Đối Trị Sân Hận - Bài giảng của Lama Zopa


Đối Trị Sân Hận

Chân Như chuyển Việt ngữ


Trong buổi Pháp đàm tại Thiền viện Vajrapani, Boulder Creek, California ngày 23 tháng Năm, 1997, Lama Zopa Rinpoche đã hướng dẫn nhiều phương pháp đối trị sân hận – sân hận của bản thân và sân hận của người khác hướng về mình. Thuyết giảng của Ngài sau đó được đăng trên  tập san Mandala, một tạp chí của FPMT, số tháng Bảy- tháng Tám, 1997.
Tánh Không là phương thuốc đối trị mọi căn nguyên của các vọng tưởng – vô minh, vì thế mọi vọng tưởng sẽ bị diệt trừ. Tại thời điểm chúng ta quán tưởng tánh Không thì sân hận sẽ ngưng khởi phát. Sân hận phát sinh khi chúng ta chấp thủ vào tự ngã giả tạm, những sự vật giả tạm - những thứ không hiện hữu. Vì thế khi quán tưởng tánh Không trên tự ngã, trên các sự vật, ta sẽ thấy không có cơ sở cho sân hận khởi phát. Đó chính là liều thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất. Nếu sân hận tiếp tục xuất hiện thì đó là vì không có sự đều đặn liên tục trong hành thiền, quán tưởng và chánh niệm. Vấn đề là chúng ta phải ghi nhớ được phương pháp hành thiền. Một khi bạn ghi nhớ được, nó sẽ vô cùng hiệu nghiệm. Khi không để ý phương pháp này, vọng niệm, sân hận v.v.. sẽ khởi sinh và sai xử bạn.
Một điều tôi hay nhắc mọi người là hãy suy nghiệm về nghiệp quả. Đức Đạt Lai Lạt Ma thường dạy rằng Phật tử không tin vào một Đấng Thượng Đế nào cả. Triết thuyết Phật giáo cơ bản này giúp chúng ta luôn ghi nhớ rằng không có một tâm thức tách biệt nào bên ngoài tâm thức của chính ta kiến tạo nên cuộc đời ta, kiến tạo nên nghiệp quả của ta cả. Tất cả những việc gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là từ chính tâm thức của ta. Ngũ uẩn, các giác quan, các cảm thọ, vui, buồn v.v.., tất cả thế giới này được tạo ra từ tâm thức. Vết hằn của các nghiệp quả trong quá khứ, thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp vốn hiện hữu trong tâm thức chúng ta sẽ hiện hữu trở lại. Những dấu vết nghiệp quả quay lại thân người với các giác quan, ngũ uẩn, các cảm thọ, tất cả những  gì hiện thị ở đời này, đều bắt nguồn từ tâm thức, hay nghiệp quả của chúng ta.
Nếu sự quán tưởng của bạn về tánh Không chưa hiệu quả thì giáo lý về nghiệp quả sẽ vô cùng mạnh mẽ đối với những người thế tục. Khi quán về nghiệp quả, sẽ không còn cứ điểm nào trong tâm để sân hận nổi lên vì chẳng có cái gì tồn tại đề đổ tội trách cứ cả. Suy nghiệm về nghiệp quả tức là thực hành giáo lý căn bản của Phật giáo cho rằng không tồn tại một đấng sáng tạo nào ngoài chính tâm thức của mình. Đó không chỉ là một triết lý mà còn là một phương pháp vô cùng pháp mạnh mẽ. Sân hận được tạo tác dựa trên niềm tin vào một đấng sáng tạo. Ai đó đã tạo ra vấn đề này, chuyện này xảy ra là vì người nọ, người kia. Trong cuộc sống hàng ngày, khi có chuyện này chuyện kia xảy ra, thay vì thực hành triết lý không có người tạo tác vấn đề thì chúng ta lại hành xử như thể có người tạo tác, rằng kẻ nào đó đã gây ra vấn đề này. Ngay cả khi chúng ta không sử dụng chữ “Trời”, chúng ta vẫn tin rằng vấn đề này kia nảy sinh là do một ai đó gây ra. Khoảnh khắc mà bạn suy nghiệm về nghiệp quả và nhận ra rằng không có ai tạo tác cả, thì sẽ không có cơ sở nảy sinh sân hận.
Chúng ta cần nghĩ như thế này: trong quá khứ, tôi đã gây hại cho một chúng sanh hữu tình nào đó, vì thế trong đời này một ai đó sẽ gây hại cho tôi. Khi nổi cơn sân hận, bạn cho rằng mình được quyền gây hại người khác nhưng người khác không được gây hại cho mình. Như thế rất vô lý. Như thế theo cách nghĩ ngày, chẳng khác nào bạn nói: “Tôi đáng được nhận cái hại này lắm”.
Một cách khác là sử dụng tình huống này để phát triển lòng từ bi: Tôi gánh lấy cái hại này là vì nghiệp quả của tôi. Ai khởi ra những việc này? Không phải người nào khác khởi mà chính là do các hành vi của tôi. Tôi đã từng có hành vi bất thiện với những chúng sanh hữu tình nào đó trong quá khứ và đó là lý do vì sao tôi bị đối xử lại như vậy; Nghiệp quả của tôi đã xui khiến người khác gây hại cho tôi ở đời này. Và ở đời này, khi tái sinh vào cõi người, người đó gây hại lại cho tôi vì một hành vi bất thiện nào đó tôi đã khởi lên trong quá khứ. Nhưng vì gây tổn hại cho tôi, họ lại tạo ra những ác nghiệp khác nên sẽ không được tái sinh vào cõi người mà bị đọa sinh vào các cõi giới thấp kém hơn.
Bằng cách này, bạn đang áp dụng các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống để phát tâm Bồ Đề. Điều này có nghĩa là khi một ai đó có thể phát triển toàn bộ con đường giác ngộ Đại thừa, gồm cả sáu hạnh Ba la mật, dù đó là con đường Kinh điển hay Mật điển, người đó có thể tận diệt được những tà kiến trong tâm và thành tựu giác ngộ viên mãn. Nhờ lòng bi mẫn của người đó, bạn có thể phát khởi tâm từ bi, giải thoát chúng sanh hữu tình khỏi phiền não khổ đau, mang đến sự giác ngộ và hạnh phúc viên mãn cho họ.
Một ai đó cũng có thể nghĩ theo cách này: bằng cách thực hành tâm từ bi cho một người, ta cũng có thể phát khởi tâm từ bi đến cho tất cả chúng sinh hữu tình. Con người ấy từ bi cao quý ấy đang giúp ta ngưng làm tổn hại đến các chúng sinh hữu tình, và trên hết, nhận được sự trợ giúp từ ta. Vì ta không làm hại người khác nên an lạc, hạnh phúc sẽ đến với ta; và vì nhận được sự giúp đỡ của ta, các chúng sinh khác cũng có an lạc và hạnh phúc. Toàn bộ niềm an lạc, hạnh phúc mà bạn có thể dâng hiến cho các chúng sinh hữu tình đến từ chính con người đó.
Tương tự, bạn cũng có thể huân tập sự nhẫn nhịn theo cách này để chấm dứt sân hận. Trong lời  khuyên của Đức Kadampas, có sáu phương pháp thực hành hạnh nhẫn nhục. Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết lúc này. Đó là những lời khuyên chí tình phải ghi nhớ, phải ghi chép xuống để thực hành.
Một điều rất hay nữa mà Ngài Pabongka Rinpoche đã giải thích trong quyển “Giải Thoát Trong Lòng Tay”: nhìn chung, chúng ta không nổi giận với cây gậy mà người ta dùng để đánh ta. Cây gậy là một công cụ do người khác điều khiển, vì vậy nổi giận với cây gậy là điều ngớ ngẩn. Tương tự, thân, khẩu, ý của một người hoàn toàn bị cơn giận dữ, các vọng tưởng sai xử.  Thân, khẩu, ý của người đó trở thành kẻ nô lệ, được sử dụng như một công cụ của sân hận. Người nổi sân hận hoàn toàn không có tự do. Vì vậy, khi họ không có tự do, ta nên xem họ là đối tượng của lòng từ bi. Không những thế, ta phải tự xem mình có trách nhiệm xoa dịu sân hận của họ. Nếu bạn không thể làm gì được nữa thì hãy thỉnh cầu Phật, Pháp và Tăng giúp họ xoa dịu cơn giận.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giảng giải thiền định về lòng từ bi của người khác, về việc xem họ cũng quý giá như Đạo pháp, như Đức Phật, như Đạo sư, nhân từ như Đức Phật, như Đạo sư. Đúc kết lại rằng, nếu không ai khởi sân hận lên với ta, thì ta không bao giờ học được đức tính nhẫn nhịn. Nếu ai cũng yêu thương ta thì ta không bao giờ phát triển được hạnh nhẫn nhục quý báu. Vì thế có một nhu cầu thiết yếu trong cuộc đời là ai đó khởi lòng sân hận với ta. Sự sân hận đó không quý báu đối với họ nhưng vô cùng quý báu đối với ta.
Có ai đó yêu thương mình là điều quý giá, nhưng còn quý giá hơn nếu có ai đó sân hận mình.  Bạn sẽ thấy, người yêu thương bạn sẽ không giúp bạn làm lợi lạc cho vô số chúng sinh hữu tình hoặc thực hành toàn bộ đạo lộ đến giác ngộ. Những người đó rất quý giá với tôi bởi vì họ sân hận các bạn. Sân hận của họ như một viên ngọc ước đối với bạn đấy!
Giận dữ sẽ phá hủy công phu tu tập, phá hủy hạnh phúc của bạn không chỉ một ngày ngắn ngủi mà là dài hạn. Trong “Nhập Bồ Tát Hạnh” có nói: một lần nổi sân hận có thể kéo lùi sự chứng ngộ cả ngàn kiếp. Sân hận là một cản trở lớn, đặc biệt đối với sự thực hành Bồ đề tâm. Do vậy, vì người này nổi sân hận với tôi, tôi có thể phát triển được hạnh nhẫn nhục và vượt qua được cơn giận của chính mình, thành tựu con đường giác ngộ viên mãn. Các bạn sẽ hoàn tất được hai loại công đức: chấm dứt mọi cấu uế, chướng ngại để thành tựu giác ngộ, đồng thời giải thoát chúng sinh hữu tình, dẫn họ đến bờ giác.

Chuỗi Tràng Hạt




Cầm lên một tràng chuỗi niệm Phật, và lập tức bạn sẽ cảm thấy ngay cái cảm giác rất dễ chịu trong tay mình.  Mà điều ấy cũng có mặt với tất cả mọi xâu chuỗi cầu nguyện trong những truyền thống tôn giáo khác.  Trước hết, đó là một cảm giác làm an dịu tâm hồn, mà dường như nó chỉ tăng lên khi những hạt chuỗi trở nên trơn láng và đậm màu hơn theo với thời gian sử dụng.  Và tiếp theo là cái biểu tượng của nó - một sự liên kết, nối liền với lại một truyền thống rất xa xưa.  Lần qua những hạt chuỗi trên tay là bạn đang tiếp xúc với lại một phương pháp thực tập cỗ truyền.  Những ngón tay của bạn đang nâng niu những hạt chuỗi ấy trong giây phút này, và mai sau, lại sẽ có những ngón tay khác tiếp nối công việc ấy, khi bạn đã đi rồi.
Tràng chuỗi cũng được xem như là một phần của chiếc y.  Nó được mang quanh cổ hoặc ở nơi tay, sau đầu tròn áo vuông thì xâu chuỗi cũng là một biểu tượng rõ rệt nhất của một người Phật tử, đặc biệt là cho các cư sĩ.  Lúc ban đầu, thật ra xâu chuỗi được sáng tạo ra là để cho người cư sĩ sử dụng.  Ngày nay ta thấy người tu sĩ cũng thường mang theo, nhưng thật ra nếu đi ngược lại nguồn gốc ta sẽ khám phá ra rằng, những tràng chuỗi là một phương cách giúp ta mang sự thực tập trong tu viện ra áp dụng vào một cuộc sống đầy giới hạn và thách thức ở ngoài đời.
