Ni sư Pema Chodron,
Chân Như Việt dịch
Chân Như Việt dịch
Hành trình giác ngộ diễn ra ở một điểm mà ta chẳng bao giờ thấy
thoải mái dễ chịu cả. Mở lòng với những bực bội khó chịu là căn bản để chuyển
hóa cái gọi là cảm xúc “tiêu cực.” Quý vị đâu đó thường muốn vứt bỏ những cảm
xúc khó chịu bực dọc bằng cách hoặc biện minh cho chúng hoặc đè nén chúng,
nhưng làm như vậy chẳng khác nào vất bỏ đi những thứ quý giá chung với rác.
Theo giáo pháp Phật giáo kim cương thừa, trí tuệ và sự mù tịt nhầm lẫn của
chúng ta hòa quyện vào nhau chặt chẽ đến mức không thể giải quyết được gì nếu cái
gì ta cũng quẳng đi.
Bằng cách loại bỏ “cảm xúc tiêu cực”, cố gắng diệt trừ nó, dán
cho nó cái nhãn “xấu ác”, chúng ta cũng đang vất bỏ trí tuệ của mình, vì rằng mọi
thứ bên trong chúng ta đều là năng lượng sáng tạo – đặc biệt là những cảm xúc
mạnh mẽ. Chúng chứa đựng đầy sức mạnh của cuộc sống.
Phiền não bản thân nó chẳng có gì sai trái; vấn đề là ở chỗ
chúng ta không bao giờ chịu nhìn thấy, công nhận hay tìm hiểu bản chất thật của
nó cả. Ta không nếm mùi vị của phiền não, hít ngửi phiền não, làm quen với nó.
Thay vào đó, ta lại luôn luôn cố gắng loại trừ chối bỏ nó bằng cách thụi vào
mặt ai đó, phỉ báng họ, ta tự trừng phạt bản thân hoặc đè nén cảm xúc của mình.
Giữa hành động bộc phát và sự đè nén, có điều gì đó minh triết, uyên thâm
và vĩnh cửu.
Nếu cố loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, chúng ta không nhận ra
những cảm xúc đó chính là trí tuệ. Sự chuyển hóa đến từ việc sẵn lòng ngồi yên bình
với cảm xúc, chẳng ngôn từ, chẳng biện minh điều gì cả. Chúng ta đâu cần phải
có một giải pháp. Ta có thể chung sống với một nốt nhạc chỏi; không bắt buộc
phải chơi nốt kế tiếp để hoàn tất một giai điệu.
Kỳ lạ thay, hành trình của sự chuyển hóa là một hỷ lạc khôn xiết.
Quý vị thường kiếm tìm hạnh phúc sai chỗ, bằng cách cố né tránh những cảm xúc
toàn diện của con người. Quý vị cảm thấy phải làm gì đó để thay đổi mình. Song,
phúc lạc vô điều kiện thành tựu được là nhờ vào trí tuệ trong đó quý vị cho
phép bản thân nhìn nhận thấu suốt những gì mình đã làm với sự trung thực kết
hợp với từ tâm và sự dịu dàng bao la. Sự kết hợp của lòng trung thực hay khả
năng nhìn thấu suốt và tâm từ ái là tinh yếu của maitri – tức là tình bằng hữu vô điều kiện với chính mình.
Đây chính là quá trình liên tục dấn bước vào lãnh địa chưa được
tri biết. Quý vị sẵn sàng bước chân vào lãnh địa chưa từng được tri biết về sự hiện
hữu của chính mình. Rồi quý vị sẽ nhận ra cuộc phiêu lưu kỳ thú này không chỉ
đưa ta đến sự hiện hữu của chính mình mà còn đến toàn bộ không gian vũ trụ. Quý
vị chỉ có thể dấn thân vào cái không biết khi chịu làm bạn với chính mình. Quý
vị chỉ có thể dấn bước vào những thế giới “ngoài xa” kia bằng cách bắt đầu khám
phá và có sự hiếu kỳ với cái không biết “ở nơi đây”, bên trong mỗi chúng ta.
Đạo Nguyên Hy Huyền (Dogen Zen-ji) đã dạy rằng: “Hiểu mình là để
quên mình đi.” Quý vị có thể cho rằng chỉ biết có mình thì thật vị kỷ ái ngã,
song khi bắt đầu nhìn thấu suốt và trung thực vào chính mình, vào những cảm
xúc, tư duy, tìm tòi xem mình thực sự là ai – chúng ta bước đầu phá vỡ những
rào chắn chia rẽ giữa mình với người. Đâu đó hết thảy những rào chắn này, lề
thói của cảm xúc phân biệt sự vật này với sự vật khác, người này với người kia được
hình thành do quan điểm. Chúng được dựng
lên từ giáo điều, được nhào nặn từ thành kiến. Những rào chắn này sản sinh từ sợ
hãi không dám hiểu chính mình.
