Sức mạnh của lòng bi mẫn


Anh Nguyễn phỏng dịch


Giận dữ và sân hận là những cản trở lớn trên con đường phát triển lòng bi mẫn. Những xúc cảm cường liệt có khả năng chiếm đoạt toàn bộ tâm trí của chúng ta. Một đôi khi chúng ta kiểm soát được chúng. Nếu không kiểm soát nổi, chúng sẽ thường xuyên vò xé ta, không cho ta có được một tâm trí thanh thản cần thiết cho lòng từ ái.
Đầu tiên và trước hết, bạn nên tự hỏi chính mình sự giận dữ có giá trị gì không? Đôi lúc, khi đối đầu với những chán nản, những tình huống khó khăn, sự giận dữ dường như mang cho ta thêm chút năng lượng, tự tin và quyết tâm. Điều đó tốt cho những lúc ta cần kiểm tra lại kỹ càng trạng thái tâm trí của mình. Mặc dù cũng có thể đúng là giận dữ mang lại cho ta nguồn năng lượng nào đó, nhưng khi quán sát nó, ta thấy rằng giận dữ là mù quáng. Dù chưa thể xác định được kết quả của giận dữ là tích cực hay tiêu cực nhưng giận dữ là một đám mây che phủ phần tốt nhất của não: lý trí. Đó là lý do vì sao năng lượng do giận dữ sinh ra phải được kiểm soát cẩn thận. Nó có thể kích thích những hành vi đầy hủy hoại và đáng tiếc. Khi bị dồn tới cực điểm, cơn giận dữ có thế làm cho người ta điên cuồng và dẫn tới những hành động gây hại cho chính mình và cho những người khác.
Để đương đầu với những hoàn cảnh cam go, chúng ta vẫn có thể phát triển một dòng năng lượng cũng mạnh mẽ như thế nhưng được kiểm soát tốt hơn nhiều so với sự giận dữ. Dòng năng lượng qua kiểm soát này phát sinh từ lòng bi mẫn, lý trí và sự nhẫn nhịn. Đây là những phương thuốc đối trị giận dữ. Tiếc thay, nhiều người lại xem thường những phẩm chất này, cho rằng đó chỉ là sự nhu nhược. Với tôi, ngược lại, tôi tin rằng đó mới là biểu hiện đích thực của sức mạnh nội tại. Bản chất của lòng bi mẫn là nhân ái, ôn hòa, nhẹ nhàng nhưng vẫn cực kỳ mạnh mẽ. Những người dễ mất kiên nhẫn là những người không kiên định và hay thay đổi. Đó là lý do vì sao với tôi giận dữ là biểu hiện đích thực của sự yếu ớt.
Đương đầu với một vấn đề thì nên cố gắng khiêm nhường, giữ thái độ chân thành và suy nghĩ cách giải quyết sáng suốt. Dĩ nhiên, sẽ có một số người sẽ cố gắng lợi dụng thái độ của bạn. Nếu sự bình tĩnh của bạn lại khiêu khích kẻ khác gây hấn nhiều hơn thì hãy cứng rắn, nhưng với lòng từ bi. Nếu tình huống buộc bạn cần phải chứng minh quan điểm của bạn bằng những biện pháp đối phó căng thẳng thì hãy thực hiện mà không cần oán giận hay bằng những ý định tiêu cực.
Bạn nên hiểu rằng ngay cả nếu kẻ thù có ý muốn hãm hại bạn thì về sau hành vi hủy hoại đó cũng sẽ quay lại chính họ mà thôi. Hãy kiềm chế động lực ích kỷ muốn trả thù của bạn, hãy nhớ đến ước muốn thực hành lòng từ bi và trách nhiệm giúp đỡ người khác thoát khỏi khổ đau khởi sinh từ hậu quả của hành vi của chính họ. Những biện pháp đưa ra trong sự bình tĩnh điềm đạm sẽ hiệu quả hơn, thích nghi cao hơn và mạnh mẽ hơn trong khi sự trả đũa dựa trên năng lượng giận dữ mù quáng hiếm khi nào đạt được mục đích.
 
Tư duy bằng những thuật ngữ nhân văn

Khi  đề cập đến lòng nhân ái và từ tâm, tôi không nói về điều đó với tư cách của một Phật tử, một Đạt Lai Lạt Ma hay một người Tây Tạng, mà như một con người. Và tôi mong rằng các bạn cũng sẽ xem mình trước hết là một con người hơn là một người Mỹ, một người phương Tây hay một thành viên của một nhóm nọ, nhóm kia. Những phân biệt như thế chỉ là thứ yếu. Khi chúng ta nói với tư cách là một con người, ta có thế chạm đến một vấn đề thiết yếu. Nếu tôi nói rằng “Tôi là một tu sĩ” hoặc “Tôi là một Phật tử”, đây chỉ là vấn đề của hiện thực mang tính tương đối so với bản tính con người của tôi. Hiện thực được sinh ra làm người mới chính là nền tảng và sẽ không bao giờ thay đổi. Những thứ còn lại như bạn có được học hành hay không, giàu hay nghèo, chỉ là phụ.
Ngày nay, nhân loại đối diện với nhiều vấn đề. Trách nhiệm của chúng ta liên đới trực tiếp đến các xung đột bùng phát từ ý thức hệ, tôn giáo, sắc tộc hoặc kinh tế. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải tư duy theo thuật ngữ nhân văn, ở một tầm mức sâu sắc hơn khi cân nhắc một cách trân trọng sự bình đẳng giữa người và người, vì họ cũng là con người như chính chúng ta vậy. Chúng ta cần xây dựng những mối quan hệ thân thiết trong sự tin tưởng, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau không phân biệt sự khác nhau về văn hóa, triết thuyết, tôn giáo hay tín ngưỡng.
Xét cho cùng, mọi con người đều như nhau, đều được cấu tạo bằng thịt, bằng xương và máu. Tất cả chúng ta đều mong cầu hạnh phúc và xa lánh khổ đau. Chúng ta là thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất và những tranh cãi của chúng ta chỉ phát sinh từ những nguyên nhân phụ. Tranh cãi, lừa dối hay bắn giết đều vô dụng.

Trích tác phẩm "Hành Trình Tâm Linh Của Tôi" - Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV
 

Mong cầu được yêu thương luôn có trong huyết mạch của chúng ta.

Anh Nguyễn phỏng dịch

Cuộc sống của con người phụ thuộc vào nhau nhiều đến mức ở gốc rễ của sự sinh tồn có một nhu cầu tha thiết cho tình thương yêu. Đó là lý do vì sao việc tu dưỡng một tình thần trách nhiệm thực sự và mối quan tâm chân thành đến hạnh phúc của người khác là điều hết sức tốt đẹp.
Bản chất thực sự của chúng ta, con người, là gì? Chúng ta không chỉ là những sinh vật mong đoái đến vật chất và cũng sẽ là một ngộ nhận nếu chúng ta đặt tất cả hy vọng của mình cho một thứ hạnh phúc chỉ hướng ra bên ngoài. Không cần đi sâu vào cuộc bàn luận gây tranh cãi về sự sáng tạo và tiến hóa của vũ trụ, chúng ta đều đồng ý rằng mỗi người đều là sản phẩm của cha mẹ mình. Đa phần, sự hình thành một con người không chỉ bao gồm mong muốn tình dục của cha mẹ mà còn là quyết định muốn sinh con của họ. Hoạch định đó của cha mẹ dựa trên trách nhiệm yêu thương và quyết tâm nuôi nấng chúng ta cho đến lúc trưởng thành. Như vậy, ngay từ giây phút đầu tiên tạo tác ra chúng ta, tình yêu thương của cha mẹ là một nhân tố vô cùng thiết yếu.
Hơn thế nữa, chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc nuôi dưỡng của người mẹ khi chào đời. Theo một số khoa học gia, trạng thái tinh thần bình an hay rối loạn của người phụ nữ đang mang thai sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi bên trong.
Thể hiện tình yêu thương cũng vô cùng quan trọng khi trẻ chào đời. Vì hành động đầu tiên của chúng ta là rúc vú mẹ tìm sữa, theo bản năng chúng ta cảm thấy gần gũi với người mẹ và về phía người mẹ cũng sẽ cảm thấy tình yêu thương khi cho con bú, khi người mẹ giận dữ hay đau buồn, dòng sữa không thể chảy ra suôn sẻ.
Sau đó đến một giai đoạn hệ trọng là hình thành não bộ, giai đoạn từ lúc sinh tới lúc ba, bốn tuổi. Va chạm vật lý thể hiện tình thương là nhân tố chính cho sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ. Nếu không được âu yếm, vỗ về, yêu thương thì sự phát triển của trẻ sẽ rất giới hạn và não bộ của trẻ sẽ không thể phát huy hết tiềm năng.
Vì trẻ em không thể tồn tại nếu không có sự che chở vỗ về nên yêu thương vô cùng thiết yếu. Ngày nay, nhiều trẻ em lớn lên trong những căn nhà bất hạnh. Không có được sự yêu thương, trẻ khi lớn lên sẽ không biết yêu thương cha mẹ và thường gặp rắc rối khi yêu thương người khác. Thật đáng buồn thay.
Vài năm sau khi bắt đầu cắp sách đến trường, trẻ cần có sự giúp đỡ từ thầy cô giáo. Nếu người thầy không tự giới hạn mình chỉ ở những dạy dỗ từ chương, nếu người thầy cũng thấy trách nhiệm của mình trong việc giúp học trò chuẩn bị hành trang vào đời thì người trò sẽ luôn kinh trọng và tin yêu thầy. Những gì học được từ thầy cô sẽ để lại những dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm trí của trò. Ngược lại, nếu kiến thức được truyền tải từ một người chẳng hề quan tâm đến lợi ích của học trò thì sẽ mau chóng bị lãng quên.
Tương tự, khi một người bệnh được điều trị tại bệnh viện với một bác sĩ ân cần, thân thiện, bệnh nhân sẽ cảm thấy yên lòng. Bản thân việc bác sĩ mong muốn đem lại sự chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân đã là liều thuốc chữa bệnh rồi, chưa  nói đến các phương pháp điều trị và các kỹ thuật khám bệnh khác. Ngược lại, khi bác sĩ thiếu sự đồng cảm, xa cách, nóng vội hay cau kỉnh thì dù cho bác sĩ đó có danh tiếng, chẩn đoán bệnh chính xác và cho toa thuốc hiệu quả nhất, người bệnh vẫn cảm thấy âu lo.
Trong giao tiếp hàng ngày, khi người đối diện nói chuyện hòa ái với chúng ta, ta lắng nghe và đối đáp vui vẻ, nhờ vậy mà câu chuyện trở nên thú vị dù rằng đó chỉ là giao tiếp thông thường. Trái lại, nếu ai đó nói năng lạnh lùng hoặc khó chịu, chúng ta sẽ cảm thấy bực bội và muốn chấm dứt câu chuyện nhanh chóng. Từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất, quan tâm và trân trọng người khác luôn là những yếu tố trọng yếu.
Gần đây, tôi có gặp một số khoa học gia người Mỹ và họ cho tôi biết tỉ lệ người mắc chứng bệnh tâm thần ở nước này tương đối cao, khoảng 12% dân số. Cuộc mạn đàm này cũng đã cho thấy rằng nguyên nhân không phải do thiếu thốn về vật chất mà thiếu thốn sự yêu thương.
Một điều rất hiển nhiên, dù cho ta nhận ra hay không nhận ra, mong cầu được yêu thương đã có sẵn trong huyết mạch từ khi chúng ta chào đời. Tôi tin rằng không ai sinh ra mà không muốn được yêu thương. Và đối lập với một số trường phái tư duy hiện đại, điều này thể hiện rằng con người không bị giới hạn bởi mức độ vật chất. Không có một chủ thể vất chất nào, dù có đẹp đẽ hay đắt quý đến mấy có thể cho chúng ta cảm giác được yêu thương bởi vì bản chất sâu thẳm bên trong chúng ta, con người thật của chúng ta, bén rễ từ bản chất chủ quan của tâm.
Lòng bi mẫn, hay đôi khi tôi gọi là tình yêu thương đồng loại, là một nhân tố quyết định trong cuộc sống của chúng ta. Nhờ nối vào bàn tay mà năm ngón tay của chúng ta mới thực hiện được chức năng của chúng. Cắt chúng rời ra khỏi bàn tay, chúng trở nên vô dụng. Tương tự, con người trở nên nguy hiểm thì nó bị tước mất cảm xúc nhân bản. Tất cả các hoạt động sẽ trở nên tốt lành khi chúng được thực hiện với cảm xúc và sự tôn trọng những giá trị nhân văn.
 
Trích trong tác phẩm “Hành Trình Tâm Linh Của Tôi” - Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV

Chúng ta đều như nhau.


(Anh Nguyễn phỏng dịch)


Dù đến từ góc nào trên trái đất này, chúng ta về bản chất đều là con người như nhau. Tất cả chúng ta đều mưu cầu hạnh phúc và mong muốn lánh xa khổ đau. Về cơ bản, chúng ta đều có những như cầu tương tự và những quan tâm giống nhau. Là con người, ai cũng mong muốn được tự do, được quyền quyết định số phận của cá nhân mình và số phận của dân tộc mình. Đó là bản chất của con người.
Vấn đề mà chúng ta phải đương đầu hôm nay do chính con người gây ra, dù đó là xung đột bạo lực, hủy hoại môi trường sống hay sự đói nghèo. Những vấn nạn này có thể được giải quyết nhờ sự nỗ lực của chính con người thông qua nhận hiểu rằng chúng ta đều là anh chị em và thông qua việc phát triển tinh thần huynh đệ. Chúng ta phải tu dưỡng trách nhiệm phổ quát đối với nhau và trải rộng trách nhiệm đó cho thế giới mà chúng ta đang cùng chia sẻ.
Tôi cảm thấy lạc quan rằng những giá trị truyền thống vốn lưu giữ được nhân loại cho đến ngày nay đang một lần nữa được thể hiện lại ở đây hôm nay, chuẩn bị cho con đường vươn tới một thế kỷ 21 tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Tôi cầu nguyện cho tất cả chúng ta, bạn bè và kẻ áp bức, để cùng nhau, chúng ta có thể thành tựu trên con đường kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn thông qua sự hiểu biết và yêu thương nhau, và bằng cách đó, cầu mong sao chúng ta có thể giúp vơi bớt những bất hạnh và khổ đau cho tất cả các chúng sinh hữu tình.
Trích diễn văn phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV tại lễ nhận Giải Nobel Hòa Bình ngày 10/12/1989 tại Oslo.

Ba thệ nguyện của đời tôi.
Thệ nguyện thứ nhất, là một con người, tôi cổ xúy các giá trị nhân bản và những phẩm chất tinh thần vốn là những yếu tố then chốt cho một cuộc sống hạnh phúc, dù đó là hạnh phúc của một cá nhân, một gia đình hay một công đồng. Ngày nay, tôi thấy dường như chúng ta ít quan tâm tu bồi các phẩm chất nội tại, đó là lý do vì sao ưu tiên hàng đầu của tôi là phát triển những phẩm chất này.
Thệ nguyện thứ hai của tôi, trong vai trò một tu sĩ Phật giáo, tôi cố xúy sự hòa hợp giữa các tôn giáo khác nhau. Trong chế độ dân chủ, chúng ta thừa nhận sự cần thiết của một đời sống chính trị đa đảng. Tuy nhiên, chúng ta ngần ngại khi đề cập đến vấn đề dị biệt trong các tín ngưỡng và tôn giáo. Dù các khái niệm và triết thuyết có khác nhau, tất cả các truyền thống tôn giáo chính thống đều chuyển đến chúng ta thông điệp của tình thương, lòng từ ái, sự nhẫn nhịn, ôn hòa và tính tự kỷ luật. Các tôn giáo đều có khuynh hướng chung là giúp con người hướng đến một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Thệ nguyện thứ ba, trong địa vị một Dalai Lama, là sự nghiệp của Tây Tạng, điều mà tôi luôn đặc biệt trăn trở. Tôi mang trách nhiệm lớn lao đối với nhân dân Tây Tạng vì trong suốt những năm tháng khốc liệt của lịch sử, họ luôn luôn đặt cả hy vọng và niềm tin vào tôi. Hạnh phúc của người Tây Tạng luôn là nguồn động viên liên tục cho tôi và trong sự nghiệp đấu tranh cho công lý, tôi luôn xem mình là một phát ngôn viên tự do đang lưu vong của họ.
Thệ nguyện thứ ba ngày sẽ chấm dứt khi Tây Tạng và Trung Quốc tìm được một giải pháp thỏa đáng chung cho cả hai bên. Còn hai thệ nguyện đầu, tôi sẽ giữ mãi mãi cho đến hơi thở cuối cùng.
Trích trong tác phẩm “Hành Trình Tâm Linh Của Tôi” - Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV

Lòng Vị Tha


Một thiền sinh hỏi đạo sư: “Thưa thầy, con đau khổ vì người yêu ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán giận và thù ghét họ đây?”. Thầy đáp: “Con ngồi xuống tịnh tâm, hãy tha thứ hết cho họ.”
Vài hôm sau, người đệ tử trở lại và nói: “Con đã học cách tha thứ cho họ. Thật nhẹ lòng! Coi như xong!”. Thầy bảo: “Chưa xong! Con về tịnh tâm, mở hết lòng ra, yêu thương họ.”
Đệ tử gãi đầu: “Tha thứ thôi cũng quá khó khăn rôi, lại phải yêu thương họ thì… Thôi được, con sẽ cố gắng làm!”
Một thời gian sau, đệ tử quay lại vui vẻ khoe với thầy là đã làm được việc yêu thương những người đối xử tệ bạc với mình. Thầy gật đầu bảo: “Tốt, bây giờ con về tịnh tâm, hãy ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến bộ tâm linh như vậy.”
Một thời gian lâu sau đó, người đệ tử trở lại, hoan hỉ báo với thầy: “Con đã học yêu thương những người đối xử tệ với mình, và con cũng đã học cách ghi ơn họ đã cho con cơ hội học được lòng khoan dung độ lượng.!”
Thầy mỉm cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ?”
Đọc và suy ngẫm câu chuyện, ta thấy rằng khi biết tha thứ cho những người đã gây đau khổ cho mình, ta khởi tâm từ bi. Trên bước đường tu tập, ta nên cảm ơn những người đã tạo ra nghịch duyên để chúng ta có cơ hội thực hành các hạnh ba la mật mà trong đó hạnh nhẫn nhục và tâm từ bi là nền tảng của việc tu. Nếu lúc nào ta cũng mong cầu tất cả mọi người phải yêu quý mình, phải gặp nhiều thuận duyên thì ngã mạn sẽ được nuôi dưỡng và rồi dần dà ta đánh mất cơ hội tiến bộ tâm linh.
Trong một đoạn chia sẻ về lòng vị tha với một nhóm sinh viên đến từ Đại Học Redlands, California, Hoa Kỳ năm 2011 (Sau này được ghi lại trong tác phẩm “Tấm Lòng Cao Cả” - The Heart is Noble), Đức Karmapa XVII đã nói thế này: “Tôi cho rằng nuôi dưỡng thói quen tự thừa nhận lỗi lầm và tự tha thứ cho bản thân cũng là một cách để chúng ta luyện tập tha thứ cho người khác. Trong những lỗi lầm mà người khác tạo ra, có thể có những lỗi lầm đã gây tổn thương hoặc thậm chí gây hại cho bạn. Bạn mong muốn những người đó không đối xử như thế với mình, sự khoan dung của bạn có thể giúp họ từ bỏ cách ứng xử không tốt để trở thành một con người mới. Điều này không có nghĩa là bạn chấp nhận hành vi quá khứ của họ mà có nghĩa là bạn mong giúp tạo ra một tương lai mà họ sẽ không bao giờ phải xử sự tiêu cực như thế nữa. Cũng giống như việc tự thừa nhận những sai quấy của bản thân giúp ta không xem các hành động lầm lỗi với bản thân là một, từ đó bạn có thể phân định sự khác nhau giữa hành vi sai lầm của một người và chính người đó.
Để tha thứ cho một người làm bạn bị tổn thương, hãy quán xét rằng người đó đã bị những cảm xúc mạnh mẽ sai xử. Những cảm xúc điên cuồng có thể khiến người ta hành động điên cuồng. Khi rơi vào vòng cương tỏa của những cảm xúc mãnh liệt như thế, người ta có thể thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm – nguy hiểm cho người khác và cho chính mình. Khi nhận ra rằng những cảm xúc điên loạn đã sai xử người ta hành động như thế, bạn sẽ nhìn họ khác đi. Nếu nhìn rộng ra, bạn sẽ thấy rằng họ cũng chẳng được lợi lộc gì từ những hành vi đó và ở những lúc tỉnh táo hơn, họ sẽ không bao giờ hành động như thế…. Khi nhận ra rằng họ chỉ là nạn nhân của cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ dành chỗ cho cảm thông và thương yêu tăng trưởng. Tình thương mà bạn dành cho họ trước khi họ làm bạn tổn thương sẽ được đánh thức trở lại. Sau cùng, mong cầu nhìn thấy người khác được giải thoát khỏi khổ đau chính họ tạo ra sẽ lớn hơn chấp nhặt việc họ đã đối xử với bạn tệ như thế nào.
Chuyển hướng từ việc chỉ quan tâm lợi ích của bản thân đến quan tâm thực lòng lợi lích của những người khác có thể giúp ta chuyển hóa các mối quan hệ, và điều đó sẽ chuyển hóa chính chúng ta. Ta có thể trở thành người luôn vì người khác, luôn chia sẻ gánh nặng với người khác. Đây là một sự chuyển hóa rất giản đơn trong một nhân sinh quan giúp chuyển hướng hoàn toàn các mối quan hệ của bạn. Tôi cho rằng nhân sinh quan đó sẽ khởi sinh nhiều mối quan hệ vô cùng tốt đẹp.”

