Vì sao bám luyến là nguồn cội của ưu phiền?

Phần đông chúng ta lớn lên với niềm tin cố hữu rằng nếu làm ra nhiều của cải, tiền bạc hoặc đạt được những thành công về vật chất thì sẽ giải quyết được mọi bài toán trong cuộc sống. Rồi khi có được chúng, ta rất sợ mất mát hay phải xa rời buông bỏ. Chúng ta tốn không biết bao nhiêu công sức để kiếm nhiều tiền và đuổi theo một số mối quan hệ với hy vọng “rồi mai kia mình sẽ được sống an vui”. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra đâu.

Bạn biết không, cái vui sướng vì sở hữu vật chất thường không dài lâu và chúng ta sẽ lại tiếp tục quay trở lại trạng thái thèm muốn những vật chất khác. Cho nên câu hỏi đặt ra ở đây là buông bỏ sự tham luyến, thèm muốn thực sự có ý nghĩa gì?
Sống không bám luyến về cơ bản có nghĩa là bạn không nắm giữ những thứ quanh mình với kỳ vọng tìm thấy sự sung sướng thoải mái hay niềm sướng vui từ chúng, và bạn nhận biết rằng muốn sống bình yên trong chân hạnh phúc thì phải biết buông bỏ bớt những thứ này, biết đủ và ít mong cầu.
Sự buông bỏ và xa rời bám luyến thật sự có nghĩa là sống giữa những thứ trên đời này như tình cảm, các mối quan hệ và các sở hữu vật chất mà nhận chân được sự thật cố hữu của chúng, đó là bản chất vô thường và sự phụ thuộc lẫn nhau.
Vài đơn cử của những dính mắc gây ra phiền não:
1. Tôi thích người này vì họ tốt với tôi và không ưa người kia vì họ làm tôi khó chịu.

2.Cần phải thừa mứa vật chất tiền bạc thì mới có hạnh phúc.

3. Mong đạt được kết quả chẳng hạn như phải được thăng tiến trong công việc thì mới giải quyết được tất cả mọi vấn đề.


Vì sao tham luyến dẫn đến đau khổ? Tham luyến gây ra đau khổ là vì mọi dính mắc luôn ngắn ngủi và mất mát là điều không thể tránh khỏi trong đời sống này.
Phật giáo dạy rằng thứ duy nhất thường hằng trong vũ trụ chính là sự thay đổi. Khi tham luyến, chúng ta đang cố gắng kiểm soát và kìm giữ mọi thứ cố định. Đau khổ xuất hiện vì chúng ta cứ đi ngược lại các lực đẩy tự nhiên của vũ trụ. Đó chính là khởi nguồn khiến ta luôn ưu tư, trầm uất và phiền não.
Sự thật là thay vì trở thành một con rô bốt vô cảm, chúng ta hoàn toàn có thể tận hưởng một đời sống cởi mở và trọn vẹn. Vì sao?
Vì chúng ta hiểu thay đổi là thứ duy nhất thường hằng trên thế gian này và rằng bất kỳ khoảnh khắc hạnh phúc hay vui sướng nào cũng đều ngắn ngủi và cần được trân quý. Chúng ta cũng nhận biết được rằng khổ đau chướng ngại cũng không kéo dài vĩnh viễn.
Trong mối quan hệ với người, chúng ta cũng nên để họ được yên bình và tự do vì ta đâu cần họ phải giữ nguyên một trạng thái cố định bất biến. Bạn yêu quý họ vì họ là họ, họ là như vậy và sẽ là như vậy mà thôi.
Bạn có thể vui vẻ lái chiếc xe của mình mà không cần đặt hạnh phúc phụ thuộc vào nó. Nếu mai kia nó hư hỏng thì cũng chẳng vì thế mà tâm bạn bị xáo trộn buồn phiền. Bạn có thể hành động hướng tới mục tiêu mà không đặt để an vui hạnh phúc của mình vào kết quả.
Do vậy, khởi nguồn của phúc lạc và bình yên không nằm trong bất kỳ sự tham luyến hay thèm muốn nào cả. Thiền sư Ajahn Chah đã từng nói: “Xả bỏ một chút thì được bình yên một chút. Xả bỏ nhiều, thì được nhiều bình yên. Xả bỏ hoàn toàn thì sẽ được bình yên hoàn toàn.”


Sống bình yên


Trong cuốn sách Full Catastrophe Living (Đời Sống Ngập Thảm Họa), giáo sư Jon Kabat-Zinn, nhà sáng lập trung tâm thiền định đầu tiên dành cho nghiên cứu y khoa thuộc trường Đại Học Y Khoa Massachusetts, đã đưa ra 7 thái độ sống để thực hành chính niệm và sống bình yên.

1.    Đừng phán xét

Chính niệm có nghĩa là sự nhận biết từng giây phút hiện tại mà không có bất kỳ phán xét đánh giá nào. Chính niệm được trưởng dưỡng nhờ  sự rèn luyện khả năng tập trung một cách có ý thức vào hiện tại và duy trì sự tập trung đó càng lâu càng tốt. Trong quá trình thực tập chính niệm như thế, chúng ta tiếp xúc ngày một nhiều hơn với cuộc sống đang hiển bày.”– Jon Kabat Zinn.

Khi suy ngẫm về sự phán xét, ta sẽ thấy nó nhuộm màu lên mọi thứ chúng ta trải nghiệm. Phần nhiều, phán xét của chúng ta chứa đầy định kiến và chúng giam hãm ta trong đường hầm chật chội của hiện thực. Nếu duy trì một thái độ sống lìa bỏ phán xét, chúng ta sẽ thoát ra khỏi những nếp nghĩ tưới tẩm đầy thành kiến và nhìn cuộc sống theo đúng bản chất của nó.

Đây chính là một loại nhận thức dung dưỡng mọi góc nhìn và xem nhẹ quan điểm này hay ý kiến kia. Nhận thức như vậy cho phép tâm ta xả bỏ hoàn toàn và gắn kết với giây phút hiện tại.

2.    Biết chấp nhận

“Chúng ta phải sẵn sàng đương đầu với bóng tối và sự tuyệt vọng khi chúng xuất hiện và đối mặt với chúng triền miên nếu cần mà không tìm trăm phương ngàn kế để bỏ chạy hay làm tê liệt bản thân chỉ để né tránh cái vốn không thể né tránh.” – Kim Kabat Zinn.

Biết chấp nhận không phải là bị động yếm thế mà là sự nhận biết thiết thực về mọi sự vật trên đời vận hành theo quy luật riêng của chúng. Chống cự lại quy luật riêng của sự vật gây ra những đau khổ nhức nhối tinh thần và cảm xúc. Hãy cứ thừa nhận rằng sự vật  hiện hữu ở đó và ứng xử với nó mà không cần phán xét. Chỉ khi biết chấp nhận thì lúc đó mới bắt đầu có sự thay đổi chuyển biến.

3. Kham nhẫn

Kham nhẫn là một hình thái của trí tuệ. Nó cho thấy chúng ta hiểu và chấp nhận sự thật rằng đôi khi mọi việc phải hiển bày tùy theo cơ duyên của chúng.” Jon Kabat Zinn.

Trong cuộc sống ngày nay, ai ai cũng tất tả vội vã. Người ta thường hối hả nhào đến những thứ kế tiếp nhiệt tình đến mức quên hẳn sự hứng thú vui hưởng giây phút hiện tại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng dạy rằng: “Nếu như quý vị không thể vui thích với công việc rửa chén bát thì quý vị sẽ không bao giờ vui thích với những gì quý vị trông ngóng sẽ thực hiện trong tương lai.”

Mong ngóng chờ đợi tương lai đã trở thành thói quen thống trị đời sống loài người và nó làm què quặt khả năng tận hưởng phút giây hiện tại vốn hàm nghĩa chúng ta có thể giữ thái độ bình thản khi sự việc diễn ra không theo mong đợi.

4.     Ngưng tranh đấu

Hãy thở và xả bỏ.” – Jon Kabat - Zinn

Chỉ giáo sâu sắc và thậm thâm nhất trong tọa thiền là chỉ hiện hữu (Just BE). Chẳng cần phải nắm giữ, điều khiển hay thay đổi cái gì cả. Cứ để tự nhiên như vậy với giây phút hiện tại. Lão Tử từng nói rằng “ta chẳng làm gì mà mọi thứ tự nhiên thực hiện.” Đây chính là cách làm mà chẳng hề dụng công. Hành động tự nó xảy đến, một cách tự nhiên thay vì cứ phải xoay sở cách này cách khác.

5.     Lòng biết ơn

Tôi tin rằng lòng biết ơn là hình thái cao nhất của tư duy; và lòng biết ơn chính là hạnh phúc được nhân đôi bởi sự kỳ diệu.” Jon Kabat - Zinn

Thay vì trách móc hay tự vấn đời sống sẽ ra sao nếu mình có cái này hay cái kia, hãy biết trân quý những gì chúng ta đang có ngay tại lúc này, ngay bây giờ. Hãy vui hưởng giây phút hiện tại với tinh thần khiêm cung và thái độ hoan hỉ. Hãy Hướng vào những mặt tích cực của đời sống.

6.     Xả bỏ (letting go)

Xả bỏ có nghĩa là ngưng kháng cự, chống đối hay tranh đấu để đổi lấy một điều gì đó mạnh mẽ và thánh thiện hơn khởi sinh từ việc cho phép mọi sự diễn tiến theo cách của chúng mà không bị vướng kẹt trong tham luyến hay khước từ chúng, trong sự bám dính đầy bản năng vào những ham muốn, ham thích và hận ghét. Nó cũng tựa như trải rộng lòng bàn tay để buông rơi những thứ ta đã bám víu bấy lâu.” – Jon Kabat-Zinn

Trưởng dưỡng một thái độ xả bỏ, không bám luyến chính là viên đá tảng trong hành thiền. Khuynh hướng muốn nắm giữ những gì ta thấy thích thú dễ chịu và chối bỏ những thứ làm ta khó chịu thù ghét thường là phản ứng tự nhiên đôi khi được biết đến như là một thứ bản năng. Đòi hỏi không bám luyến cũng không chối bỏ là một nguyên tắc đầy thách thức có thể mang lại lợi ích không kể xiết trong đời sống.

7.     Tâm người sơ cơ


Chúng ta rất thường để cái nghĩ và cái tin về điều mình biết ngăn cản mình nhìn thấy sự vật theo bản chất chân thật của chúng. Hãy tiếp cận mỗi phương pháp tọa thiền như thể đây là lần đầu bạn thực hành, xây dựng “những nền tảng cơ bản” từ thân và tâm, tiếp xúc với hơi thở, luôn tự hỏi “điều gì đang thực sự diễn ra,” đó chính là mấu chốt để  giữ tâm mình tươi mới như tâm kẻ sơ cơ.


Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...