Trong Phật giáo, những tràng chuỗi đầu tiên mục đích không phải là để cho các tu sĩ sử dụng.  Trong kinh có một câu truyện rất phổ biến về nguồn gốc của nó. "Có lần vua Vaidunya sai sứ giả đến thưa lên với Phật: “Lạy đức Thế-Tôn, nước chúng con là một nước vùng biên thuỳ, nhiều năm giặc giã, ngũ-cốc đắt đỏ, tật-dịch tràn lan, nhân dân đói khổ, chúng con thường không nằm yên được. Chúng con được biết Pháp-tạng của Như-Lai rất rộng rãi, sâu xa, đáng tiếc chúng con vì có những việc lo buồn như thế, nên không tu hành được. Chúng con kính mong đức Thế-Tôn đặc biệt rủ lòng thương xót chúng con, cho chúng con pháp-yếu gì, để chúng con ngày đêm có thể tu hành được dễ dàng và trong đời mai sau xa lìa được mọi khổ-não.”
Đức Phật bảo Sứ-giả về thưa với nhà vua rằng: nếu nhà vua muốn diệt được phiền-não-chướng, báo-chướng, nên xâu một chuỗi tràng một trăm tám hạt bằng hạt cây tra (mộc-hoạn-tử) và thường đem theo mình; khi đi, khi ngồi, khi nằm thường nên chí tâm, không phân tán ý, xưng danh hiệu: Phật, Pháp, Tăng già, mỗi lần là lần qua một hạt cây tra.  Cứ như thế, lần lượt qua hạt này đến hạt khác."  Và Phật dạy, nếu nhà vua cứ thực tập như vậy thì ngài sẽ chấm dứt được hết mọi phiền não.

Đó là câu truyện xưa nhất nói về nguồn gốc của tràng chuỗi, và rõ ràng là sự thực tập ấy có ý định dành cho những ai chưa buông bỏ được những lo âu, phiền muộn của một đời sống thế tục, chứ không phải dành cho các vị đang sống trong tăng đoàn của Phật.  Và sau này tràng chuỗi cũng được cả giới tu sĩ sử dụng, điều này có lẽ nói lên được cái năng lượng nhiệm mầu của chúng, có một công năng làm an dịu những lo âu của tất cả mọi người, dù chúng ta là tu sĩ hay cư sĩ.  Trong một buổi phỏng vấn, khi được hỏi, ngay chính đức Đạt Lai Lạt Ma cũng công nhận rằng Ngài cũng còn rất dính mắc với lại xâu chuỗi của Ngài!

Người ta sẽ nói với bạn rằng, những tràng chuỗi của họ là dùng để cầu nguyện - để tiếp nhận một quyền năng cao lớn hơn, tập trung tâm ý, để tu tập tâm linh.  Lẽ dĩ nhiên đó là một sự thật ta không hề chối cãi, nhưng nó không phải là mục đích chánh của xâu chuỗi.  Tràng chuỗi là cho những lo âu của ta.  Chúng đáp ứng cho một nhu cầu rất cơ bản của con người, mà thật ra nó còn có mặt trước một ý thức về tôn giáo nữa, đó là những lo âu của mình.  Xâu chuỗi của Phật giáo công nhận điều ấy.  Nó là một phương tiện giúp ta đối diện với những nỗi lo lắng của mình, nó phối hợp giữa một đức tin vào một cái gì huyền bí với lại những hành động lặp lại, giúp ta mang lại một sự an tĩnh cho thân và tâm.  Sự khác biệt giữa xâu chuỗi của Phật giáo và những tràng chuỗi của Tây phương chỉ đơn giản là các ý nghĩa và biểu tượng về những tràng hạt của nó mà thôi.
Một xâu chuỗi của Phật giáo thường gồm có 108 hạt, mỗi hạt tượng trưng cho một vô minh, một phiền não mang lại khổ đau cho đời người.  Người ta thường hỏi tôi về con số 108 này, mặc dù sự tính toán hơi rắc rối một chút, nhưng với cái nhìn của Phật giáo thì nó hoàn toàn rất có ý nghĩa.  Có sáu loại phiền não sanh lên khi ta tiếp xúc với các giác quan của mình, như là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.  Và những phiền não này được tiếp nối nhau qua ba thời là quá khứ, hiện tại và tương lai, và như vậy là ta có con số 18.  Nhân nó lên với hai trạng thái tâm thức, thiện và bất thiện, và rồi ta lại nhân thêm với ba loại cảm thọ phát sinh khi ta có sự tiếp xúc là lạc, khổ và vô ký - 6 x 3 x 2 x 3 - ta sẽ có con số 108.  Thật ra còn có nhiều cách khác nhau để tính ra con số ấy, nhưng đa số đều gần giống như nhau. 
Đối với một người Phật tử thì vô minh, một cái thấy không sáng tỏ, chính là nguyên nhân gốc của phiền não.  Những lo âu về tiền bạc hay sức khoẻ, nếu ta nhìn cho kỹ, thì thật ra chúng rất là vô ích.  Trên cuộc đời này sẽ không bao giờ ta có đủ tiền bạc hết, và sức khoẻ thì chắc chắn cuối cùng rồi cũng sẽ suy giảm, cho dù ta có làm gì đi chăng nữa!  Thông điệp không lời của tràng chuỗi Phật giáo là, "Đừng lo âu về những sự việc, hãy lo về vấn đề tại sao ta lúc nào cũng lo âu, và giải quyết ngay tận gốc rễ của nó."  Xâu chuỗi tự chính nó cũng là một giáo pháp.
Cho dù ta có sử dụng tràng chuỗi cho bất cứ một việc tụng niệm nào đi chăng nữa, nó bao giờ cũng tàng chứa những bài pháp rất trọn vẹn.  Trước hết, trong truyền thống đạo Phật, tràng chuỗi được giữ gìn và tôn kính như là một quyển kinh hay là y áo của một tu sĩ.  Điều này cũng rất dễ hiểu, vì ta sử dụng những tràng hạt để niệm danh hiệu Phật hoặc các câu chú, thường được xem như là tinh yếu của các bài kinh.  Và kế đến, khác với xâu chuỗi mân côi của Thiên chúa giáo, tràng chuỗi trong đạo Phật còn cốt ý để ta mang vào người khi không sử dụng.  Vì vậy tràng chuỗi cũng còn được xem như là một nhắc nhở, chúng ta đang được phủ che bằng chiếc áo chân lý của một con đường giải thoát.  Và rồi trong mỗi tràng chuỗi đều có một "hạt đạo sư" (guru bead).  Một hạt to, có ba lỗ, ở cuối tràng chuỗi, "hạt đạo sư" này cũng tương đương với lại chiếc thánh giá trên xâu chuỗi mân côi.  Nó tượng trưng cho vị đạo sư - và giáo pháp - mà chúng ta cứ tiếp tục quay trở về sau mỗi vòng chuỗi.
Trong truyền thống Phật giáo Bắc tông, ở cuối những buổi lễ, người ta thường đọc Bốn Lời Nguyện của một người tu.  Trong đó, lời nguyện thứ hai là Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.  Đó là một sự mâu thuẫn tuyệt vời, một công việc mà ta không thể nào hoàn tất được.  Nhưng tràng chuỗi đã làm sáng tỏ thêm, nó giúp ta thấy và hiểu rõ được điểm này, vì tràng chuỗi cũng là một vòng tròn bất tận.  Khi ta lần một vòng chuỗi, nó đều bắt đầu và chấm dứt với hạt đạo sư.  Theo đúng luật thì ta không bao giờ lần ngang qua hạt đạo sư này.  Thay vì vậy, nếu ta muốn lần thêm một vòng chuỗi nữa, thì ta phải dừng lại nơi hạt đạo sư ấy, và xoay chuỗi đếm lần ngược trở lại, và cứ như vậy mà ta tiếp tục.  Với sự thực tập ấy, ta cũng sẽ khám phá ra rằng phiền não thật sự là vô tận.  Chúng ta đang có mặt trong một cõi giới đầy phiền não, muốn vượt qua chúng, ta chỉ có một cách duy nhất là thoát ra khỏi nó.  Và khi thực hiện được điều ấy rồi, ta sẽ nhập vào được chung với một cảnh giới của các chư Phật.
Một vấn đề khá đặc biệt trong phương pháp lần chuỗi là những hạt chuỗi ấy không bao giờ đưa ta đến nơi đó.  Khi vừa sắp đến cảnh giới của Phật thì chúng ta dừng lại và quay ngược trở về.  Hành động ấy tuy đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc.  Mặc dù đức Phật đã chứng đạt được cảnh giới của Niết bàn, chấm dứt hết tất cả mọi phiền não, nhưng Ngài vẫn sống một đời giác ngộ như một con người bình thường, sống an lạc và thong dong giữa mọi chúng sinh khác trong thế giới.  Đức Phật là một bậc Như lai, Tathagata, có nghĩa là "Người đã đến như thế," chứ không phải là "người đã đi như thế."
Người Phật tử không bao giờ chối bỏ, trốn tránh hay muốn thoát ra khỏi cuộc đời này.  Chúng ta được dạy làm sao để mình thật sự có mặt và sống an lạc chung với tất cả.  Theo thuật ngữ của nhà Phật thì sự an lạc đó cũng được gọi là Tathagata, Như lai.  Như lai là một bậc đã giác ngộ như vậy đó, như thế đó, chứ không phải như một sự mong cầu riêng tư nào đó.  Ta không bao giờ trốn chạy đi đến một nơi nào khác hết.  Những phiền não, lo âu của lúc ban đầu tự chính nó cũng là sự giác ngộ ở lúc ban cuối.  Phiền não tức bồ đề.  Vì không hiểu được điều này mà ta cứ miệt mài theo đuổi một ngôi vị nào đó, một sự chứng đắc nào đó, để rồi khi gần đến nơi, ta bị bắt phải quay trở lại về với nơi mình đã đến.  Và cũng như thế, chúng ta tiếp nhận Phật pháp qua từng mỗi hạt chuỗi mình lần qua tay.
Đó là những bài học mà tràng chuỗi đã dạy cho tôi.  Ngày nay, sau bao nhiêu năm tháng thực tập, tiếp nhận giáo pháp qua lòng bàn tay của mình, thỉnh thoảng tôi cũng nhận thấy được giáo pháp ấy trong người khác.  Có một bà cụ người Tây tạng là mẹ của một người bạn, bà xa quê hương và đang ở gần nơi tôi sống.  Đi đâu bà cũng cười thật tươi và có nhiều hạnh phúc.  Bà bị một cái bướu rất lớn nơi cổ, nó sưng thật to và lộ hẳn trên chiếc cổ áo Tây tạng truyền thống của bà.  Lúc nào bà cũng lần một sâu chuỗi trên tay, và bao giờ bà cũng mĩm cười.  Bà không nói được tiếng Anh, nhưng mỗi khi tôi nhìn tay bà lần đến phía cuối sâu chuỗi, bà vui vẽ xoay ngược lại, và lần tiếp trở lại theo chiều kia, tôi có cảm nhận rằng bà đang an trú trong thế giới của mình, và dường như là bà đang nói lên rất to cho tất cả nghe. Buddha. Dharma. Sangha.  Tất cả pháp tạng đều có mặt nơi đó.  Lúc nào bà cũng mang theo cạnh bên.  Và những khi không mang nó theo, bà đeo nó trên tay áo của mình.


Clark Strand
Nguyễn Duy Nhiên  phỏng dịch




Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...