Trích Pháp thoại của Lama Yeshe "Bàn về Hạnh Phúc" - Tu viện Kopan năm 1977.
Chân Như chuyển Việt ngữ
Toàn bộ vấn
đề ở đây là điều gì khiến chúng ta hạnh phúc? Hành động kiểu gì để thoát khỏi những
hậu quả không mong muốn? Làm sao có hạnh phúc? Phải tìm hiểu thật
kỹ, thật xuyên suốt vấn đề này.
Thường thì tình
trạng chung của mọi người là cảm thấy hoặc vui hoặc không vui hoặc đâu đó ở giữa hai
trạng thái này. Không có trạng thái nào trong ba trạng thái này là tốt cả. Lâng
lâng hạnh phúc, loại cảm giác mà chúng ta kinh nghiệm được khi đi bar ngoài phố
vào buổi tối hoặc na ná như vậy, loại
cảm giác thường làm chúng ta thốt lên: “Lúc này tôi vui quá” không phải là
hạnh phúc. Đó là điều chúng ta có thể thấy khi hành động xả bỏ bám chấp nhưng
nó lại khiến chúng ta tạo thêm nhiều bám chấp hơn: “Tôi muốn nhiều hơn nữa,
nhiều hơn nữa.” Mỗi lần kinh nghiệm kiểu hạnh phúc này và bám luyến vào nó,
chúng ta lại in hằn thêm những chủng tử sâu dày trên dòng tâm thức, những chủng tử
sẽ làm chúng ta tiếp tục bám víu bất tận vào phúc lạc hão huyền.
Ví
dụ, nhiều người trong quý vị từ bỏ đời sống tiện nghi thoải mái để tham dự khóa
tu này, ở một nơi mà các điều kiện sống tương đối khó khăn. Nhiều vị không hoan
hỉ với đời sống khổ hạnh nơi này bởi vì quý vị mang tới đây một kỳ vọng là mọi
thứ phải được sắp xếp theo ý mình: phòng ốc phải sạch sẽ thế này; nhà vệ sinh ít nhất
cũng phải đạt một tiêu chuẩn thế kia. Quý vị có quan điểm cứng nhắc về sự sung
sướng thoải mái trên chuẩn mực đời sống của những nước phát triển: “Mọi thứ
phải thế này, cuộc sống của tôi phải thế kia.” Song, chúng ta chẳng bao giờ có thể phỏng đoán về
cuộc đời. Đời sống chuyển biến liên tục và quý vị luôn phải kinh nghiệm nhiều
trạng thái khác nhau.
Dù sao, lý
do quý vị cảm thấy khó chịu hay thậm chí khổ sở khi đến nơi này là do phản ứng của
cái tâm chấp bám. Người Nepal họ chẳng nề hà gì. Họ hạnh phúc. Họ cũng là con
người. Nhà tắm của họ tệ hơn của chúng ta. Nhưng cái tâm phân biệt, cái tâm
luôn luôn so đo phân bì “Tôi như vầy, tôi không thể làm mấy cái việc đó được.”
đã tạo ra đủ thứ mâu thuẫn như vậy. Nên hiển nhiên làm sao mà chúng ta hạnh
phúc cho được.
Do vậy, bất
cứ thứ gì chúng ta ngỡ là hạnh phúc thì thật ra lại là nguyên nhân gây ra khổ
đau. Có thể điều này rất khó chấp nhận nhưng đây là một chân lý sâu xa. Nếu quý
vị kiểm tra cho kỹ, quý vị sẽ thấy điều này đúng. Và trong nhiều trường hợp,
động cơ thúc đẩy điều này chính là tham vọng, gọi là tham vọng mang tính cảm xúc.
Nó làm quý vị mất thăng bằng. Về phương diện tâm lý, cái tâm đầy tham vọng này
thật bệnh hoạn.
Bệnh hoạn
như thế nào? Nó làm quý vị quá sức nhạy cảm. Những việc nhỏ nhặt cũng khiến quý
vị sung sướng. Chẳng hạn có ai cho quý vị cái kẹo chocolate nhỏ là quý vị cảm
thấy: “ôi, tôi sung sướng với cái kẹo chocolate này.” Khi không được kẹo,
quý vị lại rầu rĩ buồn nản. Chẳng phải cái kẹo chocolate hay vì không có kẹo
chocolate làm quý vị buồn khổ đâu mà chính là cái tâm của quý vị đó.
