Hiểu sân hận
Lama Zopa thuyết giảng
tại Boulder Creek, California, 1997.
Chân Như chuyển Việt ngữ.
Tính không là phương thuốc chữa trị viên đá tảng của
mọi vọng tưởng - tức vô minh, vì làm
được như thế, mọi vọng tưởng khác sẽ tan biến hết. Giây phút hành giả thiền
định về tính không thì sự sân hận chẳng hạn, sẽ ngưng dứt. Sân hận khởi khi quý vị tin vào một bản ngã hư dối, cảnh
hiện hư dối – những thứ không thực có. Do vậy, khi thiền định về tính không của
bản ngã và của các sự vật hiện tượng khác, chẳng còn cơ sở nào cho sân hận tồn
tại. Đây là pháp đối trị mạnh mẽ nhất. Nhưng nếu sân hận khởi lên trở lại, đó
là vì không có sự thực hành thiền định liền lạc; thiền định và chánh niệm đã
ngưng lại. Vấn đề là phải nhớ cho được kỹ thuật thiền định. Một khi nhớ được kỹ
thuật thì sẽ luôn có kết quả. Khi quý vị không nhớ kỹ thuật, thiền định bị trì
hoãn, vọng tưởng, sân hận v.v… sẽ dấy
khởi và sai xử quý vị.
Một điều tôi chia sẻ với mọi người là hãy luôn nhớ
nghĩ về nghiệp. Đức Đạt Lai Lạt Ma thường nói rằng Phật giáo không tin vào một
vị chúa tể nào. Triết lý Phật giáo căn bản giúp quý vị nhớ rằng không có cái
tâm riêng biệt nào ngoài cái tâm tạo tác ra cuộc sống của quý vị, tạo tác
nghiệp của quý vị. Bất kỳ điều gì xảy đến trong đời đều từ tâm mà ra. Những hợp
uẩn, những tri kiến về giác quan, cảm xúc, buồn vui v.v… toàn bộ thế giới của
quý vị bắt nguồn từ tâm thức của quý vị. Các chủng tử của thiện nghiệp và bất
thiện nghiệp trong các tiền kiếp lưu vết trên dòng tâm thức sẽ tự hiển bày và
chín mùi. Các chủng tử để hình thành thân người, các giác quan, tri kiến, các
uẩn và tất cả những cảm thọ, mọi điều báo ứng tại thời điểm này và tất cả đều
do dòng tâm thức, do nghiệp.
Nếu thiền định về tính không của quý vị không mấy
hiệu quả thì huấn thị về nghiệp sẽ cực kỳ mạnh mẽ đối với hàng phàm thường như
chúng ta. Khi thiền quán về nghiệp, tâm sẽ không còn chỗ dành cho sân hận vì
rằng chẳng có gì để trách cứ hay đổ thừa cả. Suy niệm về nghiệp là thực hành
triết lý Phật giáo cơ bản, tức là chẳng có đấng sáng tạo nào ngoài chính tâm
của quý vị. Đây không chỉ là một giáo lý
phổ thông của Phật giáo mà còn là một kỹ thuật hết sức hiệu nghiệm. Sân hận dựa
trên cái tin vào một đấng sáng tạo: có một ai đó đã gây ra việc nọ việc kia;
chuyện này xảy ra là vì người này người kia. Trong đời sống hàng ngày, khi có
chuyện xảy ra, chúng ta hành xử như thể chuyện này do ai đó gây ra thay vì thực
hành nguyện tắc không có ai tạo tác cả. Ngay cả khi không sử dụng từ Đấng sáng
tạo thì chúng ta cũng vẫn tin là có ai đó gây ra sự thể này cho ta. Khi suy
niệm về nghiệp và liễu tri rằng chẳng hề có một chủ thể tạo tác nào thì sẽ
không có một căn cứ nào để nổi sân cả.
Quý vị nên nghĩ như vầy: trong quá khứ, mình đã gây
tổn hại cho các chúng sinh khác, vì vậy mình đáng phải chịu những tổn hại do
chúng sinh khác mang tới. Khi nổi sân, thật ra quý vị đang thể hiện là ta đây
có quyền gây tổn thương cho người, nhưng lại cho rằng người không được phép gây
tổn hại cho ta. Điều này hết sức phi lý. Vì thế trong thực hành này, quý vị hãy
nói: “Mình đáng bị gánh chịu tổn thương này.”
Một
thực hành khác là sử dụng tình huống này để phát triển tâm bi mẫn: tôi phải chịu
tổn hại này là do nghiệp của tôi. Ai khởi tạo tất cả những đau khổ phiền lụy
này đây? Không phải ai khác mà do hành động của chính tôi.
Quý
vị đã xử sự với các chúng sinh khác như thế trong các tiền kiếp thì đấy là lý
do tại sao quý vị phải gánh chịu tổn hại trong kiếp hiện tiền. Nghiệp quả báo ứng
nên ở kiếp này người ta hãm hại quý vị. Đối tượng gây tổn hại tái sinh trong
thân người ở tiếp hiện tiền và họ tổn hại quý vị là do quý vị tạo tác cái nhân trước
đó trong tiền kiếp. Khi gây tổn hại như thế, những chúng sinh kia lại tạo thêm
nhiều bất thiện nghiệp và đánh mất cơ hội tái sinh trong thân người, lại phải
quay lại các cõi thấp kém. Phải chăng vì ta mà họ phải lưu lạc trong ác đạo?
Bằng cách
này, quý vị đang vận dụng những khó khăn
chướng ngại để phát tâm Bồ đề. Điều này nghĩa là quý vị có thể trau dồi đường
tu Đại thừa, hiển hay mật, để thực chứng giác ngộ, bao gồm cả Sáu hạnh toàn
hảo. Hành giả có thể triệt phá mọi lỗi lầm của tâm để thành tựu giác ngộ. Vậy,
nhờ vào lòng từ mẫn của đối tượng gây tổn hại mà quý vị có thể phát tâm bồ đề,
độ thoát chúng sinh khỏi khổ, đưa họ đến bờ giác và mang đến nguồn hỷ lạc toàn
hảo cho họ.
Quý vị cũng có thể nghĩ thế này: qua việc thực hành
tâm bi mẫn với đối tượng sân hận mình, mình có thể phát tâm bi mẫn hướng tới
mọi chúng sinh. Đối tượng này, thật nhân hậu, thật quý giá, y đang giúp ta dừng
việc tổn hại các chúng sinh khác và trên hết y đang nhận được sự trợ giúp của
ta. Vì ta không gây hại cho y nên an lạc hạnh phúc sẽ tràn về. Ngoài ra, khi
nhận được sự trợ giúp của ta, vô lượng chúng hữu tình thọ nhận an bình và hỷ
lạc. Nguồn hạnh phúc hỷ lạc mà quý vị có thể trao tặng cho chúng hữu tình đến
từ đối tượng này.
Theo huấn thị của các bậc Thầy Kadampa, có sáu kỹ
thuật thực hành hạnh nhẫn. Thầy sẽ không đi hết các kỹ thuật ấy ở đây. Quý vị
có thể nhớ lại hoặc chép xuống mà thực hành.
Một điểm nữa cũng rất lợi lạc là những huấn thị mà
Pabongka Rinpoche đã giảng giải trong tác phẩm Giải Thoát Trong Lòng Tay: nhìn
chung quý vị không nên nổi giận với cây gậy người ta dùng để quất mình. Cây gậy
là do người ta điều khiển nên chẳng có lý gì để nổi sân với nó. Tương tự, thân,
ngữ, ý của người đó hoàn toàn bị sân hận và vọng tưởng sai xử khống chế. Thân,
ngữ, ý của người đó trở thành tôi tớ, hoàn toàn bị sân hận sai xử như một công
cụ mà thôi. Bản thân người đó cũng chẳng có một chút tự do nào. Vì không có tự
do nên họ phải trở thành đối tượng của lòng bi mẫn của chúng ta. Không những
thế, ta phải có trách nhiệm giúp xoa dịu cơn sân cho họ. Bằng bất kỳ cách gì có
thể, hãy trợ giúp tâm người ấy, xoa dịu hận thù. Cho dù không thể làm được gì
thì quý vị hãy cầu nguyện chư Phật, giáo Pháp và Thánh chúng để làm dịu tâm
thức của người ấy.
Điều mà Thánh đức Đạt Lai Lạt Ma thường khuyên dạy
là ta nên thiền quán về đối tượng sân hận mình, nhìn thấy họ nhân hậu như thế
nào, họ quý giá như giáo Pháp, như chư Phật hay bậc Đạo sư ra sao, họ nhân từ
tựa chư Phật và bậc Đạo sư như thế nào. Kết luận lại là: nếu chẳng ai khởi tâm
sân hận với quý vị thì làm sao quý vị có thể trau dồi hạnh nhẫn. Nếu ai cũng yêu
quý mình thì làm sao có thể phát triển phẩm chất quý báu của tính kham nhẫn,
đường tu của hạnh nhẫn. Vì thế, nên có một ai đó trong đời khởi tâm sân hận với
ta là cực kỳ thiết yếu. Người khác nổi sân với ta là quý giá lắm, hệ trọng lắm!
Quý giá không phải cho họ mà là cho ta. Với kẻ khởi tâm sân, đó là sự giằng xé giống
như kiếp sống trong các ác đạo. Còn với chúng ta, họ lại thật sự quý giá. Chúng
ta cần sự sân hận đó, thật sự cần.
Có một ai đó yêu quý mình là quan trọng nhưng có ai
đó sân hận mình lại càng quan trọng hơn. Quý vị thấy đó, nếu người ta ai cũng
thương quý mình thì đâu có giúp được quý vị độ tha hay chứng đắc toàn bộ đạo lộ
giác ngộ. Cho nên với Thầy, người sân hận mình là người quý giá nhất. Cơn sân
hận của họ chính là viên ngọc như ý.
Sân hận thiêu hủy công đức quý vị tích lũy, phá tan
suối nguồn hỷ lạc không chỉ trong đời sống hàng ngày mà cả trong nguồn hạnh phúc
dài lâu. Như trong bộ luận Nhập Bồ Tát Hạnh đã từng đề cập, một cơn sân hận phá
hỏng chứng ngộ của ngàn kiếp tu. Vì thế, nhờ người nổi sân với tôi mà tôi có thể trau dồi hạnh nhẫn, điều phục cơn
sân của mình, và thành tựu toàn bộ đường tu giác ngộ. Quý vị có thể hoàn mãn
hai loại công đức, chặt đứt mọi che chướng để đạt giác ngộ và giải thoát tất cả
hữu tình, dẫn họ về nẻo giác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét