Độ Lượng

Hận thù chẳng để làm gì
Matthew Flickstein, Gina Sharpe  |Chân Như biên dịch|



Phương pháp đối trị hận thù là tâm vị tha độ lượng. Phần lớn mọi người đều cảm thấy hết sức khó khăn để tha thứ cho một ai đó đã từng làm mình tổn thương nặng nề. Vì sao phải tha thứ cho họ? Cho dù đôi lúc chúng ta làm người khác tổn thương khi nổi điên với họ, nhưng hãy nhớ rằng bao giờ chúng ta cũng là người chịu đau khổ thiệt thòi nhiều nhất khi khởi tâm sân hận. Nuôi dưỡng hận thù cũng giống như gắp cục than nóng đỏ ném vào người khác – dù có trúng người đó hay không, chúng ta bị bỏng trước. Vì không muốn nguôi ngoai thù hận, cảm giác đó sẽ mắc kẹt mãi và thiêu đốt tâm ta.

Tha thứ không có nghĩa là quên đi. Khi tha thứ, chúng ta vẫn khắc ghi bài học nằm lòng, nhưng không lưu giữ lại những nỗi đau tinh thần đeo bám vào ký ức. Tha thứ không có nghĩa là chúng ta bỏ qua những hành vi tồi tệ hay nguy hiểm của người khác, nó cũng không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ công lý hoặc phải khước từ quyền được đối xử trân trọng hơn trong tương lai.

Bạn có thể hỏi: “Tôi là ai mà phải tha thứ cho người khác (hoặc cho chính mình) về những hành vi tồi tệ đã phạm phải trong quá khứ? Sao tôi có quyền làm như vậy?” Quyền tha thứ chẳng qua là mặt bên kia của quyền được phép nổi sân hận. Một người cũng có thể tự hỏi: “Tôi có quyền gì để nổi giận như thế?” Đó là chọn lựa của mỗi người.

THỰC HÀNH LÒNG VỊ THA

Thực hành lòng vị tha gồm ba phần: mong người khác tha thứ cho mình, tự tha thứ cho chính mình và tha thứ cho những người đã làm mình tổn thương.

Đây không phải là một thực hành bắt buộc, thế nên nếu bạn cảm thấy không muốn xin người khác tha thứ thì không cần phải làm như vậy. Nếu nghĩ rằng bạn không thể tha thứ cho chính mình, bạn có thể ngồi trong thinh lặng và tìm xem liệu có một khe hở nhỏ, thậm chí rất nhỏ nhoi trong tim mình có thể cho phép những tia sáng li ti nhất rọi vào. Và nếu chúng ta cảm thấy không thể tha thứ cho người khác vì nghĩ rằng những lỗi lầm đó không thể nào tha thứ được, thì cũng hãy nhận biết điều này. Trong thực hành sự tha thứ, chúng ta chiêm nghiệm tất cả những cay đắng, oán hận mình đang khư khư ôm giữ và chúng đang vận hành như thế nào trong tâm. Và nếu như có chút gì đó nhỏ nhoi mà bạn có thể tha thứ được, điều này rất lợi ích. Đây là một quá trình sâu lắng, trải mở tâm tư, có khi mất cả đời để hoàn tất.

Không nhất thiết phải đưa ra một câu chuyện nghiêm trọng nhất khiến bạn không tài nào tha thứ, bạn có thể chỉ cần xử lý một vài điều xúc phạm nho nhỏ. Hãy để tâm mình thực hành sự tha thứ. Bạn sẽ bắt đầu với những điều không quá to tát và cho phép trái tim mình thực hành. Cũng giống như chúng ta tập luyện cơ bắp vậy. Không bao giờ chúng ta bắt đầu với quả tạ nặng 200 kg cả. Có thể ta chỉ bắt đầu với vài cục tạ nhỏ và rèn luyện cơ bắp từ đó. Và rồi dần dần, cơ bắp ta đủ mạnh để nâng những cục tạ ngày một nặng hơn. Cũng tương tự như thế, với thực hành tha thứ, bạn nên bắt đầu tha thứ cho những sự việc nho nhỏ thôi. Hãy ngồi thinh lặng, mắt khép lại và thở đều đặn. Hãy để thân và tâm buông thư. Cảm nhận sự kết nối của bạn với thế giới xung quanh. Hít thở nhẹ nhàng xuyên suốt khắp toàn thân, đặc biệt là hít thở vào trong trái tim bạn. Khi thở như thế, hãy cảm nhận tất cả những rào cản bạn đã tự dựng lên và những cảm xúc bạn đã ôm giữ trong người vì không tha thứ cho chính mình và cho người khác. Hãy để chính mình cảm nhận nỗi đau ôm giữ một trái tim đóng chặt.

