Sức mạnh của lòng bi mẫn


Anh Nguyễn phỏng dịch


Giận dữ và sân hận là những cản trở lớn trên con đường phát triển lòng bi mẫn. Những xúc cảm cường liệt có khả năng chiếm đoạt toàn bộ tâm trí của chúng ta. Một đôi khi chúng ta kiểm soát được chúng. Nếu không kiểm soát nổi, chúng sẽ thường xuyên vò xé ta, không cho ta có được một tâm trí thanh thản cần thiết cho lòng từ ái.
Đầu tiên và trước hết, bạn nên tự hỏi chính mình sự giận dữ có giá trị gì không? Đôi lúc, khi đối đầu với những chán nản, những tình huống khó khăn, sự giận dữ dường như mang cho ta thêm chút năng lượng, tự tin và quyết tâm. Điều đó tốt cho những lúc ta cần kiểm tra lại kỹ càng trạng thái tâm trí của mình. Mặc dù cũng có thể đúng là giận dữ mang lại cho ta nguồn năng lượng nào đó, nhưng khi quán sát nó, ta thấy rằng giận dữ là mù quáng. Dù chưa thể xác định được kết quả của giận dữ là tích cực hay tiêu cực nhưng giận dữ là một đám mây che phủ phần tốt nhất của não: lý trí. Đó là lý do vì sao năng lượng do giận dữ sinh ra phải được kiểm soát cẩn thận. Nó có thể kích thích những hành vi đầy hủy hoại và đáng tiếc. Khi bị dồn tới cực điểm, cơn giận dữ có thế làm cho người ta điên cuồng và dẫn tới những hành động gây hại cho chính mình và cho những người khác.
Để đương đầu với những hoàn cảnh cam go, chúng ta vẫn có thể phát triển một dòng năng lượng cũng mạnh mẽ như thế nhưng được kiểm soát tốt hơn nhiều so với sự giận dữ. Dòng năng lượng qua kiểm soát này phát sinh từ lòng bi mẫn, lý trí và sự nhẫn nhịn. Đây là những phương thuốc đối trị giận dữ. Tiếc thay, nhiều người lại xem thường những phẩm chất này, cho rằng đó chỉ là sự nhu nhược. Với tôi, ngược lại, tôi tin rằng đó mới là biểu hiện đích thực của sức mạnh nội tại. Bản chất của lòng bi mẫn là nhân ái, ôn hòa, nhẹ nhàng nhưng vẫn cực kỳ mạnh mẽ. Những người dễ mất kiên nhẫn là những người không kiên định và hay thay đổi. Đó là lý do vì sao với tôi giận dữ là biểu hiện đích thực của sự yếu ớt.
Đương đầu với một vấn đề thì nên cố gắng khiêm nhường, giữ thái độ chân thành và suy nghĩ cách giải quyết sáng suốt. Dĩ nhiên, sẽ có một số người sẽ cố gắng lợi dụng thái độ của bạn. Nếu sự bình tĩnh của bạn lại khiêu khích kẻ khác gây hấn nhiều hơn thì hãy cứng rắn, nhưng với lòng từ bi. Nếu tình huống buộc bạn cần phải chứng minh quan điểm của bạn bằng những biện pháp đối phó căng thẳng thì hãy thực hiện mà không cần oán giận hay bằng những ý định tiêu cực.
Bạn nên hiểu rằng ngay cả nếu kẻ thù có ý muốn hãm hại bạn thì về sau hành vi hủy hoại đó cũng sẽ quay lại chính họ mà thôi. Hãy kiềm chế động lực ích kỷ muốn trả thù của bạn, hãy nhớ đến ước muốn thực hành lòng từ bi và trách nhiệm giúp đỡ người khác thoát khỏi khổ đau khởi sinh từ hậu quả của hành vi của chính họ. Những biện pháp đưa ra trong sự bình tĩnh điềm đạm sẽ hiệu quả hơn, thích nghi cao hơn và mạnh mẽ hơn trong khi sự trả đũa dựa trên năng lượng giận dữ mù quáng hiếm khi nào đạt được mục đích.
 
