (Từ ái với chính mình) như một phương pháp đối trị hiệu quả.
Do tò mò, tôi hỏi các bạn tại sao khái niệm “căm ghét bản thân” lại phổ biến như vậy và được giải thích rằng có lẽ đây là một vấn đề liên quan đến văn hóa phương Tây và chủ nghĩa hoàn hảo (Perfectionism) mong muốn mọi thứ phải tròn trịa, đẹp đẽ vẹn toàn. Nếu không được như vậy, một số người sẽ trở nên tuyệt vọng, chán chường và sinh ra hận ghét bản thân. Chị Mary Jane, tiến sỹ tâm lý, một thiền sinh cùng lớp chia sẻ: “Chúng tôi đến từ một nền văn hóa có những người cao 1.8m mà chỉ mặc đồ size 0, hoặc bị béo phì một cách không thể cứu vãn, do vậy họ không chấp nhận được chính mình. Căm ghét bản thân là có thật và khá phổ biến. Về tinh thần, bản thân tôi cho đến năm 15 tuổi, tôi chưa bao giờ nghe thấy câu “mẹ yêu con” từ mẹ của tôi, tôi lớn lên trong sự ngờ vực về bản thân và khả năng yêu thương, và tôi đoán là mình không phải là người duy nhất.”
Tôi cũng chia sẻ ưu tư này với giảng viên thiền của mình và cô kể rằng vào những năm 2000, khi Đức Dalai Lama đến thuyết giảng tại Washington DC nơi cô đang sống, có người đã hỏi Ngài về khái niệm self-aversion, người phiên dịch đã phải mất gần 10 phút để dịch cụm từ này sang tiếng Tạng và giải thích khái niệm này. Bản thân Đức Dailai Lama cũng trầm ngâm một hồi lâu, ngài không hiểu nổi vì sao lại có một khái niệm kỳ lạ như vậy.
Cá nhân tôi không biết cảm giác hận ghét bản thân có phổ biến ở châu Á không, nhưng chí ít tôi không nghe đề cập nhiều. Tôi tin rằng ta sẽ khó có thể yêu thương ai nếu ta từ chối yêu thương chính mình. Đỉnh điểm của căm hận bản thân có thể dẫn đến tự hủy hoại và thậm chí tự sát hại. Trong các bài giảng cũng như rất nhiều quyển sách của Đức Dalai Lama, có lẽ cụm từ “yêu thương, bi mẫn, độ lượng” luôn được ngài sử dụng nhiều nhất, thiết tha nhất.
Nếu có ai đó cần được tha thứ đầu tiên thì người đó nên là chính mình. Nếu có ai đó cần được an ủi yêu thương thì đó cũng là chính mình. Chỉ khi ta vun trồng khả năng tha thứ và yêu thương, bình thản chấp nhận bản thân, ta mới có thể học cách tha thứ, yêu thương và chấp nhận người khác. Học cách chấp nhận khiếm khuyết, sự bất toàn hảo của bản thân là bước đầu nuôi dưỡng cảm thông với chính mình, tin rằng cơ hội tự hoàn thiện luôn hiện hữu.
Trong 4 pháp tu sơ khởi của Phật giáo Tây tạng, pháp tu đầu tiên là quán thân người quý giá. Khi hiểu sâu lắng sự quý giá này, ta không lãng phí thân người bằng cách tự hủy hoại nó hay sống một đời vô nghĩa. Do vậy, yêu thương và độ lượng với bản thân thật sự quan trọng.


5 bước thưởng thức một tách trà chánh niệm


 “Ai đang thưởng trà?” – Hãy hỏi chính bạn câu hỏi này với mỗi ngụm trà. Khi thấy mình đang nghĩ đến một ai đó, hãy buông ý nghĩ về người ấy xuống. Đôi lúc, bạn cần được nghỉ ngơi, tách rời khỏi câu chuyện của họ. Nếu không, tách trà của bạn sẽ chẳng còn chút gì thư giãn nữa.

Thường xuyên tự đối thoại trong tâm những câu chuyện về trách nhiệm, nghĩa vụ này khác của bản thân khiến ta mòn mỏi. Phải, chúng ta có thể là cha là mẹ, là bác sĩ, là nhân viên, là người phục vụ v.v.. nhưng trong cốt tủy, chúng ta hơn như thế nhiều. Ta là “những con người biết thở” như nhà thơ Rumi từng nói. Dù câu chuyện đời bạn là gì đi nữa, bạn luôn luôn quan trọng hơn câu chuyện ấy. Hãy kết nối và luôn kết nối với con người biết thở của bạn khi bạn thưởng thức trà.
“Chỉ là như vậy,” hãy nhắc nhở mình trong mỗi ngụm trà. “Chỉ là như vậy.” Hãy ngồi xuống và hít thở nhẹ nhàng như một bông hoa trên đồng cỏ đang đón nắng mặt trời.
Nếu đã từng nghe bài giảng của thầy Thích Nhất Hạnh, chắc chắn bạn sẽ chứng kiến những yếu tố của thiền trà. Trong lúc giảng bài, Thầy thường ngừng lại và rót một tách trà. Rồi Thầy chậm rãi nâng chén trà trên tay, từ tốn thưởng thức từng ngụm trà trước sự chứng kiến của hàng trăm học trò đang quan sát từng cử động của thầy. Đôi lúc, thầy nâng tách trà bằng cả hai tay, thể hiện sự chú tâm hoàn toàn vào nơi tách trà ấy.
Thầy hoàn toàn buông thư khi thưởng trà. Thầy chẳng hề dùng thời gian uống trà để chuẩn bị một bài giảng kế tiếp. Một sự thư giãn thật sự như vậy còn hiệu quả hơn nhiều lần so với việc sử dụng thời gian để suy nghĩ kế tiếp mình phải làm gì. Khi tách hẳn ra khỏi ý niệm, dù chỉ giây lát, bạn sẽ bước vào những tầng tâm thức sâu hơn của chính mình. Điều này cho phép bạn được nói, được di chuyển và hành động chân thật với chính mình.
Thầy làm được như vậy trước sự chứng kiến của hàng trăm môn sinh. Hãy thử xem bạn có thực hiện được như vậy với ai đó (hoặc một mình) khi thưởng trà không. Đây là 5 bước bạn có thể thử khi tách trà thơm nóng của bạn đã sẵn sàng:

1.  Dừng lại
Dành một chút thời gian bên tách trà của bạn trước khi thưởng trà. Bạn hãy xem lúc này chính là một thời xả thiền cũng như chính là lúc buông thư nghỉ ngơi. Ngay cả nếu bạn đã tọa thiền vào buổi sáng thì lúc 3 giờ chiều, bạn cũng cần một chút buông thư. Với một vài hơi thở trong chánh niệm, bạn có thể kết nối lại với không gian tọa thiền lúc sáng.

2.   Cảm nhận mối tương liên trong bản thể của tách trà (Thầy Thích Nhất Hạnh gọi là Giáo lý Tương Tức – mọi vật tồn tại nhờ tương quan với nhau.)
Hãy quán sát sự tương liên của những giọt mưa, ánh nắng mặt trời và đất đai mà tạo ra được ngụm trà thơm này, rồi đôi tay của những người nông dân trồng trà, hái trà, chuẩn bị trà, đóng gói trà, vận chuyển và phân phối trà. “Cả một vũ trụ được nhìn thấy trong một bông hoa,” Thầy đã viết như thế trong tác phẩm Tâm Tình với Đất Mẹ (Love Letter to the Earth). Cách nhìn thế giới như thế thật nhẹ nhàng và cũng là cách để thực tập nhìn mọi vật với cùng một nhãn quan, kể cả người đang ngồi thưởng trà chung với bạn.

3.  Cảm nhận mối tương liên trong bản thể của chính bạn.
Toàn bộ hạnh phúc, bất hạnh hay những căng thẳng lo âu của bạn đều do thái độ sống và quan điểm của bạn mà ra cả. Trạng thái tâm của bạn lại ảnh hưởng đến sự cảm nhận của người khác về bạn ra sao. Xả bỏ bớt quan điểm và thành kiến đi. Hãy cảm nhận sự căng thẳng đang tan biến dần. Hãy để nó lạc trôi, cảm nhận nó đang rơi xuống mặt đất.

4.   Thưởng thức những ngụm trà đầu tiên.
“Ngay bây giờ và ở đây, thưởng thức giây phút thực tại là công việc quan trọng nhất của bạn,” Thầy đã nói thế trong Giáo Lý Tương Tức. Hãy để hương thơm của tách trà lấp đầy tâm trí bạn cho đến khi không còn nơi nào để chứa đựng những ý nghĩ nữa. Hãy biến tâm trí chất đầy niệm tưởng trở thành một tâm trí lấp đầy vị trà thơm.

5.  Buông thư và mở rộng tâm thức.
Hãy giữ thinh lặng khi nhấp những ngụm trà đầu tiên. Quan sát sự mở rộng tâm thức đưa những lo lắng, trở ngại nhất thời của chúng ta vào trong mối tương liên. Khi thư giãn, bạn sẽ thấy mình sáng tạo hơn, tích cực hơn và có thể nhận ra nhiều khả năng để giải quyết các tình huống hơn. Hãy xem thời gian thưởng trà là một phần quan trọng và là phần hiệu quả trong một ngày của bạn. Nếu có thể thoát ra khỏi những khuôn mẫu và những mô thức đang đóng bao bạn dù chỉ trong giây lát, bạn sẽ quay lại với công việc của mình với một tâm thức sảng khoái tươi mới hơn.

Những khoảng buông thư ngắn để thiền định trong một ngày có tác dụng như các van áp xuất làm trống đầu óc và giúp bạn tìm được tự do. Vì vậy nếu bạn có thể áp dụng 5 bước này vào những hoạt động khác trong đời sống hàng ngày, chẳng hạn như khi dùng cơm tối, khi rửa bát đĩa hay ngay cả khi ngồi trên xe bus, đó đều là những cơ hội rất tốt để thực hành buông thư và tĩnh lặng.


Joseph Emet | tháng 9, 2017 - Chân Như chuyển ngữ


10 thói quen làm hỏng hạnh phúc



Theo lẽ tự nhiên, ai cũng mong hạnh phúc, ai cũng né tránh sự sợ hãi và muốn kiến tạo một đời sống thoải mái dễ dàng. Ngày mỗi ngày, mỗi người có những lựa chọn chi phối cách ta nghĩ và cảm về bản thân. Chúng ta thường tin rằng đưa ra những quyết định xác đáng sẽ mang mình đến gần với trạng thái hạnh phúc hơn. Vấn đề ở chỗ những chọn lựa của chúng ta đôi khi thực ra lại làm gia tăng lo lắng và trầm uất. Chúng ta sa vào những thói quen làm tổn thương chính mình và hủy hoại những cơ hội để có được hạnh phúc dài lâu.
Bạn có thể học cách chấm dứt những dằn vặt muộn phiền và tìm lại niềm vui mỗi ngày nếu loại bỏ được 10 thói quen xấu:
1.      LUÔN SO SÁNH MÌNH VỚI NGƯỜI KHÁC
Ham muốn so bì mình với người khác quả thật rất mạnh mẽ. Cảm giác thỏa mãn của chúng ta bị chi phối mãnh liệt bởi khuynh hướng thích và muốn so sánh. Như bác sĩ Howard Cutler, đồng tác giả với Đức Dalai Lama trong cuốn sách “Sống Hạnh Phúc” từng nói rằng khi chúng ta so sánh mình của hôm nay với mình của hôm qua và thấy mình giàu có hơn, thế là ta thấy hạnh phúc.  Chẳng hạn khi thu nhập của chúng ta tăng từ 50 ngàn USD lên 60 ngàn USD một năm thì ta thấy vui, tuy nhiên không phải con số tuyệt đối làm ta vui. Chả mấy chốc khi đã quen với thu nhập mới rồi, chúng ta không còn vui như trước nữa. Thậm chí nếu phát hiện ra người hang xóm vừa được thăng chức và có thu nhập cao hơn thu nhập của mình 1,000 đô là hạnh phúc dường như biến mất và người ta bắt đầu khó chịu bực mình.  Như thế chúng ta có thể thấy cảm giác mãn nguyện với cuộc sống của mình rất tùy thuộc vào việc ta so sánh mình với ai. Hạnh phúc của chúng ta liên tục bị thách thức bởi những so sánh triền miên với người này người kia và phần lớn mọi so sánh đều gây ra những cảm xúc tiêu cực như phiền não, tức tối và đau khổ.
2. KHÔNG BIẾT TRÂN TRỌNG NHỮNG GÌ MÌNH ĐANG CÓ
Những lúc bạn thấy anh đồng nghiệp nọ được sống trong một khu chung cư cao cấp, lái xe hơi sang trọng trong khi bản thân mình chỉ sống trong một căn hộ chung cư bình thường 2 phòng ngủ, đi làm bằng xe máy, đôi khi bằng ôm Uber thì cũng đừng chua xót. Hãy nhắc nhớ mình rằng 1/5 dân số trên quả địa cầu này còn đang vật lộn với từng bữa ăn hàng ngày và sinh sống trong những túp lều tạm bợ, không có một đôi giày tử tế để mang.
Hãy vun bồi lòng biết ơn vì lòng biết ơn sẽ thay đổi cuộc sống của bạn. Lòng biết ơn chuyển dịch sự tập trung của bạn vào những cái bạn đang có và bạn sẽ nhận thấy cuộc sống này biết bao đầy đủ và trọn vẹn thay vì xăm soi vào cái mình đang thiếu thốn.  Dù bạn có thành công cỡ nào đi nữa, nếu bạn không biết trân quý những gì mình đang có thì sẽ không bao giờ bạn biết đủ. Lòng biết ơn giúp bạn sống bình yên hơn, bền bỉ hơn và biết quan tâm đến người khác hơn.
3.      ĐỂ  SỢ HÃI VÀ THÙ HẬN CHI PHỐI
Sợ hãi và lo âu có thể làm chúng ta bị tê liệt. Sợ hãi thất bại sẽ cản bạn thực hiện những hoài bão của mình. Sự thù ghét cũng vậy, nếu để nó điều khiển và gặm nhấm, lòng người sẽ chua chát và đầy hậm hực. Những trải nghiệm chua sót trong quá khứ có thể làm bạn đau đớn, nhưng ra quyết định dựa trên thù hận sẽ lấy đi khả năng tập trung vào những điều thật sự ý nghĩa với bạn trong cuộc sống. Sân hận làm tổn thương chính bạn và hạnh phúc của bạn. 
Vì thế hãy ngừng bám víu vào sợ hãi và hận thù. Thực tập thiền có thể giúp bạn xả bỏ bớt những cảm xúc tiêu cực  và giúp bạn có thời gian suy nghiệm lại cách hành xử của bạn đối với người khác. Đừng bao giờ để hận thù bao trùm lên đời sống của bạn.
4.      TẬP TRUNG VÀO QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI
 Nếu tâm thức của bạn bị kinh nghiệm quá khứ hoặc những dự tính tương lại choán chỗ, bạn sẽ mất cơ hội dành cho hiện tại. Quá khứ không thể sửa chữa. Tương lai thì chưa đến. Hãy chú tâm vào hiện tại, nhận biết đầy đủ ngay nơi này, ngay ở đây. Không nhận biết điều này, chúng ta sẽ để đời sống trôi qua uổng phí vô ích. Đoái nghĩ về quá khứ có nghĩa là để cho chuyện không thay đổi được đè nặng lên mình. Toan tính về tương lai thường là vì bạn có những lo lắng về những gì sắp xảy ra và về khả năng xử lý vấn đề đó của mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người chú tâm vào hiện tại sống hạnh phúc hơn và cảm thấy có thể kết nối tốt hơn với người khác.  
5.      CỐ GẮNG KIỂM SOÁT NHỮNG THỨ KHÔNG THỂ
Bỏ ra cả đống thời gian và công sức để hoạch định điều này điều kia chỉ để nhận ra rằng cuộc sống cứ rẽ sang một lối đi khác không hề  theo mong muốn của ta. Thật bực mình biết bao. Bạn sẽ tự nhủ: “Mình đâu có muốn mọi sự đi theo hướng này!” Dường như bất công quá phải không? Vì bạn đã tốn bao sức lực để tính toán hoạch định này nọ.
Hãy học cách bỏ qua đi!  Bạn phải hiểu rằng không phải lúc nào trong cuộc sốngb ạn cũng là người cầm bánh lái. Tiêu tốn biết bao thời gian, sức lực để kiến tạo những thứ hoàn hảo rồi cố sức dự đoán thế gian quanh mình, song trớ trêu thay, đời sống đâu có luôn theo ý ta. Vậy  hãy học cách bỏ qua!
Thường thì khát khao kiểm soát mọi thứ khởi sinh từ sự lo lắng và sợ hãi. Ta tin rằng nếu mình mà không kiểm soát thì những chuyện tệ hại nhất sẽ xảy ra. Đến một lúc nào đó bạn sẽ đánh nhau với cả vũ trụ và tự hành hạ mình trong nỗi bất hạnh. Thay vì cố gắng kiểm soát mọi sự, hạy cứ để đời sống vận hành tự nhiên theo cách của nó. Bạn hãy cảm nhận sự tự do thoái mái khi buông tay khỏi những thứ không thể kiểm soát.
6. TẬT ĐỔ LỖI CHO NGƯỜI KHÁC
Luôn đổ lỗi cho người này, người khác gây ra phiền toái cho mình là một thói quen rất tệ hại, nó tổn thương chính bạn và những người xung quanh. Khi đổi lỗi cho người khác, ta chối bỏ trách nhiệm với hành vi và cảm xúc của mình. Mình đổ lỗi cho người khác vì không muốn nhìn nhận phần lỗi của mình và cũng là cách để mình cảm thấy nhẹ lòng hơn khi có chuyện không như ý xảy ra. Đổ lỗi cho người khác để chối bỏ sự ân hận, hối tiếc. Nếu bạn không ngừng làm tổn thương người khác và từ chối chịu trách nhiệm với những gì xảy ra với mình, đừng mong có hạnh phúc dài lâu.
7. CHẤP BÁM VÀO CỦA CẢI VẬT CHẤT
Một cái xe hơn rất ngầu rất xịn đâu có yêu thương bạn như bạn yêu thương nó. Một cái túi hay cái đồng hồ đắt tiền đâu có mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn dài lâu. Mà ngược lại chúng có thể làm gia tăng lo lắng  và sức ép lên bạn nếu điều kiện tài chính của bạn có hạn hoặc bạn còn đang nợ thẻ tín dụng ngập đầu.
Khi lái cuộc sống của mình vào chuyện tiền bạc và các điều kiện vật chất, bạn bỏ quên những thứ mang lại chân hạnh phúc cho mình. Tiền bạc có thể hỗ trợ chăm sóc mình và những người thân nhưng khi chỉ chăm chăm lo chuyện làm giàu, chuyện tiền bạc, vơ vét tích lũy của cải, chúng ta sẽ quên lãng tầm quan trọng của những giá trị tinh thần vốn mang lại cho ta niềm vui và hạnh phúc lâu dài và đích thực. Bạn hãy cố gắng tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống. Của cải không mua được hạnh phúc dài lâu. Hạnh phúc bền vững không đến từ bên ngoài, nó là thứ đến từ bên trong bạn.
8. GIAO DU VỚI NHỮNG NGƯỜI TIÊU CỰC.
Giao du với những người nói, nghĩ và hành động tiêu cực sẽ lấy đi hạnh phúc của bạn rất nhanh. Người tiêu cực hút hết niềm vui trong cuộc sống. Hãy nhớ rằng tiêu cực rất dễ lây lan. Và nếu không cẩn thận, bạn sẽ nhiễm phải tâm trạng bi quan, chán chường.
Hãy cảnh giác những người hay nói chuyện tiêu cực, thị phi, chê bai người này người khác. Tốt nhất nên hạnh chế giao du với họ.
9.  ĐỂ  THÓI TRÌ HOÃN LÀM TIÊU TAN NHỮNG ƯỚC VỌNG.
Đa phần chúng ta hay tìm lý do này lý do kia để trì hoãn những việc cần phải làm hoặc để đến phút cuối mới chịu làm. Sự trì hoãn này làm hỏng hạnh phúc dài lâu của bạn vì bạn sẽ mất đi rất nhiều thời gian và sức lực quý giá mà đáng ra bạn có thể sử dụng để theo đuổi những mơ ước và mục tiêu của cuộc đời.
Khi nhìn lại bạn sẽ bức xúc và khó chịu kinh khủng khi thấy mình sử dụng thời gian và sức lực phí phạm như vậy. Hãy bắt đầu ngay và luôn, đừng kiếm cớ trì hoãn nữa!
10. KHÔNG NGỪNG OÁN TRÁCH BẢN THÂN
Tự kiểm lại bản thân là điều cần thiết để nhìn lại những khuyết điểm mình đã mắc phải và tự hoàn thiện. Tự ý thức được về những khiếm khuyết của bản thân để thay đổi là điều quan trọng. Cái tôi to đùng sẽ không đưa bạn đi tới đâu cả. Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên oán trách lên án bản thân thì cũng không hay ho gì. Thói quen luôn suy nghĩ tiêu cực về bản thân sẽ làm chính bạn bị tổn thương và bào mòn sự tự tin, khiến bạn trở nên yếm thế, tự ti, buồn chán.
Nên kiểm nghiệm lại xem tại sao bạn quá nghiêm khắc với bản thân như vậy. Bạn thất vọng với chính mình vì bạn không thể làm gì nên hồn hay vì kỳ vọng, đánh giá của người khác ảnh hưởng lên bạn? Bạn tự giằng xé mình vì sợ làm người khác thất vọng hay vì sợ những gì người khác nghĩ về mình?
Hãy dành thời gian kết nối với chính mình. Bạn thực sự mong muốn điều gì? Bạn muốn trở thành người như thế nào? Đam mê, yêu thích của bạn là gì? Hãy tìm ra cách để là chính mình và biết yêu quý trân trọng chính mình. Đừng để quan điểm, đánh giá hay phán xét của người khác ảnh hưởng quá nhiều lên bạn. Hãy nhớ rằng chìa khóa dẫn đến hạnh phúc đích thực là sự từ ái thân thiện với chính mình và với người khác.
Deep Patel | May 2017 | Chân Như lược dịch.


Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...