ĐỨC dALAI
LAMA XIV
Việt dịch: Chân Như.
Trích dẫn từ tác phẩm: Thực Hành Trí Tuệ: Sự Toàn Hảo trong tác
phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của Tịch Thiên - Đức Đại Lai Lạt Ma XIV.
Trong bộ luận lừng danh “Nhập Bồ Tát Hạnh”, thánh giả Tịch Thiên
đã từng dạy rằng hạnh phúc là kết quả tất yếu của tâm ái trọng an vui của chúng
sinh, trong khi mọi rắc rối, bi kịch và hiểm họa là tác hại của tâm vị kỷ ái ngã.
Cần phải luận bàn gì khi chiếu kiến những công hạnh của chư Phật, vốn luôn vì
lợi ích của chúng hữu tình, và thân phận của chúng ta trong tình trạng hiện
thời? Quý vị có thể dễ dàng tin phục điều này khi so sánh phẩm chất và trí tuệ
của chư Phật với những chướng ngại, khiếm khuyết của phàm phu thế tục. Khi so
sánh như thế, quý vị sẽ nhận thấy lợi ích và công đức có được từ tâm nguyện luôn
trân quý hạnh phúc của tha nhân và những lầm lạc, bất lợi khi nuông chiều tâm
vị kỷ ái ngã.
Thánh giả Tịch Thiên dạy rằng
ngã và tha vốn dĩ luôn mong cầu hạnh phúc và cầu thoát nạn khổ giống như nhau thì
hà cớ gì chúng ta chỉ mưu cầu lợi ích cho riêng mình bằng sự trả giá của kẻ
khác – thậm chí đến mức hoàn toàn lãng quên họ? Tôi cho rằng luận điểm này rất chính
xác. Cũng như bản thân chúng ta, các chúng hữu tình khác có cùng chung một sở
nguyện là đạt được hạnh phúc an vui và chối bỏ khổ đau hung hiểm. Cá nhân mỗi
chúng ta không thỏa nguyện với bất kỳ cấp độ hạnh phúc hỷ lạc nào cả và điều
này cũng đúng cho tất cả chúng hữu tình khác. Cũng như tôi, trên bình diện một
cá nhân, sở hữu quyền tự nhiên để hoàn mãn mong muốn cơ bản này và các chúng
sinh hữu tình khác cũng như thế. Nhận hiểu được sự bình đẳng cơ bản này là điều
hệ trọng.
Vậy sự khác biệt giữa ta
và người là gì? Cho dù mỗi cá nhân có quan trọng và quý giá đến đâu, chúng ta
cũng chỉ đề cập đến hạnh phúc của một người. Cho dù sự thống khổ của người đó
có nghiệt ngã đến mấy, chúng ta cũng vẫn chỉ đang nói đến lợi ích của một cá
nhân đơn lẻ. Ngược lại, khi bàn về hạnh phúc của những chúng sinh hữu tình
khác, chữ “khác” ở đây trỏ vào hằng
hà vô lượng chúng sinh. Đề cập đến chữ “khác” này, ngay cả khi bàn về một lượng khổ
đau ít ỏi song nếu cộng dồn tất cả lại, chúng ta để cập đến nỗi khổ đau của vô
lượng chúng sinh. Do vậy, nếu nhìn từ góc độ số lượng, hạnh phúc lợi lạc của
các chúng sinh hữu tình quan trọng hơn nhiều so với hạnh phúc của một cá nhân.
Ngay cả từ góc độ cá nhân
vị kỷ, nếu người khác có hạnh phúc viên mãn thì chính quý vị cũng thấy mình được
an vui. Ngược lại, nếu những kẻ khác luôn chìm đắm trong đau khổ triền miên thì
quý vị cũng sẽ cảm thấy phận mình buồn khổ. Lợi ích của tha nhân gắn bó mật
thiết với lợi ích cá nhân, điều này rất chân xác. Ngoài ra, theo kinh nghiệm riêng
của mỗi người, quý vị có thể quan sát thấy rằng càng bám dính mạnh mẽ vào bản
ngã – ái trọng tự ngã thì các chướng ngại tâm lý và cảm xúc càng phồng to.
Dĩ nhiên mưu cầu lợi ích cho bản thân rất đỗi quan trọng. Song, quý vị cần phải có cách tiếp cận thực tế hơn, tức là đừng xem trọng quá mức lợi ích của bản
thân mà nên dành thêm thời gian suy tư về hạnh phúc an vui của kẻ khác. Trên thực tế, tâm độ
lượng vị tha cũng như xem trọng tình cảm và hạnh phúc của chúng hữu tình khác là
một phương thức tiếp cận lành mạnh hơn nhiều trên đường tìm cầu lợi lạc hạnh
phúc cho bản thân. Nếu thực hành như thế, quý vị sẽ thấy có sự chuyển biến rõ
rệt, cảm nhận được một cảm giác thật an nhiên thoải mái. Quý vị sẽ không còn bị
những tình huống vụn vặt dễ dàng thao túng, suy tư rằng mọi thứ trên đời đều
phải có ăn thua đủ và rằng phải hành động cứ y như có ai đó đang hăm dọa uy
tín, bản sắc cá nhân hay sự sinh tồn của quý vị vậy. Ngoài ra, nếu quý vị chỉ chăm chăm nghĩ về
lợi ích cá nhân, chẳng đoái hoài gì đến hạnh phúc của kẻ khác, thì kể cả một
tình huống bé cỏn con cũng có thể làm quý vị bị tổn thương, khó chịu bực mình
rất nặng nề.
Về lâu dài, phát tâm từ bi
sẽ lợi ích cho cả ta và người. Ngược lại, làm tôi tớ cho tâm vị kỷ chỉ khiến
cho bất mãn, bực tức và phiền não mãi mãi hành hạ chúng ta cả đường ngắn lẫn về
lâu dài về sau. Chúng ta sẽ phung phí cơ hội tuyệt hảo mình đang có được – là
sinh ra trong thân người, được kiện toàn bởi trí tuệ tuyệt hảo của con người,
vốn có thể vận dụng cho những mục tiêu cao xa hơn. Vì vậy khả năng cân nhắc
những hậu quả ngắn và dài hạn rất mực hệ trọng. Có phương cách nào khiến cho sự
tồn tại của của thân người ý nghĩa hơn việc thiền quán về tâm Bồ đề - ngưỡng nguyện thành tựu giác ngộ viên mãn vì
lợi ích chúng sinh?
Phát Tâm Bồ Đề
Về phần mình, tôi chưa
dám nói bản thân đã chứng ngộ tâm Bồ đề. Tuy vậy, tôi có một ngưỡng nguyện sâu
sắc đối vối tâm Bồ đề. Tôi cảm thấy ngưỡng nguyện dành cho tâm Bồ đề chính là khối
tài sản của mình và là khởi nguồn của sự can trường dũng mãnh. Đây cũng chính
là nền tảng hạnh phúc của tôi. Tâm Bồ đề giúp tôi mang lại hạnh phúc cho tha
nhân và chính là yếu tố khiến tôi thấy mãn nguyện hài lòng. Tôi toàn tâm toàn ý
xác quyết sự thực hành tâm nguyện này. Dù khỏe mạnh hay đau yếu, dù tuổi già
hay ngay cả lúc đứng trước cửa tử, tôi sẽ luôn luôn giữ vững Bồ đề tâm nguyện. Tôi
luôn thấu triệt rằng mình phải giữ vững hạnh nguyện phát tâm Bồ đề sâu sắc. Phần
quý vị cũng vậy, tôi cũng kêu gọi mọi người càng gần gũi thân thiết với tâm Bồ
đề càng tốt. Nếu có thể, quý vị hãy nỗ lực phát triển tâm bi mẫn vị tha.
Sự chứng ngộ chân thực tâm Bồ đề đòi hỏi qua nhiều năm hành trì thiền quán.
Trong một số trường hợp, có khi mất cả nhiều kiếp để thành tựu sự chứng ngộ
này. Chỉ có trí tuệ nhận biết tâm Bồ đề là gì thì chưa đủ. Chỉ có sự cảm nhận
trực giác như “Nguyện tất cả chúng sinh
đều thành tựu giác ngộ” cũng chưa đủ. Đấy chưa phải là chứng ngộ tâm Bồ Đề. Nhưng
dù sao, tôi cho rằng đáng để thực hành, vì còn có cách tu tập giáo pháp nào
thâm diệu hơn thế? Tôn giả Tịch Thiên đã dạy rằng:
Tương tự thuốc tiên, hóa sắt thành vàng,
Nay thân ô nhiễm, nhờ tâm Bồ đề
Mà thành thân Phật, vô vàn trân quý.
