Bản thể của tâm giác ngộ
(Tenzin Namsel chuyển ngữ những bài huấn thị của Lama Zopa Rinpoche về "Thực Tướng của Sự Vật" - How Things Exist)
Giác ngộ là
một trạng thái của tâm đã đoạn diệt hoàn toàn lầm lỗi – tất cả mọi nhiễm ô và sở
tri chướng, hoàn thiện mọi phẩm chất viên mãn, hay sự chứng đắc, của đạo lộ.
Chúng ta có thể chứng đắc được trạng thái
“Giác ngộ tối thượng viên mãn” hay “Phật quả” trên dòng tâm thức này. Bằng
cách huân tập tâm thức trên đạo lộ giác ngộ, hành giả có thể thành tựu trạng
thái hạnh phúc viên mãn và hỷ lạc vô thượng trên dòng tiếp diễn của tâm thức hiện
tại; hành giả thực hiện được điều này thông qua các phương tiện thiện xảo và
trí tuệ.
Bằng cách
phát khởi các giai trình của Đạo giác ngộ (Lamrim), hành giả có thể thành tựu bất
cứ hạnh phúc mong cầu nào. Hành giả có thể tìm thấy hỷ lạc trong kiếp này, hỷ lạc
trong những kiếp về sau và quan trọng hơn nữa, đó là an vị vào hỷ lạc vô thượng,
đoạn diệt toàn bộ khổ đau và nguyên nhân của khổ đau. Tuy nhiên còn quan trọng
hơn nữa, hành giả thành tựu được một trạng thái tâm thức hoàn toàn thuần tịnh, diệt
tận toàn bộ những che lấp vi tế (sở tri chướng) vốn cản trở dòng tâm thức trực
nhận mọi tồn tại trong quá khứ, hiện tại và tương lai - những mê mờ che chắn trạng
thái hiểu biết toàn triệt ngăn trở sự tiếp diễn của dòng tâm thức thành tựu trí
toàn giác. Trạng thái trí toàn giác đoạn diệt tất cả các mê mờ thô và tế, ngay
cả những chủng tử vi tế nhất hằn lại bởi
vô minh, chấp thủ vào hiện hữu có tự tính và sản sinh ra các tướng hiện
tồn tại độc lập, hay nói cách khác, tri kiến nhị nguyên. Một khi ngay cả những che
lấp trí tuệ vi tế nhất được thanh tẩy, đoạn diệt, tâm thức của chúng ta sẽ phát
triển thành tựu sự chứng đắc và nhất thiết trí.
Một chiếc
gương nhỏ có thể phản chiếu toàn bộ một thành phố hay hàng ngàn đối tượng trong
một siêu thị. Nếu chiếc gương đó không dính bụi bẩn hoặc bị bất kỳ vật gì che
chắn, chúng ta có thể soi thấy mọi vật trong gương thật rõ ràng. Cũng tương tự
như thế đối với tâm thức của chúng ta, nó sẽ thành tựu trí toàn giác khi tất cả
những che chướng trí tuệ được xóa sạch bằng cách phát khởi thực hành các giai
trình của đạo giác ngộ. Trạng thái trí toàn giác này còn gọi là quả vị “Giác ngộ
viên mãn”, “Phật quả” hay “trạng thái niết bàn vô trụ”. Và bản chất rốt ráo tận
cùng của trí toàn giác chính là tính Không, hay shunyata.
Mục đích sở
đắc trạng thái này để làm gì? Sở đắc nó là để dẫn dắt chúng sinh hữu tình một
cách toàn hảo. Một khi thành tựu nhất thiết trí, hành giả có thể quán chiếu tâm
thức của mọi hữu tình, có thể nhìn thấy tất cả tính cách, nghiệp lực và các
cung bậc tâm thức của mọi chúng sinh cũng như các phương tiện phù hợp với căn
cơ từng người. Từ đó hành giả có thể dẫn dắt họ từ qua nhiều hạnh phúc an lạc cho
tới quả vị giác ngộ vô thượng , trạng thái tịch tịnh toàn hảo. Với trí toàn
giác nhận hiểu tính cách và các cấp bậc tâm thức của chúng sinh cũng như các
phương pháp phù hợp dẫn dắt cho họ, chúng ta giải phóng họ khỏi các mức độ khác
nhau của phiền não chướng và sở tri chướng. Chúng ta cũng có uy lực toàn hảo để
thể hiện các phương pháp đó cho họ thấy. Bằng cách thị hiện qua nhiều hình tướng
khác nhau – ngay cả hàng trăm hay hàng ngàn hình tướng cho một chúng sinh hữu
tình, hành giả có thể trình hiện nhiều phương tiện dẫn dắt chúng sinh trên con
đường truy cầu hạnh phúc. Bằng cách này, hành giả có thể từng bước dẫn dắt họ đến
giác ngộ trọn vẹn.
Lúc đó hành
giả cũng hoàn tất quá trình luyện tập tâm thức từ bi vì chúng sinh. Một khi sở
đắc tâm bồ đề thì chính bằng tâm đại bi mà ta tận lực cứu giúp hữu tình, đem lại
hỷ lạc và giác ngộ viên mãn cho họ.
Chúng ta khởi tâm đại bi cho mọi chúng sinh không phân biệt, không phụ thuộc
vào việc chúng sinh đó có yêu thích, tán dương hay cúng dường cho mình hay
không. Đức Phật, một bậc Tri Kiến Toàn Giác, không hề khởi tâm phân biệt kẻ đã
dùng dao xẻ từng miếng thịt trên cơ thể Ngài với kẻ đã tẩm ướp nước thơm lên
thánh thể của Ngài. Với một Đấng Giác Ngộ, không có sự phân biệt nào đối với một
kẻ đã hãm hại mình và một kẻ đã giúp đỡ mình. Chỉ có lòng bi mẫn bình đẳng dành
cho cả hai người, một đã hãm hại Ngài và một đã tẩm nước hoa lên Ngài. Không có
tư duy phân biệt nào cả. Đức Phật không dành tâm từ bi nhiều hơn cho kẻ giúp
mình mà cũng chẳng khởi tâm bi mẫn ít hơn cho kẻ đã cắt thân thể mình ra từng
miếng. Đức Phật không khởi tâm bỏ rơi hoặc từ chối giúp đỡ kẻ đã hãm hại mình.
Ngài phát tâm đại bi bình đẳng cho cả hai chúng sinh và như thế, Ngài vì lợi lạc
của cả hai chúng sinh không chút phân biệt.
Vì tâm đại
bi mà Đức Phật dành cho mọi hữu tình là bình đẳng, mỗi chúng sinh sẽ nhận được
sự dẫn dắt tùy theo mức độ tâm thức của mình. Đức Phật thị hiện qua nhiều hình
tướng khác nhau. Đối với những chúng sinh cho tâm thức thuần tịnh, Ngài thị hiện
dưới hình tướng thuần tịnh; đối với những chúng sinh có tâm nhiễm ô, Ngài thị
hiện trong các hình tướng bình thường hoặc cấu nhiễm. Đức Phật sẽ thị hiện theo
bất cứ hình tướng nào cần thiết để dẫn dắt một chúng sinh nào đó. Ngài có thể
thị hiện như một ông vua, một vị chức sắc, một quan tòa, một vị tăng, một thân
nam, một thân nữ hoặc có khi là một gái giang hồ, một ông hàng thịt hay một con
quỷ đói. Vì chúng sinh mang nhiều nghiệp quả, nhiều tính cách của tâm, một
phương pháp không thể áp dụng cho tất cả hạng người. Cần phải thị hiện trong
nhiều thân xác khác nhau để giao tiếp và dẫn dắt các chúng sinh hữu tình cũng
như đưa ra nhiều cách huấn thị khác nhau tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh.
Sau khi trở thành những bậc giác ngộ viên mãn, chúng ta độ sinh bằng các phương
tiện qua thân, khẩu, ý. Lúc đó, chúng ta có thể dẫn dắt các chúng sinh hữu tình
một cách hoàn hảo và tự nhiên mà không phạm bất kỳ lỗi nhỏ nhất nào.
Khi mặt trời
mọc, dù chỉ có một mặt trời, nhưng mặt trời được phản chiếu trên nước từ mặt đất,
từ những giọt sương nhỏ bé trên đầu ngọn cỏ cho đến các đại dương bao la. Chừng
nào nước vẫn còn hiển lộ, mặt trời sẽ được phản chiếu trên nó. Nhưng mặt trời
không có một động cơ nào để được phản chiếu trên mặt nước, mặt trời chẳng cần cố
gắng làm việc đó – những phản chiếu ấy tự nhiên mà trình hiện. Tương tự như thế,
sau khi thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác, hành giả tự nhiên sẽ dẫn dắt
chúng sinh một cách toàn hảo qua việc hiển lộ các phương tiện thiện xảo từ
thân, khẩu, ý linh thiêng.
Hết bài 1.
Cảm ơn bạn. Mời các bạn ghé vào trang chuabenhdongian.com Hy vọng những thông tin trên trang web sẽ có ích cho bạn và gia đình
Trả lờiXóa