Vì thế, quý
vị cần thực hành thiền định để hiểu những cú lừa mà tâm khởi tạo ra. Chính là
tâm tạo tác ra chứ không phải thân thể này. Bất cứ khi nào kinh nghiệm lạc thú
cõi thế gian, không hiểu biết gì về hiện thực, quý vị sẽ kỳ vọng cái này chấm
dứt, cái kia kéo dài, rằng mình sẽ có thêm nhiều lạc thú. Không thể có chuyện
đó. Thực tế không như vậy! Về bản chất, kinh nghiệm lạc thú không thể kéo dài
vĩnh viễn được. Song, quý vị có thể thấy
thái độ sống như thế tạo ra thêm nhiều bám luyến. Và bám luyến khiến quý vị khổ
sở như thế nào. Quý vị thì muốn kéo dài lạc thú nhưng những lạc thú đó đến hồi
cũng kết thúc. Hiển nhiên thôi. Thầy không cần phải giải thích điều này.
Bất cứ lúc
nào quý vị phiền não, sân hận sẽ có khuynh hướng phát khởi. Quý vị có thể nhìn
thấy điều này ở những người đang kinh nghiệm bệnh tật. Họ trở nên rất nhạy cảm
và dễ dàng nổi sân. Trước khi không có bệnh, họ rất ổn nhưng khi ốm đau, có khi
quý vị không thể trò chuyện một lời với họ vì những người này quá sức căng
thẳng và dễ bị thất vọng. Điều này là do sự bất hạnh ẩn tàng đã gây ra. Chúng
ta luôn luôn kỳ vọng là lúc nào cũng phải hưởng phúc lạc, vì thế khi bị bệnh
tật thì người ta trở nên khó chịu buồn bực và từ chỗ không thích chuyển thành
căm ghét. “Tôi không ưa cái bệnh của tôi; tôi không ưa cái tôi đang phải chịu
đựng.” Sự không ưa thích này sẽ nảy sinh sân hận. Vì thế kể cả khi có gia đình
và bạn bè thân thiết đến thăm hỏi thì gia đình, bạn bè bị căm ghét bởi chính
cái không thích, cái sân hận đó.
Vì thế, thầy
đã đề cập trước đó về ba trạng thái tồn tại phổ biến. Khi chúng ta ở trong trạng
thái trung tính – vui không ra vui, buồn không ra buồn – thì cũng không hề hay
ho gì, bởi vì dù chúng ta không bám luyến vào hạnh phúc hay khởi tâm sân hận
với mọi thứ xung quanh, chúng ta vẫn sẽ không tri biết hiện thực. Chúng ta chỉ
trong tình trạng vô minh mê mờ.
Hãy kiểm
nghiệm lại cuộc đời. Khi kinh nghiệm một hạnh phúc hay một lạc thú nhất
thời nào đó, tâm quý vị muốn gì? Nó muốn trải nghiệm này kéo dài mãi mãi, tiếp
tục không dứt và ngày càng gia tăng sự sung sướng. Đương nhiên, bản chất của một
lạc thú nhất thời không thể kéo dài vĩnh viễn hay diễn tiến lâu mãi được, còn
nếu quý vị có một kỳ vọng kiên cố là nó phải như vậy thì rốt cuộc quý vị sẽ rước
thêm tuyệt vọng và khó chịu mà thôi.
Nếu hiểu rõ tình
trạng của đời sống là như thế, sự tác động qua lại giữa tâm thức và đời sống là như
thế, quý vị sẽ dễ dàng nhận thấy bản chất của đời sống, nhìn chung là bứt rứt,
là khó chịu. Cái đó không phải do thân này, mà do cái tâm tán loạn đầy bất mãn
của quý vị. Đó chính là điều khiến quý vị luôn khổ sở vật vã. Đấy, đời sống vận
hành như thế đấy – tới lui luẩn quẩn trong một cái vòng. Bản thân đời sống này
là cái vòng luân hồi samsara.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét