Hận thù chẳng để làm gì
Matthew Flickstein, Gina Sharpe |Chân Như biên dịch|
Phương pháp đối trị hận thù là tâm vị tha độ lượng. Phần lớn mọi người đều cảm thấy hết sức khó khăn để tha thứ cho một ai
đó đã từng làm mình tổn thương nặng nề. Vì sao phải tha thứ cho họ? Cho dù đôi lúc chúng ta làm người khác tổn thương khi nổi điên với họ, nhưng hãy nhớ rằng bao
giờ chúng ta cũng là người chịu đau khổ thiệt thòi nhiều nhất khi khởi tâm sân hận.
Nuôi dưỡng hận thù cũng giống như gắp cục than nóng đỏ ném vào người khác – dù
có trúng người đó hay không, chúng ta bị bỏng trước. Vì không muốn nguôi ngoai
thù hận, cảm giác đó sẽ mắc kẹt mãi và thiêu đốt tâm ta.
Tha thứ không có nghĩa là quên đi. Khi tha thứ,
chúng ta vẫn khắc ghi bài học nằm lòng, nhưng không lưu giữ lại những nỗi
đau tinh thần đeo bám vào ký ức. Tha thứ không có nghĩa là chúng ta bỏ qua những
hành vi tồi tệ hay nguy hiểm của người khác, nó cũng không có nghĩa là chúng ta
phải từ bỏ công lý hoặc phải khước từ quyền được đối xử trân trọng hơn trong
tương lai.
Bạn có thể hỏi: “Tôi là ai mà phải tha thứ
cho người khác (hoặc cho chính mình) về những hành vi tồi tệ đã phạm phải trong
quá khứ? Sao tôi có quyền làm như vậy?” Quyền tha thứ chẳng qua là mặt bên kia
của quyền được phép nổi sân hận. Một người cũng có thể tự hỏi: “Tôi có quyền gì
để nổi giận như thế?” Đó là chọn lựa của mỗi người.
THỰC HÀNH LÒNG VỊ THA
Thực hành lòng
vị tha gồm ba phần: mong người khác tha thứ cho mình, tự tha thứ cho chính mình
và tha thứ cho những người đã làm mình tổn thương.
Đây không phải
là một thực hành bắt buộc, thế nên nếu bạn cảm thấy không muốn xin người khác
tha thứ thì không cần phải làm như vậy. Nếu nghĩ rằng bạn không thể tha thứ cho
chính mình, bạn có thể ngồi trong thinh lặng và tìm xem liệu có một khe hở nhỏ,
thậm chí rất nhỏ nhoi trong tim mình có thể cho phép những tia sáng li ti nhất rọi vào. Và nếu chúng ta cảm thấy không thể tha thứ cho người khác vì nghĩ rằng những lỗi lầm đó không thể nào tha thứ được, thì cũng hãy nhận biết điều này. Trong thực hành sự tha thứ, chúng ta chiêm nghiệm tất cả những cay đắng,
oán hận mình đang khư khư ôm giữ và chúng đang vận hành như thế nào trong tâm. Và nếu như có chút gì đó nhỏ nhoi mà bạn có thể tha thứ được, điều này rất
lợi ích. Đây là một quá trình sâu lắng, trải mở tâm tư, có khi mất cả đời để
hoàn tất.
Không nhất
thiết phải đưa ra một câu chuyện nghiêm trọng nhất khiến bạn không tài nào tha
thứ, bạn có thể chỉ cần xử lý một vài điều xúc phạm nho nhỏ. Hãy để tâm mình thực
hành sự tha thứ. Bạn sẽ bắt đầu với những điều không quá to tát và cho phép
trái tim mình thực hành. Cũng giống như chúng ta tập luyện cơ bắp vậy. Không
bao giờ chúng ta bắt đầu với quả tạ nặng 200 kg cả. Có thể ta chỉ bắt đầu với
vài cục tạ nhỏ và rèn luyện cơ bắp từ đó. Và rồi dần dần, cơ bắp ta đủ mạnh để
nâng những cục tạ ngày một nặng hơn. Cũng tương tự như thế, với thực hành
tha thứ, bạn nên bắt đầu tha thứ cho những sự việc nho nhỏ thôi. Hãy ngồi thinh lặng,
mắt khép lại và thở đều đặn. Hãy để thân và tâm buông thư. Cảm nhận sự kết nối của
bạn với thế giới xung quanh. Hít thở nhẹ nhàng xuyên suốt khắp toàn thân, đặc
biệt là hít thở vào trong trái tim bạn. Khi thở như thế, hãy cảm nhận tất cả những
rào cản bạn đã tự dựng lên và những cảm xúc bạn đã ôm giữ trong người vì không
tha thứ cho chính mình và cho người khác. Hãy để chính mình cảm nhận nỗi đau ôm
giữ một trái tim đóng chặt.
