Chuyện kể rằng, có một vị vua nọ ban chiếu chỉ mở cuộc tranh tài xem trong thần dân ai có thể vớt mặt trăng trong đáy nước hồ. Rất nhiều kẻ sĩ người hiền tài cùng tham gia thi thố vớt trăng trong nước hồ mà chẳng ai thắng cuộc. Cuối cùng, một ngày kia, cũng có một kẻ vớt được trăng lên, vua khen tài giỏi và trọng thưởng. Vị này hỏi: “Khởi bẩm hoàng thượng, ngài đã tính làm gì tiếp theo với mặt trăng này chưa?”, vị vua nghĩ một chập rồi trả lời: “quả thật trẫm cũng chưa nghĩ ra sẽ làm gì tiếp theo với mặt trăng này!”. Đọc truyện vớt trăng nơi đáy nước mà chột dạ, tự hỏi không biết mình đã có bao nhiêu thứ tương tự như mặt trăng! Vớt lên rồi chẳng biết làm gì với chúng, hoặc vui sướng chốc lát khi vớt được “trăng” lên rồi chẳng mấy chốc lại chán chường đi tìm những “mặt trăng” khác. Cuộc sống khắc khoải trong kiếm tìm triền miên và sở hữu cho bằng được nhiều thứ, từ giản đơn đến cao siêu phức tạp, để khi nắm được chúng rồi, con người lại tiếp tục hành trình đằng đẵng đi tìm và sở hữu những “mặt trăng” khác….
Nghe cô giáo trách nhẹ con gái nhỏ: “Vì sao đoạn nhạc này có dấu lặng mà con quên không nghỉ?”. Ừ nhỉ, thì ra dấu lặng cũng có vai trò quan trọng lắm! Đôi khi chỉ cần một dấu lặng thôi, bản nhạc trở nên say đắm lòng người. Người nghệ sĩ chơi đàn thiếu một dấu lặng, có khi bản nhạc mất đi toàn bộ cái hồn mà nhà soạn nhạc muốn trao gửi. Nếu xem cuộc sống là một bản nhạc thì có bao giờ ta chấm phá vào đó một vài dấu lặng? Có bao giờ ta dừng lại một chút để thở thật đều, thật nhẹ và lặng lẽ ngắm những tia nắng trong trẻo đầu tiên của ban mai hay lắng nghe trọn vẹn trong chánh niệm bản giao hưởng số 6 của Beethoven? Trong lúc vội vã đi tìm và sở hữu vô số thứ vật chất bên ngoài, phải chăng ta đã quên tìm kiếm chính mình?
Cũng không trách cứ được, vì rằng ta đang bị cuốn phăng về phía trước và hiếm ai muốn bị xem là “chậm chân” trong chuyến tàu tốc hành của cuộc sống thị dân. Chúng ta lao về phía trước, đôi khi cũng không biết đi đâu và vì sao mình phải làm như thế. Đơn giản là chúng ta phải đi theo đám đông để vớt trăng nơi đáy nước và dường như không có đủ thời gian để suy ngẫm. Các tiến bộ về khoa học kỹ thuật cũng hỗ trợ đáng kể cho vận tốc lao nhanh về phía trước của con người. Cách đây hơn 3 thập kỷ, chúng ta vẫn liên lạc với nhau bằng điện tín, những bức điện khó hiểu như mật thư vì luôn kèm theo các mã rắc rối và không bỏ dấu luôn là mục tiêu chinh phục đầy tự hào của đám nhi đồng, trong đó có tôi. Cách đây 1 thập kỷ, không ai tin rằng có thể tồn tại một cái gì đó gọi là mạng xã hội, nơi mà mọi người trên hành tinh đều có thể biết được bạn đang ở đâu, làm gì, nghĩ gì chỉ trong 10 giây với những âm thanh, hình ảnh đặc tả vô cùng sinh động. Căn nhà tâm thức của chúng ta đầy ắp những cánh cửa sổ mở toang, đón gió mới trong lành nhưng cũng có cả những ngọn gió mang theo mùi của nhiễm ô.
Hiếm ai dám sống chậm vì sợ đủ thứ….
Nhẩn nha hát bài hát “Bay vào ngày xanh”, sao mà đáng yêu! “Để em về nghe, ngày xưa bé bỏng. Một ô cửa xanh, chập chờn hoa nắng. Để em về nghe, mùa đông phố cổ. Mẹ đang ngồi đan, lặng im đêm gió…”
…..Bỗng muốn quay về ngày xưa ấy, rất xa xưa để có được thật nhiều khoảng lặng vô tư, được nằm ngủ bình yên trên chiếc phản gỗ của bà, không có máy lạnh, chỉ có quạt nan bà ru ngủ mà sao mát rười rượi. Nhớ dáng mẹ nghiêng nghiêng trên chiếc xe đạp cũ rồi muốn được đội nón lá đạp xe đạp rong ruổi trên đường phố, quên hết động cơ xe máy, xe ô tô; Muốn được múc nước rửa chân từ cái thùng phi cũ của mẹ, được ăn sắn dây đào lên từ vườn nhà bà, ăn cốc chè đậu đen thơm phức từ tay bà nấu, muốn được ngửi mùi hoa thiên lý bên ô cửa chập chờn hoa nắng, được chơi đèn kéo quân và phá cỗ dưới ánh trăng…. Đơn giản thế thôi nhưng sao mà xa xôi….