Một thiền sinh hỏi đạo sư: “Thưa thầy, con đau khổ vì người yêu ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán giận và thù ghét họ đây?”. Thầy đáp: “Con ngồi xuống tịnh tâm, hãy tha thứ hết cho họ.”
Vài hôm sau, người đệ tử trở lại và nói: “Con đã học cách tha thứ cho họ. Thật nhẹ lòng! Coi như xong!”. Thầy bảo: “Chưa xong! Con về tịnh tâm, mở hết lòng ra, yêu thương họ.”
Đệ tử gãi đầu: “Tha thứ thôi cũng quá khó khăn rôi, lại phải yêu thương họ thì… Thôi được, con sẽ cố gắng làm!”
Một thời gian sau, đệ tử quay lại vui vẻ khoe với thầy là đã làm được việc yêu thương những người đối xử tệ bạc với mình. Thầy gật đầu bảo: “Tốt, bây giờ con về tịnh tâm, hãy ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến bộ tâm linh như vậy.”
Một thời gian lâu sau đó, người đệ tử trở lại, hoan hỉ báo với thầy: “Con đã học yêu thương những người đối xử tệ với mình, và con cũng đã học cách ghi ơn họ đã cho con cơ hội học được lòng khoan dung độ lượng.!”
Thầy mỉm cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ?”
Đọc và suy ngẫm câu chuyện, ta thấy rằng khi biết tha thứ cho những người đã gây đau khổ cho mình, ta khởi tâm từ bi. Trên bước đường tu tập, ta nên cảm ơn những người đã tạo ra nghịch duyên để chúng ta có cơ hội thực hành các hạnh ba la mật mà trong đó hạnh nhẫn nhục và tâm từ bi là nền tảng của việc tu. Nếu lúc nào ta cũng mong cầu tất cả mọi người phải yêu quý mình, phải gặp nhiều thuận duyên thì ngã mạn sẽ được nuôi dưỡng và rồi dần dà ta đánh mất cơ hội tiến bộ tâm linh.
Trong một đoạn chia sẻ về lòng vị tha với một nhóm sinh viên đến từ Đại Học Redlands, California, Hoa Kỳ năm 2011 (Sau này được ghi lại trong tác phẩm “Tấm Lòng Cao Cả” - The Heart is Noble), Đức Karmapa XVII đã nói thế này: “Tôi cho rằng nuôi dưỡng thói quen tự thừa nhận lỗi lầm và tự tha thứ cho bản thân cũng là một cách để chúng ta luyện tập tha thứ cho người khác. Trong những lỗi lầm mà người khác tạo ra, có thể có những lỗi lầm đã gây tổn thương hoặc thậm chí gây hại cho bạn. Bạn mong muốn những người đó không đối xử như thế với mình, sự khoan dung của bạn có thể giúp họ từ bỏ cách ứng xử không tốt để trở thành một con người mới. Điều này không có nghĩa là bạn chấp nhận hành vi quá khứ của họ mà có nghĩa là bạn mong giúp tạo ra một tương lai mà họ sẽ không bao giờ phải xử sự tiêu cực như thế nữa. Cũng giống như việc tự thừa nhận những sai quấy của bản thân giúp ta không xem các hành động lầm lỗi với bản thân là một, từ đó bạn có thể phân định sự khác nhau giữa hành vi sai lầm của một người và chính người đó.
Để tha thứ cho một người làm bạn bị tổn thương, hãy quán xét rằng người đó đã bị những cảm xúc mạnh mẽ sai xử. Những cảm xúc điên cuồng có thể khiến người ta hành động điên cuồng. Khi rơi vào vòng cương tỏa của những cảm xúc mãnh liệt như thế, người ta có thể thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm – nguy hiểm cho người khác và cho chính mình. Khi nhận ra rằng những cảm xúc điên loạn đã sai xử người ta hành động như thế, bạn sẽ nhìn họ khác đi. Nếu nhìn rộng ra, bạn sẽ thấy rằng họ cũng chẳng được lợi lộc gì từ những hành vi đó và ở những lúc tỉnh táo hơn, họ sẽ không bao giờ hành động như thế…. Khi nhận ra rằng họ chỉ là nạn nhân của cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ dành chỗ cho cảm thông và thương yêu tăng trưởng. Tình thương mà bạn dành cho họ trước khi họ làm bạn tổn thương sẽ được đánh thức trở lại. Sau cùng, mong cầu nhìn thấy người khác được giải thoát khỏi khổ đau chính họ tạo ra sẽ lớn hơn chấp nhặt việc họ đã đối xử với bạn tệ như thế nào.
Chuyển hướng từ việc chỉ quan tâm lợi ích của bản thân đến quan tâm thực lòng lợi lích của những người khác có thể giúp ta chuyển hóa các mối quan hệ, và điều đó sẽ chuyển hóa chính chúng ta. Ta có thể trở thành người luôn vì người khác, luôn chia sẻ gánh nặng với người khác. Đây là một sự chuyển hóa rất giản đơn trong một nhân sinh quan giúp chuyển hướng hoàn toàn các mối quan hệ của bạn. Tôi cho rằng nhân sinh quan đó sẽ khởi sinh nhiều mối quan hệ vô cùng tốt đẹp.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét