Vì sao nên độ
lượng, vì sao nên từ bi? Vì về cơ bản người ta ai cũng muốn hạnh phúc và né
tránh khổ đau. Nếu ai đó có tổn thương hay hãm hại mình thì cũng do vô minh mà
ra. Bản thân họ cũng không mong muốn điều ấy. Khi giận giữ hoặc sân hận một người hãy nhắc mình rằng, bản thân đương sự ấy cũng chẳng muốn thế đâu, họ
cũng khổ như mình, tất cả đều khổ sở vật vã quay cuồng vì nghiệp chồng chất của cõi luân hồi này. Bởi vậy, họ đáng thương hơn là đáng giận. Khi ai đó căm hận oán ghét, ganh ghen với mình, cũng nên biết rằng họ khổ lắm, chẳng
sướng gì đâu. Vì sao? Vì sống trong sự căm thù, ganh ghét thì có gì vui? Họ bị
giằng xé bởi những cảm xúc dữ dội và thù hận mỗi ngày thì hạnh phúc ở đâu? Nghĩ như thế để từ
bi với họ, độ lượng với họ, chân tình với họ.
Nếu có bị cư
xử tệ bạc thì cũng biết rằng hôm nay ta bị đối xử như vậy là vì trong những kiếp
quá khứ, ta đã từng đối xử tệ bạc với người khác. Nếu đáp trả họ bằng thù hận
thì chẳng khác nào tiếp tục tạo thêm những ác nghiệp trong chuỗi nhân duyên chằng chịt, để rồi
về sau lại tiếp tục gánh nghiệp ở những kiếp vị lai. Chi bằng hãy mỉm cười độ
lượng và học cách tha thứ, cho qua để nhẹ bớt gánh nghiệp.
Muốn bay như chiếc lá thì phải nhẹ. Cứ xem mình nặng quá, quan trọng
quá thì không thể bay lên được, không thể vui hưởng đời sống nhẹ tênh, tự do
phóng khoáng như chiếc lá được.
Phán xét nhiều
thì không đủ thời gian để tha thứ và yêu thương.
Dù cuộc đời
có bất công cỡ nào, hãy luôn nhắc nhở mình tử tế và nhân ái với người khác. Luôn
giúp khi có thể giúp. “Being kind” là một phẩm chất vô cùng quan trọng. Tử tế với
người mình yêu thì dễ, nhưng tử tế với người dưng, với người mình hận thì khó
vô cùng. Tuy nhiên, vẫn phải cố gắng suy nghĩ độ lượng, hành xử nhân ái. Độ lượng
với những thiếu sót và lỗi lầm của mình, cười vào lỗi lầm của mình, ngồi im với
nó, làm bạn với nó, học cách bỏ qua và tha thứ cho bản thân. Chỉ khi chấp
nhận được sự bất toàn của bản thân và độ lượng với chính mình thì mới có thể thể chấp
nhận lỗi lầm của người khác và tha thứ cho người khác một cách dễ dàng.
Mỗi ngày,
hãy tập mỉm cười, tập cho đi nhiều hơn và tha thứ nhiều hơn.
Mỗi ngày
dành ra 10 phút suy nghiệm lại những gì mình đã nghĩ, đã làm trong ngày. Thấy
được những cái xấu xa, hèn hạ trong suy nghĩ và hành động không phải để dằn vặt,
giằng xé hay mạt sát bản thân. Chỉ cần nhận biết những điều xấu, điều ác, biết là
chúng xấu để rút kinh nghiệm và cố gắng không phạm phải lần sau. Cố gắng trung
thực với chính mình, đừng lấp liếm những suy nghĩ và hành động xấu xa, bất thiện.
Suy nghĩ, hành động nào còn thấp hèn, xấu xa, hãy nên biết thừa nhận để thay đổi và cố nhắc mình không tái phạm. Có vậy thôi! Sự kiểm nghiệm mỗi ngày như thế giúp hoàn thiện
con người và xây dựng một nhân cách ôn hòa, từ ái.