Đừng nên sợ khổ đau. Chỉ nên sợ một thứ duy nhất, đó là không biết cách
chuyển hóa khổ đau. Hóa giải nỗi đau cũng là một nghệ thuật. Nếu ta biết cách chịu đựng nỗi khổ thì khổ đau sẽ vơi bớt và ta không còn sợ hãi những nỗi quặn đau bên trong nữa. Năng lượng của chánh niệm sẽ giúp ta nhận biết,
chấp nhận và vỗ về sự hiện diện của nỗi đau, và chính điều này cũng đã mang đến chút khuây khỏa rồi.
Khi một cảm giác buồn đau khởi
phát, thường ta ráng sức đè nén nó. Chúng ta không thấy thoải mái khi khổ đau
xuất hiện và luôn muốn né tránh hoặc che dấu nó. Tuy nhiên, là những người thực
tập chánh niệm, hãy để nỗi đau đó hiện hữu để có thể nhận diện rõ
ràng nỗi đau và ôm nó vào lòng. Điều này sẽ mang lại cho ta sự chuyển hóa và khuây khỏa.
Việc đầu tiên phải làm là biết chấp nhận khổ đau. Khi nhận diện và chấp nhận những cảm xúc đau khổ phiền não như thế, ta sẽ bắt đầu cảm thấy bình yên hơn. Khi
hiểu rằng khổ đau cũng là thứ giúp con người trưởng thành hơn, ta sẽ bớt sợ hãi nó
hơn.
Khi
đối diện khổ đau, hãy mời gọi một nguồn năng lượng khác từ đáy sâu tâm thức: đó
chính là nguồn năng lượng của chánh niệm. Chánh niệm có khả năng an ủi vỗ về nỗi đau.
Chánh niệm sẽ nói rằng: Chào bạn, nỗi đau của tôi! Đây chính là thực
hành nhận diện khổ đau. Xin chào nỗi đau của tôi. Tôi biết bạn đang ở đây và
tôi sẽ chăm sóc an ủi bạn. Bạn không cần phải sợ hãi.
Giờ đây trong tâm thức của
ta có hai nguồn năng lượng: nguồn năng lượng của chánh niệm và nguồn năng lượng
của khổ đau. Công năng của chánh niệm đầu tiên là nhận biết và sau đó an ủi vỗ
về nỗi đau bằng sự dịu dàng và tình thương. Bạn hãy sử dụng hơi thở trong chánh
niệm để thực hiện điều này. Khi thở vào, bạn hãy thầm nói: Xin chào nỗi đau của tôi. Khi thở ra, bạn hãy nói: Tôi đang ở đây với bạn. Hơi thở của
chúng ta hàm chứa trong nó nguồn năng lượng của nỗi đau, vì vậy khi chúng ta
hít thở trong sự dịu dàng và từ ái, chúng ta cũng vỗ về an ủi nỗi đau bằng sự
dịu dàng và từ ái.
Khi đối diện khổ đau, bạn hãy có mặt ở đó với nó. Đừng nên bỏ chạy hay lẩn tránh nó. Chúng ta chỉ đơn giản nhận diện nỗi đau và vỗ về nó mà
thôi, cũng tựa như một bà mẹ âu yếm bồng ẵm đứa con thơ đang khóc trong
tay. Khi em bé được mẹ ôm ấp, nó cảm nhận được sự bình yên và lập tức bớt đau đớn
mặc dù người mẹ chưa biết chính xác đứa
con mình đang gặp trở ngại gì. Chỉ một việc người mẹ âu yếm vỗ về em nhỏ là
cũng giúp nó bớt đau rồi. Chúng ta không cần biết đau khổ sinh ra từ đâu. Chỉ
cần vỗ về nó, như vậy cũng đủ mang tới
sự an ủi nguôi ngoai rồi. Rổi khi nỗi đau dần lặng xuống, ta biết rằng mình sẽ vượt qua nó.
Khi quay về chính mình với
nguồn năng lượng của chánh niệm, ta không còn sợ hãi bị nguồn năng lượng của
khổ đau chi phối nữa. Chánh niệm cho ta sức mạnh để nhìn thấu bên trong, để
hiểu và thương.
Trích tác phẩm Nghệ
Thuật Sống, Thích Nhất Hạnh| Chân Như chuyển ngữ