Có một giáo lý của Tây tạng thường được dịch ra thế này: “ái
trọng tự thân là cội rễ của mọi khổ đau.” Có thể đối với người phương Tây, khi
nghe cụm từ “ái trọng tự thân” thì phần nhiều là hiểu nhầm ý nghĩa. Tôi đoán dễ
có 85% người Tây phương chúng ta diễn dịch câu này với ý là ta không nên chăm
sóc ứu ái bản thân – rằng có điều gì đó
phi giác ngộ khi ta ái trọng bản thân mình. Nhưng câu này không có nghĩa như vậy.
Cái muốn thể hiện ở đây là sự tham chấp bám luyến. “Ái trọng tự thân” đề cập đến
cách làm sao ta cố phòng vệ mình để thoát khỏi sự bám luyến; cách ta dựng các
rào chắn để không cảm thấy bực bội hay thiếu lòng kiên định. Ý nghĩa của ái
trọng tự thân ở đây đề cập đến niềm tin sai lạc, cho rằng chỉ có thoải mái dễ
chịu chứ không có khó chịu buồn phiền, hoặc niềm tin cho rằng chỉ có vui, không
có buồn, chỉ có thiện lành, không có xấu ác.
Nhưng giáo pháp Đức Phật đã chỉ ra rằng chúng ta có thể nương theo
một tri kiến bao trùm hơn, một kiến giải vượt ngoài phạm trù của thiện và ác. Phân
biệt thiện ác là do thiếu maitri. Quý
vị cho một thứ là thiện khi nó khiến ta thấy an toàn và là xấu ác khi nói làm ta
thấy bất an. Theo như vậy, quý vị sẽ ghét bỏ những người làm mình thấy bất an
và ghét bỏ mọi tôn giáo hay quốc gia khiến mình cảm thấy không an toàn. Rồi quý
vị chỉ yêu thích những ai mang lại an toàn cho quý vị mà thôi.
Khi quá chăm chút, cố gắng che chắn bảo vệ bản thân, quý vị
không thể thấy hết những nỗi đau trên gương mặt người khác. “Ái trọng tự thân”
là chấp ngã, bám luyến vào bản ngã: nó thắt nút trái tim ta, vai, đầu, dạ dày
của ta. Ta không thể mở bung ra được. Mọi thứ đều trong cái nút thắt. Khi bắt
đầu mở rộng tấm lòng, ta mới có thể nhìn thấy người khác và ở bên họ. Nhưng nếu
không giải trừ nỗi sợ hãi của chính mình,
tâm ta sẽ khép chặt khi bị kẻ khác gây ra sợ hãi.
Vì thế, hiểu mình là để quên mình đi. Điều này có nghĩa là khi
ta làm bạn với chính mình, ta không còn chú trọng quá mức vào bản thân. Một điểm
lạ: làm bạn với chính mình lại chính là cách để không còn chú tâm quá mức vào
bản thân nữa. Đạo Nguyên Hy Huyền từng dạy rằng: “quên mình đi là để giác ngộ mọi
điều.” Khi không còn quá chú trọng vào bản thân, quý vị bắt đầu nhận ra thế
gian luôn trò chuyện với ta. Từng ngọn cây, lá cỏ, con vật, con người, cả chiếc
xe hơi, chiếc máy bay cũng đang trò chuyện cùng ta, dạy dỗ ta, thức tỉnh ta.
Một thế giới tuyệt vời là vậy mà quý vị lại thường bỏ qua. Cũng giống như quý vị chỉ thấy cái hấp dẫn
lanh quanh bên ngoài mà chẳng bao giờ nắm bắt được những mấu chốt chính yếu.
Khi quý vị đầy hằn học hoặc thành kiến, nó làm tổn thương cả
mình và người. Nhưng khi hiểu nó, quý vị sẽ thấy rằng đằng sau sự hằn học là
nỗi sợ hãi và phía sau nỗi sợ hãi là sự yếu mềm vô cùng. Có một trái tim bao la,
một tâm hồn rộng mở – một trạng thái hiện hữu đầy tỉnh thức. Để kinh nghiệm
được điều này, quý vị bắt đầu một hành trình, một hành trình làm bạn vô điều
kiện với chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét