Một Phút Minh Triết



Trò: Có cái gì gọi là một phút minh triết được không nhỉ?
Thầy: Dĩ nhiên là có chứ!
Trò: Nhưng hẳn là một phút thì quá ngắn ngủi?
Thầy: Năm mươi chín giây thì lại quá dài.



TRƯỞNG THÀNH

Thầy nói với một đệ tử suốt ngày cầu nguyện: “Khi nào con mới ngưng dựa dẫm vào Thượng đế và tự đứng trên đôi chân của mình?”
Đệ tử sửng sốt: “Nhưng chính Thầy là người dạy chúng con phải xem Thượng đế như  Cha mà?”
Thầy: “Đến khi nào con mới chịu hiểu Cha không phải người để con dựa dẫm mà là người vứt bỏ đi thói quen dựa dẫm của con?”

TRONG SÁNG

“Đừng tìm kiếm Thượng đế,” – Thầy nói: “Hãy chỉ nhìn – và rồi mọi sự sẽ hiển bày.”
Trò: “Nhưng nhìn như thế nào ạ?”
Thầy: “Mỗi khi con nhìn vào bất kỳ điều gì, hãy chỉ nhìn vào đúng sự vật đó và không gì khác hơn nữa.”
Trò cảm thấy hoang mang, vì vậy Thầy giải thích theo cách đơn giản hơn: “Chẳng hạn, khi con nhìn vào mặt trăng, hãy chỉ nhìn mặt trăng và đừng thấy gì khác nữa.”
Trò: “Khi nhìn trăng thì thấy mỗi trăng chứ còn thấy cái gì nữa đâu Thầy?”
Thầy: “Kẻ đói khát sẽ thấy đấy là chiếc bánh pho mát . Kẻ đang yêu lại thấy đó là khuôn mặt người mình yêu.”


TÔN GIÁO

Một vị chức sắc cao trọng trên đường đi công du ghé vào thất đảnh lễ Thầy.
“Công việc của con rất bận rộn nên con không có thời gian để nghe một vài pháp dài,” - ông ta nói, “Liệu Thầy có thể tóm gọn tinh túy giáo pháp trong vài ba đoạn văn cho một người bận rộn như con?”
“Ta sẽ tóm lại chỉ trong một từ duy nhất vì lợi lạc của ông.”
“Tuyệt đỉnh! Từ đó là gì vậy?”
“Thinh lặng.”
“Làm sao để đạt được sự  Thinh Lặng?”
“ Thiền định.”
“Cho phép con hỏi vậy  Thiền định là gì?”
“là Thinh Lặng”.


TỈNH GIÁC

“Con phải làm gì để đạt được sự Giác Ngộ?”
“Con làm những điều đơn giản như mỗi sáng mặt trời mọc lên vậy.”
“Vậy thì tất cả những pháp hành tâm linh Thầy chỉ dạy để làm gì chứ?”
“Để đảm bảo con không ngủ quên khi mặt trời mọc.


CÓ MẶT Ở ĐÂY

“Con có thể tìm thấy sự Giác ngộ ở đâu?”
“Ở đây.” – Thầy đáp
“Khi nào sự Giác ngộ xảy ra?”
“ Đang đang xảy ra ngay tại lúc này.”
“Sao con không kinh nghiệm được nó?”
“Vì con không chịu nhìn.”
“Con nên tìm kiếm cài gì”
“Chẳng gì cả. Hãy chỉ nhìn thôi.”
“Nhìn vào cái gì ạ?”
“Bất kỳ sự vật gì mắt con thấy.”
“Con có phải nhìn sự vật theo một cách đặc biệt nào đó không?”
“Không, nhìn như con vẫn nhìn bình thường.”
“Nhưng chả phải con vẫn nhìn mọi vật theo cách bình thường đấy thôi?”
“Không hề.” – Thầy đáp.
“Tại sao lại không hề?”
“Vì để nhìn thấy, con phải có mặt ở ngay tại đây.  Thường thì con toàn ở đâu đó mà thôi.”


NGỘ

“Làm sao để con không bao giờ phán xét hàng xóm của con?”
“Bằng cách cầu nguyện.”
“Thế thì tại sao đến giờ con vẫn chưa đạt được đức hạnh ấy?”
“Đó là vì con chưa cầu nguyện đúng chỗ.”
“Chỗ đó ở đâu?”
“Trong lòng Thượng Đế.”
“Làm sao con tới đó được?”
“Khi con hiểu rằng kẻ tội đồ không hiểu việc mình phạm và luôn đáng được tha thứ.”


ẢO GIÁC

“Làm sao để con thành tựu một Đời sống Vĩnh hằng?”
“Đời sống Vĩnh Hằng là ngay bây giờ. Hãy sống trong hiện tại.”
“Nhưng chẳng phải con đang sống trong hiện tại đó thôi?”
“Không hề.”
“Tại sao không?”
“Vì con chưa chịu buông bỏ quá khứ.”
“Vì sao con phải buông bỏ quá khứ? Đâu phải quá khứ lúc nào cũng xấu.”
“Buông bỏ quá khứ không phải vì nó xấu mà là vì nó đã chết rồi.”


HẠNH PHÚC

“Con tuyệt vọng và cần sự trợ giúp nếu không con sẽ hóa điên mất. Chúng con sống chung trong một căn phòng – vợ con, các con của con bao gồm cả dâu rể.  Vì vậy mọi người đều căng thẳng, chúng con gào thét, la lối lẫn nhau. Căn phòng thành địa ngục rồi.”
“Con có hứa sẽ nghiêm túc làm theo lời Thầy khuyên không?” – Thầy nói giọng nghiêm nghị.
“Con thề sẽ thực hiện bất kỳ điều gì Thầy khuyên.
“Tốt lắm. Con hiện nuôi bao nhiêu con gia cầm?”
“1 con bò, 1 con ngỗng và 6 con gà.”
“Con mang hết bọn chúng vào nhà ở chung rồi 1 tuần con quay lại đây.”
Đệ tử rất kinh hãi. Song anh ta đã hứa sẽ làm theo lời Thầy dạy nên đành mang hết lũ gia cầm vào nhà. Một tuần sau, anh ta quay lại, thân hình tiều tụy, than vãn: “Con đã suy nhược thần kinh hoàn toàn. Bẩn thỉu, hôi thối! Tiếng ồn! Tất cả chúng con đang trên bờ vực của sự điên loạn.
“Bây giờ con hãy quay về và bỏ lũ gia cầm ra khỏi nhà.” – Thầy nói.
Người đàn ông chạy một mạch về nhà. Hôm sau ông ta quay lại mắt lấp lánh niềm vui: “Cuộc sống mới tuyệt vời làm sao! Lũ gia cầm đã bị tống ra khỏi phòng rồi. Nhà con như một Thiên đàng – thật là yên lặng, sạch sẽ và rộng rãi.”


THIỀN ĐỊNH

Một đệ tử ngủ gật và nằm mơ thấy mình đang tiến vào cổng Thiên Đàng. Anh ta rất ngạc nhiên khi thấy Sư phụ của mình và các môn sinh khác đang ngồi ở đó nhất tâm trong thiền định.
“Đây là sự tưởng thưởng của Thiên Đàng sao?” Anh ta la lên. “Tại sao? Dưới hạ giới chúng ta cũng đang làm đúng thế này mà?”
Anh ta nghe một Tiếng nói vẳng lên: “Đồ ngốc! Con nghĩ là những người thiền định kia đang ở trên Thiên Đàng sao? Ngược lại mới đúng – Thiên Đàng đang ở bên trong họ đó.!”


LỜI NÓI

Người đệ tử vội vàng chạy về báo với Sư Phụ tin đồn anh ta nghe được ngoài chợ.
“Khoan đã,” – Sư phụ nói: “Những gì con sắp nói ra đây có đúng là sự thật không?”
“Con không nghĩ thế đâu ạ.”
“Nó có lợi ích gì không con?”
“Không lợi ích gì ạ.”
“Nó có khôi hài không?”
“Chả khôi hài tí nào.”
“Thế thì chúng ta nghe làm gì hả con?”


NGỤC TÙ
“Con rất hãnh diện về trí tuệ của bản thân.” – Thầy nói với một học trò. “Con chẳng khác nào gã tù nhân bị kết án đang rất thỏa mãn với cái xà lim to đùng của mình.!”

Trích dẫn tác phẩm Một Phút Minh Triết (One Minute Wisdom) - Anthony De Mello.


Chiếc xe Peugeot

Thích Nhất Hạnh
Trích dịch từ Tạp chí Tricycle tháng 12/2016

Vào những năm đầu của thập kỷ 70, khi đến Pháp, chúng tôi có mua một chiếc xe hơi mini cũ hiệu Peugeot. Chúng tôi di chuyển khắp Âu châu trên chiếc xe đó và không chỉ dùng nó để chở người mà còn để chuyên chở gạch, cát, đồ dùng dụng cụ, sách vở, thực phẩm và nhiều thứ vật liệu khác nữa khi chúng tôi bắt đầu chuẩn bị lập làng Khoai Tây tại một trang trại nhỏ ở ngoại ô Paris. Chúng tôi đã sử dụng chiếc xe này để phục vụ Phật sự và giữ nó trong nhiều năm. 
Đến lúc chiếc xe đã quá cũ rích và không còn sử dụng được nữa, chúng tôi trăn trở vô cùng khi phải vứt bỏ nó đi. Chúng tôi quá luyến thương chiếc xe nhỏ vì cả người và xe đã gắn bó và trải qua nhiều kỷ niệm cùng nhau. Chiếc xe hỏng đi hỏng lại nhiều lần, có gây cả tai nạn và phải sửa tới sửa lui. Đêm trước khi buộc phải vứt bỏ chiếc xe, ai cũng buồn rầu.
Tôi không biết ngày nay người ta có bị bám luyến nặng nề như thế vào các thứ đồ đạc vật chất mình mua hay không. Rất nhiều người mong muốn phải sở hữu bằng được những vật dụng tối tân hiện đại nhất và các nhà sản xuất, các công ty quảng cáo cũng hiểu điều này. Không phải tự  nhiên mà hàng hóa ngày nay sản xuất ra không nhằm mục đích sử dụng bền bỉ trường kỳ.
Những vật chất chúng ta khao khát luôn thay đổi liên tục. Và cái khao khát có được vật này thứ kia để sử dụng cũng đổi thay mỗi lúc mỗi khác. Chúng ta mải miết đuổi theo những thứ mới mẻ. Ban đầu, mình đắm đuối vào vật mới mua rồi chẳng mấy chốc lại chán ngán và muốn bỏ nó đi để mua cái khác.
Khi quý vị phát triển chánh niệm, quý vị sẽ dành lại cuộc sống của mình. Quý vị sẽ thấy mình uổng phí biết bao thời gian rong ruổi theo những chi tiêu trống rỗng và vô nghĩa. Nếu suy niệm sâu xa, ta sẽ thấy sự tiêu xài trống rỗng đó chẳng bao giờ mang lại cho chúng ta phúc lạc dài lâu mà chỉ mang tới đau khổ phiền não mà thôi.

Thích Nhất Hạnh – Trích từ tác phẩm Ở Nhà nơi Thế Gian Này.  © 2016. 

Một bàn luận về hạnh phúc.


 "Hạnh phúc có được từ sự so sánh là thứ hạnh phúc giả tạo. “Tôi có chiếc xe to hơn còn anh không có. Bởi anh không có nên tôi hạnh phúc.” Đấy là điều xuẩn ngốc. Làm sao tôi có thể hạnh phúc vì anh không có xe? “Tôi có nhà lớn và anh không có nhà lớn, thế nên tôi hạnh phúc.” Thứ hạnh phúc này dường như chú trọng nhiều tới việc làm cho người khác bất hạnh hơn là tự mình hạnh phúc. “Anh không có xe, anh không có nha đẹp – tôi hạnh phúc vì anh khổ sở.” Hãy nhìn vào logic ấy, bài toán thật đơn giản: “Tôi hạnh phúc khi người khác đau khổ, thế nên người khác càng đau khổ, tôi lại càng hạnh phúc; nếu cả thế gian hóa thành địa ngục, tôi sẽ hạnh phúc tột bậc.” Đấy là logic và đấy là điều con người vẫn thường làm."

"Đôi khi bạn thấy hạnh phúc và đôi khi thấy bất hạnh – bởi hạnh phúc của bạn có điều kiện. Khi bạn thành công, bạn hạnh phúc, khi bạn thất bại, bạn bất hạnh; hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào nguyên nhân bên ngoài. Bạn không thể luôn ca hát được; do dù bạn hát, bài hát của bạn không phải bao giờ cũng thuần túy là ca hát. Đôi khi nó là vui mừng thực sự, đôi khi nó chỉ là sự lập lại, đùng đục và đờ đẫn. Đôi lúc khi có bạn bè tới chơi, khi bạn tìm thấy ý trung nhân, bạn thấy hạnh phúc sung sướng. Khi hết bạn bè tới chơi, khi mất người yêu, bạn trầm uất. Hạnh phúc và bất hạnh của bạn đều bắt nguồn từ nguyên nhân bên ngoài – nó không phải là dòng chảy bên trong, nó không phải là điều gì bạn sở hữu. Nó được người khác trao cho bạn và lấy đi khỏi bạn, được hoàn cảnh trao cho bạn và lấy đi khỏi bạn. Điều này không có giá trị bởi vì bạn vẫn còn là nô lệ, bạn không phải là người chủ.

Đạo nhân gọi một người là chủ khi hạnh phúc của người đó là tuyệt đối của riêng người đó. Người đó có thể hạnh phúc bất chấp tình huống: trẻ cũng hạnh phúc, già cũng hạnh phúc, là bậc quân vương cũng hạnh phúc mà là người hành khất vẫn thấy vui. Bài ca của người đó không bị vấy bẩn bởi hoàn cảnh. Bài ca của người đó là của riêng họ, là nhịp điệu tự nhiên của chính họ."


"Có vài người hiểu được cái đẹp của cuộc sống nhưng không hiểu mặt xấu của nó. Một số người khác hiểu cái xấu của cuộc sống nhưng lại không thể hiểu cái đẹp của nó. Có một số người hiểu phần tiêu cực của sự chết nhưng không hiểu sự yên nghỉ của nó. Và thế rồi có một số người hiểu sự yên nghỉ của chết nhưng không hiểu cái xấu của nó – song cả hai là như nhau. Bạn chọn loại này, người khác chọn loại khác.
Cả hai nên được chọn cùng nhau. Cả hai nên được chọn cùng nhau nhiều tới mức không còn lựa chọn nào khác nữa. Cuộc sống xấu xí và cuộc sống đẹp đẽ. Cái chết xấu xí và cái chết cũng đẹp đẽ. Chân trái của bạn di chuyển là do chân phải của bạn đứng yên, có sự chuyển động là do một chân đứng yên. Thế rồi chân trái của bạn đứng yên và chân phải của bạn chuyển động. Chuyển động có thể xảy ra nhờ có sự bất động.
Tôi có thể nói với bạn bởi lẽ có gì đó sâu thẳm trong tôi luôn tĩnh lặng. Ngôn từ có nghĩa, đáng nói, chỉ do có sự tĩnh lặng. Nếu không có sự tĩnh lặng thì ngôn từ chỉ là vô nghĩa, chỉ là lời lắp bắp. Khi lời nói có ý nghĩa, luôn nhớ rằng ý nghĩa tới qua tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng tràn vào lời và lời trở nên rực rỡ."


Trích dẫn từ tác phẩm “Đạo, Con Đường Không Lối” – Osho.


Muốn sống hạnh phúc, đừng làm 10 điều này!

Năm ngoái, Tạp chí Nghiên Cứu về Hạnh Phúc có đăng một báo cáo nghiên cứu của Michael Minkov và Michael Harris Bond trong đó hai ông tuyên bố rằng hạnh phúc có hàm chứa yếu tố của gen – tức là một số người mang sẵn trong mình những tố chất để sống hạnh phúc  an nhiên hơn người khác. Song điều này không có nghĩa là bạn không thể xoay chuyển tình thế những khi gặp ưu phiền. Dù gen của bạn có quyết định như thế nào đi chăng nữa thì cũng vẫn có một số cách đã được thực chứng giúp bạn sống hạnh phúc và lạc quan hơn.
Hãy thử đừng làm 10 điều sau đây, chắc chắn bạn sẽ thấy mình sống hạnh phúc hơn.
1. Dằn vặt về quá khứ
Chú trọng quá nhiều vào những điều đã xảy ra trong quá khứ sẽ không cho phép bạn sống hết mình với hiện tại và hướng về tương lai. Quá khứ không thể thay đổi cho nên tập trung vào những vấn đề không có lời giải đáp chắc chắn sẽ lôi kéo bạn vào trạng thái ưu phiền ủ dột. Tốt hơn bạn hãy sống cho hiện tại và hướng luồng năng lượng của bạn vào những gì mình có thể thực hiện được thay vì những gì mình không thể xoay chuyển hoặc không thể thay đổi được.
2. Tự mãn về bản thân
Mặc dù hướng sự tập trung vào những gì bạn đang làm ngay tại thời điểm này là điều quan trọng, nhưng bạn có thể đạt được hạnh phúc lâu bền bằng cách suy nghĩ về những gì bạn mong muốn trong tương lai và có những chuẩn bị để đạt được điều đó. Đừng tự mãn với những gì mình đang có. Cho dù đó là việc hệ trọng như  một công việc mới, một sự nghiệp mới hay những điều nho nhỏ như tạo lập một thói quen mới, hãy luôn cố gắng phát triển và mở rộng kỹ năng của mình, bạn sẽ tự tạo cho minh những cơ hội mới đầy thú vị.
3. Tốn nhiều thời gian trên mạng xã hội
Nghiên cứu gần đây của Khoa Y thuộc trường Đại Học Pittburgh kết luận rằng việc sử dụng mạng xã hội và chứng trầm cảm có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả chúng ta đều biết về mạng xã hội nhưng đôi khi lại quên thừa nhận rằng người ta chỉ đưa lên mạng những phiên bản tốt đẹp nhất về bản thân họ. Điều này gây ra sự ganh ghen đố kỵ do thấy người khác hơn mình và sự đố kỵ này dẫn đến nỗi chán chường thất vọng (về bản thân). Bạn hãy nhớ rằng mỗi người đi theo lối đi riêng và nhịp độ riêng của họ. Hãy dẹp bỏ bớt mạng xã hội đi và bắt đầu sống riêng cho mình chứ đừng sống qua sự trải nghiệm gián tiếp từ người khác.
4. Quên mất JOMO
Mạng xã hội tạo ra hiệu ứng FOMO  (fear of missing out) - cảm giác lo sợ mình bị quên lãng. Thay vào đó hãy nghĩ về JOMO (joy of missing out), tức là niềm hân hoan vì được quên lãng. Thực hành chánh niệm, một trạng thái tinh thần ý thức trọn vẹn được hiện tại và gắn kết với hiện tại. Sống có chánh niệm sẽ mở ra cho bạn sự trải nghiệm những điều mới mẻ mà đáng ra bạn sẽ bỏ sót. Quan trọng không kém, sống chánh niệm sẽ giúp bạn giảm thiểu những sao nhãng, suy nghĩ vẩn vơ không cần thiết.
5. Bỏ qua những niềm vui nho nhỏ
Một ngày đẹp trời. Một chú chó nhỏ xinh xắn đang chạy đến bên bạn. Một tách cà phê thơm, một bản nhạc hay. Một ngày 24 giờ và trong suốt quãng thời gian đó thế nào cũng có những niềm vui xuất hiện, niềm vui giản đơn và nho nhỏ như thế, dù có khi chỉ là 1 phút thôi. Bạn hãy biết trân trọng những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống.
6. Nằm lì trên ghế sofa
Đừng nằm lì trên ghế sofa hết giờ nọ sang giờ kia để xem TV, ăn uống, liên miên trên mạng xã hội “chém gió.”, câu Like, sống ảo. Sự luyện tập thể lực từ lâu đã gắn liền với hạnh phúc. Khi bạn tập thể thao, não bạn tiết ra chất endorphins và monoamines, những chất hóa học này giúp cơ thể chống chọi với đau nhức, stress và một số loại rối loạn tinh thần như lo lắng bồn chồn. Đó là lý do vì sao luyện tập thể thao không chỉ làm bạn khỏe mạnh hơn mà còn giúp bạn vui sống hơn.
7. Để cho những điều không vui ảnh hưởng đến mình.
Rất thường, từ trong tiềm thức người ta hay có khuynh hướng chọn sự bực bội. Những điều rất nhỏ nhặt cũng có thể làm chúng ta khó chịu và rồi chúng ta để cho những năng lượng tiêu cực đó len lỏi vào cả ngày dài gây mệt mỏi và cáu kỉnh. Thật ra, những chuyện không vui xảy ra với tất cả mọi người. Hãy biết chọn lựa điều gì thực sự quan trọng đối với bạn và điều gì không.  Chọn cách mình tiếp nhận và phản ứng với những điều không vui như thế nào là quyền của bạn. Hãy tự hỏi thay đổi cả thế giới này dễ dàng hay thay đổi chính mình sẽ dễ dàng hơn? Nếu bạn không dành thời gian để đay đi đay lại những suy nghĩ tiêu cực khó chịu thì bạn sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để đón nhận những niềm vui lớn nhỏ trong ngày.
8. Hằn học
Hằn học có liên quan đến giận dữ, sự tổn thương và những cảm giác rất tiêu cực đối với một ai đó.  Bạn có thể nhận biết mình bị ai đó coi thường mình nhưng bám luyến vào những cảm xúc mãnh liệt như thế không bao giờ mang lại niềm vui cho bạn cả. Thay vì thế, hãy cố gắng học cách tha thứ và bỏ qua. Phân tích xem tại sao bạn bị tổn thương. Đồng cảm với người đối xử tệ với mình và nếu cần hãy thể hiện cảm xúc của mình với họ. Nếu mọi thứ diễn biến tốt đẹp thì bạn và người đó sẽ xây dựng được niềm tin và mối quan hệ gắn bó hơn,. Nếu không thì chí ít bạn cũng nên cố gắng bỏ qua và tha thứ.
9. Bỏ lơ các mối quan hệ.
Trong thế giới công nghệ số ngày nay, dành thời gian cho những cuộc gặp mặt càng ngày càng trở nên khó khăn. Nhưng chính vì khó khăn như thế nên gặp mặt nhau trực tiếp mới thật là quan trọng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người có nhiều bạn bè không chỉ hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn mà họ còn hồi phục bệnh tật nhanh hơn, rủi ro mắc bệnh tật thấp hơn và họ có khuynh hướng suy nghĩ tích cực hơn vì họ biết rằng luôn luôn có nhiều người sẽ giúp đỡ hỗ trợ mình.
10.  Quên dành thời gian làm những việc bạn yêu thích
Đam mê của bạn là gì? Dù cho các hoạt động đó là chút khùng điên, nhỏ bé hay khó khăn đến mấy, bạn cũng nên ráng dành ra chút thời gian theo đuổi những việc khiến bạn vui. Thời gian luôn là thứ hệ trong trong thế giới đương đại này nhưng bạn sẽ cảm thấy như con kiến bò phải cành cụt nếu như bạn không dừng lại một chút để nghỉ ngơi và làm những gì mình thật sự đam mê yêu thích.
Thường thì hạnh phúc là sự chọn lựa. Hy vọng đó không phải là một sự chọn lựa quá gian nan.  Hãy dành thời gian suy ngẫm về những gì thực sự quan trọng đối với bạn và chắc chắn rằng mình phải theo nó tới cùng dù gì xảy ra đi nữa. 
Jennifer Cohen
28 Feb 2017

Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...