Vậy hãy giữ chắc tâm Bồ đề này! (1)
Khi cạn nghĩ về tâm Bồ đề
thì tâm ấy dường như giản đơn, thậm chí chẳng hiển lộ vẻ gì thuyết phục cho
lắm. Ngược lại, các pháp quán tưởng mật thừa trên Mạn Đà La hoặc các vị Bổn Tôn
lại có gì đó bí ẩn và hấp dẫn chúng ta nhiều hơn. Song, khi quý vị thực sự dấn
thân vào đường tu thì tâm Bồ đề vô biên không bao giờ cạn kiệt. Những hiểm họa như thoái tâm, vỡ mộng không
bao giờ là kết quả của hành trì tâm Bồ đề, ngược lại trong các pháp quán tưởng
Bổn tôn, trì tụng mật chú v.v…có sự nguy hiểm của thoái tâm, thất vọng vì chúng
ta thường thâm nhập vào các pháp này với những kỳ vọng quá cao xa. Sau nhiều
năm, quý vị có thể nghĩ rằng: “Sao tôi đã hành trì pháp quán tưởng Du già Bổn
tôn và trì tụng tất cả các mật chú mà chẳng có gì biến chuyển rõ ràng; Tôi
chẳng chứng đạt được bất cứ kinh nghiệm màu nhiệm nào.” Kiểu thất vọng thoái
tâm như vậy không bao giờ xảy ra khi thực hành tâm Bồ đề.
Vì sự chứng ngộ tâm Bồ đề đòi hỏi một
thời gian dài tu tập hành trì nên khi chứng đạt được một kinh nghiệm nhỏ bé
nhất, quý vị cần phải xác quyết sự trưởng dưỡng tâm Bồ đề của mình bằng tâm
nguyện. Có thể thực hiện việc này qua sự chứng kiến của một vì Thầy hoặc trước
sự chứng kiến của chư Phật. Sự thực hành như thế sẽ giúp gia hộ năng lực phát
tâm Bồ đề của quý vị.
Chặng đầu của nghi thức này
nhằm phát Bồ đề tâm nguyện. Điều này có nghĩa là bằng cách khởi phát tâm nguyện
vị tha để chứng ngộ Phật quả vì lợi ích tất cả chúng hữu tình, quý vị thệ
nguyện sẽ không bao giờ rời bỏ hoặc thoái chuyển tâm này, không chỉ trong kiếp
hiện tiền mà là trong tất cả các kiếp về sau. Để giữ tâm nguyện này, chúng ta
sẽ phải tuân thủ một số giới luật. Chặng sau của nghi thức này là phát tâm thọ giới
Bồ Tát. Điều này chỉ nên thực hiện khi quý vị đã có sự chuẩn bị sẵn sàng sau
khi vượt qua chặng đầu.
Sau khi phát tâm nguyện
thực hành các hạnh của Bồ Tát, quý vị sẽ phát nguyện giữ giới Bồ Tát. Một khi
đã thọ giới Bồ tát, dù muốn hay không muốn, dù dễ chịu hay khó chịu, quý vị sẽ
phải cam kết giữ gìn giới này quý giá như chính sinh mạng của mình. Khi thọ giới
Bồ tát, quý vị phải có quyết tâm vững chắc như núi; quý vị đã cam kết rằng từ
nay về sau phải tuân thủ giới luật Bồ tát và sống đời sống theo hạnh Bồ tát.
Đương nhiên có một số độc giả hiện không theo
Phật pháp hoặc ngay cả những quý vị đang thực hành Phật pháp nhưng chưa cảm
thấy sẵn sàng thọ giới Bồ tát, đặc biệt là ở chặng thứ hai. Nếu quý vị còn phân
vân về việc phải tuân thủ giới Bồ tát thì tốt nhất là đừng phát nguyện thọ
giới. Quý vị vẫn có thể phát tâm Bồ đề và tâm nguyện mong tất cả chúng sinh đạt
được hạnh phúc, quý vị có thể nguyện đạt quả Phật viên mãn vì lợi ích tất cả
chúng sinh. Như vậy cũng đủ rồi. Quý vị sẽ tích tập công đức nhờ phát tâm Bồ đề
nhưng không cần phải tuân thủ giới luật. Ngoài ra việc này sẽ ít tai hại hơn
việc phá phạm giới luật. Vì thế nếu quý vị không thọ giới thì chỉ cần phát Bồ
đề tâm nguyện. Quý vị tự phán xét chính mình.
Với tâm nguyện giải thoát chúng sinh,
Cho đến khi viên mãn Bồ đề,
Con xin nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Cho đến khi viên mãn Bồ đề,
Con xin nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Con nguyện luôn tinh tấn,
Tu bồi từ bi và trí tuệ.
Vì lợi ích hữu tình,
Trước chư Phật chứng minh,
Con phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Tu bồi từ bi và trí tuệ.
Vì lợi ích hữu tình,
Trước chư Phật chứng minh,
Con phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Chừng nào không gian còn, chúng sinh còn,
Nguyện con còn ở lại,
Xua tan khổ nạn khắp thế gian.
Nguyện con còn ở lại,
Xua tan khổ nạn khắp thế gian.
(1): Theo bản dịch Nhập Bồ Đề Hành Luận của Ngài Tịch Thiên - Hồng Như chuyển ngữ