Tìm sư tha thứ từ người khác.

Khi bạn thực hành thở vào trong tim mình và cảm nhận thấy nỗi đau ở đó, hãy thầm lập lại với chính mình: “Tôi đã từng làm tổn thương và tổn hại người khác cách này hay cách khác. Giờ đây hồi tưởng lại, tôi đã từng phản bội, ruồng bỏ hoặc gây ra biết bao đau khổ, vô tình hay cố ý từ sự đau khổ, sợ hãi hay nhầm lẫn của chính mình.” Hãy để bản thân bạn hoài niệm và hình dung lại những lúc bạn làm tổn thương người khác. Nhìn nhận những đau đớn bạn đã gây nên do sợ hãi và rối loạn. Cảm nhận rằng cuối cùng bạn có thể trút bỏ gánh nặng này và xin được tha thứ. Dành nhiều thời gian cần thiết để hồi tưởng lại gánh nặng ôm giữ trong tim bấy lâu nay. Và khi mỗi người xuất hiện trong tâm trí bạn, hãy dịu dàng nói rằng: “Tôi mong bạn tha thứ cho tôi” hoặc “Con mong ba hãy tha thứ cho con.”

Tha thứ cho chính mình.

Để tha thứ cho chính mình, bạn hãy lặng lẽ lập lại câu sau: “Vì tôi đã từng gây ra đau khổ cho người khác, tôi cũng đã làm tổn thương và tổn hại chính mình. Tôi đã phản bội, ruồng bỏ chính mình nhiều lần trong ý nghĩ, lời nói, hành động dù vô tình hay cố ý.” Hãy nhắc nhở bản thân những cách bạn đã từng tự làm tổn thương mình. Trải rộng sự lòng vị tha từng hành động  nguy hiểm mình gây ra. “Vì những cách tôi đã tổn thương chính mình qua hành động hoặc ý nghĩ do sợ hãi, đau khổ, nhầm lẫn, giờ đây tôi trải rộng sự tha thứ trọn vẹn và chân thành. Tôi tha thứ cho chính tôi. Tôi tha thứ cho chính mình. Tha thứ cho chính mình.”

Tha thứ cho những người đã tổn thương hoặc tổn hại mình.


Để trải rộng tâm độ lượng đến những người đã làm tổn thương hoặc tổn hại mình, bạn hãy lập lại: “Tôi đã từng bị người khác làm tổn thương, lợi dụng, ruồng bỏ theo nhiều cách khác nhau, do vô tình hay cố ý qua lời nói, hành động và ý nghĩ.” Hãy hồi tưởng lại những lần bạn cảm thấy bị tổn thương. Hãy nhớ những điều này. Chúng ta đã từng bị phản bội. Hãy hình dung lại những kinh nghiệm đó và cảm nhận nỗi đau bạn đã ôm giữ bấy lâu trong quá khứ. Và giờ đây, cảm nhận rằng có thể xả bỏ gánh nặng này bằng cách từ từ trải rộng sự tha thứ khi tâm bạn đã sẵn sàng. Đừng ép uổng trái tim. Mọi tổn thương không nhất thiết phải được tha thứ chỉ trong một lần ngồi chiêm nghiệm. Mục đích chính là để rèn luyện những bài tập nhỏ những gì bạn nghĩ bạn đã sẵn sàng tha thứ ngay lúc này. Nhẹ nhàng lập lại với chính mình: “Tôi nhớ lại mình đã bị tổn thương, tổn hại, đau đớn và tôi biết rằng chúng xảy ra từ sự sợ hãi, đau đớn, sân hận và nhầm lẫn của người khác. Tôi đã ôm giữ đau đớn này đủ lâu trong lòng. Trong mức độ có thể, tôi tha thứ cho bạn. Bạn, người đã gây đau khổ cho tôi, tôi dành cho bạn sự tha thứ chân thành. Tôi tha thứ cho bạn.”



Ba thực hành lòng vị tha này có thể được lập lại nhẹ nhàng cho đến khi bạn cảm thấy có thể xả bỏ được những gánh nặng trong lòng. Đối với những nỗi đau lớn hơn, có thể bạn chưa cảm thấy nguôi ngoai. Bạn có thể phải trải nghiệm lại gánh nặng của những căm giận mà bạn đang còn ôm giữ. Với trường hợp như thế, bạn hãy chạm vào nó nhẹ nhàng thôi. Hãy bao dung với chính mình khi bạn chưa sẵn sàng xả bỏ và tha thứ, rồi cứ tiếp tục thực hành.


11 Lợi ích của thiền quán về tâm từ (metta)


Bhante Gunaratana
Chân Như Việt dịch

MAR 14, 2017

Chúng ta không cần một xã hội lý tưởng hay một thế giới hoàn hảo để thực hành tâm từ ái. Chúng ta không thực hành để cứu rỗi thế gian hay khiến nó trở nên toàn hảo. Chúng ta thực hành vì chính mình, vì lợi lạc và sự an bình của bản thân. Bất kỳ tác dụng nào sinh ra từ thực hành này đều là kết quả phụ. Nếu sự tập trung hướng ra ngoài bản thân mình, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thành tựu được gì cả. Song, may mắn thay, hạnh phúc của chúng ta lại gắn bó mật thiết với hạnh phúc của người khác. Do vậy, sự thực hành tâm từ ái vì lợi ích của chính mình thật ra chính là vì lợi tha.
Trong bài thuyết pháp về Lợi ích của Tâm từ (Kinh Từ Bi), Phật đã lược ra 11 lợi ích thu được nhờ sự thực hành từ tâm, và thầy cũng nói thêm rằng rất nhiều những lợi lạc ngài đưa ra đã được khẳng định bởi các nghiên cứu khoa học hiện đại.
1. Con sẽ ngủ ngon giấc
Khi con bước vào giấc ngủ với cảm giác từ ái đối với chính mình và với người khác, con sẽ buông thư và ngủ yên giấc trong an bình.

2. Con thức giấc trong cảm giác khỏe khoắn.

Khi con ngủ ngon giấc, con sẽ thức dậy trong cảm giác thư thái và tĩnh tại. Với thân tâm an lạc, con sẽ có thể kết nối với gia đình, bạn bè, người thân, láng giềng và kể cả với người dưng một cách chân thật, hài hòa. Con sẽ thấy tươi mới, phấn chấn và hạnh phúc trọn ngày.

3. Con sẽ không gặp ác mộng.
Khi thực hành tâm từ, con sẽ trở nên đủ mạnh mẽ để đối mặt với bất kỳ điều gì xảy ra. Thật ra, Phật đã dạy rằng khi thực hành tâm từ, con sẽ không bị ác mộng quấy rầy.

4. Thân con buông thư, nét mặt con tràn đầy hỷ lạc.

Thân thể con thể hiện chính tâm của con. Khi con cảm thấy yêu thương tất cả chúng sinh, điều đó sẽ hiện rõ trên gương mặt con. Nhìn nét mặt chân thành, an lạc của con, mọi người sẽ muốn đến gần con và thấy hoan hỉ khi ở bên con.

5. Ngay cả cầm thú và thiên nhân cũng cảm thấy gần gũi với con.

Khi thực hành tâm từ ái, tâm con sẽ phát ra một trường an lạc xung quanh mình. Trẻ con đặc biệt mẫn cảm với loại năng lượng này – kể cả loài phi nhân cũng có thể nhận biết được trường an lạc này.
Một ngày nọ khi thầy đang dắt con Nâu đi dạo, một cặp vợ chồng tiến lại gần và người phụ nữ quỳ xuống chỗ con Nâu và trò chuyện với nó. Nó ngoe nguẩy cái đuôi tỏ ra rất âu yếm với cô ấy. Người đàn ông lại bị nó gầm gừ hù dọa.

6. Các vị thần sẽ bảo hộ con con.
Có đôi khi chúng ta cảm thấy như mình được hướng dẫn và che chở bởi những chúng sinh vô hình. Nhận biết điều này như một loại gia trì là một nguồn an bình thanh tĩnh. Dù cho điều này có chính xác hay chỉ là một loại năng lượng nào đó ban cho chúng ta cảm giác được dẫn dắt và che chở, đức Phật xem điều này như một loại lợi ích khi thực hành tâm từ ái.

7. Lửa, độc tố và vũ khí không hãm hại được con
Khi đọc các câu chuyện thời xa xưa, có rất nhiều yếu tố mang tính tượng trưng hay kỳ bí. Đức Phật có kể câu chuyện về những đạo sĩ thực hành tâm từ và được bảo hộ khỏi lửa thiêu đốt, chất độc hay vũ khí xâm hại. Ngài giải thích rằng tham lam, sân hận và si mê chính là ngọn lửa cháy, là nọc độc và vũ khí mà tâm từ ái sẽ bao bọc, hộ vệ cho chúng ta thoát khỏi chúng.
Trong bài pháp về Kinh Lửa Cháy, đức Phật dạy rằng nọc độc chính là 3 thứ - tâm tham lam, sân hận và si mê. Những thứ vũ khí này giống như mũi dao nhọn có thể băm nát tâm an lạc thành từng mảnh, ngài đã dạy như thế. Trong Hợp Tuyển Lời Phật Thuyết, ngài đã miêu tả các vũ khí của thân, ngữ và ý. Trong kinh Udana, ngài đã thuyết rằng: “Họ tranh chấp, gây gổ, cự cãi nhau, đâm vào nhau bằng dao nhọn của ngôn từ: “Cái này mới là chánh Pháp. Cái kia không phải chánh Pháp.” Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy rằng: “Không có ngọn lửa nào bằng lửa tham đắm, không có sự bất hạnh nào bằng sân hận, không có đau khổ nào bằng si mê, không có hạnh phúc nào bằng sự an lạc.”
Trong một câu chuyện phổ biến về sức mạnh của tâm từ, Uttara một Phật tử tâm huyết theo Phật rất buồn khổ. Nàng kết hôn với một người không hề xem trọng đức Phật và vì thế hơn hai tháng rưỡi nàng không gặp được Phật và các vị đệ tử của ngài. Nàng cảm thấy tuyệt vọng nên cha nàng khuyên nàng thuê một tì nữ để lo cho chồng nàng trong thời gian nàng tu tập hai tuần cuối cùng trong mùa an cư kiết hạ cùng với Phật và tăng đoàn. Uttara chấp nhận và nàng có thể nấu ăn phục vụ đức Phật và các đệ tử của ngài cũng như thọ pháp với ngài.
Một ngày kia, người chồng của Uttara đứng nhìn ra ngoài cửa sổ tòa nhà và thấy nàng đang nấu nướng trong bếp của khu an cư kiết hạ, nàng mặc chiếc tạp dề lấm lem và anh ta cảm thấy vợ mình thật thảm hại vì rằng cô đã chọn khóa nhập thất thay vì sống trong cảnh sung sướng với anh ta. Thấy người chồng tỏ ra khinh thường vợ mình, Sirima, người hầu gái bắt đầu đơm đặt thêm chuyện hãm hại Uttara để cô ta chiếm đoạt chồng của nàng.  Sirima đun sôi bơ sữa trâu và dời khỏi nhà định bụng sẽ hất vào người Uttara.
Khi Uttara trong thấy người hầu gái đến hãm hại mình, nàng đã thiền định về tâm từ bi và nàng hoàn toàn trong trạng thái an lạc.
Cùng lúc đó, những người hầu gái khác đã phát hiện ra hành vi độc ác này nên họ chạy tới cản Sirima lại. Họ túm lấy Sirima và đánh đập túi bụi nhưng Uttara đã ngăn họ lại để cứu sống người hại mình. Sau đó, Uttara tắm gội cho Sirima bằng nước ấm và xoa bóp cơ thể cô ta bằng thảo dược và tinh dầu để làm dịu những vết thương. Sirima quỳ xuống đất xin nàng tha thứ. Uttara nói rằng nàng sẽ tha thứ cho Sirima nếu đức Phật khuyên nàng làm như vậy.
Ngày hôm sau, Sirima đến hỏi đức Phật xin tha thứ cho hành vi của mình. Đức Phật hỏi Uttara nàng cảm thấy thế nào khi Sirima đổ nồi bơ sữa trâu đun sôi lên nàng và Uttara đã trả lời rằng: “Con biết ơn Sirima vì cô ấy đã chăm sóc chồng con để con có thể tu nhập thất hai tuần an cư kiết hạ với tăng đoàn cao quý. Con không thù hận cô ấy mà chỉ đầy yêu thương.” “Tốt lắm Uttara” – Đức Phật nói: “Vì không mang độc tâm, con đã chinh phục được kẻ đã lợi dụng con. Với tâm bố thí rộng rãi, con chinh phục được kẻ keo kiệt. Vì nói lên sự thật, con chinh phục được kẻ dối gạt.” Theo lời khuyên của đức Phật, Uttara đã tha thứ cho Sirima và sau đó Sirima quy y với đức Phật.
Ở một câu chuyện khác, đức Phật đã nói về Culasiva Thera, người không hề bị nhiễm độc tâm vì sự thực hành sâu màu của ông về tâm từ.
Luận giải Kinh Cú Pháp có kể về 4 vị Sa di thực hành tâm từ cao sâu đến độ họ không hề bị một loại vũ khí hãm hại. Không chỉ các đệ tử của đức Phật được hộ trì bởi tâm từ mà trong một câu chuyện khác, một con bò cũng thoát khỏi một mũi tên bắn vì lòng yêu thương nó dành cho chú bê con.
Đức Phật dạy rằng sáu căn – nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý – đều nằm trên lửa cháy. Chỉ một trong sáu căn này cũng đủ để thiêu rụi chúng ta. Đối trị với chúng, ngài dạy, là phải tri biết hiện thực.
Giữ chánh niệm và quán sát các giác quan và trạng thái tác động như thế nào lên mình. Hãy quán xét những kinh nghiệm riêng của bản thân; quán xem chúng ta bị bỏng cháy như thể nào trong ngọn lửa của tham lam, hận thù và si mê. Khi thực hành tâm từ, hơi thở của các con sẽ trở nên bình lặng và các con sẽ cảm thấy tràn ngập tình thương và lòng bi mẫn đến mức tâm các con sẽ tự mong ước mọi chúng sinh đều sống trong an bình và hòa ái.
8. Tâm con sẽ lập tức tĩnh lặng

Tâm từ sẽ khuấy động cảm giác thân thiện khiến chúng ta cảm thấy tĩnh lặng và hạnh phúc. Đó mới thật là một lối sống tuyệt diệu biết bao!
9. Làn da của con sẽ sáng hơn
Từ tâm thể hiện trên nét mặt con. Khi con thực hành từ tâm, hỷ lạc sẽ dâng trào. Thoạt tiên có thể khó nhận ra nó, nhưng khi hỷ lạc tăng dần, nó sẽ thấm đẫm toàn bộ thân và tâm con. Tâm từ không phụ thuộc vào bất cứ thời gian, nơi chốn hay điều kiện cụ thể nào. Khi đánh thức được tâm từ, nó có thể cư ngụ mãi trong đời con. Gương mặt con không thể dấu đi những gì đang diễn ra trong tâm. Khi bực bội cáu giận, nó sẽ thể hiện trên nét  mặt. Khi tâm an tĩnh, mọi người đều thấy rõ. Năng lượng của tâm từ sẽ nhuộm đẫm từng đường gân thớ thịt và nuôi dưỡng toàn bộ hiện hữu nơi con. Nhìn con sẽ đầy sáng sủa, tĩnh lặng và an bình.
10. Con sẽ chia tay thế gian với một tâm thức trong sáng
Suy niệm về chết an bình có thể sẽ dễ chịu. Khi phải đương đầu với nhiều mâi thuẫn chưa được giải tỏa, cái chết có thể sẽ khó khăn. Tâm từ có thể giúp cái chết dễ dàng hơn đối với người hấp hối và những người xung quanh.
Sự an lạc chân thật và vẻ an lạc bề ngoài có sự khác nhau. Trông bên ngoài, con có thể rất hoan hỉ, thậm chí con có thể pha trò cho người khác. Song, khi đối diện cái chết, nếu tham lam, hận ghét và si mê vẫn còn ẩn náu đâu đó trong tâm hồn con, thì cái hoan hỉ vui tươi đó sẽ biến mất. Thực hành tâm từ hằn sâu trong đáy tâm thức con và giúp tâm con có sự an lạc chân thật. Với tâm từ, con sẽ ra đi trong bình an không chút vướng bận.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, Samavati, bà hoàng hậu mà đức Phật cho phép trở thành người hướng dẫn thực hành tâm từ, bị thiêu sống trong khi bà đang luyện thực hành tâm từ ái cho một nhóm phụ nữ. Magandiya chính là thủ phạm. Quá kiêu hãnh với sắc đẹp của mình, Magandiya khước từ hết những người cầu hôn mình. Một ngày nọ, vua cha nàng trông thấy Phật ngồi dưới gốc cây, ông hỏi Phật cưới con gái mình. Đức Phật giải thích cho vua thệ nguyện đời sống độc thân của ngài và ngài khước từ khiến cho Magandiya cảm thấy bị xúc phạm. Cô ta quyết định trả thù. Magandiya biết là Samavati là một trong những cư sĩ được đức Phật quý mến nên cô ta châm lửa đốt tòa nhà nơi Samavati đang hướng dẫn thực hành tâm từ cho hơn 500 phụ nữ. Tất cả đều thiệt mạng trong đám cháy này.
Khi bị thiêu sống, Samavati tuyên bố rằng: “Qua nhiều đời kiếp, thân xác chúng ta đã bị thiêu đốt nhiều lần. Khi các em chuyển từ sự sống sang cái chết và quay lại sự sống, hãy chú tâm !” Lời hiệu triệu của bà mạnh mẽ tới mức 500 người phụ nữ cùng ra đi với bà nhận được niềm cảm hứng trong thực hành tâm từ trong những giây phút cuối cùng. Dù cho thân xác họ bị ngọn lửa thiêu cháy, tâm họ đã được giải thoát.

11. Con sẽ ra đi trong an lạc.
Nếu tại thời điểm chết, con chưa hiểu được chân lý tối hậu, con vẫn sẽ được thọ sanh vào cõi cực lạc. Nếu con chưa hoàn tất đường tu giác ngộ trước khi từ giã thế gian thì trạng thái an lạc do tâm từ sinh ra vẫn cho phép con được tái sinh trong một cõi cao.
Bất kể chúng ta có xem cõi thiên là một nơi có thật hay không, điều này cũng thúc đẩy ta thực hành tâm từ khi còn có thể.


Trích từ tác phẩm Căn Bản Lòng Bi: Thực hành Tâm Từ Ái của Thiền sư Bhante Gunaratana (2017) 

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...