Bút Ký: Ngân Sơn Kailash - Vạn Dặm Không Mây (Phần II)


Đường đến núi thiêng Kailash

Từ hồ Manasarovar chúng tôi tiếp tục khởi hành đi Darchen, thị trấn nằm dưới chân Ngân Sơn! Càng đến gần Kailash, trống ngực tôi càng đánh thình thịch, cảm giác này giống như xúc cảm của một đứa con xa nhà, sau rất nhiều  năm chờ đợi hồi hộp, nay được quay về thăm cha mẹ và người thân của mình...
Ngân Sơn hiện ra sau một bình nguyên bao la
Và kia rồi, chưa bao giờ tôi nhìn thấy Ngân Sơn rõ như thế! Ngọn núi từ bao đời bao kiếp đã gieo những xúc cảm tâm linh mãnh liệt và cảm hứng vô tận cho các tăng sĩ và tín đồ Phật giáo. Ngân Sơn hiện ra từ phía sau một bình nguyên bao la, phủ đầy tuyết trắng. Ngân Sơn đứng tách riêng độc lập, oai nghiêm và đầy quyền năng! Người Tạng tin rằng Ngân sơn chính là trung tâm của một đàn tràng Mạn Đà La tối linh!

Trong tác phẩm Đường Mây qua Xứ Tuyết, Lạt Ma Govinda cũng đã từng khẳng định: “Quyền năng của một ngọn núi là rất lớn và mãnh liệt” và rằng: “Muốn thấy được sự cao cả của ngọn núi, ta phải quan sát nó từ xa. Muốn hiểu nó, người ta phải đi xung quanh để rung động với nó. Muốn cảm thông nó, người ta phải sống với nó từ buổi rạng đông đến chiều tà, trong cơn mừa phùn cũng như khi trời nắng gắt, mùa đông cũng như mùa hè…”
Muốn biết rõ sự màu nhiệm của Ngân sơn, người ta phải nhìn  núi dưới con mắt của một tín đồ hành hương chứ không phải dưới cảm quan của một nhà thám hiểm hoặc của các công dân phượt! Sự chuẩn bị tâm linh là một điều vô cùng cần thiết trước khi quyết định đi vòng quanh ngọn núi này!
Ngồi trên xe, tôi chắp tay vọng lễ Ngân Sơn, âm thầm tự hỏi liệu tôi đã sẵn sàng đi hết một  Parikrama – “Vòng luân hồi”  52 km xung quanh Ngân Sơn? Độ cao lúc này là 4,600m và dưỡng khí quả là một vấn đề lớn! Lượng oxy trong không khí còn khoảng 60%. Dự cảm cho tôi biết có thể trong chuyền đi lần này tôi chỉ đi được ngày đầu, 18km mà thôi.!
Mặc dù đã từng chinh phục Fansipan, độ cao 3,143 trong một ngày mưa dầm, lạnh tái tê, trời xám xịt đầy sương, với rất nhiều đoạn leo trèo lên xuống khá vất vả, đã trekking ở khu vực Gornergrat, Matterhorn thuộc rặng Alps trong địa phận Thụy Sỹ, độ cao khoảng trên dưới 3,300m, trong thời tiết lạnh cắt da cắt thịt, nhưng quả thật những trải nghiệm đó hoàn toàn khác và chẳng ăn thua gì so với trải nghiệm Ngân Sơn.
Chúng tôi đến thị trấn Darchen vào khoảng 7 giờ tối. Mặt trời vẫn chiếu sáng rực rỡ như lúc 3 giờ chiều ở Việt Nam. Tôi bắt đầu cảm thấy choáng váng mệt mỏi. Bất cứ động tác cởi áo ra hay mặc áo vào đều trở nên nặng nề và khó khăn như vác một bao tải nặng vài chục kilogram. Nếu sáng mai, tôi hoàn thành Kora ngày 1 thì sẽ đến được tu viện Dirapuk, độ cao lúc đó sẽ là 4,900m! Tôi sẽ gần Ngân Sơn hơn bao giờ hết! Ý nghĩ đó choáng ngợp tâm trí tôi. Tôi rút trong túi ra vài viên thuốc mani nhỏ xíu do các tu sỹ trong một chùa Tây Tạng ở gần Bồ Đề Đạo Tràng (Bohdgaya) tặng, vừa uống vừa hy vọng sẽ tiếp nhận thêm sự trợ giúp về cả tâm linh lẫn thể chất để có thể vượt qua ngày mai! Chỉ biết ngày mai, không biết ngày mốt...!
Thung lũng Lha Chu, Kora ngày 1
Con đường Darchen – Dirapuk là đoạn Kora ngày đầu tiên, dài khoảng 18km. Đường đi không quá khó nhưng việc thiếu dưỡng khí trên độ cao 4,600m là một thách thức lớn, kèm theo giá rét khiến mũi tôi thường xuyên chảy máu, khô khốc và khó thở. Đoàn hành hương đi bộ dọc theo thung lũng Lha Chu, con đường mòn ngoằn ngoèo, ngút tầm mắt, 2 bên trái phải đều là những dãy núi đá chập chùng như nhiều lớp cửa dần mở, vừa thách thức vừa chào đón chúng tôi đến chiêm bái Kailash.
Mặc dù có sherpa đi cùng để khuân vác hành lý, mỗi người chúng tôi đều đi với một vận tốc rất khác nhau. Nhìn lên phía trước, quay lại phía sau đều chỉ nhác thấy những dòng người hành hương nhỏ xíu ở phía rất xa. Hành cước Ngân Sơn không chỉ dành riêng cho những hành giả ngoại quốc hiếu kỳ, người Tạng đi Ngân Sơn rất đông. Họ đi cả gia đình, hành trang vô cùng giản đơn, tự gồng gánh thực phẩm, thậm chí mang theo cả trẻ con 1, 2 tuổi. Thỉnh thoảng họ nhìn tôi chào “Tashi Delek!” rất thân thiện. Hình ảnh những người Tạng thành kính thực hiện tam bộ nhất bái (3 bước 1 lạy) đảnh lễ Ngân Sơn là một minh chứng hùng hồn về lòng mộ đạo mãnh liệt của dân tộc này. Tam bộ nhất bái khi vượt qua đèo Dolma La hiểm trở ở độ cao 5,636m là một phép màu mà có lẽ chỉ người Tạng mới vượt qua được nhờ vào uy lực của niềm tin tâm linh và lòng sùng kính đạo pháp bất chấp mọi thử thách gian nguy nhất….Hành cước Ngân Sơn là ước mơ của mỗi người Tạng và họ không chỉ mơ đi 1 vòng mà là 13 vòng để sau đó được đi Nội Kora, tức là trực tiếp đi vòng bên trong của núi.
Có thể thấy rất nhiều câu thần chú khắc trên đá
như thế này trên đường đi
Suốt chặng đường kora ngày 1 tôi kiên trì niệm Lục tự đại minh thần chú “Om Mani Padme Hum” không ngừng. Tôi cảm nhận được một cách mạnh mẽ oai lực của câu niệm chú này. Bất kỳ lúc nào gặp hoạn nạn, nguy hiểm hay sợ hãi, tôi luôn luôn trì niệm Lục tự đai minh thần chú và đều nhận được sự gia trì. Khoảng 5 cây số còn lại trước khi đến Dirapuk, tôi đi như bay, không ngừng, không nghỉ và cũng không cảm thấy mệt nữa. Cậu sherpa mệt nhọc chạy theo tôi, cũng chẳng hiểu vì sao tôi đi nhanh như thế. Tôi chỉ có một lời giải thích lúc đó: lời khấn  nguyện của tôi được lắng nghe. Chính chư Phật đã đẩy tôi về phía trước và nâng bước chân tôi lên.
Tôi đến nhà nghỉ thuộc vùng Dirapuk lúc 3 giờ chiều, mạnh khỏe và sảng khoái sau khi hoàn tất chuyến Kora ngày đầu. Bên tay trái tôi là tu viện Dirapuk. Muốn đến đó phải vượt qua con sông Dirapuk đang đóng băng! Bên phải tôi, Ngân Sơn hiện ra ở cự li gần một cách khủng khiếp, gần đến mức tôi cứ ngỡ chỉ cần đi bộ vài trăm mét nữa là chạm vào núi  thiêng. Hai bên Ngân Sơn là ngọn núi Văn Thù Sư Lợi và núi Quán Thế Âm cũng oai nghiêm, sừng sững.
Ngân Sơn và 2 ngọn núi Bồ Tát ở 2 bên
Tim tôi như nghẹt lại vì xúc động khi tiến sát hơn khoảng hơn 200m nữa để chiêm bái Ngân Sơn trong cự li gần nhất có thể. Một lần nữa tôi cho rằng mọi ngôn từ đều là giới hạn, thậm chí vô nghĩa khi phải diễn tả cảm xúc tại không gian linh thiêng này. Đằng trước là núi thiêng, đằng sau, bên trái, bên phải, xung quanh đều là núi, núi và núi. Những ngọn núi trầm mặc, uy nghiêm, trắng lóa băng tuyết dưới nắng mặt trời chói chang, đỉnh tựa vào bầu trời xanh thăm thẳm vô tận, người hành giả nhỏ nhoi đứng giữa đất trời và núi đồi bao la trùng điệp, câm bặt vì xúc động. Thời gian như ngừng trôi!
Tôi quỳ xuống lớp đá sỏi còn đóng băng phia dưới, cúi lạy Ngân Sơn và 2 ngọn núi Bồ Tát rồi chọn một tảng đá phẳng ngồi thiền định khá lâu trong buổi chiều hôm ấy. “Om Mani Padme Hum”, không phải ai cũng thấy Ngân Sơn hiển lộ một cách rõ ràng như tôi đang thấy. Nếu đi vào những ngày thời tiết xấu, nhiều mây, Ngân Sơn sẽ lẫn vào trong mây mù và hành giả sẽ không thể nhìn thấy đỉnh.
Dự cảm của tôi là chính xác. Tôi quyết định quay về, biết rằng sự chuẩn bị tâm linh của mình chưa đủ để tiếp tục Kora ngày thứ hai. Hướng dẫn viên người Tạng cho biết tuyết đóng rất dày trên đèo Dolma La và bò Yak, ngựa sẽ không thể đi theo chúng tôi trên đoạn Kora ngày 2 được. Với thời tiết khắc nghiệt như thế cộng thêm dưỡng khí quá loãng có thể gây trụy tim, họ khuyến cáo không nên tiếp tục cuộc hành cước vì sẽ không đảm bảo tính mạng cho hành giả.
Tôi chưa bao giờ ân hận hay luyến tiếc về quyết định dừng lại tại Dirapuk và quay trở về Darchen. Tôi chưa hoàn tất một vòng Kora Ngân Sơn, nhưng tâm tôi đã hướng về ngọn núi thiêng tự bao giờ, tôi đã gắn bó với Ngân Sơn ngay từ giây phút đầu tiên vọng bái núi thiêng từ xa. Sự chuẩn bị tâm linh đã cho phép tôi đi gần một nửa vòng Ngân Sơn và việc đó phải chăng cũng chính là cơ hội để tôi quay lại Ngân Sơn lần thứ hai trong một thời gian không xa?
Tôi đi bộ ngược về Darchen sáng hôm sau với vận tốc nhanh hơn cả ngày hôm trước, tâm thanh thản, hạnh phúc! Câu niệm Lục tự đại minh thần chú luôn luôn ở trong tâm thức của tôi trên mọi hành trình gian nan! Tôi về đến Darchen trong sự hoan hỉ sâu sắc khi gặp lại  tất cả các anh chị em trong đoàn, những người giờ đây đã trở thành gia đình tâm linh của tôi, đều bình an và mạnh khỏe.
Dù chưa trọn một vòng kora quanh Ngân Sơn, tôi tin rằng mình đã thực hiện một vòng Kora trong tâm. Thời gian lưu lại Tây tạng, đặc biệt là tại hồ Manasarovar và Ngân Sơn là một trải nghiệm tâm linh cao quý đối với một tín đồ hành hương như tôi. Lạt Ma Govinda đã rất đúng khi nói rằng đây là một hành trình tâm linh, một hành trình của niềm tin và lòng kính ngưỡng sâu sắc!
Kết thúc bài viết này, trời Sài gòn đã về chiều. Hoàng hôn chếch vào cửa sổ một màu cam chói sáng, đậm đến lạ lùng. Tôi mở cửa số ngắm nhìn hoàng hôn Sài gòn, kỳ lạ thay! Chưa bao giờ bầu trời đẹp đến thế. Tôi bỗng thấy nhớ da diết những ngày rong ruổi trên những bình nguyên bao la của xứ Tạng buổi hoàng hôn chiều tà, cũng cái nắng màu cam đậm da diết phủ lên các ngọn núi, sông hồ và thảo nguyên….Phải chăng trong một tiền kiếp nào đó, Tây Tạng đã từng là nhà của tôi?

Sài gòn ngày 9/6/2013


Bút ký: Ngân Sơn Kailash - Vạn Dặm Không Mây (Phần I)

Xin cảm ơn Sư huynh Trịnh Thanh Cường, người đã chỉ dạy cho tôi những kiến thức Phật giáo uyên thâm trước và trong chuyến hành hương đến Tây Tạng. Xin cảm ơn chị Huỳnh Hồng Hải đã tổ chức chuyến đi thành công viên mãn cho chúng tôi . Xin cảm ơn các anh chị em trong đoàn hành hương, những người đã trở thành gia đình tâm linh của tôi sau chuyến hành cước Ngân Sơn!

Đường tới Lhasa
Không một ai đặt chân vào Tây Tạng mà không chịu ảnh hưởng của nó, và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp một khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn…”
Lama Govinda Anagarika.
 
Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Gunggar, Lhasa vào một buổi sáng tháng Năm trong veo, mát rượi. Tây Tạng đây rồi ư? Xứ Tuyết mênh mang huyền ảo trong giấc mơ bấy lâu nay của tôi đây rồi ư? Phải mất một vài phút định thần tôi mới thực sự tin rằng bàn chân mình đang đứng trên Xứ Tuyết!  Phải chăng các Chư Phật và chư Bồ Tát đã đọc được giấc mơ hàng đêm của kẻ hành hương nhỏ bé và trợ duyên cho tôi sớm đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng đầy huyền bí này.
Tôi lặng lẽ ngắm nhìn bầu trời trong và xanh, những con đường ngút tầm mắt uốn lượn dọc theo dãy núi Chuwaru hùng vĩ ôm trọn thị trấn Gunggar. Thật bất ngờ về chất lượng tuyệt hảo của đường xá nơi đây, chiếc xe buýt của chúng tôi chạy bon bon trên đường, 2 bên chập chùng núi đồi và thảo nguyên lấp lóa dưới ánh nắng trong suốt của mặt trời xứ tuyết. Chạnh lòng nghĩ đến con đường chông gai mà Lạt ma Govinda Anagarika phải vượt qua cách đây hơn 65 năm khi tìm đường vào Tây Tạng tầm sư cầu đạo và đảnh lễ Ngân Sơn. Ông đã phải trải qua muôn vàn khó khăn thách thức về đường xá, thời tiết, có những lúc tưởng đã gần kề cái chết. Tác phẩm “Đường Mây Qua Xứ Tuyết” của ông đã trở thành cảm hứng mãnh liệt cho tôi và cũng là một trong những lý do thôi thúc tôi đến Tây Tạng dù có thể phải trả giá bằng những cơn đau đầu dữ dội, những ngón tay, chân thâm tím vì thiếu dưỡng khí, chảy máu cam liên tục hay tệ hơn thế nữa…
Thị trấn Gunggar nằm ngay trong lưu vực sông Yarlung Tsangpo, một trong bốn con sông thiêng bắt nguồn từ rặng Himalaya hùng vĩ và được mệnh danh là “Everest của những con sông” vì chiều dài và độ cao đáng nể của nó. Từ sân bay về đến thủ đô Lhasa, chúng tôi sẽ đi ngang qua con sông này. Tôi cảm thấy nghẹt thở trước vẻ đẹp lộng lẫy của dãy Chuwaru và sông Yarlung Tsangpo, núi và sông hòa quyện vào nhau phản chiếu bầu trời xanh thăm thẳm lác đác những đám mây trôi bồng bềnh. Nắng vàng ươm trải dài trên những sườn núi phía Đông dọc theo con đường tôi đi qua. Chưa thấy các đỉnh núi phủ tuyết, có lẽ vì bây giờ đang là mùa xuân và tuyết cũng đã tan dần ở độ cao 3,600m? Lúc đó, tôi chưa hay biết rằng những ngày tới đây, mình sẽ còn nghẹt thở nhiều lần nữa trên đoạn đường hành hương dài hơn 1,300 km từ Lhasa đến núi thiêng Ngân Sơn Kailash. Quả thật, chỉ khi đặt chân đến nơi đây, tôi mới hiểu được sự giới hạn của ngôn ngữ khi phải diễn đạt vẻ đẹp không bút nào tả xiết của thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ nơi Xứ Tuyết.
Vạn dặm sơn thủy xứ Tạng

Chúng tôi lưu lại thủ đô Lhasa 2 ngày để chuẩn bị sức khỏe cho hành trình dài sắp tới – Hành trình hướng về Ngân Sơn Kailash, mục đích lớn nhất của chuyến hành hương lần này!. Các cuộc viếng thăm những cổ viện nổi tiếng ở Lhasa như chùa JoKhang, tu viện Sera, tu viện Drepung và nhất là Cung Potala để lại trong tôi nhiều cảm khái nội tại, buồn vui lẫn lộn. Vui vì sau nhiều năm mong nguyện, tôi và các anh chị em đạo hữu đã đủ thuận duyên để bước chân chiêm bái một số trong những tu viện lừng danh nhất của Tây Tạng, những nơi lưu giữ nhiều pho tượng Phật nổi tiếng cũng như những điển tích Phật giáo Mật tông lâu đời và thiêng liêng nhất, những nơi lưu giữ kinh sách giáo pháp Mật tông từ nhiều thế kỷ trước mà khi nhìn thấy, tôi chỉ biết quỳ sụp xuống trong sự ngưỡng kính khôn tả xiết. Nước mắt tôi chảy vòng quanh trong nỗi buồn xa xăm khi biết rằng những tu viện lẫy lừng này trong quá khứ đã từng đào tạo hàng trăm ngàn tăng sĩ qua nhiều thế kỷ, nay chỉ còn vài trăm vị tăng. Tôi bỗng nhớ da diết nụ cười hiền hòa của Đức Dalai Lama  XIV khi Ngài giảng Pháp ở Dharamsala, Ấn Độ rồi cứ hình dung Ngài đang ngồi ở đâu đó, trong cung Potala, trên chiếc ghế gỗ giản dị, người hơi lắc qua lắc lại trong tư thế quen thuộc của Ngài, mỉm cười vẫy chào chúng tôi. Mỗi bước chân đi trong cung điện Potala, từng ngõ ngách, từng căn phòng, tôi lại tưởng tượng các tu sĩ và lạt ma Tây Tạng trong những chiếc tăng bào màu đỏ thẫm đang lướt qua trước mắt, uy nghi, đầy oai lực. Giá như tôi có thể nhìn thấy họ bằng xương bằng thịt! Giá như tôi có thể diện kiến Đức Dalai Lama XIV trong chính ngôi nhà của Ngài!  Mọi thứ đều y nguyên, phòng đọc sách, phòng tiếp khách, nơi thiền định của của Ngài… mọi thứ đều có ở đó, nguyên vẹn nhưng cô tịch vì vắng bóng chủ nhân từ rất lâu rồi!

Từ Lhasa đến hồ thiêng Manasarovar
Chia tay Lhasa, tôi ngoái đầu nhìn lại Cung điện Potala một lần nữa, thẫn thờ! Potala đứng đó, hùng vĩ, oai nghiêm và chẳng liên quan nhiều đến phần còn lại của Lhasa, thành phố đã bị Hán hóa với quá nhiều nhà cửa bê tông cốt thép, nơi các cửa hàng, quán xá đều chưng bảng hiệu chữ Hán to tướng với chữ Tạng khép nép bé nhỏ nằm ở bên dưới!
Con đường từ Lhasa đến Ngân sơn chia làm 3 chặng. Như vậy có nghĩa là chúng tôi sẽ mất 3 ngày di chuyển trên đường với chiều dài tổng cộng khoảng 1,330km ở độ cao tối thiểu là 3,900m. Tuy nhiên đường đến Ngân Sơn thơ mộng như lạc vào cõi chư thiên nên hầu như chẳng ai quan ngại lắm về chiều dài của chặng đường. Mọi người đều hướng về núi thiêng Ngân Sơn đang vẫy gọi.
Sông băng
Chặng đầu tiên là Lhasa – Shigatse, 270km. Mặc dù Shigatse chỉ cao hơn Lhasa 300m nhưng để đến được thành phố này, có những lúc chúng tôi phải vượt qua những ngọn đèo cao gần 5,000m. Phong cảnh trên chặng đường này quả là tráng lệ đến nghẹt thở. Những con đường bê tông uốn chạy quấn quít xung quanh các ngọn núi phủ băng tuyết hùng vĩ... Hàng trăm cây số, chỉ có núi tiếp núi, mây tiếp mây. Chiếc xe của chúng tôi trở nên bé nhỏ như xe đồ chơi trong Xứ Tuyết. Ở những chốn như thế này, bỗng thấy con người quả là nhỏ bé li ti, kiếp người thật là ngắn ngủi và chật hẹp! Và kia rồi, những ngọn núi phủ băng tuyết vĩnh cửu đã hiện ra đằng xa, trắng lóa dưới ánh sáng mặt trời, trắng đến mức máy ảnh không thể phân biệt được đâu là tuyết và đâu là màu mây. Phía trên bầu trời, tuyết và mây trắng quyện lẫn với nhau trên các núi băng vĩnh cửu, phía dưới con đường, các dòng sông băng trắng xóa còn chưa kịp tan tạo thành một không gian huyễn ảo. Hơn lúc nào hết, tôi bắt đầu hiểu vì sao Lạt ma Govinda gọi Tây Tạng là “những con đường mây trắng”, vì sao những dòng hồi ký ông viết ra lại quá đẹp và nên thơ khiến lòng tôi cứ ngẩn ngơ thẫn thờ! Phải, giờ đây chính tôi đang đi trên những con đường như thế, chính tôi được trải nghiệm những cảm giác như ông diễn tả. Biết đâu những con đường tôi đang đi đã từng in dấu chân người tu sĩ mộ đạo Govinda Anagarika?
Cành hoa dại bên đường
Hồ Yamdrok là một hồ thiêng không thể bỏ qua trên hành trình đến Shigatse. Tôi có cảm giác Yamdrok chính là tiền đề của hồ thiêng Manasarovar mà 2 ngày sau tôi được tận mắt diện kiến bởi vì nước hồ quá trong xanh và phẳng lặng. Yamdrok như một dải lụa xanh thẳm, mịn màng uốn mình một cách khẽ khàng và dịu dàng qua các triền núi uy nghiêm. Khi chúng tôi đến, tuyết trên các ngọn núi đang tan, không khí lạnh buốt tê cóng nhưng trong lành vô cùng. Chúng tôi đang ở độ cao khá ấn tượng: 4,677m so với mặt nước biển. Tôi cảm thấy khá tỉnh giác mặc dù độ cao này có thể làm nhiều người không còn cất bước nổi. Trong không gian bao la và tĩnh lặng này, trí tưởng tượng của tôi lại bay bổng. Tôi bỗng nhớ đến bài thơ “Tuyết trên Sông” của Liễu Tông Nguyên, một thi tăng đời Trung Đường:
“Ngàn non bặt cánh chim bay
Lối mòn vạn nẻo quạnh hiu bóng người
Ngư ông nón lá tả tơi
Tuyết rơi sông lạnh ngồi câu một mình”
Phong cảnh hồ Yamdrok cũng thơ mộng như một bài thơ. Giữa không gian bao la, trên bờ hồ lạnh giá cô tịch này, ước gì tôi nhìn thấy một vị ẩn tu đang lững thững xuống hồ ngồi câu và cảm khái một bài thơ thiền!
Hồ Yamdrok
Cung đường từ Shigatse đi Saga và từ Saga đến thị trấn Darchen dưới chân núi thiêng Ngân Sơn cũng không kém phần thi vị. Tổng chiều dài của đoạn đường là gần 1,060km, độ cao trung bình khoảng hơn 4,000m. Khác với cung đường Lhasa - Shigatse với con đường đèo cao chót vót, ngoằn ngoèo, hiểm trở, nhiều khúc cua khuỷu tay rất gắt, cung đường Shigatse – Saga – Darchen hiền hòa hơn nhiều, đường cái quan bằng phẳng chạy xuyên giữa vô số hồ nước trong vắt, các thảo nguyên mênh mông bạt ngàn, xa ngút tầm mắt được bao bọc bởi những rặng núi trầm mặc, phủ tuyết trắng phau, trùng trùng điệp điệp tận chân trời. Tôi chiêm ngưỡng các đàn bò Yak ung dung gặm cỏ, dê, cừu hồn nhiên chạy lăng xăng trong một phong cảnh thiên nhiên hoang sơ và khuyến rũ đến lạ lùng.
Tại đây, tôi hoàn toàn hiểu được vì sao trong bút ký “Đường Xa Nắng Mới”, tác giả Nguyễn Tường Bách đã phải thốt lên rằng: “Đi trên con đường này, khách cứ ngoảnh qua ngoảnh lại để ngắm thác trên sườn núi, mắt mở lớn để thu nhận một vùng đất trời không thuộc về thế giới con người và tâm bồi hồi biết đây chỉ là quang cảnh tạm thời của đời mình.” Anh lái xe người Tạng thỉnh thoảng ngân nga vài bài hát Tạng cho chúng tôi nghe, rồi anh bật đài phát thanh ca nhạc tiếng Tạng, thỉnh thoảng anh nhún nhảy theo điệu nhạc làm chúng tôi bật cười vui lây. Chúng tôi à ơi hát theo anh dù chẳng hiểu một chữ Tạng nào! Trong khung cảnh thiên nhiên như thế, những giai điệu sinh động của người Tạng đã trở thành một phần không phai nhòa, mãi hằn in trong ký ức một kẻ hành hương!
Hồ thiêng Manasarovar - trong xanh đến bàng hoàng
Điểm đến mà chúng tôi nôn nao chờ đợi nhất trước khi chiêm bái Ngân Sơn chính là hồ thiêng Manasarovar ở độ cao 4,556m. Hồ có diện tích khoảng hơn 400km vuông, chu vi khoảng 88km, chỗ sâu nhất khoảng 90m. Manasarovar là một trong những hồ có trữ lượng nước ngọt lớn nhất Tây Tạng. Tiếc là lần này chúng tôi không có đủ thời gian để thực hiện Kora quanh hồ và thăm viếng vô số các cổ viện lân cận. Trước khi đến Manasarovar, chúng tôi còn có dịp đến thăm hồ Rakshastal, được xem là hồ “chị em sinh đôi” với Manasarovar. Rakshastal còn được gọi là hồ quỷ hay hồ dạ xoa vì những âm khí và năng lượng xấu được tin là phát sinh từ nó. Mặc dù thế, phong cảnh xung quanh Rakshastal diễm lệ không thua kém gì Manasarovar. Tuyết trắng đóng băng bạt ngàn trên hồ và các đỉnh núi xung quanh, bầu trời màu xám nhạt, lạnh lẽo!…Đến Rakshastal, tôi có cảm giác như mình đang ở mùa đông âm u phương Bắc! Điều kỳ lạ nhất mà tôi chưa giải thích được là mặc dù Manasarovar và Rakshastal chỉ cách nhau một rẻo đất nhỏ và thông được với nhau qua kênh Ganga Chhu, nhưng nước hồ quỷ thì đóng băng trắng xóa còn nước hồ Manasarovar lại trong xanh đến bàng hoàng. Cùng một vị trí địa lý, một điều kiện thời tiết, vì sao có thể xảy ra hiện tượng lạ lùng này?
Đứng ở hồ thiêng Manasarovar, tôi đã thấy Ngân Sơn thấp thoáng hiện ra trong tầm mắt. Chì một ngày nữa thôi, chúng tôi sẽ đến gần Ngân Sơn hơn và sẽ có một chuyến hành cước đảnh lễ ngọn núi thiêng này! 

Bình minh trên hồ Manasarovar

 Ngắm Manasarovar vào buổi bình minh và hoàng hôn là một may mắn lớn của đời người hành hương. Người ta tin rằng nước hồ Manasarovar linh thiêng có thể tẩy sạch và tiêu trừ mọi nghiệp lực tối tăm nếu các tín đồ hành hương đắm mình trong dòng nước trong xanh này. Nước hồ trong đến mức có thể nhìn thấy những chú cá nhỏ xíu bơi lội tung tăng và những viên sỏi bẹt nằm bên dưới! Khi bình mình xuất hiện, bầu trời ửng hồng đằng sau rặng núi tuyết trắng phau. Trên bờ hồ, nhiều tín đồ lặng lẽ ngồi thiền định hoặc đang âm thầm chuẩn bị cho một cuộc thanh tẩy nghiệp chướng trên dòng nước biếc. Rồi bầu trời sáng dần lên, trong xanh lạ lùng, từng đàn chim trời vỗ cánh bay lượn trên mặt hồ tĩnh lặng và lướt qua Tu viện Chiu Gompa trên núi cao, nơi được tin là Guru Padmasambhava (Liên Hoa Sinh) đã từng tu tập và thiền định phép tu Kim Cương Thừa với vị phối ngẫu của ngài là vị Không Hành Nữ Yeshe Tsogyel. Không gian linh thiêng của tu viện cũng như của hồ thiêng đã bao phủ lấy tôi, tiếp cho tôi thêm sức mạnh tâm linh để thực hiện chuyến hành cước của mình. Tôi ngước nhìn bình minh, bầu trời cao xanh rỗng lặng, sao lòng thanh thản khác lạ, thầm thì tôi nhẩm đọc lại một đoản khúc thơ của Thiền sư Hoàng Trí Chánh Giác (1091 -1157), một trong những đoạn yêu thích nhất của tôi:
“Giống như giấc mơ của một con sếu bay trong không gian trống rỗng
Giống như nước sáng, lặng của hồ thu
Những kiếp vô cùng tan trong khoảng không
Mỗi cái không phân biệt với cái khác.”
Chia tay nơi đây, biết bao giờ có dịp trở lại? Thầm mong nguyện rằng một ngày nào đó không xa, bàn chân lầm lũi âm thầm của kẻ hành hương sẽ quay lại nơi này, lặng lẽ bước đi quanh hồ thiêng bao la, đắm chìm trong cái rỗng lặng uyên nguyên của không gian và cảnh vật xung quanh, nghiền ngẫm cái vô thường của cuộc đời, cái huyễn của mọi pháp trên thế gian này! Tôi cúi nhặt 2 viên sỏi nhỏ trên bờ hồ Manasarovar mang về làm kỷ niệm, nhắc mình một dấu tích đáng ghi nhớ trong đời về chuyến hành hương đầy ý nghĩa này.
(Hết phần I)

Chậm lại một chút!

Cuộc sống thành thị bận rộn đến điên cuồng không cho người ta nghĩ đến thực tại. Người thì nuối tiếc hoặc hằn học quá khứ, người thì mải mê toan tính cho tương lai. Hiện tại là cái gì? Chẳng ai biết vì có ai màng đến nó đâu.
Các bài học về chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia chỉ dạy cho các “executive” của họ cách xây dựng tầm nhìn cho doanh nghiệp, chằng ai dạy họ cách xây dựng tầm nhìn cho cuộc đời của chính họ. Tầm nhìn được xác định ít nhất là 5 năm mới được gọi là nhìn xa. Người ta tung hô những người có tầm nhìn xa nên tất cả mọi người đều cố gắng nhìn xa để được tung hô.
Tội nghiệp cho hiện tại, chẳng ai buồn nghĩ đến nó. Người ta ăn nhanh, uống nhanh, thở nhanh, đi nhanh, nói nhanh, làm nhanh. Nhanh đến mức ít ai nhớ ra mình ăn gì, uống gì, nói gì, làm gì nữa. Lối sống chậm được dán mác cho những kẻ đần độn, chậm trễ với thời cuộc. 
Kiếp sau, xin cho hắn sinh ra ở một nơi mà hắn có thể thở chậm rãi trong rừng thông, nhấm nháp một ly cà phê và thưởng thức hương vị của nó đến giọt cuối mà không cần phải nghĩ sẽ làm gì tiếp theo. Hãy cho hắn thời gian ngắm nhìn những ngọn núi hùng vĩ còn phủ tuyết vào mùa xuân, những dòng sông trong suốt chứa đựng cả bầu trời. Hãy cho hắn một đời sống đơn giản để hắn có nhiều thời gian nằm trên cánh đồng hoa và ngước nhìn bầu trời đầy sao …

Đối Trị Sân Hận - Bài giảng của Lama Zopa


Đối Trị Sân Hận

Chân Như chuyển Việt ngữ


Trong buổi Pháp đàm tại Thiền viện Vajrapani, Boulder Creek, California ngày 23 tháng Năm, 1997, Lama Zopa Rinpoche đã hướng dẫn nhiều phương pháp đối trị sân hận – sân hận của bản thân và sân hận của người khác hướng về mình. Thuyết giảng của Ngài sau đó được đăng trên  tập san Mandala, một tạp chí của FPMT, số tháng Bảy- tháng Tám, 1997.
Tánh Không là phương thuốc đối trị mọi căn nguyên của các vọng tưởng – vô minh, vì thế mọi vọng tưởng sẽ bị diệt trừ. Tại thời điểm chúng ta quán tưởng tánh Không thì sân hận sẽ ngưng khởi phát. Sân hận phát sinh khi chúng ta chấp thủ vào tự ngã giả tạm, những sự vật giả tạm - những thứ không hiện hữu. Vì thế khi quán tưởng tánh Không trên tự ngã, trên các sự vật, ta sẽ thấy không có cơ sở cho sân hận khởi phát. Đó chính là liều thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất. Nếu sân hận tiếp tục xuất hiện thì đó là vì không có sự đều đặn liên tục trong hành thiền, quán tưởng và chánh niệm. Vấn đề là chúng ta phải ghi nhớ được phương pháp hành thiền. Một khi bạn ghi nhớ được, nó sẽ vô cùng hiệu nghiệm. Khi không để ý phương pháp này, vọng niệm, sân hận v.v.. sẽ khởi sinh và sai xử bạn.
Một điều tôi hay nhắc mọi người là hãy suy nghiệm về nghiệp quả. Đức Đạt Lai Lạt Ma thường dạy rằng Phật tử không tin vào một Đấng Thượng Đế nào cả. Triết thuyết Phật giáo cơ bản này giúp chúng ta luôn ghi nhớ rằng không có một tâm thức tách biệt nào bên ngoài tâm thức của chính ta kiến tạo nên cuộc đời ta, kiến tạo nên nghiệp quả của ta cả. Tất cả những việc gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là từ chính tâm thức của ta. Ngũ uẩn, các giác quan, các cảm thọ, vui, buồn v.v.., tất cả thế giới này được tạo ra từ tâm thức. Vết hằn của các nghiệp quả trong quá khứ, thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp vốn hiện hữu trong tâm thức chúng ta sẽ hiện hữu trở lại. Những dấu vết nghiệp quả quay lại thân người với các giác quan, ngũ uẩn, các cảm thọ, tất cả những  gì hiện thị ở đời này, đều bắt nguồn từ tâm thức, hay nghiệp quả của chúng ta.
Nếu sự quán tưởng của bạn về tánh Không chưa hiệu quả thì giáo lý về nghiệp quả sẽ vô cùng mạnh mẽ đối với những người thế tục. Khi quán về nghiệp quả, sẽ không còn cứ điểm nào trong tâm để sân hận nổi lên vì chẳng có cái gì tồn tại đề đổ tội trách cứ cả. Suy nghiệm về nghiệp quả tức là thực hành giáo lý căn bản của Phật giáo cho rằng không tồn tại một đấng sáng tạo nào ngoài chính tâm thức của mình. Đó không chỉ là một triết lý mà còn là một phương pháp vô cùng pháp mạnh mẽ. Sân hận được tạo tác dựa trên niềm tin vào một đấng sáng tạo. Ai đó đã tạo ra vấn đề này, chuyện này xảy ra là vì người nọ, người kia. Trong cuộc sống hàng ngày, khi có chuyện này chuyện kia xảy ra, thay vì thực hành triết lý không có người tạo tác vấn đề thì chúng ta lại hành xử như thể có người tạo tác, rằng kẻ nào đó đã gây ra vấn đề này. Ngay cả khi chúng ta không sử dụng chữ “Trời”, chúng ta vẫn tin rằng vấn đề này kia nảy sinh là do một ai đó gây ra. Khoảnh khắc mà bạn suy nghiệm về nghiệp quả và nhận ra rằng không có ai tạo tác cả, thì sẽ không có cơ sở nảy sinh sân hận.
Chúng ta cần nghĩ như thế này: trong quá khứ, tôi đã gây hại cho một chúng sanh hữu tình nào đó, vì thế trong đời này một ai đó sẽ gây hại cho tôi. Khi nổi cơn sân hận, bạn cho rằng mình được quyền gây hại người khác nhưng người khác không được gây hại cho mình. Như thế rất vô lý. Như thế theo cách nghĩ ngày, chẳng khác nào bạn nói: “Tôi đáng được nhận cái hại này lắm”.
Một cách khác là sử dụng tình huống này để phát triển lòng từ bi: Tôi gánh lấy cái hại này là vì nghiệp quả của tôi. Ai khởi ra những việc này? Không phải người nào khác khởi mà chính là do các hành vi của tôi. Tôi đã từng có hành vi bất thiện với những chúng sanh hữu tình nào đó trong quá khứ và đó là lý do vì sao tôi bị đối xử lại như vậy; Nghiệp quả của tôi đã xui khiến người khác gây hại cho tôi ở đời này. Và ở đời này, khi tái sinh vào cõi người, người đó gây hại lại cho tôi vì một hành vi bất thiện nào đó tôi đã khởi lên trong quá khứ. Nhưng vì gây tổn hại cho tôi, họ lại tạo ra những ác nghiệp khác nên sẽ không được tái sinh vào cõi người mà bị đọa sinh vào các cõi giới thấp kém hơn.
Bằng cách này, bạn đang áp dụng các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống để phát tâm Bồ Đề. Điều này có nghĩa là khi một ai đó có thể phát triển toàn bộ con đường giác ngộ Đại thừa, gồm cả sáu hạnh Ba la mật, dù đó là con đường Kinh điển hay Mật điển, người đó có thể tận diệt được những tà kiến trong tâm và thành tựu giác ngộ viên mãn. Nhờ lòng bi mẫn của người đó, bạn có thể phát khởi tâm từ bi, giải thoát chúng sanh hữu tình khỏi phiền não khổ đau, mang đến sự giác ngộ và hạnh phúc viên mãn cho họ.
Một ai đó cũng có thể nghĩ theo cách này: bằng cách thực hành tâm từ bi cho một người, ta cũng có thể phát khởi tâm từ bi đến cho tất cả chúng sinh hữu tình. Con người ấy từ bi cao quý ấy đang giúp ta ngưng làm tổn hại đến các chúng sinh hữu tình, và trên hết, nhận được sự trợ giúp từ ta. Vì ta không làm hại người khác nên an lạc, hạnh phúc sẽ đến với ta; và vì nhận được sự giúp đỡ của ta, các chúng sinh khác cũng có an lạc và hạnh phúc. Toàn bộ niềm an lạc, hạnh phúc mà bạn có thể dâng hiến cho các chúng sinh hữu tình đến từ chính con người đó.
Tương tự, bạn cũng có thể huân tập sự nhẫn nhịn theo cách này để chấm dứt sân hận. Trong lời  khuyên của Đức Kadampas, có sáu phương pháp thực hành hạnh nhẫn nhục. Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết lúc này. Đó là những lời khuyên chí tình phải ghi nhớ, phải ghi chép xuống để thực hành.
Một điều rất hay nữa mà Ngài Pabongka Rinpoche đã giải thích trong quyển “Giải Thoát Trong Lòng Tay”: nhìn chung, chúng ta không nổi giận với cây gậy mà người ta dùng để đánh ta. Cây gậy là một công cụ do người khác điều khiển, vì vậy nổi giận với cây gậy là điều ngớ ngẩn. Tương tự, thân, khẩu, ý của một người hoàn toàn bị cơn giận dữ, các vọng tưởng sai xử.  Thân, khẩu, ý của người đó trở thành kẻ nô lệ, được sử dụng như một công cụ của sân hận. Người nổi sân hận hoàn toàn không có tự do. Vì vậy, khi họ không có tự do, ta nên xem họ là đối tượng của lòng từ bi. Không những thế, ta phải tự xem mình có trách nhiệm xoa dịu sân hận của họ. Nếu bạn không thể làm gì được nữa thì hãy thỉnh cầu Phật, Pháp và Tăng giúp họ xoa dịu cơn giận.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giảng giải thiền định về lòng từ bi của người khác, về việc xem họ cũng quý giá như Đạo pháp, như Đức Phật, như Đạo sư, nhân từ như Đức Phật, như Đạo sư. Đúc kết lại rằng, nếu không ai khởi sân hận lên với ta, thì ta không bao giờ học được đức tính nhẫn nhịn. Nếu ai cũng yêu thương ta thì ta không bao giờ phát triển được hạnh nhẫn nhục quý báu. Vì thế có một nhu cầu thiết yếu trong cuộc đời là ai đó khởi lòng sân hận với ta. Sự sân hận đó không quý báu đối với họ nhưng vô cùng quý báu đối với ta.
Có ai đó yêu thương mình là điều quý giá, nhưng còn quý giá hơn nếu có ai đó sân hận mình.  Bạn sẽ thấy, người yêu thương bạn sẽ không giúp bạn làm lợi lạc cho vô số chúng sinh hữu tình hoặc thực hành toàn bộ đạo lộ đến giác ngộ. Những người đó rất quý giá với tôi bởi vì họ sân hận các bạn. Sân hận của họ như một viên ngọc ước đối với bạn đấy!
Giận dữ sẽ phá hủy công phu tu tập, phá hủy hạnh phúc của bạn không chỉ một ngày ngắn ngủi mà là dài hạn. Trong “Nhập Bồ Tát Hạnh” có nói: một lần nổi sân hận có thể kéo lùi sự chứng ngộ cả ngàn kiếp. Sân hận là một cản trở lớn, đặc biệt đối với sự thực hành Bồ đề tâm. Do vậy, vì người này nổi sân hận với tôi, tôi có thể phát triển được hạnh nhẫn nhục và vượt qua được cơn giận của chính mình, thành tựu con đường giác ngộ viên mãn. Các bạn sẽ hoàn tất được hai loại công đức: chấm dứt mọi cấu uế, chướng ngại để thành tựu giác ngộ, đồng thời giải thoát chúng sinh hữu tình, dẫn họ đến bờ giác.

Chuỗi Tràng Hạt




Cầm lên một tràng chuỗi niệm Phật, và lập tức bạn sẽ cảm thấy ngay cái cảm giác rất dễ chịu trong tay mình.  Mà điều ấy cũng có mặt với tất cả mọi xâu chuỗi cầu nguyện trong những truyền thống tôn giáo khác.  Trước hết, đó là một cảm giác làm an dịu tâm hồn, mà dường như nó chỉ tăng lên khi những hạt chuỗi trở nên trơn láng và đậm màu hơn theo với thời gian sử dụng.  Và tiếp theo là cái biểu tượng của nó - một sự liên kết, nối liền với lại một truyền thống rất xa xưa.  Lần qua những hạt chuỗi trên tay là bạn đang tiếp xúc với lại một phương pháp thực tập cỗ truyền.  Những ngón tay của bạn đang nâng niu những hạt chuỗi ấy trong giây phút này, và mai sau, lại sẽ có những ngón tay khác tiếp nối công việc ấy, khi bạn đã đi rồi.
Tràng chuỗi cũng được xem như là một phần của chiếc y.  Nó được mang quanh cổ hoặc ở nơi tay, sau đầu tròn áo vuông thì xâu chuỗi cũng là một biểu tượng rõ rệt nhất của một người Phật tử, đặc biệt là cho các cư sĩ.  Lúc ban đầu, thật ra xâu chuỗi được sáng tạo ra là để cho người cư sĩ sử dụng.  Ngày nay ta thấy người tu sĩ cũng thường mang theo, nhưng thật ra nếu đi ngược lại nguồn gốc ta sẽ khám phá ra rằng, những tràng chuỗi là một phương cách giúp ta mang sự thực tập trong tu viện ra áp dụng vào một cuộc sống đầy giới hạn và thách thức ở ngoài đời.
Trong Phật giáo, những tràng chuỗi đầu tiên mục đích không phải là để cho các tu sĩ sử dụng.  Trong kinh có một câu truyện rất phổ biến về nguồn gốc của nó. "Có lần vua Vaidunya sai sứ giả đến thưa lên với Phật: “Lạy đức Thế-Tôn, nước chúng con là một nước vùng biên thuỳ, nhiều năm giặc giã, ngũ-cốc đắt đỏ, tật-dịch tràn lan, nhân dân đói khổ, chúng con thường không nằm yên được. Chúng con được biết Pháp-tạng của Như-Lai rất rộng rãi, sâu xa, đáng tiếc chúng con vì có những việc lo buồn như thế, nên không tu hành được. Chúng con kính mong đức Thế-Tôn đặc biệt rủ lòng thương xót chúng con, cho chúng con pháp-yếu gì, để chúng con ngày đêm có thể tu hành được dễ dàng và trong đời mai sau xa lìa được mọi khổ-não.”
Đức Phật bảo Sứ-giả về thưa với nhà vua rằng: nếu nhà vua muốn diệt được phiền-não-chướng, báo-chướng, nên xâu một chuỗi tràng một trăm tám hạt bằng hạt cây tra (mộc-hoạn-tử) và thường đem theo mình; khi đi, khi ngồi, khi nằm thường nên chí tâm, không phân tán ý, xưng danh hiệu: Phật, Pháp, Tăng già, mỗi lần là lần qua một hạt cây tra.  Cứ như thế, lần lượt qua hạt này đến hạt khác."  Và Phật dạy, nếu nhà vua cứ thực tập như vậy thì ngài sẽ chấm dứt được hết mọi phiền não.

Đó là câu truyện xưa nhất nói về nguồn gốc của tràng chuỗi, và rõ ràng là sự thực tập ấy có ý định dành cho những ai chưa buông bỏ được những lo âu, phiền muộn của một đời sống thế tục, chứ không phải dành cho các vị đang sống trong tăng đoàn của Phật.  Và sau này tràng chuỗi cũng được cả giới tu sĩ sử dụng, điều này có lẽ nói lên được cái năng lượng nhiệm mầu của chúng, có một công năng làm an dịu những lo âu của tất cả mọi người, dù chúng ta là tu sĩ hay cư sĩ.  Trong một buổi phỏng vấn, khi được hỏi, ngay chính đức Đạt Lai Lạt Ma cũng công nhận rằng Ngài cũng còn rất dính mắc với lại xâu chuỗi của Ngài!

Người ta sẽ nói với bạn rằng, những tràng chuỗi của họ là dùng để cầu nguyện - để tiếp nhận một quyền năng cao lớn hơn, tập trung tâm ý, để tu tập tâm linh.  Lẽ dĩ nhiên đó là một sự thật ta không hề chối cãi, nhưng nó không phải là mục đích chánh của xâu chuỗi.  Tràng chuỗi là cho những lo âu của ta.  Chúng đáp ứng cho một nhu cầu rất cơ bản của con người, mà thật ra nó còn có mặt trước một ý thức về tôn giáo nữa, đó là những lo âu của mình.  Xâu chuỗi của Phật giáo công nhận điều ấy.  Nó là một phương tiện giúp ta đối diện với những nỗi lo lắng của mình, nó phối hợp giữa một đức tin vào một cái gì huyền bí với lại những hành động lặp lại, giúp ta mang lại một sự an tĩnh cho thân và tâm.  Sự khác biệt giữa xâu chuỗi của Phật giáo và những tràng chuỗi của Tây phương chỉ đơn giản là các ý nghĩa và biểu tượng về những tràng hạt của nó mà thôi.
Một xâu chuỗi của Phật giáo thường gồm có 108 hạt, mỗi hạt tượng trưng cho một vô minh, một phiền não mang lại khổ đau cho đời người.  Người ta thường hỏi tôi về con số 108 này, mặc dù sự tính toán hơi rắc rối một chút, nhưng với cái nhìn của Phật giáo thì nó hoàn toàn rất có ý nghĩa.  Có sáu loại phiền não sanh lên khi ta tiếp xúc với các giác quan của mình, như là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.  Và những phiền não này được tiếp nối nhau qua ba thời là quá khứ, hiện tại và tương lai, và như vậy là ta có con số 18.  Nhân nó lên với hai trạng thái tâm thức, thiện và bất thiện, và rồi ta lại nhân thêm với ba loại cảm thọ phát sinh khi ta có sự tiếp xúc là lạc, khổ và vô ký - 6 x 3 x 2 x 3 - ta sẽ có con số 108.  Thật ra còn có nhiều cách khác nhau để tính ra con số ấy, nhưng đa số đều gần giống như nhau. 
Đối với một người Phật tử thì vô minh, một cái thấy không sáng tỏ, chính là nguyên nhân gốc của phiền não.  Những lo âu về tiền bạc hay sức khoẻ, nếu ta nhìn cho kỹ, thì thật ra chúng rất là vô ích.  Trên cuộc đời này sẽ không bao giờ ta có đủ tiền bạc hết, và sức khoẻ thì chắc chắn cuối cùng rồi cũng sẽ suy giảm, cho dù ta có làm gì đi chăng nữa!  Thông điệp không lời của tràng chuỗi Phật giáo là, "Đừng lo âu về những sự việc, hãy lo về vấn đề tại sao ta lúc nào cũng lo âu, và giải quyết ngay tận gốc rễ của nó."  Xâu chuỗi tự chính nó cũng là một giáo pháp.
Cho dù ta có sử dụng tràng chuỗi cho bất cứ một việc tụng niệm nào đi chăng nữa, nó bao giờ cũng tàng chứa những bài pháp rất trọn vẹn.  Trước hết, trong truyền thống đạo Phật, tràng chuỗi được giữ gìn và tôn kính như là một quyển kinh hay là y áo của một tu sĩ.  Điều này cũng rất dễ hiểu, vì ta sử dụng những tràng hạt để niệm danh hiệu Phật hoặc các câu chú, thường được xem như là tinh yếu của các bài kinh.  Và kế đến, khác với xâu chuỗi mân côi của Thiên chúa giáo, tràng chuỗi trong đạo Phật còn cốt ý để ta mang vào người khi không sử dụng.  Vì vậy tràng chuỗi cũng còn được xem như là một nhắc nhở, chúng ta đang được phủ che bằng chiếc áo chân lý của một con đường giải thoát.  Và rồi trong mỗi tràng chuỗi đều có một "hạt đạo sư" (guru bead).  Một hạt to, có ba lỗ, ở cuối tràng chuỗi, "hạt đạo sư" này cũng tương đương với lại chiếc thánh giá trên xâu chuỗi mân côi.  Nó tượng trưng cho vị đạo sư - và giáo pháp - mà chúng ta cứ tiếp tục quay trở về sau mỗi vòng chuỗi.
Trong truyền thống Phật giáo Bắc tông, ở cuối những buổi lễ, người ta thường đọc Bốn Lời Nguyện của một người tu.  Trong đó, lời nguyện thứ hai là Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.  Đó là một sự mâu thuẫn tuyệt vời, một công việc mà ta không thể nào hoàn tất được.  Nhưng tràng chuỗi đã làm sáng tỏ thêm, nó giúp ta thấy và hiểu rõ được điểm này, vì tràng chuỗi cũng là một vòng tròn bất tận.  Khi ta lần một vòng chuỗi, nó đều bắt đầu và chấm dứt với hạt đạo sư.  Theo đúng luật thì ta không bao giờ lần ngang qua hạt đạo sư này.  Thay vì vậy, nếu ta muốn lần thêm một vòng chuỗi nữa, thì ta phải dừng lại nơi hạt đạo sư ấy, và xoay chuỗi đếm lần ngược trở lại, và cứ như vậy mà ta tiếp tục.  Với sự thực tập ấy, ta cũng sẽ khám phá ra rằng phiền não thật sự là vô tận.  Chúng ta đang có mặt trong một cõi giới đầy phiền não, muốn vượt qua chúng, ta chỉ có một cách duy nhất là thoát ra khỏi nó.  Và khi thực hiện được điều ấy rồi, ta sẽ nhập vào được chung với một cảnh giới của các chư Phật.
Một vấn đề khá đặc biệt trong phương pháp lần chuỗi là những hạt chuỗi ấy không bao giờ đưa ta đến nơi đó.  Khi vừa sắp đến cảnh giới của Phật thì chúng ta dừng lại và quay ngược trở về.  Hành động ấy tuy đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc.  Mặc dù đức Phật đã chứng đạt được cảnh giới của Niết bàn, chấm dứt hết tất cả mọi phiền não, nhưng Ngài vẫn sống một đời giác ngộ như một con người bình thường, sống an lạc và thong dong giữa mọi chúng sinh khác trong thế giới.  Đức Phật là một bậc Như lai, Tathagata, có nghĩa là "Người đã đến như thế," chứ không phải là "người đã đi như thế."
Người Phật tử không bao giờ chối bỏ, trốn tránh hay muốn thoát ra khỏi cuộc đời này.  Chúng ta được dạy làm sao để mình thật sự có mặt và sống an lạc chung với tất cả.  Theo thuật ngữ của nhà Phật thì sự an lạc đó cũng được gọi là Tathagata, Như lai.  Như lai là một bậc đã giác ngộ như vậy đó, như thế đó, chứ không phải như một sự mong cầu riêng tư nào đó.  Ta không bao giờ trốn chạy đi đến một nơi nào khác hết.  Những phiền não, lo âu của lúc ban đầu tự chính nó cũng là sự giác ngộ ở lúc ban cuối.  Phiền não tức bồ đề.  Vì không hiểu được điều này mà ta cứ miệt mài theo đuổi một ngôi vị nào đó, một sự chứng đắc nào đó, để rồi khi gần đến nơi, ta bị bắt phải quay trở lại về với nơi mình đã đến.  Và cũng như thế, chúng ta tiếp nhận Phật pháp qua từng mỗi hạt chuỗi mình lần qua tay.
Đó là những bài học mà tràng chuỗi đã dạy cho tôi.  Ngày nay, sau bao nhiêu năm tháng thực tập, tiếp nhận giáo pháp qua lòng bàn tay của mình, thỉnh thoảng tôi cũng nhận thấy được giáo pháp ấy trong người khác.  Có một bà cụ người Tây tạng là mẹ của một người bạn, bà xa quê hương và đang ở gần nơi tôi sống.  Đi đâu bà cũng cười thật tươi và có nhiều hạnh phúc.  Bà bị một cái bướu rất lớn nơi cổ, nó sưng thật to và lộ hẳn trên chiếc cổ áo Tây tạng truyền thống của bà.  Lúc nào bà cũng lần một sâu chuỗi trên tay, và bao giờ bà cũng mĩm cười.  Bà không nói được tiếng Anh, nhưng mỗi khi tôi nhìn tay bà lần đến phía cuối sâu chuỗi, bà vui vẽ xoay ngược lại, và lần tiếp trở lại theo chiều kia, tôi có cảm nhận rằng bà đang an trú trong thế giới của mình, và dường như là bà đang nói lên rất to cho tất cả nghe. Buddha. Dharma. Sangha.  Tất cả pháp tạng đều có mặt nơi đó.  Lúc nào bà cũng mang theo cạnh bên.  Và những khi không mang nó theo, bà đeo nó trên tay áo của mình.


Clark Strand
Nguyễn Duy Nhiên  phỏng dịch




Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...