Tư duy bằng những thuật ngữ nhân văn

Khi  đề cập đến lòng nhân ái và từ tâm, tôi không nói về điều đó với tư cách của một Phật tử, một Đạt Lai Lạt Ma hay một người Tây Tạng, mà như một con người. Và tôi mong rằng các bạn cũng sẽ xem mình trước hết là một con người hơn là một người Mỹ, một người phương Tây hay một thành viên của một nhóm nọ, nhóm kia. Những phân biệt như thế chỉ là thứ yếu. Khi chúng ta nói với tư cách là một con người, ta có thế chạm đến một vấn đề thiết yếu. Nếu tôi nói rằng “Tôi là một tu sĩ” hoặc “Tôi là một Phật tử”, đây chỉ là vấn đề của hiện thực mang tính tương đối so với bản tính con người của tôi. Hiện thực được sinh ra làm người mới chính là nền tảng và sẽ không bao giờ thay đổi. Những thứ còn lại như bạn có được học hành hay không, giàu hay nghèo, chỉ là phụ.
Ngày nay, nhân loại đối diện với nhiều vấn đề. Trách nhiệm của chúng ta liên đới trực tiếp đến các xung đột bùng phát từ ý thức hệ, tôn giáo, sắc tộc hoặc kinh tế. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải tư duy theo thuật ngữ nhân văn, ở một tầm mức sâu sắc hơn khi cân nhắc một cách trân trọng sự bình đẳng giữa người và người, vì họ cũng là con người như chính chúng ta vậy. Chúng ta cần xây dựng những mối quan hệ thân thiết trong sự tin tưởng, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau không phân biệt sự khác nhau về văn hóa, triết thuyết, tôn giáo hay tín ngưỡng.
Xét cho cùng, mọi con người đều như nhau, đều được cấu tạo bằng thịt, bằng xương và máu. Tất cả chúng ta đều mong cầu hạnh phúc và xa lánh khổ đau. Chúng ta là thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất và những tranh cãi của chúng ta chỉ phát sinh từ những nguyên nhân phụ. Tranh cãi, lừa dối hay bắn giết đều vô dụng.

Trích tác phẩm "Hành Trình Tâm Linh Của Tôi" - Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV
 

Mong cầu được yêu thương luôn có trong huyết mạch của chúng ta.

Anh Nguyễn phỏng dịch

Cuộc sống của con người phụ thuộc vào nhau nhiều đến mức ở gốc rễ của sự sinh tồn có một nhu cầu tha thiết cho tình thương yêu. Đó là lý do vì sao việc tu dưỡng một tình thần trách nhiệm thực sự và mối quan tâm chân thành đến hạnh phúc của người khác là điều hết sức tốt đẹp.
Bản chất thực sự của chúng ta, con người, là gì? Chúng ta không chỉ là những sinh vật mong đoái đến vật chất và cũng sẽ là một ngộ nhận nếu chúng ta đặt tất cả hy vọng của mình cho một thứ hạnh phúc chỉ hướng ra bên ngoài. Không cần đi sâu vào cuộc bàn luận gây tranh cãi về sự sáng tạo và tiến hóa của vũ trụ, chúng ta đều đồng ý rằng mỗi người đều là sản phẩm của cha mẹ mình. Đa phần, sự hình thành một con người không chỉ bao gồm mong muốn tình dục của cha mẹ mà còn là quyết định muốn sinh con của họ. Hoạch định đó của cha mẹ dựa trên trách nhiệm yêu thương và quyết tâm nuôi nấng chúng ta cho đến lúc trưởng thành. Như vậy, ngay từ giây phút đầu tiên tạo tác ra chúng ta, tình yêu thương của cha mẹ là một nhân tố vô cùng thiết yếu.
Hơn thế nữa, chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc nuôi dưỡng của người mẹ khi chào đời. Theo một số khoa học gia, trạng thái tinh thần bình an hay rối loạn của người phụ nữ đang mang thai sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi bên trong.
Thể hiện tình yêu thương cũng vô cùng quan trọng khi trẻ chào đời. Vì hành động đầu tiên của chúng ta là rúc vú mẹ tìm sữa, theo bản năng chúng ta cảm thấy gần gũi với người mẹ và về phía người mẹ cũng sẽ cảm thấy tình yêu thương khi cho con bú, khi người mẹ giận dữ hay đau buồn, dòng sữa không thể chảy ra suôn sẻ.
Sau đó đến một giai đoạn hệ trọng là hình thành não bộ, giai đoạn từ lúc sinh tới lúc ba, bốn tuổi. Va chạm vật lý thể hiện tình thương là nhân tố chính cho sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ. Nếu không được âu yếm, vỗ về, yêu thương thì sự phát triển của trẻ sẽ rất giới hạn và não bộ của trẻ sẽ không thể phát huy hết tiềm năng.
Vì trẻ em không thể tồn tại nếu không có sự che chở vỗ về nên yêu thương vô cùng thiết yếu. Ngày nay, nhiều trẻ em lớn lên trong những căn nhà bất hạnh. Không có được sự yêu thương, trẻ khi lớn lên sẽ không biết yêu thương cha mẹ và thường gặp rắc rối khi yêu thương người khác. Thật đáng buồn thay.
Vài năm sau khi bắt đầu cắp sách đến trường, trẻ cần có sự giúp đỡ từ thầy cô giáo. Nếu người thầy không tự giới hạn mình chỉ ở những dạy dỗ từ chương, nếu người thầy cũng thấy trách nhiệm của mình trong việc giúp học trò chuẩn bị hành trang vào đời thì người trò sẽ luôn kinh trọng và tin yêu thầy. Những gì học được từ thầy cô sẽ để lại những dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm trí của trò. Ngược lại, nếu kiến thức được truyền tải từ một người chẳng hề quan tâm đến lợi ích của học trò thì sẽ mau chóng bị lãng quên.
Tương tự, khi một người bệnh được điều trị tại bệnh viện với một bác sĩ ân cần, thân thiện, bệnh nhân sẽ cảm thấy yên lòng. Bản thân việc bác sĩ mong muốn đem lại sự chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân đã là liều thuốc chữa bệnh rồi, chưa  nói đến các phương pháp điều trị và các kỹ thuật khám bệnh khác. Ngược lại, khi bác sĩ thiếu sự đồng cảm, xa cách, nóng vội hay cau kỉnh thì dù cho bác sĩ đó có danh tiếng, chẩn đoán bệnh chính xác và cho toa thuốc hiệu quả nhất, người bệnh vẫn cảm thấy âu lo.
Trong giao tiếp hàng ngày, khi người đối diện nói chuyện hòa ái với chúng ta, ta lắng nghe và đối đáp vui vẻ, nhờ vậy mà câu chuyện trở nên thú vị dù rằng đó chỉ là giao tiếp thông thường. Trái lại, nếu ai đó nói năng lạnh lùng hoặc khó chịu, chúng ta sẽ cảm thấy bực bội và muốn chấm dứt câu chuyện nhanh chóng. Từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất, quan tâm và trân trọng người khác luôn là những yếu tố trọng yếu.
Gần đây, tôi có gặp một số khoa học gia người Mỹ và họ cho tôi biết tỉ lệ người mắc chứng bệnh tâm thần ở nước này tương đối cao, khoảng 12% dân số. Cuộc mạn đàm này cũng đã cho thấy rằng nguyên nhân không phải do thiếu thốn về vật chất mà thiếu thốn sự yêu thương.
Một điều rất hiển nhiên, dù cho ta nhận ra hay không nhận ra, mong cầu được yêu thương đã có sẵn trong huyết mạch từ khi chúng ta chào đời. Tôi tin rằng không ai sinh ra mà không muốn được yêu thương. Và đối lập với một số trường phái tư duy hiện đại, điều này thể hiện rằng con người không bị giới hạn bởi mức độ vật chất. Không có một chủ thể vất chất nào, dù có đẹp đẽ hay đắt quý đến mấy có thể cho chúng ta cảm giác được yêu thương bởi vì bản chất sâu thẳm bên trong chúng ta, con người thật của chúng ta, bén rễ từ bản chất chủ quan của tâm.
Lòng bi mẫn, hay đôi khi tôi gọi là tình yêu thương đồng loại, là một nhân tố quyết định trong cuộc sống của chúng ta. Nhờ nối vào bàn tay mà năm ngón tay của chúng ta mới thực hiện được chức năng của chúng. Cắt chúng rời ra khỏi bàn tay, chúng trở nên vô dụng. Tương tự, con người trở nên nguy hiểm thì nó bị tước mất cảm xúc nhân bản. Tất cả các hoạt động sẽ trở nên tốt lành khi chúng được thực hiện với cảm xúc và sự tôn trọng những giá trị nhân văn.
 
Trích trong tác phẩm “Hành Trình Tâm Linh Của Tôi” - Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV

Chúng ta đều như nhau.


(Anh Nguyễn phỏng dịch)


Dù đến từ góc nào trên trái đất này, chúng ta về bản chất đều là con người như nhau. Tất cả chúng ta đều mưu cầu hạnh phúc và mong muốn lánh xa khổ đau. Về cơ bản, chúng ta đều có những như cầu tương tự và những quan tâm giống nhau. Là con người, ai cũng mong muốn được tự do, được quyền quyết định số phận của cá nhân mình và số phận của dân tộc mình. Đó là bản chất của con người.
Vấn đề mà chúng ta phải đương đầu hôm nay do chính con người gây ra, dù đó là xung đột bạo lực, hủy hoại môi trường sống hay sự đói nghèo. Những vấn nạn này có thể được giải quyết nhờ sự nỗ lực của chính con người thông qua nhận hiểu rằng chúng ta đều là anh chị em và thông qua việc phát triển tinh thần huynh đệ. Chúng ta phải tu dưỡng trách nhiệm phổ quát đối với nhau và trải rộng trách nhiệm đó cho thế giới mà chúng ta đang cùng chia sẻ.
Tôi cảm thấy lạc quan rằng những giá trị truyền thống vốn lưu giữ được nhân loại cho đến ngày nay đang một lần nữa được thể hiện lại ở đây hôm nay, chuẩn bị cho con đường vươn tới một thế kỷ 21 tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Tôi cầu nguyện cho tất cả chúng ta, bạn bè và kẻ áp bức, để cùng nhau, chúng ta có thể thành tựu trên con đường kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn thông qua sự hiểu biết và yêu thương nhau, và bằng cách đó, cầu mong sao chúng ta có thể giúp vơi bớt những bất hạnh và khổ đau cho tất cả các chúng sinh hữu tình.
Trích diễn văn phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV tại lễ nhận Giải Nobel Hòa Bình ngày 10/12/1989 tại Oslo.

Ba thệ nguyện của đời tôi.
Thệ nguyện thứ nhất, là một con người, tôi cổ xúy các giá trị nhân bản và những phẩm chất tinh thần vốn là những yếu tố then chốt cho một cuộc sống hạnh phúc, dù đó là hạnh phúc của một cá nhân, một gia đình hay một công đồng. Ngày nay, tôi thấy dường như chúng ta ít quan tâm tu bồi các phẩm chất nội tại, đó là lý do vì sao ưu tiên hàng đầu của tôi là phát triển những phẩm chất này.
Thệ nguyện thứ hai của tôi, trong vai trò một tu sĩ Phật giáo, tôi cố xúy sự hòa hợp giữa các tôn giáo khác nhau. Trong chế độ dân chủ, chúng ta thừa nhận sự cần thiết của một đời sống chính trị đa đảng. Tuy nhiên, chúng ta ngần ngại khi đề cập đến vấn đề dị biệt trong các tín ngưỡng và tôn giáo. Dù các khái niệm và triết thuyết có khác nhau, tất cả các truyền thống tôn giáo chính thống đều chuyển đến chúng ta thông điệp của tình thương, lòng từ ái, sự nhẫn nhịn, ôn hòa và tính tự kỷ luật. Các tôn giáo đều có khuynh hướng chung là giúp con người hướng đến một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Thệ nguyện thứ ba, trong địa vị một Dalai Lama, là sự nghiệp của Tây Tạng, điều mà tôi luôn đặc biệt trăn trở. Tôi mang trách nhiệm lớn lao đối với nhân dân Tây Tạng vì trong suốt những năm tháng khốc liệt của lịch sử, họ luôn luôn đặt cả hy vọng và niềm tin vào tôi. Hạnh phúc của người Tây Tạng luôn là nguồn động viên liên tục cho tôi và trong sự nghiệp đấu tranh cho công lý, tôi luôn xem mình là một phát ngôn viên tự do đang lưu vong của họ.
Thệ nguyện thứ ba ngày sẽ chấm dứt khi Tây Tạng và Trung Quốc tìm được một giải pháp thỏa đáng chung cho cả hai bên. Còn hai thệ nguyện đầu, tôi sẽ giữ mãi mãi cho đến hơi thở cuối cùng.
Trích trong tác phẩm “Hành Trình Tâm Linh Của Tôi” - Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...