Thiền Hành (Walking Meditation)


99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và chú tâm vào hơi thở, quán sát hoặc phân tích một đề mục. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác… Thiền tọa đòi hỏi tính kỷ luật rất cao và đôi khi phải nhẫn chịu những cơn đau nhức đến từ bàn chân, cẳng chân những cơn buồn ngủ có thể khiến người thực hành gục ngã.
Dù biết thiền hành (thiền đi) là một hình thức thiền phổ biến mà các Thầy Cô Làng Mai và các trường dạy Thiền tại Âu Mỹ áp dụng thường xuyên, cá nhân tôi chưa bao giờ nghiêm túc thử thực hành cho đến thời gian gần đây khi chương trình dạy Thiền của chúng tôi yêu cầu phải thực hành loại thiền này. Kinh nghiệm khá thú vị:
Ở những lần đầu tiên, tôi đã không thể đi chậm dù vị giáo thọ liên tục nhắc “walk slowly, slowly!” (Hãy đi thật chậm, thật chậm!) Khổ thay, khi đi thật chậm, tôi đã không thể giữ cơ thể vững chãi, tôi nghiêng bên này, ngả bên kia vì bị mất thăng bằng. Hãy hình dung khi đi, trên đỉnh đầu hành giả có một bát nước, và ta phải chú tâm vào từng bước đi để nước không bị trào ra khỏi bát. Những lần đầu thực hành của tôi là một sự tung tóe thảm hại.
Điều mà tôi học được từ thiền hành không chỉ là từng bước chân chậm rãi, thảnh thơi trong hơi thở chánh niệm và từ đó an lạc ùa về. Điều quan trọng mà tôi chợt nhận ra là nhịp sống của mình và của nhiều người quanh mình quá vội vã, quá gấp gáp. Chúng ta không có thói quen đi chậm và thậm chí không biết làm sao để đi thật chậm (đi thật chậm là bị ngã), ta luôn chạy, luôn lao đầu về phía trước, đến cho bằng được nơi mình muốn đến trong khi quên bẵng là mình đang đi, quên bẵng mình đang thở, quên mình đang sống.

Khi ta bước tới hoàn toàn trong chính niệm, nước sẽ thôi vung vãi. Điều này tưởng đơn giản nhưng không hề. Bạn hãy thử để tự kinh nghiệm.
Song song với thực hành thiền tọa, tôi bắt đầu đưa thiền hành với đời sống của mình. Mỗi ngày tôi dành 15 đến 20 phút để đi thật chậm, để thở và nhắc nhớ bản thân khi thiền hành mình chẳng đến nơi nào cả, đi chỉ để mà đi. Đích đến là Bây giờ và Ở đây. Ngoài ra, thiền hành giúp giải quyết một số khó khăn của thiền tọa, đó là hai chân không bị đau nhức, tê cứng khi ngồi quá lâu và không bị ngủ gục.
Giờ đây, khi thiền hành chúng tôi mỉm cười nhắc nhau đọc câu “mantra” của Thầy: “Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây”, các bạn tôi cũng hòa nhịp và đọc: “I am home, I have arrived, In the here, In the now” khi bước đi. Thật dễ chịu làm sao!
Tôi muốn kết bài chia sẻ của mình bằng câu chuyện mà vị vua nọ đã kể cho cậu chăn cừu Santiago (truyện Nhà Giả Kim): Con trai của 1 thương gia nọ muốn đi tìm một nhà thông thái để hỏi ông về bí quyết của hạnh phúc. Nhà thông thái đưa cho anh ta chiếc muỗng đựng 2 giọt dầu và bảo anh hãy đi tham quan cảnh vật xung quanh nhưng không được làm đổ 2 giọt dầu ra ngoài. Lần đầu tiên anh này đi nhưng không thể ngắm nhìn được cảnh vật vì lo 2 giọt dầu tràn ra ngoài. Lần thứ 2, anh ta thưởng thức được hết cảnh vật tuyệt đẹp nhưng lại làm đổ mất 2 giọt dầu. Nhà thông thái nói với anh ta: “Bí quyết của hạnh phúc là biết nhìn ngắm mọi thứ tuyệt mỹ trên thế gian này mà không hề quên 2 giọt dầu trên muỗng.”



Thiền Hành (Walking Meditation)

99% kinh nghiệm về thiền tập của tôi là thiền tọa (ngồi thiền), lưng thẳng như mũi tên, trong tư thế 7 điểm của đức Phật Tì Lô Giá Na và...