... Có nhiều phẩm chất quan trọng cho sự an lạc tinh thần, nhưng từ kinh nghiệm của mình, tôi tin rằng một trong những nhân tố thiết yếu nhất chính là lòng từ bi và yêu thương: theo nghĩa quan tâm săn sóc.
Tôi sẽ giải thích ý nghĩa của lòng từ bi. Thường thì quan niệm của chúng ta về lòng từ và thương yêu là những tình cảm thân thiết gắn bó với người thân và bạn bè. Đôi khi lòng từ còn được hiểu là sự thương hại. Đây là một quan niệm sai lầm – bất cứ tình thương hay lòng bi nào bao hàm sự thương hại người khác đều không phải là lòng từ bi đích thực. Lòng từ bi thật sự phải dựa trên sự kính trọng đối với tha nhân và nhận thức được rằng người khác cũng có quyền được hạnh phúc và xa lìa khổ đau càng nhiều càng tốt như chính bản thân mình. Trên cơ sở đó, khi nhìn nhận khổ đau của người khác, chúng ta sẽ phát triển mối quan tâm chân thành đến họ.
Sự gắn bó thân thiết mà chúng ta dành cho bạn bè thường là tham ái hơn là lòng từ. Lòng từ bi đích thực không biết phân biệt. Nếu chúng ta chỉ cảm thấy gần gũi với bạn bè bằng hữu, song chẳng có chút cảm giác gì đối với kẻ thù hoặc với vô số chúng sinh và những người chúng ta không quan tâm thì lòng từ đó thiếu đi sự vô tư.
Như đã nêu ở phần trước, lòng từ bi chân thực dựa trên nền tảng nhận thức rằng tất cả tha nhân đều có quyền sở đắc hạnh phúc giống như ta, vì thế ngay cả kẻ thù của chúng ta cũng là những con người với cùng một ước muốn hạnh phúc và có quyền sở đắc hạnh phúc như chúng ta. Sự quan tâm phát triển từ nền tảng đó chính là tâm từ; tâm từ trải rộng cho mọi chúng sinh bất kể người đó coi ta là bạn hay thù.
Một khía cạnh của lòng từ bi là tinh thần trách nhiệm quan tâm. Khi phát triển được động lực này, lòng tự tin sẽ tự động gia tăng. Bản thân việc này sẽ giúp giảm bớt lo sợ và đó cũng chính là điểm gốc của tính xác quyết. Nếu ngay từ ban đầu chúng ta hạ quyết tâm hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn thì ngay cả khi chúng ta thất bại một lần, hai hay ba lần cũng không hề hấn gì. Mục tiêu của chúng ta rất rõ ràng, và chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu. Thái độ lạc quan và quả quyết là mấu chốt của thành công.
Lòng từ bi cũng mang đến cho ta sức mạnh nội tại. Một khi được phát triển, lòng từ bi sẽ tự động hé mở cánh cửa nội tâm, qua đó chúng ta có thể giao tiếp với đồng loại và với cả những chúng sinh hữu tình khác một cách dễ dàng, từ trái tim đến trái tim. Ngược lại, nếu chúng ta nuôi dưỡng thù hận và hằn học với người khác, họ cũng sẽ cảm thấy đúng như thế với chúng ta, kết quả là sự nghi kỵ, sợ hãi sẽ tạo ra một hố ngăn cách giữa hai người và làm cho giao tiếp trở nên khó khăn hơn. Chúng ta sẽ cảm thấy lạc lõng và cô đơn. Không phải ai trong cộng đồng cũng có cảm giác tiêu cực như nhau về bạn nhưng một số người sẽ nhìn bạn tiêu cực vì cảm nhận của chính bạn.
Nếu chúng ta nuôi dưỡng cảm xúc tiêu cực với người khác nhưng lại muốn họ tử tế với mình thì quả là vô lý. Muốn bầu không khí xung quanh luôn thân tình thì trước tiên chính chúng ta phải tạo ra nền tảng đó. Dù cho phản ứng của người khác có tích cực hay tiêu cực đi chăng nữa thì trước tiên phải xây dựng cơ sở tình bằng hữu. Nếu ngay cả sau những nỗ lực đó mà người khác vẫn đối xử không tốt với bạn thì bạn có quyền được hành xử phù hợp.
Trích dịch "The Dalai Lama's Book of Love and Compassion"