Tìm sư tha thứ từ người khác.
Khi bạn thực
hành thở vào trong tim mình và cảm nhận thấy nỗi đau ở đó, hãy thầm lập lại với
chính mình: “Tôi đã từng làm tổn thương
và tổn hại người khác cách này hay cách khác. Giờ đây hồi tưởng lại, tôi đã từng
phản bội, ruồng bỏ hoặc gây ra biết bao đau khổ, vô tình hay cố ý từ sự đau khổ,
sợ hãi hay nhầm lẫn của chính mình.” Hãy để bản thân bạn hoài niệm và hình
dung lại những lúc bạn làm tổn thương người khác. Nhìn nhận những đau đớn bạn
đã gây nên do sợ hãi và rối loạn. Cảm nhận rằng cuối cùng bạn có thể trút bỏ
gánh nặng này và xin được tha thứ. Dành nhiều thời gian cần thiết để hồi tưởng
lại gánh nặng ôm giữ trong tim bấy lâu nay. Và khi mỗi người xuất hiện trong
tâm trí bạn, hãy dịu dàng nói rằng: “Tôi
mong bạn tha thứ cho tôi” hoặc “Con
mong ba hãy tha thứ cho con.”
Tha
thứ cho chính mình.
Để tha thứ
cho chính mình, bạn hãy lặng lẽ lập lại câu sau: “Vì tôi đã từng gây ra đau khổ cho người khác, tôi cũng đã làm tổn
thương và tổn hại chính mình. Tôi đã phản bội, ruồng bỏ chính mình nhiều lần
trong ý nghĩ, lời nói, hành động dù vô tình hay cố ý.” Hãy nhắc nhở bản
thân những cách bạn đã từng tự làm tổn thương mình. Trải rộng sự lòng vị tha từng
hành động nguy hiểm mình gây ra. “Vì những cách tôi đã tổn thương chính mình
qua hành động hoặc ý nghĩ do sợ hãi, đau khổ, nhầm lẫn, giờ đây tôi trải rộng sự
tha thứ trọn vẹn và chân thành. Tôi tha thứ cho chính tôi. Tôi tha thứ cho
chính mình. Tha thứ cho chính mình.”
Tha thứ cho những người đã tổn
thương hoặc tổn hại mình.
Để
trải rộng tâm độ lượng đến những người đã làm tổn thương hoặc tổn hại mình, bạn hãy lập lại: “Tôi đã từng bị người khác
làm tổn thương, lợi dụng, ruồng bỏ theo nhiều cách khác nhau, do vô tình hay cố
ý qua lời nói, hành động và ý nghĩ.” Hãy hồi tưởng lại những lần bạn cảm thấy
bị tổn thương. Hãy nhớ những điều này. Chúng ta đã từng bị phản bội. Hãy hình
dung lại những kinh nghiệm đó và cảm nhận nỗi đau bạn đã ôm giữ bấy lâu trong
quá khứ. Và giờ đây, cảm nhận rằng có thể xả bỏ gánh nặng này bằng cách từ từ
trải rộng sự tha thứ khi tâm bạn đã sẵn sàng. Đừng ép uổng trái tim. Mọi tổn
thương không nhất thiết phải được tha thứ chỉ trong một lần ngồi chiêm nghiệm.
Mục đích chính là để rèn luyện những bài tập nhỏ những gì bạn nghĩ bạn đã sẵn
sàng tha thứ ngay lúc này. Nhẹ nhàng lập lại với chính mình: “Tôi nhớ lại mình đã bị tổn thương, tổn hại,
đau đớn và tôi biết rằng chúng xảy ra từ sự sợ hãi, đau đớn, sân hận và nhầm lẫn
của người khác. Tôi đã ôm giữ đau đớn này đủ lâu trong lòng. Trong mức độ có thể,
tôi tha thứ cho bạn. Bạn, người đã gây đau khổ cho tôi, tôi dành cho bạn sự tha
thứ chân thành. Tôi tha thứ cho bạn.”
Ba thực hành
lòng vị tha này có thể được lập lại nhẹ nhàng cho đến khi bạn cảm thấy có thể xả
bỏ được những gánh nặng trong lòng. Đối với những nỗi đau lớn hơn, có thể bạn
chưa cảm thấy nguôi ngoai. Bạn có thể phải trải nghiệm lại gánh nặng
của những căm giận mà bạn đang còn ôm giữ. Với trường hợp như thế, bạn hãy chạm vào nó
nhẹ nhàng thôi. Hãy bao dung với chính mình khi bạn chưa sẵn sàng xả bỏ và tha
thứ, rồi cứ tiếp tục thực hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét