Metta - Từ Tâm

 Có lần trong một buổi giảng về tâm từ, bỗng nhiên Thầy hỏi: “vì sao ta thường chỉ tỏ lòng thương xót và muốn giúp đỡ người nghèo khổ còn với người giàu có, thành công thì ta mặc kệ họ?” Có người thưa Thầy rằng: “vì người nghèo khổ mới cần sự trợ giúp.” Trầm ngâm một lúc, Thầy nói lòng từ của các con còn nặng tâm phân biệt. Nghĩ rằng chỉ người nghèo mới cần sự trợ giúp là cái nghĩ thiên lệch vì người giàu có cũng ngập trong khổ đau và họ cũng cần tình thương và sự trợ giúp. Đôi khi nhìn thấy một người giàu có thành đạt, các con khởi tâm đố kỵ ganh ghen mà không biết rằng họ cũng như bao chúng sinh khác, mỗi giây phút đối diện với nỗi cô đơn trầm uất, sự chia ly, mất mát, bạc bẽo, phản bội, bệnh tật, mất phương hướng trong cuộc đời, họ không có ai để lắng nghe hay chia sẻ, họ không dám mở lòng chia sẻ với bất kỳ ai. Khi còn trôi lăn trong sinh tử, ai cũng bị khổ hành hạ. Từ cái khổ của thiếu thốn vật chất cơ bản cho đến cái khổ vì lo lắng, sợ hãi mất mát, khổ vì vô thường, nay hạnh phúc mai khổ đau, hợp rồi tan, thịnh rồi suy, khổ trong cái được mất, vinh nhục, thắng thua, khen chê của người đời, khổ đau bao trùm.
Ngẫm nghĩ về nhiều trường hợp tự kết liễu cuộc đời của những người trên đỉnh cao của thành công, tiền bạc, danh vọng tuần vừa qua và những năm gần đây mới thấy quả là lời Thầy dạy thật sâu lắng. Đâu đó trong suy nghĩ, chúng ta hay định nghĩa hành phúc đồng nghĩa với thành công về tiền bạc, danh vọng và quyền lực nên dễ cho rằng ai có những thứ này thì hiển nhiên sẽ hạnh phúc. Song hạnh phúc phụ thuộc vào những thứ này là thứ hạnh phúc mong manh làm sao!
Thầy luôn nhắc trò rèn luyện không chỉ tâm từ ái mà cả tâm xả bình đẳng không phân biệt. Giờ chẳng còn cơ hội nghe Thầy giảng nữa, ngồi chiêm nghiệm lại bài vở của Thầy, chạnh lòng!

Đau Khổ hay Xả Bỏ Đều là Lựa Chọn




Trong tác phẩm Con người đi tìm ý nghĩa (Man’s Search for Meaning), tác giả Viktor Frankl, nhà nghiên cứu tâm lý kiêm bác sỹ thần kinh học người Áo gốc Do Thái đã kể về những ngày tháng ông và hàng triệu đồng bào Do Thái của ông bị nhốt trong các trại tập trung của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ II. Họ bị bỏ đói, tra tấn dã man, bị tước hết mọi điều kiện sống cơ bản nhất của con người và đều xếp hàng chờ ngày hành quyết trong các lò ngạt hơi, tuy nhiên ông nhận thấy trong hàng triệu số phận đau đớn, hoảng hốt và phẫn hận vẫn có những con người chọn thái độ sống lạc quan bình thản vượt trên mọi đau khổ tột cùng. Tôi tin rằng bộ phim thắng 3 giải Oscar năm 1997 Cuộc Sống Tươi Đẹp (La Vita è Bella) của đạo diễn Roberto Benigni chắc hẳn đã lấy cảm hứng mạnh mẽ từ quyển sách này. Viktor đã nói một câu rất nổi tiếng: “Con người có thể bị tước đoạt hết mọi thứ trừ một thứ: Đây là tự do cuối cùng của nhân sinh – quyền được chọn lựa thái độ sống trước hoàn cảnh, quyền được chọn lựa lối hành xử của mình.” Frankl và một số người Do Thái đã chọn thái độ sống lạc quan cho đến ngày ông vượt thoát khỏi nhà tù của Đức Quốc xã.

Cuộc sống của tất cả chúng ta vốn dĩ rất nhiều thách thức và chướng ngại. Đồng hành với vui sướng, hạnh phúc, thành công, ta có thể đối mặt với nhiều bất đắc ý: mất mát, lừa dối, bạc đãi, phản bội, sự thiếu thốn, bệnh tật v.v... của cõi hồng trần. Mọi đau khổ của kiếp người mà Phật đã từng dạy (khổ sinh, lão, bệnh, tử, khổ vì phải chia xa người mình yêu thương, phải gần người mình căm ghét, khổ vì muốn mà không đạt được.) 
Có bao giờ ta tự hỏi sự việc xảy ra khiến ta đau hay chính phản ứng của chúng ta với những sự việc đó ra khiến chúng ta đau? Bao nhiêu lần kẹt xe khiến ta hậm hực với mọi người đang lái xe trên đường và rồi bực dọc cả buổi sáng? Bao nhiêu lần ta đem chuyện khó chịu ở công ty về về đổ lên đầu người thân? Bao nhiêu người trong chúng ta nuôi tâm hận thù và hằn học với đối tác lừa đảo mình hay với người mình yêu thương nay đã phản bội mình? Thay vì chọn cách chấp nhận những thứ ngoài tầm kiểm soát, ta chọn phản ứng gây ra đau khổ cho chính mình (đau đớn, mỉa mai, căm hận, đố kỵ và tức giận.) Học cách chấp nhận không có nghĩa là bi quan phó mặc không làm gì cả, chấp nhận là chọn thái độ bình thản độ lượng, sự dịu dàng của lòng trắc ẩn đối với bản thân để có đủ trí tuệ tìm ra hướng giải quyết mà không cần phải dày vò hay phẫn hận.  

Có một cuốn sách rất hay mới đây được viết chung bởi Đức Dalai Lama thứ 14 và Tổng Giám Mục Desmond Tutu mang tên Sách của Niềm Hân Hoan (The Book of Joy), cả hai con người vĩ đại này đều phải chịu đựng những mất mát và đau khổ tột cùng, một người sống trong giai đoạn hủy diệt tàn bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid tại Nam Phi và một người bị cướp đi quê hương và tự do, họ vẫn chọn thái độ sống lạc quan bình thản với nụ cười rạng rỡ trên môi. Đức Dalai Lama đã từng nói ngài bị tước đoạt gần như tất cả: quyền quay trở về tổ quốc, vô số bảo tháp, tu viện và kinh sách Phật giáo bị tàn phá và thiêu hủy, người Tây Tạng bị tước đoạt tổ quốc và tự do, song “cớ sao tôi lại để người ta lấy mất nội tâm an bình của tôi?”

Trong cùng một sự việc xảy ra, mỗi cá nhân khác nhau sẽ có lựa chọn phản ứng khác nhau. Có phản ứng sẽ gây ra đau khổ tột cùng và có phản ứng mang lại sự bình yên. Tất cả chỉ là lựa chọn. Và quyền lựa chọn là thứ không ai có thể tước đoạt được của chúng ta. Bạn sẽ chọn đau khổ hay xả bỏ?

Hãy làm trống tách trà


Chuyện kể rằng có một học giả uyên bác đi tìm một vị thiền sư để xin chỉ dẫn cho ông ta về thiền.

“Tôi muốn xin thầy chỉ cho tôi biết thiền là gì và phương pháp thiền.”

Tuy nhiên trong lúc thầy giảng giải, ông này không hề lắng nghe mà liên tục nói leo và thao thao bất tuyệt rất nhiều luận cứ, quan điểm, chủ ý của ông ta về thiền.
Cuối cùng vị thiền sư mời ông ta uống trà. Vị thầy rót trà vào tách, rót mãi đến khi tách trà đầy tràn, nước trà đổ xuống bàn rồi thấm cả vào áo của vị học giả. Ông ta kêu lên: “Dừng lại đi! Thầy không thấy trà đã tràn hết ra ngoài rồi sao?”

Đúng vậy – Vị thầy đáp – Tâm trí ông cũng giống như tách trà này, nó đầy tràn nên không thể nhét thêm tri thức nào hết, hãy làm trống cái tách trà của ông đi rồi quay lại đây!”

Câu chuyện này bao hàm nhiều ẩn ý.   Nó nhắc chúng ta sống khiêm tốn để đón nhận tri thức và ý tưởng mới, luôn tự hoàn thiện chính mình qua việc im lặng lắng nghe thay vì hồn nhiên với thái độ “biết tuốt.” Ta có thể cười ông học giả sính chữ kia nhưng cũng có đôi khi ta hành xử giống như vậy.

Mỗi chúng ta đều trưởng thành với ít nhiều trải nghiệm về cuộc đời, ta chất đầy tách trà của mình bằng vô số thành kiến, định kiến, quan điểm và dễ dàng nổi khùng nếu có người nhận xét về mình hay toan tính thay đổi cách nhìn của mình.

Trong những khóa huấn luyện về khai vấn (Coaching), người ta có dạy tôi cách lắng nghe nhận xét phản hồi từ người khác. Nếu nhận được phản hồi tích cực hãy nói: “Cảm ơn bạn về phản hồi này!” nếu nhận được phản hồi chỉnh sửa để lần sau thực hiện tốt hơn, ta cũng nhẹ nhàng nói: “Cảm ơn bạn về phản hồi này,” ngoài ra không bình luận thêm bất kỳ câu nào. Hoàn toàn không có việc bào chữa, biện luận hay tranh cãi to tiếng với người cho phản hồi, cũng không có chuyện “ghi sổ thù dai” những người thẳng thắn cho mình nhận xét để khắc phục. Điều này không có nghĩa là ta không được nói lên quan điểm của mình, ta có thể không đồng ý với nhận xét đó, song mục đích của thực hành lắng nghe nhận xét phản hồi từ người khác là để ta có thêm sự suy nghiệm sâu lắng về hành vi, cảm xúc của chính mình, ta có thể nhìn thấy mình 360 độ thay vì chỉ thấy mình theo cách chủ quan phiến diện. 

Sẽ không có sự tiến bộ nếu ta không chấp nhận phản hồi từ người khác. Nhận xét đúng sai không quan trọng bằng việc chúng ta biết tự dẹp bỏ bản ngã, khiêm tốn lắng nghe và suy tư để sống đẹp hơn, sâu lắng hơn và hài hòa hơn.



Từ Ái với Chính Mình


Trong những khóa tu thiền gần đây với các bạn đồng hành ở Bắc Mỹ, tôi để ý thấy họ nhắc khá nhiều đến một khái niệm gọi là self- aversion hoặc self- hatred (căm ghét bản thân) và do vậy, trong phần thực hành thiền, chúng tôi được yêu cầu thực tập khá nhiều về self-compassion (Từ ái với chính mình) như một phương pháp đối trị hiệu quả.
Do tò mò, tôi hỏi các bạn tại sao khái niệm “căm ghét bản thân” lại phổ biến như vậy và được giải thích rằng có lẽ đây là một vấn đề liên quan đến văn hóa phương Tây và chủ nghĩa hoàn hảo (Perfectionism) mong muốn mọi thứ phải tròn trịa, đẹp đẽ vẹn toàn. Nếu không được như vậy, một số người sẽ trở nên tuyệt vọng, chán chường và sinh ra hận ghét bản thân. Chị Mary Jane, tiến sỹ tâm lý, một thiền sinh cùng lớp chia sẻ: “Chúng tôi đến từ một nền văn hóa có những người cao 1.8m mà chỉ mặc đồ size 0, hoặc bị béo phì một cách không thể cứu vãn, do vậy họ không chấp nhận được chính mình. Căm ghét bản thân là có thật và khá phổ biến. Về tinh thần, bản thân tôi cho đến năm 15 tuổi, tôi chưa bao giờ nghe thấy câu “mẹ yêu con” từ mẹ của tôi, tôi lớn lên trong sự ngờ vực về bản thân và khả năng yêu thương, và tôi đoán là mình không phải là người duy nhất.”
Tôi cũng chia sẻ ưu tư này với giảng viên thiền của mình và cô kể rằng vào những năm 2000, khi Đức Dalai Lama đến thuyết giảng tại Washington DC nơi cô đang sống, có người đã hỏi Ngài về khái niệm self-aversion, người phiên dịch đã phải mất gần 10 phút để dịch cụm từ này sang tiếng Tạng và giải thích khái niệm này. Bản thân Đức Dailai Lama cũng trầm ngâm một hồi lâu, ngài không hiểu nổi vì sao lại có một khái niệm kỳ lạ như vậy.
Cá nhân tôi không biết cảm giác hận ghét bản thân có phổ biến ở châu Á không, nhưng chí ít tôi không nghe đề cập nhiều. Tôi tin rằng ta sẽ khó có thể yêu thương ai nếu ta từ chối yêu thương chính mình. Đỉnh điểm của căm hận bản thân có thể dẫn đến tự hủy hoại và thậm chí tự sát hại. Trong các bài giảng cũng như rất nhiều quyển sách của Đức Dalai Lama, có lẽ cụm từ “yêu thương, bi mẫn, độ lượng” luôn được ngài sử dụng nhiều nhất, thiết tha nhất.
Nếu có ai đó cần được tha thứ đầu tiên thì người đó nên là chính mình. Nếu có ai đó cần được an ủi yêu thương thì đó cũng là chính mình. Chỉ khi ta vun trồng khả năng tha thứ và yêu thương, bình thản chấp nhận bản thân, ta mới có thể học cách tha thứ, yêu thương và chấp nhận người khác. Học cách chấp nhận khiếm khuyết, sự bất toàn hảo của bản thân là bước đầu nuôi dưỡng cảm thông với chính mình, tin rằng cơ hội tự hoàn thiện luôn hiện hữu.
Trong 4 pháp tu sơ khởi của Phật giáo Tây tạng, pháp tu đầu tiên là quán thân người quý giá. Khi hiểu sâu lắng sự quý giá này, ta không lãng phí thân người bằng cách tự hủy hoại nó hay sống một đời vô nghĩa. Do vậy, yêu thương và độ lượng với bản thân thật sự quan trọng.


Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...